Venezuela gỡ khó trong vòng vây cấm vận
- 15 nước châu Mỹ cấm Tổng thống Venezuela đến gần biên giới
- Tổng thống Venezuela lệnh quân đội sẵn sàng chiến đấu
Tại thành phố Santiago de Cuba của Cuba, chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez Parrilla, với chủ đề tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai nước.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một số vấn đề quốc tế và khu vực, đồng thời nhất trí mở rộng hợp tác song phương về mọi mặt, thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và La Habana.
Hiện nay, Nga đang hỗ trợ Cuba mạnh mẽ trong kế hoạch phát triển theo tầm nhìn tới năm 2030, trong đó tập trung cải thiện mạng lưới đường sắt. Trao đổi thương mại hai bên trong năm 2019 cũng đã vượt 500 triệu USD.
Bên cạnh sự ủng hộ về kinh tế, việc tái khẳng định mối quan hệ truyền thống giữa hai nước cũng là động thái có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt chống lại đảo quốc Caribbe này. Sau Cuba, người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga đã đến Mexico, nước đứng đầu Khối cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, khu vực mà Nga muốn thúc đẩy hợp tác.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Caracas, ngày 7/2. |
Mục tiêu của các cuộc thảo luận với lãnh đạo quốc gia Bắc Mỹ tập trung vào hợp tác quân sự, một trong những lĩnh vực mà hai nước đã thiết lập mối quan hệ gần gũi lâu nay. Hiện lực lượng an ninh Mexico đang sử dụng đội trực thăng hùng hậu do Nga sản xuất.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, sau lần Mexico mua 50 trực thăng của Nga, một thỏa thuận cung cấp mới sẽ được xúc tiến sau khi nước này xem xét các đề xuất của công ty xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport.
Điểm đến cuối cùng lần này của Ngoại trưởng Nga là thủ đô Caracas của Venezuela và cũng được xem là chặng dừng chân quan trọng trong bối cảnh Nga và Mỹ đang đối đầu ảnh hưởng về vấn đề Venezuela. Hai ngày trước khi ông Lavrov đặt chân xuống Caracas, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo tạm giữ các máy bay của Hãng hàng không quốc gia Venezuela Conviasa.
Điều này có nghĩa là các máy bay của Conviasa không thể cất cánh nếu không có sự ủy quyền của OFAC - Cơ quan Quản lý các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Trong Thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ ngày 4/2, Tổng thống Trump tuyên bố "Mỹ đang dẫn dắt một liên minh ngoại giao gồm 59 quốc gia chống lại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro".
Ngày 5/2, khi tiếp lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido tại Nhà Trắng, ông Trump đã tiếp tục bày tỏ thái độ công khai ủng hộ và cam kết sẽ hành động nhiều hơn để gia tăng áp lực lên Tổng thống Nicolas Maduro. Phát biểu tại phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, ông Trump khẳng định với ông Guaido rằng, Chính phủ Mỹ sẽ có những "hành động mới" đến Venezuela trong vài tháng tới nhưng không nói rõ cụ thể là gì.
Được biết Mỹ đang cân nhắc có động thái mạnh hơn là trừng phạt Công ty dầu mỏ Nhà nước Nga - Rosneft để hạn chế triệt để khả năng kinh doanh của ngành dầu mỏ Venezuela.
Đáp trả hành động này, ngày 6/2, cảnh sát Venezuela đã bắt giam 6 cựu lãnh đạo công ty Mỹ Citgo đang bị quản thúc tại gia. 6 người bị bắt giam gồm cựu Chủ tịch Citgo Jose Pereira và các cựu Phó Chủ tịch Jose Luis Zambrano, Alirio Jose Zambrano, Jorge Toledo, Tomeu Vadell. Citgo có trụ sở tại Houston, Mỹ, là công ty con của công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).
6 lãnh đạo của công ty bị bắt hồi tháng 11/2017 sau khi được triệu tập dự cuộc họp tại văn phòng Caracas của PDVSA. Những người này bị buộc tội tham ô, rửa tiền và âm mưu rửa tiền. Ông Guaido nắm quyền quản lý Công ty Citgo, tài sản nước ngoài giá trị nhất của Caracas, hồi đầu năm nay sau khi Washington công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Tổng thống Maduro vẫn kiểm soát phần lớn chức năng nhà nước và hoạt động của PDVSA, dù công ty này đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu lúc đang ở thăm Mexico ngày 6/2, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, nỗ lực của Mỹ nhằm hạ bệ Tổng thống Venezuela Maduro là không hữu ích. Theo Ngoại trưởng Nga, các mối đe dọa của Mỹ đối với Venezuela chỉ phản tác dụng và không ai có thể giải quyết các vấn đề của Venezuela ngoài người dân nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tại Venezuela, ông Lavrov đã gặp ông Maduro cũng như Phó Tổng thống Deley Rodriguez và Ngoại trưởng Jorge Arreaza để thảo luận về các quan hệ hợp tác rộng rãi về năng lượng, hầm mỏ, giao thông, nông nghiệp và quốc phòng.
Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Maduro, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng chỉ trích những lệnh trừng phạt mà Mỹ đang nhằm vào Venezuela. Theo ông Sergei Lavrov, các lệnh trừng phạt của Mỹ là không thể chấp nhận được và đã đi ngược lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Nga tuyên bố, Moscow sẵn sàng hỗ trợ Caracas.
Venezuela đã phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt và sự cô lập ngoại giao của Mỹ kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị từ đầu năm ngoái.
Chính phủ Venezuela lên án các biện pháp trừng phạt trong 2 năm qua đã khiến nước này không thể thực hiện các giao dịch quốc tế để mua hàng hóa và nguyên liệu cần thiết phục vụ đời sống của người dân. Trong bối cảnh này, sự hỗ trợ từ Nga có thể là cơ sở để ông Maduro quyết định thúc đẩy sản xuất dầu và khôi phục tăng trưởng kinh tế khi Venezuela rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nhiều năm nay và cuộc di cư ồ ạt của người dân nước này.
Chuyến thăm 3 nước Mỹ Latinh của Ngoại trưởng Nga được thực hiện ngay sau chuyến công du của Ngoại trưởng giao Mỹ Mike Pompeo tới thăm 4 nước Liên Xô cũ: Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Uzbekistan, một khu vực “sân sau của Nga”. Nó được xem là hành động đáp trả tương ứng với hành động trên của Ngoại trưởng Pompeo.