Venezuela nỗ lực tự giải cứu
- Phe đối lập Venezuela miễn cưỡng đến Na Uy hòa đàm với chính phủ
- Venezuela duyệt binh hoành tráng mừng Quốc khánh
- Tổng thống Venezuela muốn đàm phán, phe đối lập vẫn lưỡng lự
Đầu năm nay, chính quyền Mỹ đã cô lập khỏi hệ thống tài chính Mỹ công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, PDVSA. Nhưng kể từ đó, Công ty Cubametales của Cuba vẫn tiếp tục trao đổi với PDVSA, Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ đóng băng tài sản của Công ty Cubametales tại Hoa Kỳ và cấm bất kỳ công ty hay cá nhân nào của Mỹ kinh doanh với họ. Kể từ đầu năm đến nay, chính quyền Tổng thống Trump đã gia tăng trừng phạt kinh tế đối với Cuba vì cáo buộc chính quyền La Habana ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro.
Trước đó vài ngày, một cựu Bộ trưởng Điện lực của Venezuela và một cựu giới chức khác trong Bộ này cũng bị Mỹ áp chế tài vì tham nhũng và bị cáo buộc về vai trò của họ trong các vụ hối lộ riêng rẽ. Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 27-6 cho biết hai giới chức bị liệt kê chế tài là Luis Motta Dominguez và Eustiquio Jose Lugo Gomez.
Ông Motta bị Tổng thống Venezuela Maduro, sa thải hồi tháng 4-2019 sau một loạt vụ cúp điện trên diện rộng. “Thay vì dùng vị trí chính thức của mình để phục vụ người dân Venezuela, ông Motta và Lugo tự làm giàu cho mình một cách bất hợp pháp và góp phần vào cuộc khủng hoảng điện”, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thông báo.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay Motta và Lugo bị truy tố ở Florida ngày 27-6 với tội danh về âm mưu rửa tiền và 7 tội danh về rửa tiền. Theo cáo trạng, hai người này nhận hối lộ để cho 3 công ty có trụ sở tại Florida trúng các hợp đồng trị giá hơn 60 triệu đô la. Hai doanh nghiệp, một ở Venezuela và một có trụ sở tại Miami, Florida, đầu tuần này đã nhận có tội liên quan đến vụ hối lộ. Trong 10 năm qua, Mỹ đã đưa vào danh sách đen hơn 150 giới chức và doanh nghiệp Venezuela với các lý do từ tham gia buôn lậu ma túy đến tham nhũng hay vi phạm nhân quyền.
Chính quyền Caracas đang chống cự quyết liệt trước các sức ép không ngừng nghỉ của Mỹ. Ngày 26-6, Chính phủ Venezuela thông báo ngăn chặn một âm mưu “đảo chính quân sự”. Theo lời Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez, nhóm quân nhân tham gia âm mưu đảo chính dự trù ám sát Tổng thống Nicolas Maduro và được sự yểm trợ của Mỹâ, Colombia và Chile.
Ông Jorge Rodriguez cho biết, cuộc đảo chính được ngăn chặn là nhờ các nhân viên tình báo đã được cài vào nhóm quân nhân âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Rodriguez nói rằng các quân nhân này dự định ra tay hành động vào ngày 22 và 23-6, đánh chiếm một căn cứ quân sự lớn ở Caracas, trụ sở Ngân hàng Trung ương và dinh tổng thống, để đưa cựu Bộ trưởng Quốc phòng đang bị giam Raul Baduel lên làm tổng thống.
Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez thông báo chặn đứng một âm mưu đảo chính, ngày 26-6. |
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Nicolas đang đẩy nhanh tiến trình hòa giải dân tộc. Ngày 3-7, phát biểu trên truyền hình nhà nước Venezuela, Tổng thống Maduro tuyên bố: "Tôi chắc chắn rằng trong năm 2019, chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận tuyệt vời dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, nền tảng hòa bình, đối thoại và dân chủ cho Venezuela".
"Tôi muốn khẳng định chính quyền Caracas sẵn sàng đối thoại với phe đối lập ở Na Uy nhằm tạo ra cơ chế lâu dài cho các cuộc đàm phán cũng như tìm kiếm giải pháp. Đây là mục tiêu chính và tôi có thể nói rằng quá trình này đang diễn ra một cách tốt đẹp", ông Maduro nói thêm.
Trước đó, chính quyền Maduro và phe đối lập đã tổ chức vài vòng đàm phán tại Na Uy nhưng chưa đạt được thỏa thuận do nhiều bất đồng chưa thể khỏa lấp. Phe đối lập được cho là yêu cầu Tổng thống Maduro phải từ chức trong bất cứ phương án chính trị nào cho Venezuela.
Ngoài ra, Caracas cũng đang tiến hành các giải pháp ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng với các đồng minh phương Tây của Mỹ. Ngày 1-7, chính phủ của Tổng thống Maduro thông báo rằng Đại sứ Đức Daniel Kriener, bị trục xuất khỏi Caracas vào đầu tháng 3-2019, đã trở lại Venezuela. Quyết định cho phép Đại sứ Kriener trở lại Caracas được đưa ra sau các cuộc tiếp xúc giữa giới chức hai nước với cam kết thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
"Một quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp song phương ở Berlin ngày 1-7”, Bộ ngoại giao Venezuela cho biết trong một tuyên bố. Sau cuộc gặp trên, Tổng thống Maduro đã quyết định rằng Đại sứ Daniel Kriener được phép trở lại Caracas.
Đại sứ Kriener bị trục xuất do công khai ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido. Ông này cùng một số đại sứ khác của phương Tây và Mỹ Latinh đã ra tận sân bay để đón thủ lĩnh Juan Guaido sau chuyến "công du" Colombia, Argentina về Caracas.
Ông Juan Guaido khi đó cần phải được đón bởi các đại sứ vì thời điểm đầu tháng 3-2019 khi đó, phe đối lập vừa thất bại trong việc tìm cách đưa các xe tải hàng viện trợ của Mỹ vào biên giới. Đồng thời màn kịch dàn dựng đốt xe viện trợ cũng bị phanh phui bởi các phóng viên tự do.
Chưa dừng ở đó, ông Juan Guaido đối mặt với hàng loạt cáo buộc về tội tự ý rời khỏi nơi cư trú và phản quốc. Nếu không có sự xuất hiện bảo vệ của các đại sứ cùng khoảng vài nghìn người dân ủng hộ, giới quan sát cho rằng rất có thể ông Juan Guaido đã bị lực lượng chức năng Venezuela bắt giữ từ thời điểm đó.
Như vậy, Đức là quốc gia tiếp theo từng công khai ủng hộ ông Juan Guaido nay đã quay trở lại bình thường hóa quan hệ với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Trước đó là các quốc gia gồm Brazil, Argentina vào tháng 5-2019. Hai nước này đã bị Venezuela đóng cửa biên giới và chấm dứt các hoạt động ngoại giao vì những hành động ủng hộ phe đối lập và yêu cầu loại bỏ Tổng thống Maduro.
Hồi đầu tháng 6-2019, Tổng thống Maduro cũng tuyên bố mở cửa biên giới với Colombia. Việc nối lại quan hệ ngoại giao với một số nước chống Venezuela và tiếp tục nỗ lực hòa giải dân tộc cũng như dập tắt các âm mưu đảo chính, Tổng thống Maduro đang dần đưa Venezuela trở lại ổn định bất chấp Mỹ vẫn không ngừng gây sức ép.