Venezuela quyết phá vòng phong tỏa

Thứ Hai, 26/08/2019, 19:13
Ngày 20-8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro xác nhận thông tin các quan chức đại diện cho chính phủ nước này đã có các cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ từ vài tháng qua nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng giữa Washington và Caracas.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay chính phủ của ông đang tiến hành các cuộc đối thoại với các quan chức cấp cao nhất của Venezuela. Rất có thể sẽ có những thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ-Venezuela trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội lập hiến Venezuela Diosdado Cabello (bên phải) là cánh tay đắc lực của Tổng thống Maduro. Ảnh: Al Jazeera.

Mỹ đã sai lầm về Venezuela?

Tổng thống Maduro khẳng định lập trường và chính nghĩa của mình, Venezuela luôn sẵn sàng để đối thoại và giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự muốn đàm phán và đưa ra kế hoạch để xử lý và giải quyết các căng thẳng song phương.

Nhà lãnh đạo Venezuela đưa ra xác nhận trên sau khi Tổng thống Trump trước đó cùng ngày đã tiết lộ về việc chính phủ của ông đang tiến hành các cuộc đối thoại với các quan chức cấp cao nhất của Venezuela.

Hãng thông tấn AP của Mỹ dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay Chính phủ Mỹ đã có cuộc tiếp xúc bí mật với Chủ tịch Quốc hội lập hiến Venezuela Diosdado Cabello, nhân vật được xem là có quyền lực thứ hai của chính quyền Venezuela sau Tổng thống Nicolas Maduro, từ cách đây 1 tháng và thậm chí hai bên đang sắp xếp cho cuộc tiếp xúc lần 2.

Không tiết lộ nội dung về các cuộc gặp, tuy nhiên, ông Diosdado Cabello, hiện cũng đang là Phó Chủ tịch thứ nhất đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV), gần đây khẳng định chính quyền Mỹ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng Venezuela sẽ đầu hàng, đồng thời cho rằng những biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ chỉ làm cho người dân Venezuela đoàn kết hơn trước những âm mưu phá hoại đất nước.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, khi được hỏi về các thông tin liên quan đến việc Nhà Trắng tiếp cận Chủ tịch Quốc hội lập hiến Venezuela Diosdado Cabello, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và đang thảo luận với một số đại diện của Venezuela”.

Theo các nhà phân tích, việc thay đổi thái độ của Mỹ trong thời gian gần đây rất khó hiểu. Cùng lúc mở các kênh đối thoại nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Venezuela để buộc Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực, mà trong đó mới nhất là việc phong tỏa toàn bộ tài sản của Chính phủ Venezuela tại Mỹ và cấm toàn bộ giao dịch liên quan của Caracas, trừ những trường hợp ngoại lệ.

Chính phủ Venezuela đã tố cáo lên các tổ chức quốc tế, đồng thời phát động một chiến dịch toàn cầu phản đối sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ đã thông qua. Chính phủ Venezuela cũng đã triển khai chương trình thu thập 13 triệu chữ ký phản đối trong nước trong một kiến nghị sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ngày 10-9 tới tại kỳ họp thứ 74 của tổ chức này.

Phe đối lập đang suy yếu

Sau khi liên tục xuất hiện thông tin liên quan tới các cuộc tiếp xúc bí mật giữa quan chức cấp cao của Mỹ và Venezuela, các lực lượng đối lập tại Venezuela - một thành phần hết sức quan trọng trên bàn cờ chính trị nhưng lại không được cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro đề cập tới trong các phát biểu của mình đã có phản ứng. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã xảy ra đối với Juan Guaido, người được Mỹ và hơn 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela và vai trò của ông ta trong các cuộc đàm phán này như thế nào?

Trong khi đó, về phần mình, thủ lĩnh đối lập Guaido không đề cập trực tiếp tới các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Venezuela, song khẳng định từ nhiều tháng qua ông đã thúc đẩy quá trình chuyển tiếp một cách hòa bình với chính quyền Venezuela. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Guaido cho biết “sẽ không ngừng các nỗ lực” để đạt được mục tiêu đề ra.

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro đã thừa nhận về cuộc gặp gỡ bí mật với phía Mỹ, ông cũng tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Trump để bình thường hóa quan hệ song phương nếu Washington thực sự muốn điều đó.

Trong khi đó, ngày 21-8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết nội dung duy nhất trong cuộc đối thoại giữa Nhà Trắng và các quan chức cấp cao Venezuela vừa qua chính là “sự rời bỏ quyền lực của ông Maduro và việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng”.

Giới quan sát cho rằng bất kỳ sự liên lạc nào giữa Mỹ và Venezuela đều là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, bản chất thực sự của các cuộc đối thoại và khả năng đạt được một điều gì đó giữa hai bên mới là vấn đề đáng bàn và cần xem xét một cách kỹ lưỡng hơn. John Polga-Hecimovich, chuyên gia khoa học chính trị tại Học viện Hải quân Mỹ, cho biết đến nay vẫn không rõ thủ lĩnh đối lập Venezuela, ông Guaido có liên quan thế nào tới cuộc tiếp xúc bí mật này.

Nếu cuộc đối thoại là một hoạt động đơn phương giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Maduro thì sẽ là một chỉ dấu cho thấy vai trò của phe đối lập có vẻ đang suy yếu và là minh chứng về sự hạn chế của phe đối lập.

Người dân Venezuela ủng hộ chính sách phá vây của Chính phủ. Ảnh: Aljazeera.

Kiên trì chống lại cuộc bao vây kinh tế của Mỹ

Theo mạng tin Infobae, với việc ký sắc lệnh hành pháp nhằm phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela trên lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nâng mức độ trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Nam Mỹ này lên một bậc mới, nhằm “bóp nghẹt” các hoạt động tài chính của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, buộc nhà lãnh đạo này phải rời bỏ quyền lực.

Các lệnh trừng phạt quy mô lớn của Mỹ nhằm mục tiêu lật đổ chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro có thể giáng thêm một đòn mạnh nữa vào nền kinh tế vốn đã chìm trong vòng xoáy lạm phát đến 6 con số, bởi nó sẽ khiến các nhà đầu tư còn lại cảm thấy hoang mang. Các biện pháp trừng phạt mới không nhắm vào lĩnh vực tư của Venezuela, song viễn cảnh bị Mỹ trừng phạt do tham gia vào các giao dịch có dính líu đến chính quyền Maduro có thể được coi là một biện pháp răn đe.

Các lệnh trừng phạt mới tương tự như các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng với các nước như CHDCND Triều Tiên, Iran và Cuba, song vẫn có khác biệt về quy mô. Francisco Rodriguez, nhà kinh tế trưởng thuộc hãng tư vấn Torino Capital tại New York, cùng nhiều nhà phân tích khác cho biết họ không coi các biện pháp trừng phạt này là một lệnh cấm vận do chúng chỉ nhắm vào chính phủ mà không phải là toàn bộ ngành thương mại.

Tuy nhiên, chuyên gia Rodriguez nói thêm rằng các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ dẫu sao cũng tạo nên một “sự cấm vận dầu mỏ” do chúng nhắm vào Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, vốn kiểm soát tất cả các giao dịch.

Tác động lớn nhất có thể sẽ đến từ “các lệnh trừng phạt thứ cấp” với sức ảnh hưởng tàn phá đối với nền kinh tế Venezuela. Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện có thể trừng phạt các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ ông Maduro bằng cách cấm hoạt động tại Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đã đưa ra cảnh báo cứng rắn: “Làm ăn với Chính phủ Venezuela thì sẽ bị cấm khỏi Mỹ. Hãy tính toán thật cẩn trọng!”.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ mà chính quyền Donald Trump sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới này với các bên thứ ba ở nước ngoài. Jeffrey Schott - một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, người chuyên nghiên cứu về các lệnh trừng phạt - cho rằng gánh nặng sẽ đè lên các công ty tư nhân khi họ phải đảm bảo các giao dịch của họ không vi phạm trừng phạt và do quy mô rộng lớn của nhà nước Venezuela, rất khó để nhiều doanh nghiệp làm việc mà hoàn toàn không liên quan gì đến vốn nhà nước.

Không dễ bóp nghẹt nền kinh tế Venezuela

Nhiều nghiên cứu cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế nhiều nhất chỉ có thể hiệu quả trong 1/3 trường hợp mà trong đó chúng được áp dụng nhằm đạt được các mục tiêu chính trị. Một thống kê thường được đưa ra minh họa về 115 trường hợp từ năm 1914 đến năm 1990 cho thấy chỉ có 40 trường hợp trong số đó được cho là thành công. Các phân tích sau đó thậm chí còn phản đối kết luận trên và khẳng định rằng tỷ lệ hiệu quả còn thấp hơn nữa.

Để biện hộ cho các lệnh trừng phạt này, ông Bolton nói: “Nó từng phát huy hiệu quả ở Panama, ở Nicaragua và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả ở đó, đồng thời sẽ có hiệu quả ở Venezuela và Cuba”. Tuy nhiên, các ví dụ này đều không thuyết phục. Các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nicaragua nhằm lật đổ chính phủ Sandinista vào những năm 1980 đã giáng một đòn khủng khiếp vào nền kinh tế mà một số người cho là đã gây ra sự thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử.

Nhưng nhà độc tài Panama Manuel Noriega cũng chỉ bị lật đổ khi Tổng thống Mỹ George Bush điều quân lính đến. Tương tự như vậy, Cuba vẫn vững vàng sau các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chuyên gia Rodriguez cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không thể "hất" ông Maduro ra khỏi vị trí tổng thống.

Năm 2015, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội Mỹ đình chỉ phong tỏa thương mại đối với Cuba và tuyên bố trong thông điệp thường niên rằng “chính sách này từ lâu đã hết hiệu lực” - đó là sự ngầm thừa nhận thất bại của chiến lược này. Trong một báo cáo gần đây về tình hình ở Venezuela, Ủy viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đánh giá các biện pháp trừng phạt của Mỹ là thiếu hiệu quả.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho biết, nước này đang sử dụng tất cả mọi cách hợp pháp có thể để đối mặt với những hậu quả của cuộc bao vây cấm vận tàn bạo mà Mỹ áp đặt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng phải tố cáo các biện pháp đơn phương của Washington lên các tổ chức quốc tế, chính trị, thương mại và tư pháp từ góc độ luật pháp quốc tế.

Về khả năng kháng cự của Venezuela trước các đòn tấn công kinh tế của Nhà Trắng, ông Arreaza khẳng định liên minh với các cường quốc mới nổi đóng một vai trò quan trọng bởi từ đó sẽ tạo ra những thị trường và cơ chế trao đổi nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Ngoại trưởng Venezuela nhấn mạnh, nước này sẽ luôn đáp trả bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình và trong khuôn khổ luật pháp quốc tế trước sự thù địch của Washington.

Ngoại trưởng Arreaza cũng cho biết Caracas sẽ nối lại đối thoại với phe đối lập nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế hiện này dựa trên một “cơ chế được suy tính lại”. Ngoại trưởng Arreaza cho biết Chính phủ Venezuela đang thúc đẩy những thay đổi trong cơ chế đối thoại trước khi quay lại bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh cơ chế mới này phải “đảm bảo hòa bình, sự chung sống giữa tất cả những người Venezuela” bởi cơ chế đàm phán trước đó tại Barbados “đã dẫn tới kết quả là cuộc bao vây, sự công kích và những âm mưu, ý định đảo chính liên tiếp”.

Chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục kháng cự một cách kiên cường trước những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ. Giáo sư Domingo Alberto Sifontes thuộc Đại học Kinh tế Carabobo cho rằng luôn có những cơ chế để lách các lệnh trừng phạt. Đến nay, Chính phủ Venezuela cũng đã chứng minh rằng họ vẫn có thể thúc đẩy giao thương với nhiều đối tác trên thế giới bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Còn nhớ khi Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí, khiến Venezuela mất đi những thị trường quan trọng thì ngay lập tức xuất hiện Ấn Độ như là một khách hàng thay thế Mỹ (cho dù sau đó nước này buộc phải dừng làm ăn với PDVSA do những đe dọa trả đũa của Mỹ). Nhưng, vẫn còn nhiều đối tác vẫn sẵn sàng tiếp tục làm ăn với Caracas như Nga, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Sifontes khẳng định rằng kinh nghiệm lịch sử cho thấy không hẳn các biện pháp trừng phạt sẽ là cách tốt nhất để loại bỏ được một chính quyền mà không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Dường như Washington đang muốn bóp nghẹt chính quyền Tổng thống Maduro càng sớm càng tốt nhưng vấn đề là những biện pháp trừng phạt sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người dân Venezuela. Đã có nhiều tiền lệ tương tự chứng minh điều này.

Ngoài ra, biện pháp trừng phạt này có thể sẽ là một ngòi nổ đối với tiến trình đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela đang diễn ra ở Caracas. Cho dù Chính phủ Venezuela muốn sử dụng bàn đối thoại để dập tắt khủng hoảng trong nước, song việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể khiến mọi việc đổ vỡ với lý do Mỹ không mặn mà gì với cuộc đàm phán này mà chỉ mong thiết lập một liên minh phù hợp với lợi ích của họ nhằm buộc Tổng thống Maduro phải ra đi.

Hoa Huyền
.
.