Venezuela rời khỏi OAS: Giọt nước tràn ly
- Venezuela khủng hoảng chồng chất
- Tòa án tối cao Venezuela tố Quốc hội vi hiến
- Venezuela khủng hoảng toàn diện
Như vậy, Venezuela - một thành viên sáng lập OAS - sắp chính thức trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi OAS kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1948.
OAS đã can thiệp làm suy yếu nền độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết Venezuela
Trước đó hai ngày, ngày 25-4, Venezuela đã ra “tối hậu thư” với OAS rằng: Nếu OAS vẫn giữ ý định tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào ngày 26-4 để xem xét dự thảo nghị quyết về việc triệu tập cuộc họp tham vấn các Ngoại trưởng về tình hình Venezuela, tức là nhóm họp để bàn về các vấn đề mang tính nội bộ tại Venezuela, mà không được nước này đồng ý, Venezuela coi đó là vi phạm chủ quyền và sẽ rời khỏi tổ chức này.
Bất chấp cảnh báo của Venezuela, ngày 26-4, 19 trong tổng số 35 quốc gia OAS đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng để can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thành viên. Caracas cho rằng đây chính là "giọt nước làm tràn ly" vì hành động này vi phạm nguyên tắc của khối.
Cũng ngay tại thời điểm này, phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Delcy Rodriguez cho biết bà đã nhận được chỉ thị từ Tổng thống Nicolas Maduro yêu cầu khởi động tiến trình rời OAS. Ngày 27-4, Venezuela đã gửi thư tới OAS thông báo rời khỏi tổ chức này và sẽ bắt đầu tiến trình kéo dài 24 tháng. Ngoại trưởng Rodriguez cho biết, theo chỉ thị của Tổng thống Nicolas Maduro, Venezuela sẽ không tham gia các sự kiện trong tương lai của OAS.
Venezuela cũng kêu gọi Tổ chức Cộng đồng Các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC) thảo luận những diễn biến mà Ngoại trưởng Rodriguez cho là "mối đe dọa chống lại trật tự hiến pháp ở Venezuela cũng như các hành động can thiệp làm suy yếu nền độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết" của nước này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Venezuela cho biết Chính phủ Venezuela sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại với phe đối lập cánh hữu nhằm giải quyết các vấn đề của nước này cũng như sẽ tham gia cuộc họp ngoại trưởng khẩn cấp của CELAC, dự kiến diễn ra ngày 2/5 tới tại El Salvador.
Hội nghị của OAS được tổ chức hôm 26-4. Ảnh: Latin American Herald Tribune. |
Nhiều quốc gia ủng hộ quyết định của Venezuela
Quyết định của Venezuela đã gây ra phản ứng trái chiều của nhiều nước trong khu vực. Cuba đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định trên của Venezuela. Nhật báo Granma dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định "Cuba cam kết sát cánh cùng Venezuela và Tổng thống Nicolas Maduro" trong việc rời khỏi OAS.
Tuyên bố nêu rõ "đây là thời điểm nhận ra rằng OAS không còn phù hợp với các nhu cầu cấp thiết nhất của các nước Mỹ Latinh và Caribe. Tổ chức này không đủ khả năng đại diện cho giá trị và lợi ích của những nước này".
Tuyên bố của Venezuela còn nhận được sự ủng hộ và đoàn kết của các nước thành viên thuộc Hội đồng Chính trị khối Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA). Các nước ALBA đã bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ đối với Venezuela, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với những diễn biến chính trị phức tạp do cánh hữu gây ra.
Trong tuyên bố chung mới được đưa ra, ngoại trưởng các nước thành viên ALBA đã bác bỏ những hành động công kích và lôi kéo chống lại Venezuela, cũng như những thông tin sai sự thật được thêu dệt nhằm đe dọa chủ quyền, nền độc lập và sự ổn định của quốc gia Nam Mỹ này. ALBA cũng cáo buộc OAS và Tổng Thư ký OAS Luis Almagro đã dẫn đầu "một chiến dịch" chống Caracas.
Tuyên bố của ALBA nêu rõ: "Chúng tôi lên án sự can thiệp bất hợp pháp của Tổng Thư ký OAS, cũng như nỗ lực của ông Almagro nhằm cản trở việc thực thi chủ quyền của Venezuela trong việc thực hành dân chủ, vốn được Hiến pháp Venezuela bảo vệ, và phù hợp với Hiến chương của Liên Hiệp Quốc".
Các nghị sĩ thuộc đảng Phong trào xã hội chủ nghĩa Bolivia (MAS) cầm quyền cũng bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Venezuela.
Trong khi đó, tại Argentina và Colombia nhiều tổ chức xã hội đã tập trung trước trụ sở Đại sứ quán Venezuela tại Buenos Aires và Bogota để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc Cách mạng Bolivar, do cố Tổng thống Hugo Chávez khởi xướng, cũng như tình đoàn kết với Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.
Trước thời điểm chính thức đưa ra tuyên bố rời khỏi OAS vài ngày, Ngoại trưởng Delcy Rodríguez đã chỉ trích nhóm 11 nước Mỹ Latinh, trong đó có Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Paraguay, Peru và Uruguay can thiệp vào công việc nội bộ Venezuela. Ngoại trưởng Delcy Rodríguez nêu rõ chính phủ các nước này áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong chính sách với chính phủ hiện tại ở Venezuela.
Tuyên bố của bà Rodríguez khi đó được cho là nhằm trực tiếp vào việc các quốc gia trên “can thiệp vào công việc nội bộ” chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Chính Tổng thống Maduro cũng tố cáo OAS đã tiến hành “đảo chính” ngay trong khối khi tiến hành cuộc họp bất hợp pháp của Hội đồng Thường trực với âm mưu chống phá nước này.
Cách đây 5 năm, khi còn đứng đầu ngành ngoại giao Uruguay, ông Almagro từng đưa ra những phát biểu tại Liên Hiệp Quốc rằng “mọi ý đồ nhằm phá vỡ toàn bộ hay một phần đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước là hoàn toàn không tương thích với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, hay “chúng ta có thể cống hiến cho sự quảng bá nền dân chủ tại mỗi quốc gia trong hệ thống (Liên Hiệp Quốc), nhưng sẽ là rất tồi tệ nếu hệ thống nói chung vận hành theo luật của kẻ mạnh”...
Tuy nhiên, với những hành động trên cương vị người điều hành OAS, ông Almagro đã tự “tước đi” những giá trị mà ông bảo vệ trước đó, cũng như uy tín cá nhân của bản thân ông đã tạo dựng được. Rõ ràng, với Venezuela, ông Almagro và OAS giờ chỉ là quá khứ.