Venezuela vững vàng trước các cuộc tấn công
Theo ông Maduro, vụ tấn công này xảy ra vào ngày 30-10. Trước đó, ông đã thông báo về một cuộc tấn công được thực hiện ngày 27-10 nhằm vào Amuay, nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela nằm ở phía Tây Bắc của đất nước. Theo cách nói của ông, cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạng nặng đã phá hủy một tòa tháp được làm bằng thép có độ dày như vỏ xe tăng. Không nêu rõ hậu quả đối với việc sản xuất dầu cũng như vũ khí nào đã được sử dụng, ông Maduro khẳng định rằng “cuộc tấn công” đã được thực hiện bởi “các nhóm khủng bố của Juan Guaido”, thủ lĩnh của phe đối lập Venezuela được gần 60 quốc gia công nhận là tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ này.
Phản ứng trước những tuyên bố này, ông Guaido đảm bảo rằng “Điều đã phá hủy Amuay và các nhà máy lọc dầu là sự tham nhũng”. Theo phe đối lập, có một vụ nổ ở Amuay nhưng đối với dân biểu Luis Stefanelli, đó có thể là do “rò rỉ axit flohydric” chứ không phải “một cuộc tấn công”.
Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami cho biết nước này đã chỉ định một ủy ban điều tra kỹ thuật để xác định điểm xuất phát của vụ tấn công. Kết quả sơ bộ cho thấy, vụ nổ xảy ra do một tên lửa từ máy bay không người lái nhằm vào nhà máy lọc dầu này.
Nhà máy lọc dầu Amuay bị tấn công. |
Tổng thống Maduro cho biết thêm, trong những tuần gần đây, 87 cuộc tấn công đã được ghi nhận nhằm vào hệ thống điện của bang Falcon, cũng như vào mạng lưới cấp nước liên kết với các nhà máy lọc dầu Amuay và Cardon, với ý định gây ảnh hưởng các dịch vụ công nghiệp cần thiết để đảm bảo hoạt động. Bất chấp thiệt hại do vụ tấn công khủng bố gây ra, Venezuela đã phê chuẩn cam kết của công nhân ngành dầu mỏ đảm bảo tính liên tục hoạt động của trung tâm lọc dầu Paraguaná, nơi đặt nhà máy Amuay và sản xuất xăng để đáp ứng nhu cầu quốc gia.
Theo ông El Aissami, ngoài việc sản xuất nhiên liệu cần thiết cho tiêu dùng nội địa, Venezuela đang đạt được tiến bộ trong việc tạo ra một nguồn dự trữ nhiên liệu chiến lược để chống lại bất kỳ loại hành động nào với mục tiêu gây bất ổn. Ông khẳng định cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu sẽ không thể khiến người dân Venezuela thiếu hụt xăng dầu.
Nhà máy lọc dầu Amuay là một phần của khu phức hợp dầu Paraguaná, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Trong quá khứ, công suất sản xuất của nó đạt 995 nghìn thùng/ngày. Nhưng, sản lượng của nó đang ở mức thấp nhất do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất đã được chứng minh trên thế giới, hiện sản xuất 400.000 thùng mỗi ngày, so với 3,2 triệu thùng 12 năm trước. Phe đối lập Venezuela đổ lỗi cho nạn tham nhũng và quản lý yếu kém nên mới có sự suy sụp này.
Tổng thống Nicolas Maduro thì cho rằng đây là do lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu thô của Venezuela. Tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở Venezuela, ngay cả ở Caracas. Để vượt qua chúng, Venezuela đã kêu gọi đồng minh Iran gửi một số tàu dầu trong những tháng gần đây.
Washington đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế quyết liệt đối với quốc gia này, đặc biệt là làm tê liệt lĩnh vực dầu mỏ mà nền kinh tế của họ phụ thuộc rất nhiều. Iran đã nhiều lần bất chấp các lệnh trừng phạt này để điều các tàu chở nhiên liệu và các sản phẩm khác tới Venezuela.
Cũng trong ngày 2-11, Ngoại trưởng Venezuela nói rằng “Venezuela có thể mua vũ khí từ Iran một cách hợp pháp nếu nước này cần”. “Caracas sẽ tiếp tục thiết lập quan hệ toàn diện với Tehran trên nhiều lĩnh vực như thương mại, năng lượng, hợp tác trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp ô tô và công nghiệp quân sự, vốn có từ thời Tổng thống Hugo Chavez và được tăng cường trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Maduro”, Ngoại trưởng Jorge Arreaza cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn Iran Fars đăng tải.
Đề cập đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran, ông Arreaza nói thêm: “Trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, việc mua vũ khí từ Iran là hoàn toàn có thể. Hiện chưa có trao đổi giữa hai nước về vấn đề này, nhưng khả năng này sẽ được xem xét”.
Tổng thống Maduro tuần trước cho biết đất nước của ông chưa mua tên lửa từ Iran nhưng ông cũng chỉ ra rằng mua tên lửa từ Iran là “một ý tưởng rất tốt”. Trong một phần khác của bài phát biểu, ông Maduro nói rằng Venezuela và Iran có mối quan hệ sâu sắc và hai nước có 20 năm quan hệ ngoại giao chặt chẽ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trước đó, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran và Venezuela, Elliott Abrams, đã bày tỏ sự tức giận trước sự hợp tác giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Venezuela trong một cuộc phỏng vấn với Fox News. Cất lời đe dọa Caracas và Tehran, ông Abrams khẳng định Mỹ sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm đưa tên lửa tới Venezuela. Những nhận xét của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela được đưa ra khi Mỹ cho biết họ thu được hơn 40 triệu đô la từ việc bán lại dầu Iran bị bắt giữ từ 4 tàu chở dầu chở cho Venezuela.
Hồi tháng 8, Washington tuyên bố tịch thu 1,1 triệu thùng dầu, đang được Iran chở tới bán cho Venezuela. Thông tin trên vẫn chưa đước xác minh nhưng Venezuela giờ đây hoàn toàn có thể cân nhắc việc bảo vệ dầu của mình. Và tên lửa của Iran sẽ có thể giúp được điều đó.
Kênh Bloomberg của Mỹ ngày 23-10 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng không công nhận ông Maduro là Tổng thống Venezuela, đã cử đại diện cấp cao của mình tới Mexico để gặp đại diện của chính quyền Caracas. Theo Bloomberg, cuộc gặp giữa hai đại diện diễn ra thậm chí ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng không có thông tin gì về việc này.
Theo báo cáo, Richard Grenell, cựu Đại sứ Mỹ tại Berlin và cựu giám đốc tình báo Mỹ, đã gặp Jorge Rodriguez, đại diện của Tổng thống Maduro tại thủ đô Mexico, vào tháng 9.