Vết rạn ngày một lớn?

Thứ Bảy, 16/03/2019, 07:37
Chưa bao giờ mối quan hệ Mỹ-Philippines-Trung Quốc lại phức tạp như bây giờ. Sau hàng loạt vụ việc liên quan tới an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã kêu gọi sửa đổi Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Mỹ và Philippines được ký năm 1951 để tránh nguy cơ bị cuốn vào những căng thẳng giữa các cường quốc trong khu vực.

Là đồng minh hiệp ước của Mỹ song cũng là một quốc gia có quan hệ khá thân thiết với Trung Quốc. Philippines thời gian gần đây nổi lên như một trong những mấu chốt quan trọng của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đang có những thay đổi lớn trong quan hệ cả với hai cường quốc.

Trong khi giới quân sự Philippines, vốn hoài nghi về Trung Quốc và muốn duy trì quan hệ hợp tác an ninh mạnh mẽ với đồng minh truyền thống như Mỹ, được cho là đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc thiết lập cơ chế thông tin tại những khu vực tranh chấp. Nếu không có gì thay đổi, năm tới, Philippines và Mỹ sẽ có thêm 20 cuộc tập trận chung (từ 261 lên 281 cuộc), tập trung vào phối hợp về an ninh hàng hải. Điều này nhấn mạnh sự bền bỉ và kiên cường của quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines.

Nhìn vào những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây thấy rõ Philippines không muốn trở thành nạn nhân sự xung đột trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Lorenzana đưa ra tuyên bố về việc sửa đổi Hiệp ước phòng thủ chung. Trong một cuộc họp đầu tháng 3 với Bộ trưởng Lorenzana, ông M.Pompeo một lần nữa khẳng định Mỹ luôn đảm bảo cam kết này.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Michael Pompeo trong cuộc gặp mới đây tại Washington. Ảnh: Philippine Star.

Ông nói rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang của bất kỳ quốc gia nào vào quân đội, máy bay hay tàu công cộng của Philippines cũng sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ theo các điều khoản của Hiệp ước phòng thủ chung. MDT ghi rõ “Philippines và Mỹ sẽ hỗ trợ lẫn nhau khi một trong hai bên bị một lực lượng bên ngoài tấn công”.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Mỹ từng “án binh bất động” khi xảy ra sự kiện đá Vành Khăn vào năm 1995 và bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Cách hành xử này của Mỹ không nhận được sự đồng tình của giới an ninh quốc phòng và quan trọng hơn là phần lớn người dân Philippines.

Không còn giống như những gì từng diễn ra trong quá khứ khi Manila ngả theo Mỹ, Philippines ngày nay cũng như đa phần các quốc gia trong khu vực đều theo đuổi chiến lược “cân bằng”, điều đồng nghĩa với việc Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì lòng tin của đồng minh hiệp ước này.

Theo các chuyên gia, dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính sách châu Á của Mỹ trở nên mạo hiểm hơn. Tuy nhiên, vào ngày 31-12-2018, Mỹ đã công bố Đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á (ARIA) với nội dung tập trung vào việc thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, cụ thể là trong khía cạnh quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong ARIA, Mỹ “thúc đẩy một chiến lược ngoại giao tại các vùng biển châu Á thông qua các hoạt động hàng hải chung tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Mỹ cũng tái khẳng định các cam kết hiệp ước với các quốc gia như Thái Lan và Philippines, nhắc lại khoản tài trợ trị giá 150 triệu USD/tài khóa dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ năm 2019-2023.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Mỹ cũng tuyên bố cắt giảm viện trợ tài chính cho một số quốc gia như Campuchia, Myanmar và đồng minh an ninh gần gũi nhất tại ASEAN là Philippines do các vấn đề nhân quyền.

Trong bối cảnh hiện nay, thậm chí cả những quốc gia như Mỹ cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp cuộc chiến thương mại mà hai bên đang vướng vào. Mong muốn của Philippines trong việc củng cố MDT đang đặt ra nhiều thách thức khó khăn cho Mỹ.

Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014 giữa Mỹ và Philippines thực tế phụ thuộc khá nhiều vào MDT. Thỏa thuận này cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở và triển khai khí tài quốc phòng và hậu cần cũng như đưa quân đồn trú luân phiên tại các căn cứ quân sự của Philippines.

Mỹ và Philippines vẫn duy trì hợp tác về quân sự. Ảnh: ABS-CBN News.

Trong bối cảnh Philippines “thay đổi cách nhìn” trong mối quan hệ với Trung Quốc các cường quốc khác và theo đuổi một chiến lược cân bằng, giới phân tích cho rằng việc “tiếp tục hiệp ước phòng thủ chung (Mỹ-Philippines) và EDCA là điều đặc biệt quan trọng đối với chính các lợi ích của Mỹ trong khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana hôm 4-3 đã chỉ rõ những gì ông nói là thất bại trước đó của Mỹ trong việc duy trì một phần của hiệp ước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Manila đã ở trong một tình thế khó xử giữa Bắc Kinh và Washington trong nhiều năm. Chính vì thế, ông Lorenzana hôm 5-3 đã dự báo rằng, rất có thể Mỹ sẽ vướng vào một cuộc “chiến tranh nóng” ở khu vực có nguy cơ xảy ra tranh chấp cao.

Nếu như vậy, Philippines càng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột như vậy, bởi họ đã ký kết Hiệp ước phòng thủ chung năm với Washington và muốn có thêm các điều khoản rõ ràng hơn nhằm đánh giá trách nhiệm một cách rõ ràng hơn. Lorenzana cho biết hiệp ước cần được kiểm tra để làm rõ những điểm “mập mờ” có thể trở thành nguyên nhân gây ra những hỗn loạn và sai lầm trong một cuộc khủng hoảng.

Chính trường Philippines đang có xáo trộn liên quan tới cuộc tranh cãi đầy mâu thuẫn về chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ. Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye, và kết quả là phán quyết được tòa đưa ra vào 7-2016 theo hướng có lợi cho Manila, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte “đột ngột” chuyển hướng chính sách đối ngoại đưa Philippines rời khỏi Mỹ và quay sang Trung Quốc làm dư luận nước này không khỏi băn khoăn.

Thay đổi này khiến nhiều người không hài lòng, từ đó làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Philippines. Điều này đã dẫn tới cuộc đối đầu chính trị nghiêm trọng ở trong nước.

Gần đây, Trung Quốc cũng giành được lợi thế lớn trong quan hệ với Philippines khi Mỹ chỉ trích cuộc chiến chống ma túy mạnh tay của chính quyền ông Duterte. Điều này đang đẩy Mỹ và Philippines xa nhau. Hai nhà phân tích Patrick Cronin và Richard Javad Heydarian đã đăng tải một bài viết trên tạp chí The National Interest với tiêu đề “Tổng thống Donald Trump và Rodrigo Duterte khiến tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Philippines phai nhạt”.

Các nhà phân tích nhận định, đó chỉ là một phần của câu chuyện. Một bộ phận chính giới cho rằng tổng thống dân cử của Philippines đang theo đuổi một chính sách đối ngoại trung lập hơn và đã có một lựa chọn đúng đắn cho đất nước. Philippines rất có thể chỉ là một trong nhiều nước Đông Nam Á và nhiều nơi khác như châu Phi nơi chính trường nội bộ đang bị ảnh hưởng và chịu tác động tiêu cực từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Hoa Huyền
.
.