Vì một EU nhìn về tương lai

Thứ Tư, 25/12/2019, 18:03
Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) liên tục phải đối diện với những thách thức đến từ vấn đề kinh tế-xã hội cũng như sự rạn nứt trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên. Điều này gây nhiều khó khăn cho định hướng phát triển chung của toàn khối, đồng thời đặt EU trước nguy cơ tan rã.

Trong bối cảnh này, việc Ủy ban châu Âu (EC) có bộ máy lãnh đạo mới được giới quan sát dự báo sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng nhằm hướng tới một tương lai tích cực hơn cho toàn EU.

Nói ít, làm nhiều

Cái tên Ursula von der Leyen với cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cùng một số vị trí mới được bổ nhiệm, xuất hiện vào thời điểm cực kỳ sóng gió khi EU rơi vào trạng thái không thể hỗn loạn hơn, với một nền kinh tế thiếu động lực tăng trường từ lâu. Mọi toan tính của EU đều chật vật và liên minh này, cùng cả “lục địa già”, vẫn cứ loay hoay tìm cách trụ vững trước sự suy yếu của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

EU cũng tỏ ra lép vế trước sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế như Trung Quốc, rồi dường như đang bị gạt ra bên lề trong những cuộc cách mạng quan trọng của thời đại, chẳng hạn như công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Hoàn toàn dễ hiểu khi bộ máy lãnh đạo mới tương đối thận trọng và khiêm nhường, không ảo tưởng phi thực tế mà hành động theo phương châm “nói ít, làm nhiều”. Điều này được hiện thực hóa bởi 11 cam kết của Chủ tịch EC, trong đó ưu tiên tập trung vào 5 từ khóa “bảo vệ, cạnh tranh, công bằng, bền vững và ảnh hưởng”.

Hiện nay, bà Ursula von der Leyen cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã khởi động kế hoạch “Thỏa thuận xanh châu Âu” với tham vọng đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, kế hoạch sẽ tạo động lực mới trong chiến lược tăng trưởng của EU, biến “lục địa già” trở thành khu vực đầu tiên đạt mục tiêu trung lập về carbon vào năm 2020.

Chưa hết, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cùng cộng sự sẽ nghiên cứu đề xuất chiến lược “số hóa” châu Âu thông qua các quỹ hỗ trợ có giá trị lên tới 100 tỷ euro cho mảng sáng tạo. EU cũng cân nhắc đưa ra những quy định về pháp lý cho các dịch vụ kỹ thuật số áp dụng trên toàn châu Âu, đặc biệt đối với lực lượng làm việc cho các nền tảng kỹ thuật số, đồng thời thay đổi cách cách tiếp cận đặc thù trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong cuộc đua với Mỹ và Trung Quốc.

Các động thái này được dự báo sẽ thích ứng hóa EU vào thời đại công nghệ kỹ thuật số, khắc phục sự chậm trễ của “lục địa già” để trở thành người tiên phong trên các công nghệ mới nhất.

Trong lĩnh vực quân sự, EU bước đầu đã đạt được nhất trí về các dự án quốc phòng mới được triển khai trong khuôn khổ thỏa thuận các quốc gia EU ký kết từ năm 2017 nhằm hỗ trợ tài chính, phát triển và triển khai các lực lượng vũ trang. Điều này đã “bật đèn xanh” cho nhiều động thái sản xuất vũ khí độc lập với Mỹ.

Theo giới lãnh đạo, châu Âu có khả năng tự vệ và thúc đẩy phát triển khả năng phòng thủ thông qua sự hợp tác giữa các quốc gia cùng với sự dẫn dắt của “đầu tàu” Pháp và Đức. Bên cạnh đó, EU cũng đặt hi vọng lập quỹ vũ trang trị giá hàng tỷ euro kể từ năm 2021, hướng đến sản xuất tàu tuần tra, vũ khí điện tử gây nhiễu dành cho máy bay và công nghệ theo dấu tên lửa đạn đạo.

EU bước đầu đã đạt được nhất trí về các dự án quốc phòng mới nhằm hỗ trợ tài chính, triển khai các lực lượng vũ trang.

Thách thức tồn vong

Giới quan sát đánh giá việc EU có đội ngũ lãnh đạo mới nhiều năng lượng và nhiệt huyết, cùng những kế hoạch chuẩn bị xây dựng một ủy ban địa chính trị cho nhiệm kỳ mới, là một bước tiến đáng ghi nhận ở vào thời điểm tình hình chính trị EU bị phân tán chưa từng thấy. Kế hoạch không chỉ đơn thuần là hoàn thiện những “công trường dang dở” hiện tại của EU mà còn phản ánh định hướng phát triển cụ thể cũng như ưu tiên chính sách cho thời gian tới.

Tuyên bố của Chủ tịch EC về một Liên minh châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ hơn, với những khát vọng đổi thay, đã giúp dư luận phần nào hình dung về hành trình hồi sinh sức mạnh và vị thế của EU nhưng không làm mất đi linh hồn của “lục địa già”.

Thế nhưng, vẫn còn đó những câu hỏi chưa được giải đáp, khiến giới quan sát nghi ngờ về triển vọng thành công của quá trình giải cứu EU. Trước hết các quốc gia có nguy cơ không chấp thuận những biện pháp ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, đe dọa việc làm hay vi phạm quy tắc thuế trong “Thỏa thuận xanh châu Âu”. Tiếp đó là vấn đề tài chính, khi những cam kết và kế hoạch cần nhận được sự ủng hộ từ các thành viên EU - động thái được đánh giá là rất khó khả thi ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, bộ máy lãnh đạo mới sẽ phải hóa giải thách thức được coi là sống còn hiện nay với EU: lấy lại và củng cố khả năng hành động với tư cách một thế lực địa - chính trị độc lập, uy lực trên trường quốc tế. Bởi lẽ, nếu EU không tự khẳng định mình, sẽ có các thế lực khác thay thế.

Khó khăn hơn, sự phân hóa chính trị giữa các phe phái trong Nghị viện châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng, còn thế đa số tại Nghị viện châu Âu cũng rất mong manh, khiến bà Ursula von der Leyen phải tính đến một liên minh với đảng Renew và đảng Xanh - lực lượng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Liên minh châu Âu bị phân bè, chia phái sâu sắc, đòi hỏi phải có bộ máy lãnh đạo đủ khả năng và uy tín có thể lãnh đạo EU cùng nhau tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ.

Bộ máy mới, dù đưa ra nhiều ý tưởng, vẫn cần thời gian (chính là nhiệm kỳ 5 năm tới) để chứng minh năng lực của mình, trước khi hiện thực hóa những chiến lược khác biệt giúp khôi phục sức mạnh cho toàn Liên minh và đưa EU vượt qua cơn bĩ cực để chờ tới... hồi thái lai.

Việt Dũng (tổng hợp)
.
.