Sắp đến ngày chính quyền Hà Nội “mới” đi vào hoạt động:

Vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển thủ đô

Thứ Tư, 23/07/2008, 16:00
Chỉ còn không đầy hai tuần nữa, bộ máy chính quyền của thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ đi vào hoạt động. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những công việc cơ bản cho việc thành lập một bộ máy và cán bộ mới đang trong quá trình hoàn tất. Trước thời điểm quan trọng này, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cho Chuyên đề ANTG một cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, sắp đến ngày bộ máy chính quyền của Hà Nội mở rộng đi vào hoạt động, xin đồng chí cho biết công việc đã chuẩn bị đến đâu rồi?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đến thời điểm này, các công việc quan trọng, có tính chất quyết định cho việc thành lập bộ máy chính quyền của Thủ đô Hà Nội mở rộng đang được thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tích cực triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và  Ban Chỉ đạo Trung ương.

Về nhân sự lãnh đạo cụ thể một số chức danh của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ được bầu theo quy định tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân hợp nhất.

Về tổ chức Đảng, Bộ Chính trị đã có quyết định thành lập Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chỉ định Bí thư và các Phó bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.

PV: Thưa đồng chí Bí thư, nỗi lo lớn nhất của đồng chí trước một thủ đô mở rộng hiện nay là gì?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đấy là lo làm thế nào để huy động và phát huy được sức mạnh của tất cả mọi người, trước hết là sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên của hai đảng bộ. Khi mở rộng thủ đô, số lượng cán bộ, đảng viên sẽ đông hơn, công việc cũng nhiều hơn.

Vì vậy, yêu cầu quan trọng số một là mọi cán bộ, đảng viên phải phát huy tốt hơn vai trò tiên phong gương mẫu, tất cả phải đều vì một mục tiêu chung là cùng nhau xây dựng và phát triển thủ đô.

Trên cơ sở nhanh chóng ổn định bộ máy và cán bộ, là lo làm sao mọi cấp, mọi ngành nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, không vì sự hợp nhất tổ chức, cán bộ mà làm gián đoạn công việc, ảnh hưởng không tốt đến hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2008.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước mong muốn có một Hà Nội  mở rộng là để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thủ đô văn minh, hiện đại, là để huy động tốt hơn các nguồn lực của Hà Nội và Hà Tây sau khi hợp nhất. Mọi người phải nhận rõ đây vừa là vinh dự và đồng thời đây cũng là trách nhiệm, trước hết đang đặt trên vai đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô Hà Nội.

Nếu không đoàn kết, không đổi mới tư duy, phong cách; nếu cứ giữ cách nghĩ, cách làm lề mề, chậm chạp như hiện nay thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu mà nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào một "Hà Nội mới" sau khi mở rộng.

PV: Thưa đồng chí Bí thư, có một số vấn đề mà dư luận có ý lo ngại, đó là tình trạng trì trệ, gây phiền hà, sách nhiễu tại một số cơ quan công quyền của Hà Nội. Bây giờ Hà Nội mở rộng, việc sẽ nhiều, địa bàn lại rộng gấp 3 lần, vậy phải làm thế nào cho người dân đỡ phiền hà?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đây cũng là vấn đề lãnh đạo thành phố đã thấy rõ, vì vậy đã xác định cải cách hành chính là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội.

Trong hai năm qua, các cấp chính quyền, lãnh đạo các cơ quan cũng đã có rất nhiều cố gắng, tích cực cải tiến thủ tục hành chính với mục tiêu làm giảm tối đa sự phiền hà cho nhân dân, giảm các thủ tục không cần thiết và đặc biệt là "tuyên chiến" với tình trạng sách nhiễu, cửa quyền của một số cán bộ, công chức. Tuy đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối nếu không giải quyết được thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại.

Sắp tới bộ máy chính quyền thủ đô mở rộng đi vào hoạt động, công việc sẽ tăng lên rất nhiều, cho nên yêu cầu cải tiến thủ tục hành chính, xây dựng phong cách ứng xử tôn trọng dân của đội ngũ công chức càng cần phải được chú trọng đặc biệt.

Chính vì vậy, thời gian tới, thành phố không những không dừng lại mà sẽ phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Phải tăng cường phân cấp, tăng cường trách nhiệm cho những người đứng đầu ở tất cả các ngành, các cấp, vừa để khắc phục sự ôm đồm, bao biện làm thay của cấp trên, và cả sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cấp dưới.

Đồng chí Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn của phóng viên ANTG.

PV: Có một vấn đề hình như ai cũng biết nhưng cũng lại rất ngại nói ra, đó là tình trạng cục bộ địa phương. Bài học "nhập - tách" cách đây gần ba chục năm cho thấy, tính cục bộ bản vị của người Việt Nam nói chung là khá nặng nề và đó là nguyên nhân gây mất đoàn kết ở nhiều địa phương. Đồng chí nghĩ sao về việc này?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Tình trạng cục bộ địa phương quả thật không phải là quá hiếm ở một số địa phương, cơ quan, đặc biệt là ở những nơi diễn ra "nhập - tách". Tôi cũng được nghe những câu ca dao, hò vè về chuyện này ở một số địa phương.

Đó cũng là nguyên nhân cơ bản gây mất đoàn kết nội bộ, kéo theo sự trì trệ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung. Đây là tính xấu, là căn bệnh của một số cán bộ không vì mục tiêu chung, không đặt lợi ích toàn cục lên trên, mà chỉ vì lợi ích cục bộ.

Muốn khắc phục tình trạng đó, chúng ta phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đồng thời phải có cơ chế, chính sách phòng ngừa; đặc biệt là khi sắp xếp, bố trí cán bộ phải khách quan, dân chủ, công tâm, đừng tạo ra tâm lý cán bộ phải "kết" lại với nhau vì chuyện này, chuyện nọ.

Kinh nghiệm cho thấy, cục bộ hay không cục bộ phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu và những người chủ chốt. Khó có thể xảy ra cục bộ nếu như những người lãnh đạo chủ chốt công tâm, luôn đặt lợi ích của toàn cục lên trên lợi ích bộ phận. Người có tư tưởng cục bộ là người luôn tìm cách lôi kéo người khác phục vụ lợi ích riêng, chứ không phải đoàn kết lại để làm việc chung.

Thủ đô Hà Nội là của cả nước. Cán bộ Hà Nội từ nhiều nguồn, nhiều địa phương hợp lại. Tuy nhiên, chúng ta không thể không chú ý tới sự cảnh báo, nhắc nhở của dư luận. Những người lãnh đạo chủ chốt mà không có tư tưởng cục bộ thì cấp dưới khó có thể cục bộ.

PV: Thưa đồng chí Bí thư, thời gian đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không còn nhiều, nhưng công việc chuẩn bị của Hà Nội xem ra vẫn chậm lắm... Có cách nào đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình quan trọng không?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đúng như vậy, công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tiến độ không được như mong muốn. Lãnh đạo Hà Nội thấy rất rõ và đang có có nhiều biện pháp để thúc đẩy. Nhưng cũng không phải vì tiến độ, vì hình thức mà coi nhẹ chất lượng, coi nhẹ nội dung. Chắc sẽ có những công trình không thể hoàn thành đúng thời hạn mà phải giãn tiến độ.

Mỗi công trình chào đón Thăng Long 1000 tuổi phải là những công trình tiêu biểu, có giá trị lâu dài. Do đó nếu không đáp ứng được yêu cầu chất lượng hoặc không khả thi thì chúng tôi kiên quyết không làm.

PV: Tình trạng chậm trễ các công trình - nhất là về văn hóa - ở Hà Nội là căn bệnh có từ lâu rồi. Mà có lẽ là từ việc... "lắm cha con khó lấy chồng"? Đồng chí Bí thư có cho rằng đây cũng là nguyên nhân của sự chậm trễ hay không?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Có lẽ thế. Hà Nội làm công trình nào cũng có rất lắm ý kiến. Để có được một phương án xử lý mà mọi người đều chấp nhận là cực kỳ khó khăn. Mỗi dự án, mỗi công trình làm hay không làm, làm như thế nào, ai làm, làm ở đâu... đều có vô vàn ý kiến, có khi rất trái ngược nhau. Cái mà nhiều người thường lo ngại không phải ở chỗ có nhiều "cha", mà là ngại "cha" không có tính xây dựng, chứ nhiều thì tốt hơn một chứ. Tuy nhiên, tôi luôn nhìn nhận việc có nhiều ý kiến đa chiều là tốt và đáng hoan nghênh.

Nếu chúng ta biết lắng nghe, biết lựa chọn và trân trọng những ý kiến phản biện, mang tính xây dựng, để sửa chữa, để hoàn thiện công trình cho tốt đẹp hơn thì đó là việc rất tốt. Như vậy, các công trình khi ra đời sẽ có được sự đồng thuận của đa số nhân dân.

Tất nhiên, tình cảnh "lắm cha con khó lấy chồng" cũng gây ra không ít khó khăn cho việc lựa chọn và tiến độ thực hiện chắc chắn bị chậm lại. Ở Hà Nội, công việc có thể bị chậm, nhưng phải coi trọng yêu cầu chất lượng.

PV: Mỗi khi gặp tình huống nhiều ý kiến, nhiều phương án khác nhau như vậy, đồng chí có cách giải quyết như thế nào?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Xưa nay chỉ có hai cách. Một là, dùng cơ chế bàn bạc tập thể, cơ chế sử dụng chuyên gia, tư vấn, hội đồng... tóm lại là sử dụng cơ chế trách nhiệm tập thể như chúng ta vẫn đang làm. Thảo luận rồi quyết theo đa số.

Cách thứ hai, người lãnh đạo trực tiếp nghe, trực tiếp nghiên cứu, tự cân nhắc, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Chọn cách nào thì cũng phải tùy việc, tùy mức độ khó khăn, phức tạp của công việc.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư về cuộc trao đổi này

.
.