Vì sao Mỹ lo ngại hợp tác hạt nhân Trung Quốc - Pakistan

Thứ Tư, 14/07/2010, 17:40
Một hiệp ước "đơn thuần" về hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự giữa Trung Quốc và Pakistan lại đang gây lo ngại và phản ứng kịch liệt từ phía Washington và New Delhi.

Thông báo về việc Bắc Kinh sẽ xây thêm 2 nhà máy điện nguyên tử (trước đó đã có 2 nhà máy do Trung Quốc xây dựng, một nhà máy đã được đưa vào sử dụng, nhà máy còn lại dự kiến hoàn tất vào năm 2012) cho quốc gia láng giềng và là đồng minh Pakistan đang làm dấy lên những lo ngại về tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Và chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày của Tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari, lại càng làm gia tăng những lo ngại này.

Ngay sau khi phía Trung Quốc thông báo trúng thầu xây dựng trên, Washington, thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ ràng về chuyện này. Tháng 6/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ từng đánh tiếng rằng dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan về vấn đề hạt nhân dân sự dường như đã vượt quá khuôn khổ hiệp ước hợp tác mà Trung Quốc đã thông qua khi gia nhập Nhóm các quốc gia cung cấp trang thiết bị hạt nhân quốc tế (NSG), và rằng một sự hợp tác như vậy đáng lý phải được thảo luận trước với các thành viên NSG và phải được nhóm này chấp thuận.

Lo ngại của Mỹ và Ấn Độ, quốc gia có nhiều mâu thuẫn với Pakistan trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại, là khả năng chương trình hạt nhân trên, trên danh nghĩa là phục vụ dân sự, có thể bị sử dụng vào mục đích quân sự.

Bắc Kinh đã gia nhập NSG vào năm 2004. Nhóm này được thành lập năm 1975 và đến nay có 46 quốc gia thành viên. Mục đích của việc cho ra đời nhóm này là nhằm tránh việc xuất khẩu những mặt hàng nhạy cảm dùng cho sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự không bị biến tấu để dùng vào những mục đích quân sự và chính trị.

Ngay lập tức Trung Quốc đã có phản ứng rằng chương trình hợp tác này nhằm mục đích hòa bình và được đặt dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng và Nguyên tử quốc tế (IAEA). Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây khẳng định rằng, dự án hợp tác hạt nhân dân sự giữa Bắc Kinh và Islamabad không đi ngược với những ràng buộc quốc tế mà hai nước đã cam kết.

Tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari (trái), đi cùng hai con gái, gặp Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 7/7.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Trung Quốc mạnh dạn hơn trong quyết định hợp tác hạt nhân với Pakistan là do năm 2008, Mỹ đã ký một hiệp ước lịch sử về hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Hiệp ước Mỹ - Ấn đã đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ dài nghi kị, bắt nguồn từ sau vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1974. Bản thân hiệp ước này cũng chịu nhiều lời chỉ trích vì nhiều nhà quan sát cho rằng đây rõ ràng là một hiệp ước nằm ngoài những quy định của NSG. Giờ đây, Mỹ lên tiếng trách móc Trung Quốc cũng không được vì trước đó họ đã lỡ coi thường NSG rồi.

Tuy nhiên, ẩn đằng sau các thỏa thuận hạt nhân dân sự trên đều là những toan tính về địa chính trị và thương mại. Hành động của Washington trong việc ký hiệp ước hạt nhân dân sự với Ấn Độ được hiểu như là một động thái nhằm ngăn chặn sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Và với hiệp ước hạt nhân dân sự với Pakistan, Bắc Kinh cũng muốn đáp trả thái độ của Mỹ tại bàn cờ Đông Á, như việc thiết lập quan hệ với Pakistan để chống lại những phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ và đồng thời để bán vũ khí. Hơn cả thế, Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ tham vọng gia nhập câu lạc bộ các nước xuất khẩu hạt nhân dân sự.

Như một lời cảnh báo, báo chí Trung Quốc số ra ngày 8/7 cho rằng một số cường quốc- không chỉ đích danh là Mỹ - phải lựa chọn giữa một bên là mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan với bên kia là đối đầu chính trị với Bắc Kinh

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.