Vì sao Mỹ muốn cắt giảm quân đồn trú ở Đức?

Thứ Ba, 16/06/2020, 22:35
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch sẽ cắt giảm quân số đóng tại Đức xuống khoảng 25%, thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, giảm việc triển khai quân Mỹ ở nước ngoài nhằm giảm chi ngân sách.

Kế hoạch của Tổng thống Trump đã được một số quan chức thông báo trên các phương tiện truyền thông, phát đi tín hiệu không chắc chắn đối với các đồng minh trong khối NATO. Kế hoạch đã được thống nhất giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper.

Theo đó, quân Mỹ trú đóng tại Đức sẽ giảm từ 34.500 hiện tại xuống còn 25.000 người, giảm khoảng 9.500 người, tương đương 25%. Quân số cắt giảm bao gồm một phi đội chiến đấu cơ F-16 và các đơn vị bộ binh hỗ trợ.

Một trong những lý do để giải thích cho quyết định cắt giảm quân số này đó là vấn đề chi phí cho việc duy trì hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Tổng thống Trump thường xuyên than phiền về việc nước Mỹ đã phải bỏ ra ngân sách để bảo vệ các đồng minh NATO. Ông nêu đích danh nước Đức vốn là một quốc gia giàu có nhưng lại chi rất ít ngân sách cho quốc phòng.

Tại một hội nghị cấp cao NATO tháng 7-2018, Tổng thống Trump đã từng tuyên bố rằng nếu các đồng minh NATO không chỉ cải thiện vấn đề chi phí quốc phòng, nâng mức chi lên tương đương 2% GDP, để giúp Mỹ giảm phần nào chi phí quốc phòng.

Quân đội Mỹ tại Đức.

Mỹ hiện chi khoảng 3,4% GDP cho ngân sách quốc phòng. Mục tiêu của Tổng thống Trump là tăng mức đóng góp của các nước thành viên NATO khác lên 2% theo cam kết, từng bước nâng lên 4% theo lộ trình đề ra, từ đó giảm mức đóng góp của Mỹ từ 22% xuống còn 16%. Đến nay, sau những lần dọa “đơn phương hành động” của Tổng thống Trump, chi phí quốc phòng của các nước thành viên NATO có tăng lên đôi chút. Chẳng hạn, nước Đức đã chi khoảng 1,36% GDP cho chi phí quân sự năm 2019, tuy có tăng lên so với trước nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu cam kết.

Một số cựu chỉ huy quân đội không đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump cũng như cách lý giải nguyên nhân ông đưa ra quyết định trên. Tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy quân Mỹ tại châu Âu, cho rằng việc Washington phải bỏ ra chi phí duy trì quân đội ở nước ngoài, đặc biệt là tại Đức, không phải nhằm bảo vệ người Đức mà chính là bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Hiện tại, quân số Mỹ đóng tại Đức nhiều hơn bất cứ quốc gia đồng minh nào khác trên thế giới, ngoại trừ Nhật Bản. Việc đóng quân này được triển khai từ sau Chiến tranh Thế giới II và là một trong những chiến lược quan trọng trong Chiến tranh Lạnh nhằm tạo lực lượng đối đầu với Liên Xô. Sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì nhằm đối phó với nước Nga.

Mỹ bắt đầu tăng cường lực lượng tại châu Âu kể từ khi Nga tái sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, cùng với những động thái mang tính hòa hoãn của Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Washington không tiêp tục đẩy mạnh hoạt động đối đầu quân sự về phía đông. Và lần cắt giảm này cũng được xem là lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm quân số lần này có thể được xem như động thái “xuống thang” trong đối đầu với nước Nga, chắc chắn sẽ nhận được sự khích lệ từ phía nước Nga.

Tuy việc cắt giảm quân số tại Đức sẽ không ảnh hưởng ngay đến lực lượng răn đe của NATO đóng tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic nhưng chắc chắn nó sẽ gây ra một số khó khăn cho công tác hậu cần, vận tải của quân đội Mỹ tại châu Âu, đặc biệt là khả năng sẵn sàng chiến đấu giảm đi một phần.

Một số quan chức ở Washington cho rằng nếu được triển khai, kế hoạch cắt giảm quân số của Tổng thống Trump có thể sẽ càng khiến cho quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trong khối NATO thêm lỏng lẻo. Nói cách khác, sự chia rẽ trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và NATO, EU đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, xuất phát từ quan điểm, chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, đồng thời, nước Mỹ cũng đang dần giảm đi vai trò dẫn dắt thế giới, vốn là tham vọng hàng đầu của Washington.

Mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đã bắt đầu xấu đi kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống, trong đó ông Trump có mối quan hệ đặc biệt lạnh nhạt với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bên cạnh đó, nước Mỹ của ông Trump còn bất đồng sâu sắc với đồng minh châu Âu trong nhiều vấn đề khác, như biến đổi khí hậu và nhất là việc nước Đức đồng ý xây dựng các tuyến ống dẫn khí gas với nước Nga.

Gần đây nhất là chuyện Thủ tướng Merkel công khai bác bỏ đề nghị của Tổng thống Trump tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-7 bằng hình thức họp trực tiếp và mở rộng thành phần mời dự, bao gồm cả Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Bà Merkel cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước việc Tổng thống Trump tuyên bố “ly dị” với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cùng với việc cắt giảm quân ở châu Âu, Mỹ cũng đã thực hiện một loạt sự triệt thoái quân đội ở các khu vực khác, đặc biệt là ở Afghanstan và Iraq. Tháng 2-2020, Mỹ đã ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban, theo đó Mỹ sẽ rút khoảng 5.000 quân ra khỏi Afghanistan. Còn tại Iraq, Nhà Trắng cũng đã tuyên bố sẽ rút hết lực lượng còn lại tại nước này.

Không chỉ là chuyện rút quân, Mỹ còn rút khỏi một số hiệp định, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương về quân sự. Chẳng hạn, Washington đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước START II với Nga, rời khỏi hiệp ước về cấm vũ khí hóa học, sinh học toàn cầu. Gần đây hơn, Nhà Trắng cũng vừa tuyên bố rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở, với lý do rằng nước Nga đã liên tục vi phạm hiệp ước này.

An Châu (Tổng hợp)
.
.