Vì sao Mỹ muốn rút khỏi các hiệp ước quân sự với Nga?

Thứ Tư, 27/05/2020, 15:39
Sau Hiệp ước INF, Mỹ lại muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các nước thực hiện các chuyến bay giám sát lẫn nhau để tránh xảy ra chiến tranh thế giới mới. Vì sao Tổng thống Donald Trump muốn được thoát khỏi những ràng buộc đó? Quyết định này có đặt nhân loại vào vòng nguy hiểm mới?

Ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (Open Skies Treaty - OST). Hiệp ước OST được ký kết vào năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Hiện 35 nước, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên khác của Tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ký tên vào hiệp ước. Kyrgyzstan đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

Các thành viên NATO đã tỏ rõ quan điểm cần thiết phải duy trì hiệp ước giải trừ vũ khí.

Hiệp ước “mở cửa không phận” này cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn, không vũ trang, trên lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự để xem liệu các nước có tuân thủ các hoạt động quân sự và các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện hành hay không. Hiệp ước này ra đời sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nó là sự đảm bảo cho thế giới không xảy ra một cuộc chiến tranh mới.

Hiệp ước này không có kỳ hạn. Bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có quyền rút khỏi hiệp ước, chỉ cần thông báo quyết định của mình 6 tháng trước ngày rút. Các nước thành viên thường trực (Canada và Hungary) sẽ thông báo ngay lập tức cho tất cả các quốc gia thành viên khác về thông báo đó. 

Như vậy, đây là lần thứ hai Tổng thống Mỹ rút khỏi một hiệp ước quốc tế thuần túy về quân sự. Năm ngoái, Washington đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Moscow. Và đây cũng là lần thứ hai ông Trump tố cáo Nga vi phạm hiệp ước để biện minh cho quyết định của mình. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng chức năng trung tâm của hiệp ước, vốn là gia tăng mức độ minh bạch và hợp tác giữa các nước, đã bị những vi phạm liên tục của Nga phá hoại.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nêu ra ví dụ cụ thể là Nga đã cấm máy bay của các thành viên trong OST đến gần vùng Kaliningrad thuộc Nga trong một khoảng cách 500 km. Quyết định của Mỹ sẽ có hiệu lực sau 6 tháng nữa, tức là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng quay trở lại thỏa thuận hoặc ký kết một thỏa thuận mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi nhiều hiệp ước quân sự.

Ngay lập tức Đức đã phản ứng, kêu gọi Mỹ xem xét lại ý định rút khỏi Hiệp ước OST. Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi các bên tôn trọng các cam kết của mình. Ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh đã từng nhiều lần giải thích với Washington rằng việc Nga gây khó khăn cho việc áp dụng hiệp ước trong những năm gần đây không “biện minh” cho việc rút khỏi hiệp ước.

Ngày 22-5, các thành viên NATO đã họp khẩn cấp tại Bruxelles. Cho dù không thể ngăn cản được quyết định của Mỹ, các thành viên NATO muốn tỏ rõ quan điểm phải duy trì hiệp ước giải trừ vũ khí. Nhiều nước châu Âu kêu gọi Washington xét lại quyết định. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ra một thông cáo dài, một mặt đổ lỗi cho Nga đã áp đặt các hạn chế bay trên vùng trời biên giới của Nga với Gruzia hay vùng Kaliningrad.

Nhưng mặt khác quan trọng hơn của thông cáo nói lên tâm trạng của các thành viên NATO, cho biết các đồng minh sẽ tiếp tục ủng hộ, tôn trọng và thúc đẩy giải trừ vũ khí, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí. 11 nước châu Âu đã chính thức kêu gọi Mỹ xét lại quyết định, trong số đó có Pháp, Đức, Ý, Anh và Ba Lan. Đó là những nước vẫn mong muốn có sự bảo đảm an ninh của Mỹ với khối NATO.

Một số nước chỉ trích việc rút khỏi Hiệp ước OST là một quyết định mang tính ý thức hệ của ông Trump, sẽ làm khó khăn thêm cho việc thiết lập trật tự thế giới trên cơ sở quan hệ đa phương. Thực tế, các đồng minh châu Âu được hưởng lợi từ hình ảnh được thu thập bởi các chuyến bay của OST do Hoa Kỳ thực hiện.

Trinh sát cơ tham gia hiệp ước Bầu trời mở Boeing OC-135B của Mỹ tại sân bay quốc tế Halifax - Robert L Stanfield, Canada.

Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói chấm dứt các thỏa thuận như vậy mà không có bất cứ gì để thay thế có thể dẫn đến các hoạt động gây bất ổn, chẳng hạn như một cuộc chạy đua vũ trang mới có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm.

Ngày 22-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bày tỏ lấy làm tiếc về bước đi này của Mỹ và cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu. Trong khi, an ninh của chính Mỹ cũng sẽ không được củng cố và uy tín của nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đề cập đến tuyên bố của đại diện chính thức Mỹ rằng Washington có thể xem xét lại quyết định rút khỏi hiệp định, nếu Nga trong những tháng tới hoàn tất vô điều kiện tất cả các yêu cầu của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đây giống như “một tối hậu thư”, do đó việc đối thoại giữa các bên có thể sẽ không hiệu quả.

Một máy bay của Nga thực hiện chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định của Washington không khiến Moscow ngạc nhiên vì nó hoàn toàn giống như đường lối hủy hoại toàn bộ các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin quân sự.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước OST là bước đi tiếp theo của Washington nhằm phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế vốn đã được thiết lập trong nhiều thập niên qua. Ông đề nghị phía Mỹ tiếp tục thảo luận về các vấn đề bất đồng xung quanh việc thực thi hiệp ước này tại Ủy ban Tư vấn về Bầu trời mở ở Vienna, Áo.

Theo ông Medvedev, Washington đã không trả lời rõ ràng các câu hỏi của Nga liên quan đến các hành vi vi phạm hiệp ước mà Mỹ đã cáo buộc cũng như các hành vi mà Mỹ đã vi phạm. “Mỹ không thể trả lời rõ ràng các câu hỏi hợp lệ của chúng tôi liên quan đến nhiều vi phạm hiệp ước của chính họ. Đặc biệt, họ đã giới thiệu một khoảng cách bay tối đa trên Hawaii, hạn chế các chuyến bay qua quần đảo Aleutian và đặt ra các giới hạn vô căn cứ về độ cao của chuyến bay cho các máy bay quan sát của chúng tôi”, ông Medvedev nhận định.

Ông Medvedev bày tỏ hy vọng rằng, các thỏa thuận nền tảng khác trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí sẽ không bị tổn hại “trong sức nóng của chiến dịch bầu cử Mỹ”.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định với hãng thông tấn RIA Novosti: “Chúng ta cần cách tiếp cận thực tế. Miễn là hiệp ước còn hiệu lực, chúng tôi sẽ tuân thủ đầy đủ tất cả quyền và nghĩa vụ được áp dụng theo nó”. Thứ trưởng Ryabkov nói Nga “hành động trên cơ sở các quốc gia khác sẽ cùng làm theo” và “thực hiện cách tiếp cận có lương tâm với nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước”.

Đại diện ngoại giao Nga cho rằng, Hoa Kỳ rút khỏi các hiệp ước quân sự quốc tế quan trọng nhất là để bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới. Khi muốn phá vỡ Hiệp ước OST, Mỹ làm ra vẻ như đang phản ứng đối với một số hành vi vi phạm các hiệp ước này của Nga nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đang muốn cởi trói để giành quyền ưu tiên quân sự, không chỉ đối với Nga mà còn với cả Trung Quốc.

Hoa Kỳ rút khỏi các hiệp ước quân sự quốc tế là để bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới?.

“Quyết định rút khỏi OST là thiếu sáng suốt, phản tác dụng và trái với quan điểm của cộng đồng tình báo, quân đội và các đồng minh của Mỹ”, chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen nói. “Nó sẽ khiến việc theo dõi các hoạt động của Nga trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi chính quyền Trump đã từ bỏ một loạt hiệp ước quốc tế. Đây là biểu hiện đáng lo ngại của việc chính quyền Trump làm suy yếu trật tự quốc tế”, ông Kristensen nói.

Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí tại Đông Á, cảnh báo nếu OST sụp đổ, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất là đồng minh của Mỹ chứ không phải Nga. “Các đồng minh và đối tác của chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Nó cho thấy tư duy ‘vắt chanh bỏ vỏ’ của chính quyền Tổng thống Trump khi đối xử với các đồng minh như đối tượng thu tiền thay vì đối tác cùng chung lợi ích”, ông Lewis nói.

Có vẻ như, quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp ước INF và bây giờ đến Hiệp ước OST là do áp lực của giới quân sự Mỹ, bởi trong chiến dịch bầu cử, sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội có tầm quan trọng rất lớn đối với ông. Quân đội Mỹ cần tiền và những đơn đặt hàng mới từ chính quyền Nhà Trắng, do đó, đây là lý do để các quyết định quân sự được thông qua trong quốc hội.

Quyết định rút khỏi hiệp ước OST của ông Trump thậm chí bị một số nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ phản đối. “Tôi cho rằng việc chúng ta rút khỏi hiệp ước là một sai lầm. Điều quan trọng là các đồng minh của chúng ta muốn nó. Các đối tác NATO nhỏ hơn của chúng ta trông cậy vào những hình ảnh thu được từ các chuyến bay theo hiệp ước”, nghị sĩ Don Bacon, cựu thiếu tướng không quân Mỹ, cho biết.

Quyết định của ông Trump cũng gây nghi ngờ về khả năng Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước New START được ký với Nga năm 2010 và hết hạn vào tháng 2-2021. Giờ nó là hiệp ước duy nhất còn lại hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Nó áp đặt các giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân và bệ phóng hạt nhân tầm xa của Mỹ và Nga. Nga đã đề nghị gia hạn hiệp ước nhưng Tổng thống Trump đang nuôi hy vọng đàm phán để đạt được thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.