Vì sao Mỹ tăng cường căn cứ quân sự tại châu Á?

Thứ Hai, 28/10/2013, 14:20

Nhật báo Washington Post ra ngày 20/10 vừa qua tiết lộ, Mỹ và Hàn Quốc sẽ đầu tư 11 tỉ USD để mở rộng và nâng cấp các căn cứ quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.Trong đó, Humphreys sẽ trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Á. Đây được coi là bước tiến mới trong việc tăng cường và củng cố các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Á.

Theo Washington Post, Mỹ dự trù thiết lập khoảng 100 cơ sở tại 50 địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Hàn Quốc. Phần lớn trong số 28.500 lính Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc sẽ được đưa về gần thủ đô Seoul hơn, đóng tại căn cứ quân sự Humphreys.

Một thay đổi quan trọng khác là quân đội Mỹ sẽ dời trụ sở hiện đang được đặt ngay giữa lòng Seoul về căn cứ quân sự Humphreys, cách thủ đô Hàn Quốc khoảng 40 km về phía nam. Như vậy, Humphreys với khoảng 44.000 quân nhân và nhân viên dân sự sẽ trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ tại châu Á. Trên thực tế, dự án tập trung về căn cứ Humphreys lẽ ra đã phải được hoàn tất từ năm 2008, nhưng kế hoạch này đã gặp nhiều trở ngại và sớm nhất tới năm 2016 mới kết thúc.

Trong số 11 tỉ USD đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Hàn Quốc, phần lớn sẽ do Seoul tài trợ. Theo báo cáo của Ủy ban đặc trách về các vấn đề quân sự tại Thượng viện Mỹ được công bố vào tháng 4/2013, Washington sẽ đài thọ khoảng 3,2 tỉ USD. Phần còn lại do đối tác Hàn Quốc đảm nhiệm. Washington Post nhấn mạnh đây là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ đang bị cắt giảm.

Từ sau Thế chiến II, Mỹ duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ ở Hàn Quốc với sự có mặt đầy đủ của các quân, binh chủng. Ban đầu, đây được coi là tiền tuyến của Mỹ chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ bị khủng hoảng về mục tiêu chiến lược vì không có đối thủ cụ thể nhưng Trung Quốc gần đây nổi lên và được Mỹ nhận diện là đối thủ số 1, bên cạnh đó là mối nguy hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Do vậy lực lượng quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc không bị giảm đi mà ngày càng được tăng cường cả về con người lẫn các vũ khí hiện đại nhất.

Tại Hàn Quốc, Mỹ có khoảng 28.500 quân, cùng nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại. Lục quân Mỹ ở Hàn Quốc có sở chỉ huy đóng tại Seoul với gần 20 đơn vị trực thuộc. Các đơn vị bộ binh cơ giới được trang bị hàng loạt xe tăng, xe bọc thép, xe thiết giáp chở quân, xe tải quân sự, vũ khí cá nhân và đạn dược. Đây được coi là một "quả đấm sắt" của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng như những hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Lực lượng tên lửa phòng không được trang bị hệ thống Patriot đặt tại các vị trí được coi là xung yếu, với chức năng sẵn sàng đánh chặn bất kỳ tên lửa hay các máy bay chiến đấu nào. Lực lượng kị binh không quân với chức năng đổ bộ đường không, được trang bị trực thăng lên tới 80 chiếc, bao gồm: các trực thăng vận tải UH-1, AH-1 và C-130; 24 trực thăng đa năng AH-64D Block I, II; các trực thăng trinh sát OH-58. Ngoài ra, trang bị nhiều loại pháo, súng cối, xe bọc thép hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân….

Lực lượng công binh hiện được Mỹ đặc biệt quan tâm trang bị nhiều trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, vũ khí và vật liệu nổ có sức công phá mạnh. Mục đích nâng cao khả năng xây dựng các công trình quân sự, công sự, lắp đặt hệ thống vũ khí, rà phá bom mìn, xây dựng hệ thống vật cản, hệ thống phòng ngự…. có khả năng sẵn sàng yểm trợ cho các lực lượng tác chiến tiến hành hoạt động nhanh chóng và thuận lợi.

Các lực lượng pháo binh được trang bị nhiều loại pháo dã chiến, pháo tự hành, pháo hạng nhẹ các loại. Về không quân Mỹ bố trí tại căn cứ Osan, Hàn Quốc, từ tháng 9/1986 với các đơn vị trực thuộc gồm: Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 đóng tại Kunsan, Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, Cụm tác chiến số 607 và Phi đội chỉ huy tác chiến số 554. Các đơn vị này được chỉ huy trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương quân đội Mỹ.

Mỹ sẽ biến Humphreys thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Á.

Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 nằm cách thủ đô Seoul khoảng 150 dặm về phía nam. Liên đội được biên chế 2 phi đội máy bay F-16 (Phi đội số 8 và số 35). Ngoài ra, biên chế các đơn vị như nhóm tác chiến không quân, nhóm yểm trợ tác chiến, đơn vị hậu cần và kỹ thuật. Hiện nay, không quân Mỹ đang thực hiện chương trình thay thế các máy bay F-16 bằng F-18, nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng máy bay chiến thuật tại Hàn Quốc, trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, được biên chế 1 phi đội máy bay F-16, phi đội máy bay A-10 và 24 chiếc PAA và máy bay vận tải C-12. Hiện quân đội Mỹ đang nghiên cứu chương trình hợp tác với Hàn Quốc để đưa các máy bay F-22 và F-35 vào biên chế cho các đơn vị không quân đóng trên đất Hàn Quốc trong tương lai.

Cụm tác chiến số 607 có nhiều chức năng đặc biệt khác nhau như hoạt động về không quân và vũ trụ, yểm trợ tác chiến, hỗ trợ hậu cần, tiếp dầu trên không và yểm trợ tác chiến trên không. Ngoài chức năng yểm trợ tác chiến cho không quân Mỹ, Cụm 607 còn hỗ trợ cho lực lượng không quân Hàn Quốc khi có yêu cầu.

Với đầy đủ các lực lượng hùng hậu như vậy, giờ đây Mỹ và Hàn Quốc lại tiếp tục tăng cường và củng cố các căn cứ quân sự. Theo giới quan sát, việc này phù hợp với chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Chính điều này buộc Mỹ phải chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để đổ vào Hàn Quốc trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Về phía Hàn Quốc, việc Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự tại đây sẽ giúp Seoul không bị lép vế trước những đe dọa từ láng giềng, nhất là từ phía CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang có những tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với một số quốc gia khác trong khu vực. Việc mượn "oai hùm" Mỹ trong trường hợp này đối với Seoul mà nói là hoàn toàn đúng đắn. Chả thế mà mặc dù nâng cấp các căn cứ quân sự của Mỹ nhưng Hàn Quốc lại chịu bỏ ra phần lớn số tiền trong tổng số 11 tỉ USD.

Dường như Mỹ cũng "bắt thóp" được điều này ở chính quyền Seoul nên muốn lợi dụng tiền của của Hàn Quốc để củng cố các căn cứ quân sự của mình ở châu Á, phục vụ cho chiến lược lâu dài của mình. Có thể thấy trong dự án nâng cấp các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, đôi bên cùng có lợi

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.