Vì sao TGĐ Công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương bị bắt?

Thứ Ba, 02/06/2009, 08:25
Ngày 21/5/2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Vũ Đình Châu, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Bình Dương (gọi tắt Công ty XSKT) để điều tra về hành vi "cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, vào ngày 15/4, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Châu.

Vào cuối năm 2008, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra làm rõ về nội dung đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân viên Công ty xskt Bình Dương. Công ty TNHH-MTV XSKT Bình Dương tiền thân là Công ty XSKT - dịch vụ Bình Dương, là doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chỉ đạo và quản lý về mọi mặt của UBND tỉnh Bình Dương, kinh doanh trên các lĩnh vực: xổ số kiến thiết, thương mại - dịch vụ nhà cho thuê, xuất nhập khẩu ngành in, sản xuất văn phòng phẩm, gia công in ấn.

Theo điều tra ban đầu, vào năm 1999 Công ty XSKT Bình Dương xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ Lucky (đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) để cho thuê. Việc đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại thị xã và Dự án Đầu tư nhà xưởng của Công ty XSKT Bình Dương đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty XSKT Bình Dương do ông Vũ Đình Châu làm Tổng giám đốc chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; Dự án Trung tâm thương mại thị xã không thành lập ban quản lý dự án, hoặc thuê các tổ chức có năng lực chuyên môn để điều hành dự án.

Chủ đầu tư tự quyết định phê duyệt các hạng mục phát sinh mà không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án, thêm nữa, các hạng mục phát sinh như phá vỡ móng bê tông, chống thấm tầng hầm là không hợp lý, không đúng nguyên tắc tài chính gây thất thoát hơn 1 tỉ đồng...

Trung tâm thương mại Lucky.

Từ khi có chủ trương của UBND tỉnh ngày 25/11/2002 chấp thuận cho đầu tư xây dựng nhà xưởng và các hạng mục phụ theo tờ trình của chủ đầu tư (tổng mức đầu tư là 3 tỉ đồng), nhưng chủ đầu tư là Công ty XSKT Bình Dương đã tự điều chỉnh lên hơn 4,6 tỉ đồng mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa được các cơ quan chức năng quản lý doanh nghiệp thẩm định.

Công ty XSKT Bình Dương còn gây ra hàng loạt những lãng phí khác như đã dùng hàng chục tỉ đồng để mua máy dán cửa sổ Shin Osaka, máy dán bao thư, máy cắt 3 mặt, máy sấy giấy bồi tự chế... Tuy nhiên, các máy trên hầu như không hoạt động, nếu có thì tần suất rất thấp. Mua phần mềm phục vụ hoạt động với số tiền 1,7 tỉ đồng cũng không vận hành được, gây lãng phí lớn.

Năm 2006, Công ty In bao bì, một đơn vị trực thuộc Công ty XSKT Bình Dương có tờ trình xin phê duyệt dự án đầu tư cải tạo với tổng mức đầu tư hơn 7 tỉ đồng, Công ty XSKT đã phê duyệt dự án này. Qua thanh tra, tổng chi phí đầu tư cho dự án trên đã lên tới hơn 200 triệu đồng, nhưng không sử dụng, gây lãng phí của công, công trình trên cũng không hề có tờ trình xin chủ trương, thẩm định, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền...

Theo biên bản của Tổng kiểm toán nhà nước đánh giá về hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của Công ty XSKT: trước năm 2006, công ty không tổ chức hạch toán riêng để xác định hiệu quả hoạt động in ấn và sản xuất bao bì. Từ năm 2006, theo báo cáo của công ty, hoạt động in ấn trong 2 năm 2006-2007 đã bị lỗ hơn 6 tỉ đồng. Hàng năm công ty phải trích khấu hao tài sản trên 10 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Hoạt động của hoạt động kinh doanh bao bì, in ấn bị thua lỗ, đã phải làm giảm số lãi mà Công ty XSKT phải nộp ngân sách nhà nước của hoạt động XSKT.

Theo kết luận của thanh tra tỉnh Bình Dương, việc mua và sử dụng xe công của ông Vũ Đình Châu cũng không đúng định mức quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chiếc Mercedes-Benz mà ông Châu tự lái đã được mua với giá hơn 99.000 USD, tương đương hơn 1,5 tỉ đồng. Trong khi đó, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổng công ty (loại đặc biệt)... chỉ được sử dụng ôtô con theo mức giá mua tối đa không vượt quá 600 triệu đồng/xe.

Cuối tháng 12/2006, Công ty XSKT Bình Dương và Công ty Cổ phần Tấn Lợi ký kết hợp đồng chuyển nhượng lô đất tại địa chỉ số 672, đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành với giá trị lên đến gần 7 tỉ đồng.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, căn cứ hồ sơ do chi nhánh Ngân hàng Công thương KCN Bình Dương cung cấp, từ ngày 2/2/2005, đến thời điểm thanh tra (tháng 10/2008), Công ty Cổ phần Tấn Lợi đang thế chấp pháp lý của trụ sở này tại ngân hàng.

Như vậy, việc nhận chuyển nhượng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, tính pháp lý của tài sản không đảm bảo, thực hiện không đúng quy trình mua sắm tài sản, thực hiện thanh toán không đúng hợp đồng đã ký. Khả năng Công ty XSKT mất số vốn gần 7 tỉ đồng nếu ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp là có thể xảy ra.

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Dương, việc Ban giám đốc đồng ý cho ông Trần Túc Trí, một nhân viên trong công ty tạm ứng số tiền 275 triệu đồng là không đúng với quy chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, phá vỡ tính bình đẳng giữa cán bộ công nhân viên trong công ty...

Hiện nay, Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm của ông Vũ Đình Châu tại Công ty XSKT Bình Dương

Thuận Nguyên
.
.