Vì sao Trung Quốc muốn can thiệp vào Syria?

Thứ Năm, 24/12/2015, 12:25
Ngày 21-12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Liên Hiệp Quốc: Bắc Kinh muốn mời đại diện của cả chính phủ Damascus lẫn phe đối lập Syria tới Trung Quốc để hòa đàm. Đây được hiểu là một động thái tiếp theo của chiến lược gia tăng ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh tại Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại LHQ cho biết Trung Quốc sẽ mời các thành viên của Chính phủ Syria và thành phần đối lập đến thăm nước này trong khi Bắc Kinh đang tìm kiếm một giải pháp giúp mang lại hòa bình cho Syria.

Ông Hồng Lỗi cho biết, đây là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đóng vai trò xây dựng trong việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi không đưa ra chi tiết về lời mời này.

Trước đó, phía Trung Quốc từng tiếp đón đại diện chính phủ và phe đối lập Syria nhưng tất cả đều không đại diện cho 2 phe kình chống nhau tại Syria mà hành động của Bắc Kinh chỉ mang tính ngoại giao là chủ yếu. Tuy nhiên, động thái lần này có vẻ hơi khác. Có thể là Trung Quốc tính đến việc "nhúng tay" vào Syria vì nhiều lý do. Để hiểu được ý đồ này, cần phải xem thái độ của Trung Quốc với Nga trong vấn đề Syria.

Ngày 30-9-2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS tại Syria theo lời đề nghị của chính quyền Damascus. Ngay khi đó, chính quyền Trung Quốc không nói gì nhưng thông qua các cơ quan truyền thông chính thống "bắn tiếng" phản đối hành động của Nga tại Syria.

Trung Quốc đang muốn làm trung gian hòa giải cho các phe phái tại Syria.

Nhân dân nhật báo (cơ quan đại diện của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 13-10 có bài xã luận chỉ trích cả Nga lẫn Mỹ đang tái diễn xu thế đối đầu thời Chiến tranh lạnh trong các hành động quân sự ở Syria. Tờ báo cho rằng Moscow và Washington cần nhận ra rằng, thời đại đó đã qua, thay vì tiến hành các biện pháp quân sự hãy xúc tiến đàm phán hòa bình.

"Mỹ và Liên Xô đã từng sử dụng tất cả các hành động ngoại giao, kinh tế và quân sự trên các nước thứ 3, chơi trò ăn miếng trả miếng để tăng cường ảnh hưởng của họ, đó là một thủ đoạn cũ từ thời Chiến tranh lạnh. Nhưng chúng ta đang ở thế kỷ XXI, và mọi người cần phải hiểu điều này", Nhân dân nhật báo bình luận. Tờ báo này còn nói thêm rằng, không nước nào nên biến cuộc nội chiến Syria thành chiến tranh ủy nhiệm, không nên trì hoãn các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, chính trị cho khủng hoảng Syria.

Ngay trước bài xã luận trên Nhân dân nhật báo, hôm 11-10, trong cuộc gặp với bà Bouthaina Shaaban, trợ lý cấp cao Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc "phản đối can thiệp dễ dãi vào vấn đề nội bộ của các nước khác".

Ông Vương cho biết thêm: "Số phận Syria nên do người dân Syria định đoạt". Theo ông Vương, các bên cần nỗ lực hơn nữa để tìm một giải pháp chính trị. Ông không nhắc đến chiến dịch không kích của Nga ở Syria hay Tổng thống Al-Assad.

Trước đó ngày 6-10, báo Độc lập (Nga) đăng bài viết của chuyên gia bình luận chính trị Vladimir Skosyrev với tiêu đề "Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Mỹ" và trích lời dẫn của tác giả: "Bắc Kinh không ủng hộ Moscow hỗ trợ quân sự Damascus".

Tuy nhiên, ngày 4-12 vừa qua (tức là 65 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích IS tại Syria), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại tuyên bố: Chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria là phù hợp với luật pháp quốc tế và Bắc Kinh luôn ủng hộ điều đó. "Chúng tôi tin tưởng rằng quan điểm của chúng tôi trùng hợp với quan điểm của Nga, Tổng thống Putin cũng kêu gọi thành lập một mặt trận chung chống khủng bố dưới sự bảo trợ của LHQ.

Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề chống khủng bố nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, phản đối việc sử dụng các tiêu chuẩn kép trong vấn đề này. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế cần thực hiện theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc" - bà Hoa Xuân Oánh nói.

Tuyên bố bất ngờ ủng hộ Nga của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Pháp, Anh và Đức được Quốc hội cho phép quân đội các nước này tham gia không kích IS tại Syria.

Theo giới quan sát, Chính quyền Bắc Kinh đang nhận thấy rằng nước này dường như không thể đứng ngoài cuộc chiến chống IS, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cũng muốn tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế và cụ thể là cũng muốn "được chia phần" ở Trung Đông.

Tổng thống Syria Assad (bên phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong một buổi hội đàm.

Nga là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Syria mà không sợ bị mất mặt bởi lẽ dù sao Trung Quốc cũng không thể tự mình tham chiến hay gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Với việc tuyên bố ủng hộ Nga, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc trong thời gian tới có thể cũng sẽ gửi máy bay sang Syria không kích IS.

Còn một lý do khác khiến Trung Quốc muốn can thiệp vào Syria, đó là Bắc Kinh muốn đảm bảo nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông. Trước đây, dù phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc dường như để vấn đề ngoại giao Trung Đông cho các thành viên khác của Hội đồng Bảo an bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, và Nga. Nhưng nay, vì những lý do kể trên, Trung Quốc đang tính tới phần “bánh” của mình tại Trung Đông.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc chen vào được vấn đề Syria không phải dễ, nhất là khi Nga đang thắng thế. Vả lại, chính quyền Assad và phe đối lập ở Syria cũng không mấy tin tưởng vào khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế của Bắc Kinh.

Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Syria, ngày 18-12, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua một nghị quyết ủng hộ một lộ trình quốc tế vì tiến trình hòa bình cho Syria. Đây là một sự nhất trí cao hiếm hoi liên quan đến khủng hoảng tại Syria ở Hội đồng Bảo an. Mục tiêu của nghị quyết là tìm kiếm một thỏa thuận cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, theo đó bước đi quan trọng nhất là tiến hành triển khai một Hiến pháp mới và đi đến việc tổ chức một cuộc bầu cử tự do và hợp thức trong vòng 18 tháng tới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều lưu ý nghị quyết không đề cập đến số phận ông Bashar al-Assad. Trái với yêu cầu trước đây của phương Tây xem việc ra đi của Tổng thống Syria như là một điều kiện tiên quyết, nghị quyết lần này chỉ nói rằng chính người dân Syria quyết định vận mệnh tương lai đất nước. 

Về mặt hình thức, nghị quyết thông qua mang tính lịch sử. Đó cũng là một hy vọng mong manh về giải pháp cho Syria tuy các bên đều hài lòng nhưng vẫn cực kỳ cẩn trọng. Bởi vì, về hồ sơ Syria, LHQ tuy thống nhất nhưng việc chấm dứt chiến sự vẫn còn xa vời. Đối với phe đối lập Syria, nghị quyết được tuyệt đại đa số thông qua là không thực tế. Khi bàn về việc lên danh sách các nhóm khủng bố, mỗi nước trình bày một danh sách riêng của mình, con số nhóm khủng bố dao động theo từng quốc gia.

Điểm bất đồng thứ hai là lệnh ngừng bắn. Liên minh quốc gia Syria, được phương Tây ủng hộ, yêu cầu lệnh ngừng bắn này cũng phải được phía Nga áp dụng. Do bởi kể từ khi tham chiến vào cuối tháng 9-2015, Moscow chủ yếu không kích vào quân nổi dậy ôn hòa hơn là IS (theo luận điệu của phương Tây). Nói tóm lại, mặc dù các bên ở Syria nhất trí đồng thuận thoát khủng hoảng, nhưng tương lai cho đất nước vẫn còn khá mù mịt.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.