Vì sao chỉ có Pháp gửi quân sang Cộng hòa Trung Phi?
Nhiều tháng qua tình hình tại Cộng hòa Trung Phi ngày càng tồi tệ hơn. Từ khi giành độc lập năm 1960, hầu như mọi sự chuyển tiếp chính trị đều nhuốm màu bạo lực và những kẻ chịu trách nhiệm hiếm khi bị đưa ra xét xử. Tổng thống Bozizé đã không áp dụng thỏa ước hòa bình về sự phân chia quyền lực.
Sau cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng, đến cuối tháng 3/2013 Michel Djotodia lật đổ Tổng thống Francois Bozizé và chiếm thủ đô Bangui với sự giúp sức của phe phiến loạn Séléka. Nhưng khi đã lên nắm quyền, Djotodia giải tán Séléka, tuy nhiên phe nhóm này vẫn tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng tại vùng nông thôn và cả thủ đô Bangui.
Séléka được hỗ trợ bởi 2 quốc gia Tchad và Sudan lân cận, chủ yếu gồm người Hồi giáo trong một đất nước đa số là người Thiên Chúa giáo. Hàng trăm ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để vào trốn tránh trong rừng, và tại đấy bệnh tật đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng.
Những hành động tác tệ của Séléka đã gây ra một tinh thần bài ngoại và bài Hồi giáo. Tại miền Bắc, nhiều làng mạc đã lập ra đội dân phòng và tấn công các cộng đồng Hồi giáo du mục. Lòng khinh ghét của người Thiên Chúa giáo đối với người Hồi giáo đã có từ rất lâu trước cuộc xung đột hiện nay vì người Hồi giáo du mục thường chăn gia súc ngoài cánh đồng, phá hại vụ mùa. Sự căng thẳng này cho thấy rằng sự tranh giành lãnh thổ là một tầm mức thêm vào cho tình trạng bạo lực tại Trung Phi.
Thế giới hiểu rằng cần phải mở một chiến dịch gìn giữ hòa bình tích cực hơn. Và do Séléka thường tấn công các tổ chức nhân đạo nên cũng cần phải tăng cường an ninh cho những tổ chức này để không làm chậm công việc cứu trợ. Nếu Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) được đưa đến, lực lượng đó phải có thẩm quyền can thiệp, thậm chí trấn áp. Và như thường thấy, các quốc gia láng giềng và cả Liên minh châu Phi vẫn không hề lên tiếng. Tất cả đều viện cớ là do thiếu phương tiện.
Quân đội Pháp tại Cộng hòa Trung Phi. |
Ngày 5/12 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí phê chuẩn một sự can thiệp quân sự của Pháp tại Cộng hòa Trung Phi. Cũng trong ngày đó những vụ đụng độ sau một cuộc tấn công của dân quân vào phe phiến loạn Séléka tại Bangui đã làm chết hàng chục người.
Ở phía bên kia của Đại Tây Dương, có vẻ như Nhà Trắng rất ngưỡng mộ về hành động của Pháp. Hôm 6/12, ngày đầu tiên của chiến dịch "Sangaris", Washington đã chúc mừng vị tổng tư lệnh quân đội Pháp, có lẽ Mỹ cũng thấy nhẹ nhõm vì khỏi phải tham gia vào chiến dịch quốc tế này. Tại sao Pháp lại phải gánh chịu những sự hy sinh về người và tiền của do một cuộc khủng hoảng có lẽ là liên quan đến tất cả mọi người, đặc biệt là châu Âu?
Pháp thật ra không bao giờ muốn giành lấy vai trò đơn thương độc mã đó. Giống như tại Mali, Pháp chỉ có thể can thiệp trong khuôn khổ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nếu không muốn bị cáo buộc là tân thực dân tại một đất nước thuộc địa cũ.
Nghị quyết ấn định rõ khả năng cho Pháp sử dụng quân đội, nhưng để hỗ trợ cho các lực lượng địa phương tại Trung Phi. Mọi người đều cho rằng Pháp có nghĩa vụ phải can thiệp. Do hiểu biết về địa hình từ thời quá khứ, những mạng lưới, các điểm tựa ở Djibouti, Libreville hay Bờ biển Ngà, do nghĩa vụ tinh thần, Pháp là quốc gia duy nhất có thể hành động.
"Nếu chẳng ai quan tâm đến châu Phi hạ Sahara, khu vực này sẽ trở thành một lỗ đen để phong trào thánh chiến đến chiếm cứ trước khi bành trướng bạo lực sang Pháp" - Giám đốc Trường quân sự Vincent Desportes nhận định.
Tuy nhiên, nguy cơ đó không chỉ hạn chế ở biên giới nước Pháp. Thế thì vì sao các đồng minh của Pháp không hành động? "Mỹ thì không hội nhập thành công. Cách đây vài năm, Mỹ đã thành lập một bộ chỉ huy African Command nhưng chưa hề hoạt động vì không quốc gia nào chấp nhận cho đặt trụ sở. Còn Anh đã dứt khoát từ bỏ. Các quốc gia khác lại không có nhiều quyền lợi" - Vincent Desportes cho biết.
Tuy Pháp ở tuyến đầu nhưng không hẳn là hoàn toàn đơn độc. Mỹ đã hứa sẽ cung cấp gần 100 triệu USD về trang thiết bị, huấn luyện và hậu cần cho Ban Hỗ trợ Quốc tế tại Trung Phi (Misca). Đức cho biết sẵn sàng trợ giúp máy bay vận tải và tiếp tế. EU dự trù giải ngân 50 triệu euro. Một hội nghị các mạnh thường quân sẽ được tổ chức vào tháng 1/2014 tại Paris