Vì sao người dân xứ sở Kim chi nổi giận?
- Chính trường Hàn Quốc chưa hết chao đảo
- Thượng tầng chính trị Hàn Quốc chao đảo vì một bà “phù thủy”
Tổng thống Hàn Quốc một lần nữa đã ngỏ lời xin lỗi trong một bài diễn văn gửi đến quốc dân hôm 4-11, trong một cố gắng nhằm giảm bớt áp lực đòi bà từ chức về một vụ tai tiếng đã làm tê liệt chính quyền do bà lãnh đạo: “Tôi vô cùng hối tiếc và xin tạ tội với nhân dân Hàn Quốc, những người đã tín nhiệm tôi đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Tôi vô cùng đau lòng vì đã mang lại đớn đau dường này cho nhân dân”.
Một cuộc điều tra vào một mưu đồ lợi dụng quyền thế, lạm dụng mối liên hệ với tổng thống để quyên góp hàng triệu USD mà theo cáo buộc, do bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của tổng thống cầm đầu, đã làm tan vỡ hình ảnh của bà Park dưới con mắt của công chúng như một nhà lãnh đạo “không thể bị mua chuộc” mà bà Park đã cố công vun xới.
Ngày 4-11, Tổng thống Park Geun-Hye nhìn nhận đã sai lầm khi để cho một người bạn thân can dự vào chuyện điều hành chính phủ. |
Vụ tai tiếng đã buộc các phụ tá hàng đầu của bà từ chức, và trong một số trường hợp có thể đối mặt với các tội hình sự. Vụ này cũng đồng thời đẩy Tổng thống Park vào thế ngày càng bị cô lập và mất quyền lực.
Theo cáo buộc, bà Choi có ảnh hưởng rất lớn đối với Tổng thống Park, quan hệ giữa hai người đã được báo giới mang ra so sánh với quan hệ giữa một tín đồ với người đứng đầu một giáo phái, trong khi bà Choi không nắm bất cứ chức vụ nào trong chính quyền. Bà Choi còn là đối tượng của một cuộc điều tra vì đã cậy quyền thế qua tình bạn với Tổng thống Park để áp lực các tập đoàn lớn hiến tặng hơn 68 triệu USD cho hai hội thể thao, số tiền mà bà Choi sau đó chuyển vào các doanh nghiệp của cá nhân bà.
Trong loạt tin liên quan, tập đoàn điện tử Samsung đã chuyển ngân hơn 3 triệu USD trực tiếp vào một công ty thể thao Đức do bà Choi và con gái Chung Yoo-ra thành lập.
Tuần trước khi vụ tai tiếng nổ ra, bà Park đã ngỏ lời xin lỗi nhưng không cho biết chi tiết về mối quan hệ giữa bà với bà Choi, ngoài lời thú nhận rằng người bạn thân này đã giúp bà trải qua “một số khó khăn trong quá khứ”.
Hôm 4-11, bà Park nói đã tìm cách tránh tình huống xung đột lợi ích trong chính phủ của bà, ngay cả tách xa gia đình, nhưng bà thừa nhận “đã lạc hướng khi đặt niềm tin” nơi bà Choi, người có thể đã lạm dụng tình bạn với bà vào các mục đích tư lợi. Bà nói thêm rằng, bà cũng đặt niềm tin sai chỗ nơi một số cố vấn thân cận có thể đã có những hành động bất hợp pháp mà bà không hay biết, hay không cho phép.
Bà Park bác bỏ những tố cáo gây xôn xao, cho rằng bà đã tham gia một số hoạt động hoặc nghi thức của một giáo phái bí ẩn với gia đình bà Choi. Tình bạn giữa Tổng thống Park và bà Choi đã khởi sự từ những năm của thập niên 70, vào lúc thân phụ bà Park, ông Park Chung-hee, cầm quyền ở Hàn Quốc trong suốt 18 năm sau một cuộc đảo chính.
Thân phụ bà Choi, ông Choi Tae-min, là người lãnh đạo một giáo phái do chính ông thành lập, tên là Giáo hội của sự sống vĩnh cửu. Ông sau này trở thành người nâng đỡ tinh thần cho bà Park thời bà đóng vai trò quyền Đệ nhất phu nhân sau khi thân mẫu bị giết trong một âm mưu ám sát nhắm vào cha của bà.
Ông Ahn Jong-beom là cựu cố vấn cấp cao, đồng thời là một người bạn lâu năm của bà Park Geun-hye. |
Một công hàm ngoại giao đánh đi từ Đại sứ quán Mỹ tại Seoul năm 2007 bị WikiLeaks tiết lộ, miêu tả cha của bà Choi là người “kiểm soát toàn diện từ thể xác tới tâm linh” của bà Park, thời bà đang trưởng thành. Có tin đồn rằng bà Choi giờ đây vẫn duy trì mối quan hệ tương tự với Tổng thống Park, và có cáo buộc rằng bà Choi đã có ảnh hưởng lớn trong việc uốn nắn các lập trường của bà Park, kể cả lập trường cứng rắn của bà đối với Triều Tiên. Bà Choi từng cho biết, bà tin rằng Triều Tiên sẽ sụp đổ trong 2 năm, dựa trên những gì mà thần linh báo trước cho bà!
Cũng trong bài diễn văn ngày 4-11, Tổng thống Hàn Quốc còn nói rằng bà sẽ cho phép các nhà điều tra thẩm vấn “nếu cần” về vụ tai tiếng. Nếu điều này xảy ra thì đây là một tiền lệ chưa từng có. Cho tới nay, chưa có một vị tổng thống đương nhiệm nào của Hàn Quốc bị các công tố viên thẩm vấn trực tiếp trong một cuộc điều tra chính thức. Bên cạnh đó, Tổng thống Park Guen Hye hối thúc các nhà lập pháp hãy đừng để sự phẫn nộ vì vụ tai tiếng này làm tê liệt guồng máy chính quyền vào một thời điểm khi mà mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang tăng, và nền kinh tế đang suy yếu.
Tuy nhiên lãnh đạo của đảng đối lập, ông Choo Mi-ae đã lên tiếng chỉ trích bài diễn văn của Tổng thống Park, nói rằng xin lỗi thôi là không đủ: “Bà Park không nhận thức được tầm nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà bà gây ra cho guồng máy bên trong Cộng hòa Hàn Quốc. Bà chỉ tập trung vào việc duy trì vị thế quyền lực của mình”.
Các đảng đối lập đang nắm thế đa số ở quốc hội muốn bổ nhiệm một công tố viên độc lập, không chịu sự chi phối của Bộ Tư pháp do Tổng thống Park kiểm soát, để điều tra những hành động sai trái, nếu có, của chính phủ bà Park. Họ cũng đòi hỏi bà Park rút lại quyết định đề cử tân thủ tướng, và thay vào đó để quốc hội chọn người vào chức vụ này.
Bà Park đã tìm cách thực hiện một cuộc cải tổ nội các để xoa dịu giới chỉ trích. Bà đề cử ông Kim Byong-joon vào chức vụ thủ tướng. Ông Kim là một giáo sư đại học có liên hệ với một đảng đối lập lớn trong quá khứ. Nhưng các đảng đối lập từ chối, không chịu mở một phiên họp ở quốc hội để chuẩn thuận ông Kim vào chức vụ mới. Tại Hàn Quốc, thủ tướng là nhân vật thứ hai trong danh sách những người lên thay thế tổng thống, nếu vị tổng thống dân cử từ chức hoặc qua đời trong thời gian tại chức.
Trong một bản thông cáo ngày 6-11, Tòa án Seoul nói rõ là đã ra lệnh giam giữ ông Ahn Jong Beom và ông Jeong Ho Seong về tội danh lạm quyền và tống tiền. Hai người bị tình nghi giúp đỡ bà Choi ép buộc các tập đoàn Hàn Quốc rót tiền cho những hiệp hội khả nghi. Ông Ahn bị bắt ngày 2-11 với lý do bị tình nghi giúp bà quân sư Choi thu hàng triệu USD từ các tập đoàn Hàn Quốc mà bà Choi ép buộc là phải rót vào các hiệp hội mà bà đã thành lập.
Khi vụ việc bị tiết lộ, ông Ahn đã từ chức tháng 10 vừa qua, và cho biết hoàn toàn gánh vác trách nhiệm về việc đã “cố vấn sai tổng thống”.
Còn ông Jeong, 47 tuổi, từng được xem là cánh tay mặt của Tổng thống Park Geun Hye, đã làm việc với bà từ năm 1998 đến nay. Ông Jeong đã bị tạm giam từ ngày 3-11 và bị tình nghi là đã cung cấp cho bà Choi những tài liệu mật, trong dó có nhiều diễn văn. Viên cố vấn này đã từ chức vào tháng 10-2016 khi nổ ra vụ bê bối.
Bất chấp tất cả, vụ tai tiếng đã khiến uy tín đương kim tổng thống tuột giảm thê thảm, chỉ còn 5% ý kiến ủng hộ (tính đến ngày 4-11), trong lúc người dân liên tục xuống đường đòi bà từ chức. Ngày 5-11, chính quyền Hàn Quốc huy động 20.000 nhân viên cảnh sát, tăng cường an ninh vào lúc có khoảng 40.000 người biểu tình tại trung tâm thủ đô đòi bà Park Geun Hye từ chức.
Trong khi đó nhiều tiếng nói trong nội bộ đảng cầm quyền Saenuri (đảng Thế giới mới) cũng yêu cầu bà Park phải ra đi. Đảng Dân chủ thuộc phe đối lập đã kêu gọi Tổng thống Park Geun Hye từ chức và dọa mở chiến dịch vận động để bà phải ra đi. Theo giới quan sát, nếu đòi như thế thì sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn và phe đối lập biết là họ chưa đủ sức để thắng cử.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ít có khả năng nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc từ chức một năm trước khi mãn nhiệm. Có điều trong năm cuối nhiệm kỳ, uy tín của bà sẽ bị suy yếu, chẳng những vì tai tiếng mà báo chí gọi là vụ “Choigate” mà còn do kinh tế Hàn Quốc đang bị chựng lại, thất nghiệp gia tăng và căng thẳng quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Theo nhà nghiên cứu Juliette Morillot, nguyên phụ trách nghiên cứu về quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên tại Trường quân sự Pháp, và hiện là nhà báo của Asialyst, vụ bê bối Choi Soon-sil khiến người Triều Tiên trở lại với toàn bộ lịch sử của đất nước và nỗi đau sâu thẳm của dân Triều Tiên.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Triều Tiên bị thao túng bởi những xung đột giữa các phe phái, bởi tham nhũng, bởi các vị vua bù nhìn, mà kẻ giật dây là các thầy pháp. Hoàng hậu cuối cùng của Triều Tiên Myeong Seong (1851-1895) cũng có cố vấn là một nữ pháp sư.
Vụ bê bối Choigate khiến người ta nhớ đến hoàng hậu Myeong Seong (1851-1895). |
Đây là một giai đoạn rất căng thẳng về mặt chính trị, giai đoạn của các hiệp ước bất bình đẳng, diễn ra trước khi Triều Tiên bị Nhật Bản sát nhập. Triều Tiên cũng có nhiều nhà vua bất lực, bị các thế lực ngoại quốc thao túng. Giờ đây, tất cả những hồi ức ấy đã trở lại với vụ bê bối này, cứ như một thứ ác mộng chưa bao giờ chấm dứt.
Hoàng hậu Myeong Seong được coi là một nhân vật sáng chói trong lịch sử Hàn Quốc cận hiện đại, một nhà cải cách lớn, nỗ lực thiết lập quan hệ mật thiết với phương Tây, hiện đại hóa Triều Tiên. Cho đến gần đây vẫn còn nhiều bí ẩn trong vụ hoàng hậu Myeong Seong, người vợ cả của vua Cao Tông - qua đời ở tuổi 43 - bị Tokyo coi là vật cản chủ yếu đối với tham vọng chi phối Triều Tiên của đế quốc Nhật.
Theo quan điểm được nhiều người thừa nhận cho đến nay, hoàng hậu Myeong Seong đã bị chính quyền đế quốc Nhật ra lệnh sát hại vào ngày 8-10-1895. Vụ sát hại bà Myeong Seong đã dấy lên một phong trào yêu nước, phản kháng mạnh mẽ tại Triều Tiên, chống lại can thiệp Nhật Bản.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Morillot, các lãnh đạo Bình Nhưỡng theo sát vụ việc này. Từ nhiều năm nay, chính quyền Bình Nhưỡng lên án việc Seoul là một con rối trong tay Mỹ. Nếu vụ việc này là xác thực, thì Seoul còn là một con rối trong tay các thầy pháp và lãnh đạo tôn giáo. Tất cả những bê bối này chỉ giúp cho bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên có thêm lý do để một lần nữa lên án tình trạng phụ thuộc của Hàn Quốc.
Báo chí Pháp cho hay Washington theo sát vụ việc này. Bởi nếu bà Park bị truất quyền, liên minh Mỹ - Hàn có thể sẽ trở nên mong manh hơn. Vị trí mà Mỹ muốn duy trì tại vùng Đông Bắc Á, cụ thể là tại Hàn Quốc, trước các đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên, cũng có thể bị phản đối.
Hiệu ứng xã hội tiếp tục lan rộng Ngày 8-11, các công tố viên Hàn Quốc bắt đầu lục soát các văn phòng của Tập đoàn Samsung Electronics để điều tra bê bối chính trị liên quan tới tổng thống và “bà bạn phù thủy”. Động thái này diễn ra 5 ngày sau khi các công tố viên thẩm vấn một giám đốc điều hành của tập đoàn này để làm chứng cho nghi ngờ rằng bà Choi đã cấu kết với một cựu thư ký tổng thống để ép các công ty địa phương nộp hàng chục triệu won cho hai quỹ phi lợi nhuận. Số tiền này sau đó được cho là đã chuyển trái phép tới bà Choi. Người Hàn Quốc rất phẫn nộ với việc bà Choi có ảnh hưởng đáng kể với nữ tổng thống. Kênh truyền hình Chosun đăng tải đoạn video cho thấy nhiều trợ lý của tổng thống tỏ ra khúm núm trước bà Choi. Bà ta cũng có quyền chỉnh sửa một số bài phát biểu quan trọng, can thiệp vào vấn đề trang phục của tổng thống và việc bổ nhiệm nội các.
Trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Park trở thành đề tài châm biếm sôi nổi trong nước. Truyền thông nước này ngập tràn các hình ảnh chỉnh sửa để minh họa mối quan hệ, trong đó cho thấy bà Park trở thành "con rối" để Choi Soon Sil "giật dây". Tờ Korean Times châm biếm cho rằng "Yêu nữ hàng hiệu" trong bộ phim nổi tiếng cùng tên của Mỹ đang xuất hiện ngoài đời thực khi bà Choi trình diện tại văn phòng công tố Seoul với đôi giày đắt tiền hiệu Prada. Bị đám đông xô đẩy, bà Choi rơi mất một chiếc giày hàng hiệu. Cư dân mạng Hàn Quốc cho rằng đôi giày phản ánh lối sống giàu có, xa xỉ của bà Choi được duy trì từ những nguồn tiền bất hợp pháp. Mối quan hệ Choi - Park còn được phác hoạ qua hình ảnh bà Choi ăn vận những trang phục hàng hiệu sang trọng, còn Tổng thống Park trở thành "người hầu" phục tùng chu đáo, "ngoan ngoãn" xách đồ theo sau. Trong lễ Halloween vừa qua, giới trẻ Hàn Quốc có dịp hóa trang thành bà Choi. Hình ảnh người phụ nữ mặc sơ mi trắng, đeo kính đen cùng túi xách hàng hiệu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Instagram. Bộ trang phục được dựa trên bức hình hiếm hoi đầu tiên hé lộ về diện mạo của "người đàn bà bí ẩn" Choi Soon Sil. Đ.K. |