Vì sao nhà cựu độc tài Haiti tự “chui đầu vào rọ”?

Thứ Ba, 25/01/2011, 20:35
Chưa đến 48 tiếng đồng hồ sau khi “quy cố hương” đó, cựu Tổng thống Duvalier đã bị giới tư pháp nước này truy tố vì tội tham nhũng, biển thủ và tòng phạm trong lúc còn đương chức. Sự trở về của ông Duvalier theo đánh giá sẽ càng làm cho tình hình chính trị Haiti thêm rối ren.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị vẫn bao trùm lên đất nước Trung Mỹ này sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi hồi tháng 11/2010, và sau 25 năm vắng bóng trên chính trường, Duvalier (có biệt danh là Baby Doc) trở về Haiti với lý do: "Tôi về nước vì biết người dân đang khổ cực. Tôi về để giúp đỡ".

Chính giới Haiti nhận định mục đích trở về của Duvalier có thể là để nắm bắt cơ hội trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vốn chưa được định ngày. Sau cuộc bầu cử ngày 28/11/2010, Haiti đã phải nhờ tới các quan sát viên quốc tế để kiểm lại phiếu. Do không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu, Haiti sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai, nhưng cho tới nay vẫn chưa ấn định được thời gian cụ thể. Ngày 19/1 vừa qua, luật sư Reynold Georges, đại diện cho ông Jean-Claude Duvalier, cho biết nhà cựu lãnh đạo lưu vong của Haiti dự trù ở lại đất nước và hy vọng ra tranh cử tổng thống.

Duvalier trở thành Tổng thống Haiti năm 1971 khi mới 19 tuổi, kế vị người cha quá cố François Duvalier, biệt danh Papa Doc. Năm 1986, nhân vật này bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy với cáo buộc tiếp tục cai trị Haiti bằng "quả đấm sắt" và tham ô hàng trăm triệu USD từ các quỹ nhà nước trong 15 năm cầm quyền. Baby Doc đã sống lưu vong phần lớn ở Pháp suốt quãng thời gian sau đó.

Năm 2007, Duvalier kêu gọi người dân Haiti tha thứ cho những lỗi lầm mà ông ta gây ra, nhưng Tổng thống Haiti khi đó là Rene Preval đã bác bỏ và tuyên bố sẽ xét xử Duvalier nếu ông này về nước.

Chính vì thế mà chỉ sau 48 tiếng đồng hồ sau khi về nước, nhà cựu độc tài này đã bị bắt giữ tại khách sạn ở thủ đô Port-au-Prince khi chuẩn bị có cuộc gặp gỡ với báo giới trong nước và quốc tế. Các nhân viên tư pháp Haiti sau đó đã thẩm vấn ông Duvalier về những hành vi sai trái trước đây. Hiện tại ông Duvalier vẫn đang được tại ngoại nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng khi tòa án triệu tập. Quá trình xét xử cựu chính khách này dự kiến kéo dài 3 tháng. Tòa án Haiti tuyên bố đủ bằng chứng cáo buộc nhà cựu độc tài Duvalier vì đã phạm các tội tham nhũng, biển thủ công quỹ và liên quan tới các hoạt động tội phạm trong thời kỳ nắm quyền 1971-1986.

Ngoài các tội danh trên, ông Duvalier còn bị các tổ chức nhân quyền quốc tế quy trách nhiệm đã sát hại hàng ngàn nhà đối lập trong thời kỳ ông này lắm quyền. Ngày 19/1, nhiều nhân vật Haiti có tiếng tăm đã tố cáo ông Duvalier về tội ác chống nhân loại, trong đó có tra tấn. Bà Michèle Montas, cựu phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết, sẽ nộp đơn kiện trong những ngày tới, về việc chế độ Duvalier đã phá hủy Đài Phát thanh Haiti, bắt bớ, tra tấn nhiều nhà báo và buộc họ phải ra nước ngoài tị nạn, trong đó có người chồng quá cố của bà. Thụy Sĩ dự định sẽ chuyển trả cho nhân dân Haiti 5,7 triệu USD của ông Duvalier đang gửi tại các ngân hàng nước này.

Sáng 18/1, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Rupert Colville nói rằng, cần phải có bằng chứng mới có thể khởi tố ông Duvalier.

Duvalier trở về nước cũng được không ít người ủng hộ chào đón. Khi ông bị bắt và đưa ra tòa đã có hàng trăm người ủng hộ ông tụ tập bên ngoài tòa án và có những hành động quá khích như đốt lốp xe, ném đất đá, giăng biểu ngữ và kêu gọi bắt giữ Tổng thống đương nhiệm Rene Preval. Trước đó, một nhóm người biểu tình đã phong tỏa các đường phố nhằm cản trở lực lượng cảnh sát áp giải Baby Doc tới phòng xử.

Cảnh sát đưa nhà cựu độc tài Jean-Claude Duvalier ra khỏi khách sạn nơi ông ở sau khi về nước.

Giới quan sát nhận định: sự trở về của cựu độc tài Duvalier có thể sẽ khiến tình hình chính trị tại Haiti thêm căng thẳng. Trong khuôn khổ tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay ở Haiti, ngày 17-1, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã trình bản đánh giá về kết quả bầu cử tổng thống vòng một lên Tổng thống Rene Preval và lên Hội đồng bầu cử lâm thời Haiti (CEP).

Theo OAS, giờ là lúc CEP phải đưa ra lời nói quyết định. Mặc dù bản báo cáo hiện vẫn chưa được công bố, song các thông tin bị rò rỉ cho thấy các chuyên gia OAS đã kiến nghị các nhà chức trách bầu cử Haiti rằng ứng cử viên đảng cầm quyền Jude Celestin nên rút khỏi cuộc bầu cử vòng hai, do kết quả bỏ phiếu vòng một có nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, Trưởng nhóm chuyên trách về bầu cử của OAS Colin Granderson khẳng định nhóm đã không thay đổi kết quả bầu cử, mà chỉ khuyến nghị tiến hành bầu cử vòng hai. Đồng thời ông nhấn mạnh quyền quyết định cuối cùng thuộc về CEP.

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hồi tháng 11/2010, cựu Đệ nhất phu nhân Mirlande Manigat đang dẫn đầu với 31,37% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên Celestin về thứ hai với 22,49% số phiếu. Tuy nhiên, chiến thắng sít sao với cách biệt chưa đầy 1% số phiếu của ông Celestin trước ứng cử viên về thứ ba là Michel Martelly đã làm dấy lên những nghi ngờ về gian lận.

Do không ứng cử viên nào giành được số phiếu bầu quá bán, Haiti sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai, nhưng cho tới nay vẫn chưa ấn định được thời gian cụ thể và tình hình chính trị tại Haiti vẫn bế tắc

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.