Việt Nam đối diện với dịch cúm A-H1N1

Thứ Sáu, 15/05/2009, 20:55
Sau 5 năm "chiến đấu" với dịch cúm gia cầm, giờ đây nhân loại lại phải đối mặt với dịch mới: cúm A-H1N1, một loại cúm đã từng làm chết 40 triệu người trong cơn đại dịch diễn ra vào năm 1918 và mới đây hơn 150 bệnh nhân ở Mexico đã tử vong vì căn bệnh này. Thế giới đang có nguy cơ "chìm" trong đại dịch cúm A-H1N1.

Từ những quốc gia đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp, nghiêm trọng như Mexico, Mỹ... dịch cúm A-H1N1 liệu có lây lan sang Việt Nam? Và Bộ Y tế Việt Nam đã có những biện pháp phòng chống dịch bệnh này như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết về khoa học, bệnh cúm A-H1N1 đang hoành hành hiện nay ở khu vực châu Mỹ do virus nào gây nên?

TS Nguyễn Huy Nga: Nếu chỉ là virus cúm lợn sẽ có ký hiệu khoa học là H1N1. Tuy nhiên, hiện nay loại virus này đã có sự tổng hợp từ các gien của cúm gà, cúm lợn và cả cúm người ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á... Bởi vậy, thay vì ký hiệu là H1N1 thì là A-H1N1. Cách gọi cúm lợn cho dịch bệnh hiện nay là cách gọi chung mà thôi. Do cấu tạo tổng hợp của virus như vậy mà hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không xác định được virus gây bệnh A-H1N1 bắt đầu từ đâu, ở quốc gia nào.

PV: Thưa ông, dịch bệnh cúm lợn  hiện nay được đánh giá ở mức độ nào?

TS Nguyễn Huy Nga: Với 1.550 bệnh nhân ở Mexico, trong đó có khoảng 150 bệnh nhân đã tử vong, 20 ca nhiễm bệnh ở Mỹ cùng 20 ca ghi nhận ở Pháp, Canada... dịch cúm lợn được đánh giá ở giai đoạn 5, là giai đoạn nghiêm trọng. Vì chỉ còn một giai đoạn nữa tức là giai đoạn 6, dịch bệnh sẽ thành đại dịch.

PV: Còn ở Việt Nam, thưa ông, đã phát hiện ca nhiễm bệnh nào chưa?

TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay, ở ta chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Theo dự đoán của Bộ Y tế, thì khả năng lớn nhất để dịch bệnh lây lan sang Việt Nam là thông qua những người đến từ vùng dịch. Vì vậy, tại các cửa khẩu, Bộ Y tế đang ngày đêm kiểm soát rất chặt chẽ  để trong trường hợp phát hiện bệnh nhân mắc cúm, sẽ cách ly và điều trị cũng như lấy máu xét nghiệm xem có A-H1N1 không. Tuy nhiên, do không có chuyến bay trực tiếp Mexico - Việt Nam nên công tác này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Tuy nhiên, được biết hiện nay, công tác xét nghiệm của ta chưa xác định được AH1N1 trong mẫu xét nghiệm. Vậy trong hoàn cảnh này Bộ Y tế làm thế nào để chẩn đoán chắc chắn bệnh nhân mắc cúm lợn hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Đúng là hiện nay labor của ta chưa xác định được virus gây bệnh do chúng ta chưa có "mồi" (từ chuyên ngành)  hay còn gọi là "mẫu chuẩn". Đầu tháng 5, Trung tâm Khảo sát bệnh và phòng bệnh của Mỹ mới cung cấp cho một số quốc gia trong đó có Việt Nam vật phẩm "mẫu". Dựa trên "mẫu" đó chúng ta mới thực hiện xét nghiệm được để xác định bệnh nhân có mắc cúm lợn hay không.

Còn máy móc cũng như thiết bị xét nghiệm sinh học phân tử và labor xét nghiệm an toàn sinh học cấp, Bộ Y tế đã sẵn sàng để phục vụ công tác xét nghiệm. Hiện nay, trong khi chưa đầy đủ điều kiện để xét nghiệm về A-H1N1, chúng ta sẽ gửi mẫu cho WHO để họ xét nghiệm và kết luận.

PV: Còn trong trường hợp giả thiết, chúng ta có bệnh nhân nghi ngờ là nhiễm AH1N1, công tác điều trị sẽ như thế nào?

TS Nguyễn Huy Nga: Bộ Y tế sẽ cho uống Tamineflu hoặc Relenza để điều trị. Hai loại thuốc này, lúc nào ngành y tế cũng dự trữ bảo đảm để phòng chống dịch bệnh.

PV: Thưa ông, hình như đó chỉ là loại thuốc "hiệu nghiệm" với cúm gà?

TS Nguyễn Huy Nga: Nhưng hiện nay chưa có phác đồ điều trị cụ thể nên chỉ dùng được loại thuốc đó trong trường hợp nghi bị cúm lợn. Bộ Y tế đang chờ một phác đồ điều trị "chuẩn" từ WHO rồi mới áp dụng phác đồ điều trị đó đối với bệnh nhân nếu có.

PV: Theo ông, so với bệnh cúm gà, bệnh cúm lợn hiện nay có nguy hiểm hơn không?

TS Nguyễn Huy Nga: Đối với bệnh cúm gà, chưa có trường hợp lây từ người sang người. Nhưng ở cúm lợn thì đã xảy ra, mặc dù biểu hiện của hai loại bệnh cúm này cơ bản giống nhau: sốt trên 38 độ, ho, đau đầu, nhức mỏi cơ, thậm chí viêm phổi, tiêu chảy, ói mửa...

Và không chỉ như vậy, bệnh cúm lợn còn có khả năng lây lan theo hình thức người mắc cúm chưa phát bệnh đã lây truyền sang người khác. Với cách lây truyền như vậy thì dịch bệnh sẽ lan nhanh tới mức khủng khiếp. Khi lan nhanh tới mức khủng khiếp dịch bệnh dễ dẫn đến diễn biến phức tạp nằm ngoài khả năng tiên lượng của con người. Cho nên bệnh cúm lợn có thể đánh giá nguy hiểm hơn cúm gà.

PV:  Mặc dù đã tổng hợp gien từ các loại bệnh cúm như đã nói, nhưng trong dịch bệnh lần này có cả virus gây bệnh cúm ở lợn. Vậy, đối với thực phẩm này ông có khuyến cáo như thế nào?

TS Nguyễn Huy Nga: "Ăn chín uống sôi" đó là phương châm đầu tiên đặc biệt đối với thịt lợn trong giai đoạn này. Vì chỉ ở nhiệt độ 700C là virus gây bệnh cúm đã bị tiêu diệt. Cùng với đó, chúng ta nên vệ sinh sạch sẽ thân thể, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, nhất là vào khu vực bệnh viện... Và trong trường hợp mắc cúm, bệnh nhân phải đến Trung tâm y tế ngay để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

PV: Thưa ông, bên cạnh đó có thể dùng vắcxin phòng bệnh được không?

TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay chưa có vắcxin phòng chống bệnh cúm lợn. Phải 4-5 tháng nữa, sau khi nghiên cứu từ thực tế hiện nay, WHO có thể mới cho ra đời loại vắcxin này.

 PV: Từng trải qua các dịch cúm gà, dịch SARC, những lần đó có thể mang lại kinh nghiệm gì cho Bộ Y tế trong lần đối mặt với dịch bệnh cúm lợn này không thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Chúng tôi sẽ áp dụng đúng phương thức "phát hiện dịch bệnh đến đâu dập tắt ngay đến đó" mà chúng tôi đã từng áp dụng trong dịch SARC và cúm gà trước đây.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh (thực hiện)
.
.