Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ:

Vinh dự lớn, trách nhiệm cao

Thứ Tư, 24/10/2007, 10:00
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói một cách ví von, hình ảnh: Trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã thực sự bước ra biển lớn, tham dự đội ngũ hoa tiêu lái con tàu thế giới đi đến những bến bờ mới. Đây là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mọi người Việt Nam và đông đảo bạn bè của Việt Nam, những người quan tâm đến thời cuộc, quan tâm đến vận mệnh và tiền đồ của dân tộc có lẽ không ai không vui mừng trước một sự kiện quan trọng: Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đây là sự kiện nổi bật nhất trong tuần này được dư luận trong nước và quốc tế chú ý. Và có thể đoán chắc đây là sự kiện đối ngoại nổi bật nhất trong năm 2007 của Việt Nam trên đường hội nhập quốc tế.

Vào 22h36’ ngày 16/10/2007 (giờ VN), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá họp lần thứ 62, ông Srgjan Kerim trịnh trọng công bố Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ khóa 2008-2009 với 183 phiếu ủng hộ trong số 190 phiếu hợp lệ. Tin vui này tuy không quá bất ngờ nhưng vẫn tạo ra được một bầu không khí hồ hởi bởi đó là một minh chứng cho sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Hội đồng Bảo an là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với chính phủ của các quốc gia thành viên thì các quyết định và nghị quyết của HĐBA khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Chính bởi vậy, HĐBA được coi là một bộ phận quan trọng và quyền lực nhất của LHQ.

Xuất phát từ sự phát triển của đất nước và mong muốn được đóng góp nhiều vào tiến trình xây dựng một nền hòa bình của thế giới, từ năm 1997, Việt Nam đã chính thức ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Đến năm 2002, các nước ASEAN đã nhất trí ủng hộ và tháng 10/2006, các nước châu Á tại LHQ đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu lục vào vị trí này. Và ngày 16/10/2007, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập LHQ, sự đề cử đã trở thành hiện thực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói một cách ví von, hình ảnh: Trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã thực sự bước ra biển lớn, tham dự đội ngũ hoa tiêu lái con tàu thế giới đi đến những bến bờ mới. Đây là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đó cũng là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ mới: sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Vào thời điểm này, chúng ta lại nhớ tới Bác Hồ vĩ đại, người đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam sang trang sử mới và hướng tới tầm cao mới. Các thế hệ người Việt Nam đã và đang góp sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đã thực hiện được ước mơ, hoài bão của Người và cả của dân tộc như trong thư Người viết gửi học sinh nhân dịp ngày lễ khai trường tháng 9/1945, sau khi đất nước mới giành được độc lập ít ngày: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Có một điểm đáng chú ý là, đắc cử ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên với số phiếu gần như tuyệt đối, cho thấy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.

Theo quy định, một nước muốn trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng, nghĩa là phải giành được khoảng 125-128 phiếu.

Trong lịch sử đã từng có quốc gia trải qua 155 vòng bỏ phiếu kéo dài 3 tháng mới tìm ra được Ủy viên không thường trực như Mexico, một quốc gia trung dung. Mới đây thôi, năm 2006, sau 47 vòng bỏ phiếu, cả hai nước Guatemala và Venezuela đều không giành được 128 phiếu cần thiết và Panama, một ứng cử viên thỏa thuận, đã đắc cử vị trí này. Trong lịch sử LHQ, có hơn 74 nước chưa từng tham gia HĐBA.

Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Nếu nói về cái “được” của việc Việt Nam tham gia HĐBA LHQ thì điều quan trọng nhất là mở ra cơ hội để Việt Nam có quyền tham gia giải quyết các vấn đề duy trì hòa bình và an ninh ở cấp độ toàn cầu, chứng tỏ Việt Nam là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng có thêm điều kiện để tăng cường quan hệ với các nước ủy viên thường trực của HĐBA về các vấn đề toàn cầu và trong quan hệ song phương.

Tham gia vào công việc của HĐBA LHQ cũng sẽ góp phần thực hiện yêu cầu đối ngoại hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuật lợi để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giành được những thành tựu mới.

Trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Xu thế hòa bình và hợp tác tuy chiếm ưu thế nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề: Đó là cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran, xung đột ở Trung Đông, châu Phi, Myanmar, Kosovo... Nếu xử lý không khéo những vấn đề này, thế giới, khu vực và lợi ích của các quốc gia đều bị ảnh hưởng.

Trước thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việt Nam sẽ cùng với các nước thúc đẩy hợp tác đa phương với LHQ là trung tâm và coi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề chung là biện pháp hữu hiệu và lâu bền. Chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình cải tổ LHQ nói chung và đặc biệt là HĐBA nói riêng nhằm tăng cường tính đại diện, hiệu quả, dân chủ của cơ quan này để có thể ứng phó một cách hiệu quả với những mối đe dọa và thách thức mới của thế kỷ XX, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Vì vậy, tôn trọng, giữ vững nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, vận dụng sáng tạo, đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành trọng trách của mình, tranh thủ được cơ hội, vượt qua thách thức, nâng cao được vị thế và hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, vì hòa bình và phát triển của quốc gia và quốc tế

Nguyễn Khắc Đức
.
.