Voi Khăm Bun của Liên đoàn Xiếc Việt Nam giờ ra sao?
Nhằm đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc, chúng tôi đã đến ngôi nhà thân yêu hiện nay của Khăm Bun là Liên đoàn Xiếc Việt
Được ở chung cùng 3 voi “bác”, voi “chú” khác trong khu chuồng nuôi của Liên đoàn Xiếc, trông Khăm Bun đúng là chú voi “nhí” với cặp ngà nhú ra chừng 50cm từ hai bên vòi, còn trọng lượng chỉ bằng 1/4 - 1/3 so với “họ hàng”. Khăm Bun chẳng có vẻ gì là đang ốm. 4 cái chân cùng với cơ thể nặng khoảng 1 tấn cứ đung đưa từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái, kể cả cái chân trái trước bị thương. Ánh mắt của chú rất hiền, trông giống cặp mắt nai ngơ ngác, sợ sệt. Thấy người lạ vào, Khăm Bun chẳng có phản ứng gì khác thường, ngược lại chú còn cố lia cái vòi để chạm vào người lạ và hít hơi như một cử chỉ thân thiện làm quen.
Khi Thạc sĩ (TS) Nguyễn Hải Đăng, người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho Khăm Bun cầm vào mấy bắp ngô, thì thật nhanh Khăm Bun đẩy cơ thể về phía trước và dùng cái vòi cuốn từng bắp ngô đưa vào miệng mà không cần chờ bác sĩ đưa cho. TS Hải Đăng nói, Khăm Bun là một chú voi thông minh, tình cảm như người. Chỉ cần thấy người quen là voi con cố cọ mặt, vòi vào người để mong được vuốt ve, nựng nịu, đòi ăn nữa. Cu cậu háu ăn lắm. Hiện nay, theo chế độ bồi dưỡng đặc biệt, mỗi ngày Khăm Bun ăn 2 kg gạo nấu lẫn với đậu xanh như cơm, 60 bắp ngô sống, 20 cây mía, 10 kg hoa quả giàu vitamin như dưa hấu, dưa chuột, nho, đu đủ... cùng cỏ voi và 5 mớ rau muống. Sở dĩ ăn kèm rau muống là để vết thương của Khăm Bun chóng đầy.
TS Đăng kể, hôm nào mà chưa kịp cho ăn, Khăm Bun rít lên sau đó lấy cái vòi huơ huơ tứ phía để đòi ăn. Tuy nhiên, thông minh nhất là hành động “hợp tác” của Khăm Bun với bác sĩ trong việc điều trị. Trước đây, nếu mỗi lần rửa vết thương ở đế bàn chân trái cho Khăm Bun, phải tiêm thuốc mê (mà để tiêm được thuốc mê cho Khăm Bun thì phải mất rất nhiều công sức của bác sĩ và nhân viên của Liên đoàn Xiếc thú) mới thực hiện được thì giờ đây, chỉ cần thấy TS Đăng đến với dụng cụ y tế, ủng bạt, túi nilon, dung dịch để ngâm chân là Khăm Bun tự nguyện gác chân lên giá sắt để ông làm ngay.
TS Đăng cho biết, biểu hiện như vậy cho thấy vết thương của Khăm Bun đang có tiến triển tốt bởi từ chỗ đau đớn và phản ứng dữ dội bằng cách rống lên, bất hợp tác trong việc điều trị đến tự nguyện điều trị nghĩa là vết thương của Khăm Bun đã không còn đau nữa. Và thực tế trong những ngày điều trị này, sau khi rửa ráy vết thương cho Khăm Bun, TS Đăng nhận thấy vết thương ấy đã thu hẹp hơn, đầy hơn ngoài sự tưởng tượng của ông.
TS Đăng nói: “Bây giờ thật sự tôi mới thấy áp lực bớt đi. Chứ cách đây một tháng, vết thương của Khăm Bun có thể nói là khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Vết thương ấy quả là... hãi hùng”.
Vì sao bị vết thương kinh hoàng như vậy? Trở lại thời gian trước đây khi Khăm Bun còn ở Tây Nguyên, chú là voi “nhí” của một đàn 20 con sinh sống trong rừng già Tây Nguyên. Tháng 12/2006, vào một ngày cũng như mọi ngày, Khăm Bun cùng bố mẹ đi tìm thức ăn trong rừng. Nhưng do bị sập bẫy, chú bị lạc đàn và lủi thủi một mình trong rừng cùng với chiếc bẫy mắc ở chân.
Khăm Bun cứ lê lết như vậy cho đến một ngày đoàn đi săn do “nghệ nhân săn voi” Ama Bích dẫn đầu nhìn thấy chú và đưa chú về với bản làng để chăm sóc, thuần dưỡng. Khi đã thuần dưỡng Khăm Bun được phần nào, Ama Bích nộp lại cho cơ quan chức năng ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, vết thương của Khăm Bun vẫn chưa khỏi, thậm chí ngày một nặng hơn khiến chú phải đi tập tễnh.
Theo quyết định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Khăm Bun cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Vì chỉ có nơi ấy mới đủ thẩm quyền và khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, thuần hóa chú voi con này thành một diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Ngày rời Tây Nguyên xa xôi với đất bazan rực đỏ để đến với thủ đô, đến với ngôi nhà Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Khăm Bun được bàn giao trong thể trạng: chỉ nặng khoảng 500kg, cao 1,4m, dài 2m, có hai ngà dài 15cm.--PageBreak--
Bên cạnh đó, biên bản giao nhận còn ghi: “Khăm Bun bị đau chân trái phía trước, đế bàn chân sưng to do bị mắc bẫy, đi lại khập khiễng không bình thường”. Mặc dù chỉ ghi một cách chung chung như vậy nhưng thực tế, TS Hải Đăng kể lại, khi ấy vết thương của Khăm Bun là một lỗ sâu hoắm khoảng 17cm đâm từ đế bàn chân lên đến khớp cổ chân. Miệng vết thương rộng chừng 3cm và nhỏ dần vào bên trong. Tấy loét, mưng mủ nhiễm trùng thậm chí có phần hoại tử là tình trạng vết thương của Khăm Bun.
Khi đó, các chuyên gia, bác sĩ thú y của Liên đoàn Xiếc Việt
Đã vậy, cái khó là vết thương của những động vật này, nếu điều trị ở một nước có điều kiện kinh tế, kỹ thuật y khoa về thú y tiên tiến phải hằng năm mới khỏi thì ở nước ta trong hoàn cảnh khó khăn cả về phương pháp điều trị lẫn kinh tế, biết bao giờ voi mới được điều trị hiệu quả. Tất cả đều rất mông lung, mờ nhạt. Trong khi đó, phương pháp điều trị: phẫu thuật hay không phẫu thuật, sử dụng kháng sinh hay không... vẫn chưa được quyết định rõ ràng.
Cuối cùng, sau khi tham khảo từ các chuyên gia hàng đầu về voi trên thế giới, trong đó đặc biệt phải kể đến Tiến sĩ Jonathan Cracknell, Giám đốc Trung tâm Động vật học của Anh, Cố vấn thú y cho Hội Chuyên khoa Voi toàn cầu, bác sĩ Nathan Henry đến từ nước Mỹ, Giám đốc Dự án hỗ trợ, phát triển chăn nuôi, trồng trọt cho người nghèo ở Thái Nguyên, nhóm bác sĩ điều trị cho Khăm Bun đã quyết định không động dao kéo vào vết thương của Khăm Bun để tránh tình trạng vết thương mở rộng, không sử dụng kháng sinh liều cao mà chỉ điều trị với phác đồ: ngâm chân hằng ngày và rửa vết thương bằng Betadine. Sau đó, tiêm kháng sinh Cefotaxime theo liều 12g/ngày. Ngoài ra, tiêm các loại thuốc bổ hỗ trợ sức đề kháng cho Khăm Bun đồng thời thực hiện chế độ ăn uống bồi dưỡng như đã đề cập ở trên.
Rất hào hứng, TS Hải Đăng đã mô tả lại việc rửa, ngâm chân hằng ngày cho Khăm Bun. Khi đã hợp tác bằng cách gác chân lên giá sắt để cho bác sĩ điều trị, Khăm Bun nằm yên để cho TS Đăng thọc ngón tay sâu vào vết thương để rửa đi rửa lại bằng dung dịch Betadine, một việc làm mà trước đây, nếu thực hiện được rất khó khăn, phải tiêm thuốc gây mê cho Khăm Bun như đã nói.
Sau khi rửa xong, TS Đăng ngâm chân voi vào một túi nilon đầy dung dịch Betadine rồi lại cho tiếp cái túi nilon đang ngâm chân voi đó vào một cái ủng bạt và buộc chặt lại nhằm tránh tình trạng Khăm Bun nghịch ngợm hất tung cái ủng ấy ra. Ngâm khoảng nửa tiếng đến một tiếng, tùy thuộc vào tình trạng của vết thương, bác sĩ tháo ủng và túi nilon khỏi chân Khăm Bun rồi lau khô, đặt gạc dò vào trong vết thương.
Với phác đồ điều trị này, có lẽ là sự lựa chọn phù hợp nên đến nay, sau hơn một tháng điều trị, vết thương cũng như sức khỏe của Khăm Bun đã tiến triển rất tốt, có thể hình dung một cách rõ ràng như khớp cổ chân bị thương của Khăm Bun thay vì cứng nhắc, khó khăn trong hoạt động thì nay đã linh hoạt, dẻo dai hơn. Bước đi của Khăm Bun nhờ vậy mà cũng tự tin, thoải mái hơn, không còn khập khiễng như trước. Đặc biệt, “tinh thần” của Khăm Bun hiện nay đã khá hơn không ủ ê, hung tợn như cách đây một tháng.
TS Hải Đăng hy vọng: “Chúng tôi rất mong tiến triển này sẽ ngày một nhiều hơn và giúp voi con Khăm Bun bình phục hoàn toàn, dẫu vẫn biết thời gian để được như vậy có thể kéo dài. Nếu kết quả này thành hiện thực, ngành thú y Việt Nam không chỉ đã mang đến cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam một diễn viên đầy triển vọng, thông minh như Khăm Bun mà còn đánh dấu sự thành công trong công tác điều trị của ngành”.
Như hiểu và đáp lại lời chào tạm biệt của tôi trước khi ra về, nên chú voi con cứ cố với chiếc vòi chạm vào người tôi và hít một hơi thật dài để thể hiện thân thiện, tình cảm theo cách của loài voi. Chúc cho Khăm Bun mau bình phục để có thể xuất hiện trước công chúng trong những tiết mục xiếc thật hấp dẫn, thông minh, ngộ nghĩnh như đúng tính cách của chú hiện nay