Với Mỹ - châu Âu liệu có còn là đồng minh?
- Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm cảng biển ở châu Âu
- Châu Âu đạt thỏa thuận cốt lõi về vấn đề người di cư
- Chuyến đi hòa giải với châu Âu của Tổng thống Nga Putin
Ngày 15-7, Thủ tướng Anh Theresa May tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị với bà là để cho tiến trình nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) được thành công, London đừng thương lượng nữa mà phải “kiện Liên minh châu Âu ra tòa”.
Bà May đã tiết lộ như trên trong một chương trình phát thanh mỗi Chủ nhật “The Andrew Marr Show” trên đài BBC. Thủ tướng May trả lời câu hỏi về một tuyên bố của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo chung hôm 13-7 vừa qua. Hôm đó, ông Trump cho biết đã đề nghị với Thủ tướng Anh một phương pháp để thực hiện thành công Brexit, nhưng bà Theresa May cho là phương pháp này quá “thô bạo”.
Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Sun hôm 15-7, ông Donald Trump cũng tuyên bố, nếu ở vị trí của Thủ tướng Anh, ông sẽ thương lượng một cách “khác hơn rất nhiều”. Đối với Tổng thống Mỹ, bà Theresa May đã đi theo một con đường không đúng với lá phiếu của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.
Việc ông bạn Mỹ chĩa mũi dùi vào kế hoạch Brexit vừa được bà Theresa May công bố khiến quan hệ đặc biệt Mỹ - Anh rơi vào khủng hoảng. Rời thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, Tổng thống Trump tuyên bố, ông viếng thăm quê hương của Winston Churchill trong bối cảnh "nước Anh đang khổ tâm" và có ý định gặp riêng Boris Johnson, người vừa từ chức ngoại trưởng do bất đồng với bà May về chính sách Brexit.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo ở London, chủ nhân Nhà Trắng cho rằng, bà May nhượng bộ quá nhiều EU trên hồ sơ Brexit. Vào lúc Vương quốc Anh rời khỏi EU và cần tìm kiếm một điểm tựa về kinh tế, thương mại thì ông Donald Trump đã dội cho London một gáo nước lạnh khi tuyên bố thỏa thuận thương mại song phương Anh - Mỹ coi như bị khai tử vì chính sách Brexit của bà May quá "gần gũi với EU".
Thái độ này trái ngược hoàn toàn so với hồi tháng 11-2016. Ông Donald Trump, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, từng phấn khởi tuyên bố: London từ bỏ EU, Anh và Mỹ sẽ "rất nhanh chóng" đạt được "một thỏa thuận tuyệt vời" và ông tin tưởng rằng nước Anh sẽ đặt ưu tiên cho quan hệ với Mỹ, hai quốc gia cùng có chủ trương cô lập, sẽ chóng tìm được một ngôn ngữ chung.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại thượng đỉnh EU - Trung Quốc. |
Theo giới quan sát, từ đó tới nay, ông Donald Trump đã thất vọng về chủ trương "mềm yếu" của bà May với Bruxelles.
Với nước Đức, ông Donald không tiếc lời chỉ trích. Ngày 11-7, trong một bữa ăn sáng với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh của NATO, Tổng thống Mỹ nói: "Đức đang bị mắc kẹt ở Nga vì nước này tham gia vào nhiều dự án năng lượng của Nga". "Họ trả hàng tỷ đôla cho Nga để đổi lấy năng lượng và chúng ta phải bảo vệ họ chống lại Nga (...)", ông Trump nói.
"Nước Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát. Họ mua 60% năng lượng từ Nga. Tôi nghĩ rằng đây là một điều rất xấu cho NATO, đáng lý điều này không nên xảy ra", Tổng thống Mỹ lặp lại. Ngoài ra, ông Trump cũng tấn công các thành viên NATO vì họ "không đóng góp các chi phí quân sự cho nhóm, hoặc đóng góp quá ít.
"Chúng tôi bảo vệ Đức, Pháp... Chúng tôi bảo vệ tất cả các nước này" và Hoa Kỳ đã "trả quá nhiều", "Đó là điều không công bằng với người nộp thuế ở Mỹ", ông Trump nói.
Trước đó, trong khi nội bộ nước Đức đang bên bờ vực khủng hoảng về nạn nhập cư, thay vì đứng ngoài, ông Trump lại đổ thêm dầu vào lửa. Ông Trump khi đó đã lặp đi lặp lại rằng chính những người nhập cư đã làm cho một làn sóng tội phạm dâng cao ở Đức, bất chấp thực tế là nhìn chung, tình trạng tội phạm ở đó đang suy giảm. Có điều là một số sự cố nổi cộm liên quan đến người mới nhập cư, trong đó có các vụ tấn công tình dục tập thể, đã làm công chúng Đức phẫn nộ.
Với Pháp, ngày 29-6, báo Washington Post viết rằng chủ nhân Nhà Trắng đã khuyên Tổng thống Pháp rời Liên minh châu Âu. “Trong một cuộc gặp kín tại Nhà Trắng vào cuối tháng 4-2018, ông Trump đã tranh luận rất sôi nổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Có lúc, ông Trump đã hỏi lãnh đạo Pháp: Sao ông không rời EU? và nói thêm rằng nếu Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu, ông sẽ tặng cho nước Pháp một hiệp định thương mại song phương với nhiều ưu ái hơn rất nhiều so với EU hiện nay”.
Trong bài “Trump tháo gỡ trật tự thế giới”, tờ The New York Times đưa giả thuyết: Donald Trump có ý đồ đánh phá liên minh Tây phương. Từ các cuộc thượng đỉnh G7 ở Canada, NATO tại Bruxelles và hội nghị Mỹ-Nga tại Phần Lan... Tổng thống Mỹ không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm lung lay nền móng của khối EU.
Vấn đề là không ai biết ông Trump tính gì, có chiến lược cao siêu hay chỉ vì tính cách? Nhưng hành động từ hơn một năm nay của ông Donald Trump không khác chi là một kế hoạch mật để làm tan NATO. Cây bút David Leonhardt nêu giả thuyết: Có thể ông Trump thích phá, thích làm ngược lại những tổng thống tiền nhiệm.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng Mỹ không còn là bạn của châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo Washington đang tìm cách “chia rẽ Pháp và Đức” - 2 đầu tàu của EU. Kinh tế gia Jacques Attali khẳng định là đối với Mỹ, châu Âu giờ không còn là đồng minh mà là “con mồi”. Không khoanh tay đứng nhìn Tổng thống Trump muốn làm gì thì làm, lãnh đạo Liên minh châu Âu chấp nhận bắt tay với Trung Quốc và Nhật Bản để đối phó với chính sách thương mại của Mỹ. Thượng đỉnh EU-Trung Quốc mở ra trong 2 ngày 16 và 17-7-2018 tại Bắc Kinh.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chủ yếu tập trung vào vế thương mại. Hai bên, một lần nữa khẳng định lập trường bảo vệ mô hình kinh tế mở rộng, bảo vệ trật tự thế giới, trong đó bao hàm cả trật tự thương mại, chống các biện pháp bảo hộ.
Cả châu Âu và Trung Quốc đều trong tầm ngắm của chính sách thương mại Mỹ. Sau 2 ngày làm việc ở Bắc Kinh, lãnh đạo châu Âu sẽ bay sang Tokyo, cùng với Thủ tướng Shinzo Abe ký kết hiệp định thương mại Âu-Nhật.