“Vòm sắt” có che chắn được Israel?

Thứ Hai, 17/05/2021, 15:30
Theo thống kê, chỉ trong vài ngày, lực lượng Hamas đã phóng hơn 1.000 rocket về phía lãnh thổ Israel. Rất nhiều rocket sau đó đã bị hệ thống phòng thủ “Vòm sắt” của Israel bắn hạ. Tuy nhiên, Hamas đã bác bỏ và tuyên bố sử dụng tên lửa mới để vượt qua hệ thống phòng thủ “Vòm sắt” ở Ashkelon.  


“Bức tường sắt”

Khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng lên, mạng xã hội tràn ngập video khoa học viễn tưởng về các tên lửa đánh chặn phát sáng bay lên bầu trời đêm để hạ gục tên lửa đang bay tới trong một vụ nổ. Có rất nhiều bình luận như “Chiến tranh giữa các vì sao” hay “Cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh” khi mô tả hệ thống phòng thủ “Vòm sắt”.

Thực tế, hệ thống phòng không này được phát triển cách đây 10 năm, bởi các công ty Israel Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries, với sự hỗ trợ từ Mỹ; được cho là có thể đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn, đạn pháo và súng cối bắn từ khoảng cách lên tới 70 km. “Vòm sắt” (tên tiếng Anh là Iron Dome) được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và pháo tầm ngắn do Hamas bắn từ Gaza và các khu vực lân cận khác.

“Vòm sắt” được đánh giá là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến bậc nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Trong mọi hoàn cảnh, “Vòm sắt” đều hoạt động dựa vào hệ thống radar và phân tích để xác định liệu tên lửa đang bay tới có phải là mối đe dọa hay không và thực hiện phản ứng thích hợp để bắn một tên lửa đánh chặn nhằm tiêu diệt tên lửa đang bay tới. Một tổ hợp “Vòm sắt” là thành phần có 3 trung tâm bao gồm các khẩu đội đánh chặn, 1 radar theo dõi tên lửa khi nó được bắn qua biên giới vào Israel và sau đó là phần mềm tiên tiến dự đoán quỹ đạo của tên lửa.

Thông tin do hệ thống thu thập sau đó được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa đánh chặn Tamir, được bắn theo phương thẳng đứng từ các đơn vị cơ động hoặc địa điểm phóng tĩnh để kích nổ tên lửa đang tới trên không, tạo ra các vụ nổ trên bầu trời. Mỗi quả tên lửa thuộc “Vòm sắt” có giá từ 40.000 tới 100.000 USD. Các hệ thống này được phân tán, cho phép “Vòm sắt” có thể bao phủ diện tích tối đa. Mỗi bệ phóng mang 20 tên lửa Tamir có tầm bắn trên 40 km.

“Vòm sắt” lần đầu tiên được Lực lượng Phòng vệ Israel đưa vào hoạt động vào tháng 3-2011 và thực hiện cuộc can thiệp thành công đầu tiên khi đánh chặn một tên lửa Grad bắn từ Gaza. Chính quyền Tel Aviv bắt đầu chương trình phòng không của mình sau cuộc chiến với nhóm Hezbollah của Lebanon vào năm 2006, khi 4.000 quả rocket dội xuống miền Bắc Israel, khiến 44 người thiệt mạng. Mỗi lần Israel phóng tên lửa Tamir để đánh chặn tên lửa từ Gaza, họ phải chịu chi phí khoảng 95.000 USD.

Trên thực tế, chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại bởi tên lửa rẻ hơn nhiều so với việc sử dụng “Vòm sắt”. Tuy nhiên, với cuộc sống thường dân đang được đề cập, Israel đã liên tục sử dụng hệ thống “Vòm sắt” để bảo vệ người dân khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa. Mỹ cũng đã tài trợ một phần cho hệ thống này với mức cam kết 429 triệu USD.

Cho đến nay, hệ thống phòng không “Vòm sắt” được coi là một trong những hệ thống tiên tiến nhất thế giới, với tỷ lệ đánh chặn tên lửa thành công được báo cáo là hơn 90%. Các chuyên gia quân sự từng nhận định, việc đưa “Vòm sắt” vào hoạt động đã thay đổi cuộc sống của nhiều người Israel trong các cuộc xung đột gần đây, vì nó cho phép đánh chặn tên lửa bắn từ Gaza một cách chắc chắn hơn. Do đó, cảm giác bình thường đã trở lại ở các vùng phía Nam của Israel, khu vực hứng chịu nhiều vụ tấn công bằng tên lửa nhất. Một thập niên sau khi đi vào hoạt động, “Vòm sắt” đã ngăn chặn gần 3.000 cuộc tấn công bằng tên lửa do các lực lượng vũ trang thực hiện từ Gaza.

Hợp tác quân sự

Hiện Israel đã triển khai 10 hệ thống “Vòm sắt” trên toàn quốc và đang đặt hàng mua thêm 5 hệ thống nữa. Ngoài việc triển khai trên bộ, Lực lượng Phòng vệ Israel đang mong muốn triển khai các khẩu đội “Vòm sắt” trên các hệ thống hải quân của mình.

Một quả tên lửa Quassam của Hams chuẩn bị phóng về phía Israel.

Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel đã triển khai hệ thống phòng không trên các tàu hộ tống lớp Sa’ar 6 của mình để bảo vệ các dàn khí tài xa bờ kết hợp với hệ thống tên lửa Barak 8. Một nguồn tin từ Công ty Israel Rafael Advanced Defense Systems cho hay đang kết hợp với công nghiệp hàng không vũ trụ Israel nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng và hệ thống phòng không tầm xa với sự tích hợp của Arrow 2, Arrow 3, Iron Beam, Barak 8 và tên lửa chống David’s Sling.

Mục tiêu là trong khi “Vòm sắt” bảo vệ dân thường chống lại các tên lửa tầm ngắn của Hamas, thường là Qassams và Katyushas, thì hệ thống phòng không tầm xa tích hợp này có thể hạ gục các tên lửa tầm xa nhằm vào Israel và nó đang được phát triển đặc biệt để chống lại tên lửa Scud từ Syria và tên lửa Shihab từ Iran.

Nói thêm về vấn đề này, Moshe Patel - người đứng đầu Tổ chức phòng thủ tên lửa Israe nhấn mạnh: “Israel phải là vùng trời được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Chính quyền Tel Aviv đã quyết định bảo vệ chống lại tên lửa, rocket, UAV, tên lửa hành trình... Đó là phải có bất cứ thứ gì cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân Israel được đảm bảo hơn.

Trước đây, có rất nhiều ý kiến nói rằng chúng tôi dành quá nhiều ngân sách cho quốc phòng nhưng khi đếm những sinh mạng đã được cứu trong gần 3.000 cuộc đánh chặn của “Vòm sắt”, mọi người sẽ hiểu chúng tôi cần phải thực hiện các tính toán cần thiết với khả năng phòng thủ tên lửa ở mức cao nhất”.

Ngọc Khuê (Tổng hợp)
.
.