Ai Cập: Vụ đánh bom liều chết vào ngôi đền cổ Karnak
Được biết đây là một trong những vụ bạo lực nhằm chống chính quyền Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi và phá hoại nền kinh tế Ai Cập xảy ra trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện vẫn chưa có nhóm chiến binh nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết này.
Cảnh sát cho biết sáng ngày 10/6, có 3 người đàn ông tiến đến thanh rào chắn ngay lối vào quần thể đền cổ Karnak và một tên trong số đó đã kích nổ quả bom mang trong người khi bị chặn lại. Tên thứ hai bị bắn chết tại chỗ và tên còn lại bị bắt giữ.
Ngay sau vụ việc, Bộ trưởng Di tích cổ Ai Cập Mamdoud al-Damaty phát lệnh tăng cường an ninh tại các địa điểm du lịch trên khắp đất nước. Du lịch là nguồn sống của Luxor, quê hương của những ngôi đền cổ và lăng mộ pharaon nổi tiếng nhất của Ai Cập, bao gồm mộ Vua Tutankhamun.
Thành phố Luxor từng bị ảnh hưởng nặng nề do lượng du khách quốc tế đến đây suy giảm mạnh trong những năm bất ổn sau cuộc nổi dậy năm 2011 ở Ai Cập. Các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở bán đảo Sinai chọn mục tiêu là các địa điểm du lịch để phá hoại kinh tế Ai cập, trong đó nổi bật nhất là Ansar Beit al-Maqdis - nhóm chiến binh tuyên bố nhận trách nhiệm đối với phần lớn các vụ bạo lực xảy ra vào năm 2014 cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hiện trường vụ đánh bom bên ngoài Karnak. |
Vụ tấn công xảy ra chỉ một tuần sau vụ các tay súng bắn chết 2 sĩ quan cảnh sát gần cổng khu phức hợp kim tự tháp Giza và Sphinx ở bờ Tây sông Nile. 18 tháng sau khi Tổng thống Abdel Sisi lên nắm quyền, những cuộc tấn công của chiến binh Hồi giáo cực đoan đặc biệt nhằm vào mục tiêu quân sự và cảnh sát khiến hàng trăm người chết.
Sau đó, những vụ nổ súng và đánh bom nhỏ bắt đầu chuyển mục tiêu sang các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện ở Cairo,Alexandria và những nơi khác nhằm mục đích gây tổn hại cho nền kinh tế Ai Cập và gây thiệt mạng cho nhiều dân thường.
Tiếp đến, các nhóm mới xuất hiện - với các tên gọi lạ lùng như Phong trào Trừng phạt cách mạng và Phong trào Kháng chiến nhân dân - bắt đầu lên tiếng nhận trách nhiệm nhiều vụ đánh bom, nhưng chúng đã thất bại trong vụ tấn công Hội nghị Phát triển kinh tế Ai Cập (EEDC) tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ có sự tham dự của Tổng thống Abdel Sisi.
Những vụ tấn công mới đây nhất nhằm vào các khu du lịch nhằm phá hoại nỗ lực phục hồi kinh tế của chính quyền Cairo đồng thời gây mất ổn định trong nước. Ai Cập phụ thuộc vào rất lớn vào ngành du lịch - nguồn mang về cho đất nước ngoại tệ mạnh. Giới chuyên gia nhận định chỉ cần vài cuộc nổ súng hay đánh bom liều chết thành công cũng có thể làm tê liệt ngành công nghiệp du lịch Ai Cập.
Con đường với hàng dài các bức tượng nhân sư đầu cừu. |
Vụ đánh bom liều chết bên ngoài quần thể đền cổ Karnak mới đây khiến người ta nhớ lại vụ chiến binh thuộc tổ chức gọi là Nhóm Hồi giáo nổ súng kinh hoàng vào khu sân trong ngôi đền cổ Hatshepsut 3.400 năm tuổi ở bờ Tây sông Nile, giết chết hơn 60 người trong đó phần đông là du khách.
Quần thể đền Karnak - được người Ai Cập cổ gọi là "Ipet-isu" (nghĩa là: Nơi tốt nhất trong số các nơi) - được đánh giá là công trình tôn giáo dành cho các vị thần Amun, Mut và Khonsu. Quần thể cổ Karnak là di tích nằm ở kinh đô cũ Thebes của Ai Cập, có niên đại hơn 2.000 năm, chiếm diện tích hơn 100ha và là một trong những công trình phức hợp tôn giáo lớn nhất thế giới. Nơi đây có Tháp bút (obelisk) bằng đá granit nguyên khối cao 30m và nặng 323 tấn.
Quần thể đền Karnak - được coi là nhà bảo tàng lộ thiên lớn nhất thế giới - bao gồm nhiều ngôi đền nhỏ và các công trình tôn giáo khác. Khu Hypostyle Hall (Hội trường) trong quần thể Karnak cao 16.459m với 134 cột lớn. Nổi tiếng nhất ở Karnak là đền thờ thần Amun được pharaon xây dựng từ năm 1391 đến 1351 trước Công nguyên, với hồ nước thiêng lớn nhất trong quần thể cũng gọi là Karnak.
Tất cả những ngôi đền trong quần thể Karnak đều có hồ nước thiêng riêng. Ngoài ra, còn có con đường với hàng dài những bức tượng nhân sư đầu cừu. Theo tín ngưỡng người Ai Cập cổ, nhân sư đầu cừu là biểu tượng thần thông thái và thần gió Amun.
Người ta cho rằng sở dĩ quần thể Karnak hoành tráng vì nó được xây dựng bởi 30 pharaon nối tiếp nhau và thường xuyên được tu bổ và là nơi linh thiêng nhất của người Ai Cập.