Vụ “đấu khẩu” hiếm hoi giữa Mỹ và Ba Lan

Thứ Tư, 20/05/2015, 17:55
Ít ai ngờ rằng giữa Mỹ và Ba Lan, 2 đồng minh khăng khít trong Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), lại nảy sinh những xung khắc sâu sắc không dễ dung hòa trong một sớm một chiều.

Nguyên do nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2015) ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã có bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Các nạn nhân của nạn diệt chủng ở thủ đô Washington D.C, trong đó nhấn mạnh: "Những kẻ giết người và tay chân của chúng tại Đức, Ba Lan, Hungary và nhiều nơi khác không nghĩ rằng mình đã thực hiện những điều xấu xa, liên quan đến những tội ác ghê tởm nhất chống lại nhân loại…".

Lời tuyên bố của ông Comey, lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía chính giới Ba Lan. Ông Grzegorz Schtyna, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan quả quyết với đại diện các hãng truyền thông quốc tế thường trú tại Warsaw: "Chúng tôi không thể bỏ qua luận điệu hết sức sai lầm đó. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả những nỗ lực cần thiết để buộc phía Mỹ phải lên tiếng chính thức xin lỗi".

Giám đốc FBI James Comey.

Sau những phản ứng gay gắt của Bộ Ngoại giao Ba Lan, để xoa dịu dư luận, ông Stephen Mull, Đại sứ Mỹ tại Warsaw đã ngỏ lời xin lỗi trên trang web của cơ quan này: "Nhân danh Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hợp Chủng quốc Hoa Kỳ tại Cộng hòa Ba Lan, tôi thành thật xin lỗi vì những lời lẽ do ông Comey, Giám đốc FBI "buột miệng" nói ra đã vô tình xúc phạm đến chính giới Ba Lan".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Schetyna đã chỉ thị cho Đại sứ quán Ba Lan gửi công hàm phản đối chính thức lên Chính phủ Mỹ. "Việc ông Comey cố tình xem Ba Lan như là kẻ đồng lõa trong tội ác của phát xít Đức, phải được giải quyết ở cấp cao nhất chứ không chỉ đơn thuần là lời cải chính từ cửa miệng ông ta, hay một nhân vật nào khác", Ngoại trưởng Schetyna cho biết thêm.

Như "đổ thêm dầu vào lửa" vào vụ bê bối ngoại giao mới bùng phát, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã lên tiếng "phụ họa" với Ngoại trưởng Schetyna: "Những nhận xét phiến diện của ông  Comey cho thấy sự thiếu kiến thức lịch sử của nhiều quan chức Mỹ, cũng như gây khó chịu cho những ân nhân Ba Lan đã từng giúp dân Do Thái thoát khỏi nạn diệt chủng trong Thế chiến II".

Ngoại trưởng Ba Lan Schetyna.

Đáp lại, báo giới Mỹ liền nêu một dẫn chứng điển hình về sự thiếu kiến thức lịch sử của Ngoại trưởng Ba Lan Schetyna. Vào cuối tháng 1 vừa qua, nhân sự kiện 70 năm Ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz (27/1/1945 - 27/1/2015), cũng là nơi giam giữ tù nhân lớn nhất của Đức Quốc xã đặt trên đất Ba Lan, ông Schetyna đã quả quyết: "Những nạn nhân sống sót từ trại tập trung khét tiếng này phải cảm ơn người Ukraine đã cứu mạng họ"(!).

Đơn giản vì người đứng đầu ngành ngoại giao Ba Lan có thể do bận việc túi bụi, không có thời giờ nên chỉ "đọc lướt qua" rồi thấy sử sách ghi nhận, rằng đơn vị trực tiếp giải phóng trại tập trung Auschwitz là Phương diện quân Ukraine thứ Nhất, do vậy ông ta cứ ngỡ là… quân đội Ukraine đã làm việc này.

Quân sử Liên bang Xôviết cũng như các tài liệu lịch sử cơ bản khác về giai đoạn diễn ra Thế chiến II, đã giải thích rõ: Phương diện quân là một phiên hiệu tác chiến chiến lược trong biên chế của Hồng quân Liên Xô, có quy mô đa quân đoàn hỗn hợp quy tụ hàng chục nghìn binh sĩ của tất cả 15 nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xôviết.

Ở thời điểm trại tập trung Auschwitz được giải phóng, cấp chỉ huy cao nhất của Phương diện quân Ukraine thứ Nhất là Nguyên soái người Nga Ivan Stepanovich Koniev (1897-1973), cũng là vị Tư lệnh tối cao đầu tiên của Khối Hiệp ước Quân sự Warsaw bao gồm 7 nước XHCN ở châu Âu là Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, CHDC Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc.

Quang Long (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.