Vụ đụng độ giữa hải quân Mỹ và vệ binh Iran tại vịnh Persic

Thứ Năm, 17/01/2008, 08:30
Chưa đầy một tuần sau tuyên bố mang tính hòa giải của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei về tương lai nối lại quan hệ Iran - Mỹ, tình hình căng thẳng đã đột ngột tăng cao trong quan hệ 2 nước sau khi Lầu Năm Góc lên tiếng cáo buộc Hải quân Iran "tấn công khiêu khích" tàu chiến Mỹ thuộc lực lượng Hải quân trú đóng ở vùng Vịnh Persic.

Sự việc đang gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Iran và Mỹ. Giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là "Sự kiện Vịnh Bắc bộ" trong Vịnh Persic?

Ngày 8/1, báo chí Mỹ đã đồng loạt đưa tin đậm nét trên trang nhất về sự kiện trên sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tung ra cáo buộc rằng, các tàu chiến Mỹ tuần tiễu trong vùng biển Vịnh Persic đã bị thuyền cao tốc Iran “đối đầu” và “khiêu khích”.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Iran đã thẳng thắn phủ nhận những cáo buộc của người Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Muhammad Ali Hosseini nói: “Đây chỉ là một sự việc thông thường thỉnh thoảng vẫn xảy ra”.

Tuy nhiên, người Mỹ thì không nghĩ vậy. Cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley cho rằng hành động đối đầu như thế có thể gây ra cuộc đấu súng và “nếu tái diễn có thể dẫn đến một trận đánh nhau”.

Cuộc “đụng độ” xảy ra hôm chủ nhật 6/1 và chỉ kéo dài trong 30 phút, kết thúc mà không có đấu súng hay thương vong. Một số tờ báo đã mô tả chi tiết hơn, xác định vị trí “đụng độ” ngay tại khu vực eo biển chiến lược Hormuz, và rằng các thuyền cao tốc có trang bị vũ khí và thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC).

Theo New York Times, sáng ngày 6/1, 3 chiếc tàu chiến Mỹ gồm tuần dương hạm USS Port Royal, khu trục hạm USS Hopper và tàu khu trục mini USS Ingraham đang trên đường tiến vào eo biển Hormuz để “tuần tra” trong vùng hải phận quốc tế.

Các sĩ quan Hải quân Mỹ báo cáo rằng khi các tàu chiến còn cách hải phận Iran 12 km thì gặp phải 5 chiếc canô cao tốc của Iran chặn đường.

Các canô quần đảo xung quanh, cách chiếc USS Ingraham khoảng 200-500 mét. Tình hình có vẻ căng thẳng và chiếc USS Hopper suýt nổ súng khi một trong 5 chiếc canô xán đến gần trong phạm vi 200 mét. Tuy nhiên, khi viên chỉ huy trên tàu chưa kịp ra hiệu lệnh nổ súng thì các canô cao tốc đã quay đầu trở lại.

Ngày 8/1, Lầu Năm Góc tung ra một đoạn video dài 4 phút để “minh chứng” cho những cáo buộc mà cơ quan này đưa ra hôm 7/1 dựa theo “báo cáo của Hải quân Mỹ”. Phó đô đốc Kevin Cosgriff, Chỉ huy trưởng Hạm đội 5 của Mỹ đóng trong Vịnh Persic còn đưa ra chi tiết “những âm thanh nghe được qua sóng vô tuyến” nghi là phát ra từ 1 trong 5 chiếc canô cao tốc trong đó có tiếng hô hăm dọa “sẽ cho nổ tung” các tàu chiến.

Đây là yếu tố quan trọng để xác định tính chất “nguy hiểm” của hành động đối đầu nói trên, có thể được dùng làm căn cứ cho những “phản ứng” từ phía Mỹ.

Ngay sau khi Lầu Năm Góc tung ra đoạn video hôm 8/1, Truyền hình Quốc gia Iran dẫn lời các quan chức cao cấp IRGC tố cáo phía Mỹ đã dựng chuyện khi tung ra sự kiện “eo biển Hormuz” một cách vô căn cứ.

Một quan chức IRGC không nêu tên đã cáo buộc Lầu Năm Góc đã “làm giả đoạn video bằng cách chắp ghép các hình ảnh khác nhau trên kho dữ liệu kỹ thuật số”, và “các âm thanh giọng nói cũng được làm giả nốt”.

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu đây có phải là một “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ở Vịnh Persic hay không. Trước mắt, khó có khả năng xảy ra leo thang chiến tranh tương tự như “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ở Việt Nam hơn 43 năm trước. Nhưng đây là một sự kiện rất “có giá trị” đối với người Mỹ trong bối cảnh hiện nay.

Sự việc xảy ra “trùng khớp” ngay trước chuyến công du Trung Đông 9 ngày (bắt đầu từ 9/1) của Tổng thống George W. Bush. Điều này được các nhà phân tích đánh giá là có mục đích nhằm “dọn đường”, “tạo cớ” để ông Bush có những phát biểu được dự báo là “rất gay cấn” xoay quanh vấn đề kiến tạo một nền hòa bình thực sự trong khu vực Trung Đông, trong đó có liên quan đến vai trò của Iran.

Thực tế, ngay trước khi lên đường đi Trung Đông hôm 9/1, ông Bush đã căn cứ vào các báo cáo của Hải quân Mỹ để gọi sự việc đó là “hành động khiêu khích” của Iran.

Ông Bush cũng đã nhấn mạnh với báo chí rằng ông sẽ nêu vấn đề này để “nhắc nhở các bạn bè và đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng Iran là một mối nguy hiểm”.

Ngoài mục đích “thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông”, trong đó ngoài việc “xúc tác” tiến trình đàm phán Israel - Palestine, ông Bush còn nhắm đến những “mục tiêu khác” cho chuyến công du quan trọng đầu năm 2008 này.

Phải chăng ông Bush muốn nhân chuyến công du này “hâm nóng” lại không khí chống Iran đã tạm nguội lạnh trong thời gian qua? Hôm 9/1, ngay sau khi đón tiếp Tổng thống Bush tại sân bay Tel-Aviv, Israel đã gia tăng sức ép bằng cách “cảnh báo” ông Bush về “nguy cơ Iran”.

Một số quan chức Israel còn nói rằng, việc cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Iran đã ngưng chương trình vũ khí hạt nhân từ năm 2003 là một “sai lầm” có thể “giúp Iran phát triển khả năng quân sự hạt nhân”.

Sau khi cái cơ sở “Iran phát triển vũ khí hạt nhân” không còn, Mỹ coi như không còn cách nào để đẩy mạnh chủ trương dùng vũ lực để “thay đổi chế độ” ở Iran, đồng thời việc xây dựng mặt trận chống Iran trong khu vực Trung Đông cũng gặp phải khó khăn.

Giờ đây, Washington sẽ vin vào cái gì để tiếp tục thuyết phục các quốc gia Arập Hồi giáo trong khu vực về một “mối đe dọa từ Iran”?

Đặc biệt, gần đây khối Arập cũng vừa tham gia “hiến kế”, cùng với Thụy Sĩ đưa ra một phương án mang tính chất dung hòa là “làm giàu uranium bên ngoài lãnh thổ Iran”, trên đất Thụy Sĩ.

Rõ ràng, muốn tiếp tục xây dựng liên minh chống Iran trong khu vực, Mỹ buộc phải làm sao cho các đồng minh Arập thấy rằng Iran vẫn còn là một “mối đe dọa”. Giá trị của một “sự cố” như vừa xảy ra trong eo biển Hormuz nằm ở chỗ này

Văn Trương (tổng hợp)
.
.