Vụ hành quyết tử tù gây tranh cãi

Thứ Hai, 04/05/2015, 21:10
Ngày 29/4/2015, Indonesia đã thực hiện việc hành quyết bằng hình thức xử bắn 8 trong số 10 tử tù đến hạn thi hành án tử hình vì tội buôn lậu số lượng lớn ma túy. Đây là những tử tù đã bị tuyên án và chờ ngày ra pháp trường từ rất lâu. Và việc hành quyết đã gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế xoay quanh “quyền được sống” của những kẻ buôn “cái chết trắng”(!)

10 tử tù được đưa ra hành quyết đợt này gồm 4 người Nigeria (Okwuduli Oyatanze, Martin Anderson, Raheem Agbaje Salami, Silvester Obiekwe Nwolise), 2 người Australia (Andrew Chan và Myuran Sukumaran), 1 người Indonesia (Zainal Abidin), 1 người Pháp (Serge Atlaoui), 1 người Brazil (Rodrigo Gularte) và 1 người Phiippines (Mary Jane Veloso). Trong đó, Serge Atlaoui và Mary Jane Veloso đã được tạm đình chỉ thi hành án.

Các tử tù này đều bị bắt trước đó với tang vật mang trong mình khối lượng ma túy từ 50gr đến 6kg heroin. Riêng 2 tử tù Andrew Chan và Myuran Sukumaran bị buộc tội cầm đầu đường dây buôn ma túy nổi tiếng mà giới báo chí thường gọi là “Bali Nine”. 10 bị cáo trên đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa nổi tiếng xét xử các phạm nhân buôn lậu ma túy vào năm 2006, trong đó có 4 bị cáo “Bali Nine”.

8 tử tù (từ trái sang phải, trên xuống): Myuran Sukumaran và Andrew Chan (Australia), Okwuduli Oyatanze, Martin Anderson, Raheem Agbaje Salami, Silvester Obiekwe Nwolise (Nigeria), Rodrigo Gularte (Brazil) và Zainal Abidin (Indonesia). Ảnh: The Guardian.

Trước khi hành quyết tù nhân, Indonesia đã đưa ra thời hạn 3 ngày thông báo (từ 26 đến 29/4), và trong thời hạn này, các quốc gia có công dân sắp bị hành quyết đều đã có động thái can thiệp.

Ngày 28/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Indonesia mở lượng khoan hồng, tha cho các phạm nhân con đường sống.

Lời thỉnh nguyện của thân nhân các tử tù cũng đã được trình lên Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo, nhưng tất cả đã bị từ chối, ngoại trừ đơn thỉnh nguyện của 2 tử tù Veloso và Atlaoui đã được xem xét vào giờ chót.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã lên tiếng phê bình Indonesia vì đã hành quyết các tù nhân bất chấp những lời cầu xin khoan hồng từ các quốc gia và gia đình, thân nhân của các tử tù. Phản ứng được cho là gay gắt nhất đến từ Thủ tướng Australia Tony Abbott.

Cụ thể là Thủ tướng Abbott đã cho triệu hồi Đại sứ Australia tại Indonesia Paul Grigson về nước để tham vấn. Ông Abbott đã gọi vụ hành quyết các tử tù buôn lậu ma túy là “thô bạo và không cần thiết”, và cho rằng các tù nhân người Australia đều đã “cải tạo tốt”(?).

Tuy nhiên, ông Abbott cũng không muốn đẩy tình trạng căng thẳng lên cao hơn. Bởi lẽ, những kẻ bị xử tử hình do phạm tội buôn lậu ma túy – cái chết trắng – một tội mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xử thật nặng, từ chung thân đến tử hình.

Cách báo chí quốc tế tuyên truyền lẫn lộn trắng đen về vụ hành quyết cũng góp phần làm cho vụ việc thuộc chủ quyền của Indonesia trở thành một vấn đề quốc tế một cách không cần thiết.

Tử tù Mary Jane Veloso.

Các tờ báo lớn của Australia, Anh, Mỹ và khu vực Đông Nam Á đã đăng thoải mái những bài viết theo chiều hướng sai lệch, làm cho người đọc có cảm tưởng rằng, Indonesia đã “giết người”, còn bọn tội phạm là những “người tốt” cần được bênh vực quyền lợi. Thậm chí, như tờ The Guardian, còn dùng từ “sát hại” để chỉ việc Indonesia hành quyết các tù nhân phạm tội chết.

Tổng thống Widodo tuyên bố, ông đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng tội phạm ma túy của Indonesia, và vì ma túy đang là quốc nạn, là tình trạng khẩn cấp của đất nước Indonesia nên không thể có sự khoan hồng, tha thứ cho tội phạm ma túy.

Tiếp lời Tổng thống Widodo, Bộ trưởng Tư pháp Indonesia khẳng định, việc xử lý các tử tù thuộc quyền tự chủ của hệ thống tư pháp Indonesia, và vì thế không thể có chuyện Indonesia chấp nhận bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề có vẻ không dừng lại ở mức độ phản ứng thông thường. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã tuyên bố không loại trừ khả năng Australia cắt giảm viện trợ hàng năm dành cho Indonesia (khoảng 480 triệu USD, đứng thứ hai sau Nhật Bản).

Đây không phải là lần đầu Indonesia hành quyết tử tù phạm tội buôn ma túy. Tháng 1/2015, Indonesia cũng tiến hành một đợt hành quyết 6 tử tù gồm công dân của 5 nước (Brazil, Hà Lan, Nigeria, Việt Nam, Malawi) và 1 người Indonesia. Sau đợt đó, Brazil và Hà Lan cũng đã triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn.

Greg Fealy, một chuyên gia về Indonesia tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định, các quốc gia như Hà Lan, Brazil triệu hồi đại sứ chỉ là hành động tạm thời, không kích hoạt hành động trả đũa từ Indonesia.

Còn việc “đe dọa” cắt giảm viện trợ như một hành động trả đũa nhằm gây áp lực lên chính quyền Indonesia là một hành động mang tính “khiêu khích”, chuyên gia Fealy nói. Và nếu Australia thực hiện đúng theo những gì Ngoại trưởng Bishop nói thì sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ 2 nước, vốn đã trồi sụt gần đây sau vụ tiết lộ thông tin Australia nghe lén điện thoại và email của lãnh đạo Indonesia trong nhiều năm liền.

Fealy cũng cho rằng phản ứng gay gắt của Australia đối với vụ hành quyết là điều dễ hiểu bởi, trong số các tử tù bị hành quyết hôm 29/4 có 2 tử tù người Australia. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chính trị đã đóng vai trò nhất định trong vụ việc mới này.

Ngay sau khi đưa ra quyết định triệu hồi đại sứ để phản đối Indonesia, Thủ tướng Abbott đã bị các một số chính khách đảng đối lập trong nước chỉ trích vì lợi dụng vụ hành quyết tù nhân để “trục lợi” về chính trị.

Chỉ trích này không phải là không có cơ sở, bởi lẽ chính Australia đã bắt và giao nộp Andrew Chan và Myuran Sukumaran vào năm 2005 trong cuộc điều tra phối hợp phá vụ án buôn lậu ma túy Bali Nine. Và việc phản ứng gay gắt khi các tử tù bị hành quyết vô hình trung làm cho mọi người khó hiểu về quan điểm chống buôn lậu ma túy của Australia.

Ngày 30/4, Philippines tiếp tục vận động ngoại giao để Indonesia giảm án cho Veloso, người phụ nữ 30 tuổi có 2 con nhỏ phải vướng vòng lao lý vì cuộc sống khó khăn.

Dựa vào sức mạnh kinh tế, Tổng thống Indonesia đã không nhượng bộ

8 phạm nhân bị xử tử, trong đó có 7 người nước ngoài, về tội buôn lậu ma túy. Nạn buôn lậu ma túy là “một mối đe dọa đối với đất nước” - Tổng thống Joko Widodo đã nói thế khi đề cập các bản án tử hình dành cho các tội phạm mang quốc tịch nước ngoài.

“Chúng tôi mở cuộc chiến chống lại những tội ác ghê tởm liên quan đến ma túy đang đe dọa sự sinh tồn của đất nước” – Bộ trưởng Tư pháp Indonesia tuyên bố.

Trong khi cần sa là loại ma túy chính từ lâu được tiêu thụ mạnh ở Indonesia, thì hiện nay Indonesia phải đối mặt với sự gia tăng mức tiêu thụ heroin và métamphétamine. Có khoảng 1,2 triệu người dùng métamphétamine và 950.000 người sử dụng ecstasy, theo chuyên gia Troel Vesters ở Ban Phòng chống ma túy của LHQ.

Ông cho biết thêm rằng, Indonesia là một trong các con đường chính của nạn kinh doanh ma túy trên thế giới. Cơ quan Phòng chống ma túy Indonesia (BNN) thì cho biết có khoảng 5,6 triệu người sử dụng ma túy trong nước và mỗi ngày xảy ra không dưới 50 cái chết do ma túy.

Tử tù người Pháp Serge Atlaoui.

Án tử hình tại Indonesia đã được tái lập vào năm 2013, trước cả khi Tổng thống Joko Widodo đắc cử. Án tử hình tuy không được nêu ra trong chiến dịch tranh cử của ông nhưng lại được nhiều người dân ủng hộ: 84,1% người dân muốn án tử hình dành cho tội buôn ma túy. Sau khi lên nắm quyền, một trong các quyết định của Tổng thống Widodo là bác bỏ mọi đơn xin ân xá của các tử tù.

“Xuất thân từ một môi trường khiêm tốn, trong chiến dịch tranh cử ông phải đối mặt với những lời cáo buộc là yếu đuối từ đối thủ Prabowo Subianto. Từ đó ông luôn muốn chứng tỏ là một tổng thống cương quyết để điều hành đất nước 250 triệu dân này” - chuyên gia về Đông Nam Á David Camroux nhận xét.

“Nếu Tổng thống nghe theo những lời kêu gọi tỏ rõ sự khoan dung, ông sẽ bị phe đối lập trong Quốc hội và đảng của ông chỉ trích là yếu đuối. Ông không muốn tỏ ra là một người cúi mình trước chính phủ nước ngoài khi khoan hòa với những kẻ buôn lậu ma túy” - chuyên gia về Indonesia Yohanes Sulaiman cho biết.

Là một trong các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, tuy nạn tham nhũng và bất bình đẳng vẫn còn đè nặng lên sự phát triển của Indoanesia nhưng sức mạnh kinh tế giúp nước này xem nhẹ các phản ứng bất mãn của phương Tây.

Indonesia còn không nhượng bộ Brazil và Hà Lan, 2 đối tác kinh tế quan trọng hơn Pháp. Ngay cả Australia mà các quan hệ với Indonesia đã từng có nhiều căng thẳng cũng phải suy xét kỹ lưỡng trước khi hy sinh mối quan hệ kinh tế với đảo quốc này. Vững tin như thế nên ngài Bộ trưởng Tư pháp Indonesia không xem trọng việc Australia triệu hồi đại sứ về sau khi 2 công dân nước này bị hành quyết.

Mê Linh (tổng hợp)

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.