Vũ khí hạt nhân càng hiện đại, nguy cơ với nhân loại càng lớn

Thứ Hai, 25/06/2018, 14:53
Một xu thế nguy hiểm về vũ khí hạt nhân đang xuất hiện trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân tuyên bố cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân thì một số nước khác đồng thời với việc cắt giảm về số lượng nhưng trên thực tế lại đang tiến hành hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Quan điểm này đang kéo theo lo ngại mới: Vũ khí hạt nhân càng hiện đại, nguy cơ với nhân loại càng lớn.

Cuộc đua nguy hiểm

Những lo ngại trên đến từ thông báo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra ngày 18/6. Các số liệu thống kê của SIPRI cho thấy tính đến thời điểm đầu năm 2018, 9 nước gồm Anh, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga, Pháp, Pakistan, Triều Tiên, Trung Quốc có 14.456 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3.750 đầu đạn đã được triển khai.

Nếu so với 14.935 đầu đạn của cùng kỳ năm 2017, kho vũ khí hạt nhân của các nước trên đã giảm rất nhiều, chủ yếu do Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí như đã cam kết trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) ký năm 2010.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau những cắt giảm về số lượng thì nhiều quốc gia lại có chương trình hiện đại hóa số vũ khí hạt nhân. Không chỉ Mỹ và Nga, hai nước chiếm tới hơn 92% tổng số đầu đạn, có chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong dài hạn mà ngay cả Anh (với 215 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn), Trung Quốc (280 đầu đạn), Ấn Độ (từ 130-140 đầu đạn), Pakistan (140-150 đầu đạn), Israel (80 đầu đạn), Triều Tiên (10-20 đầu đạn) cũng đang triển khai hoặc đang lên kế hoạch triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới.

Từ sau Chiến tranh Lạnh, vấn đề hạt nhân chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Mặc dù công nghệ hạt nhân mang đến nguồn năng lượng bền vững nhưng vũ khí hạt nhân lại có sức công phá và hủy diệt ghê gớm đối với nhân loại.

Số lượng vũ khí hạt nhân của các quốc gia, tính tới năm 2017. Ảnh: BendedReality.

Các chuyên gia của SIPRI đã lấy ví dụ từ học thuyết hạt nhân mới của Mỹ để chỉ rõ sự nguy hiểm của xu thế này. Người đứng đầu SIPRI Jan Eliasson cho rằng, học thuyết hạt nhân mới của Mỹ được hình thành cùng với chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng theo hướng củng cố ưu thế toàn diện của nước Mỹ trước bất cứ đối thủ nào trên thế giới, với ngôn từ diễn giải theo lời Tổng thống Donald Trump là “nước Mỹ trước tiên” và “tạo lập hòa bình thông qua sức mạnh” càng lộ rõ bản chất quan điểm cũng như hành động thực tế của Washington, đó là sẵn sàng phát động chiến tranh nhằm vào bất cứ đối thủ nào có thể ảnh hưởng đến vị thế độc tôn của Mỹ hoặc đi trái với “trật tự thế giới” do Mỹ sắp đặt.

Người đứng đầu SIPRI Jan Eliasson cho rằng, cách biện minh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nói chiến lược hạt nhân mới “là lời đáp trả cho sự phát triển tiềm lực của các nước đối thủ như Nga và việc Mỹ đổ lỗi cho các nước khác để đề ra chủ trương phát triển đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ để phục vụ mục tiêu riêng, là cách Mỹ đẩy thế giới tới giới hạn ngày càng nguy hiểm.

Nước Mỹ trong Báo cáo đánh giá chính sách hạt nhân 2018 của mình cho rằng, các đối thủ của nước Mỹ đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, nước Mỹ cần tìm kiếm chiến lược phát triển mới để ngăn chặn các vụ tấn công chiến lược nhằm vào nước Mỹ, các đồng minh và các đối tác.

Nói là làm. Từ năm 2018, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đổ rất nhiều tiền của theo đuổi tham vọng giành ưu thế toàn diện trong tất cả các môi trường tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian so với Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác.

Các chuyên gia cho rằng, lý do trên chỉ là sự biện minh. Xét cho cùng, những tuyên bố cho rằng “Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị tấn công” chỉ là cái cớ không mới nhằm tạo cơ sở, chuẩn bị dư luận và điều kiện để Washington phát triển những loại vũ khí mới cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai. Luận điệu này tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

Các kho vũ khí hạt nhân sẽ được “mở” về chiều “sâu”

Với quan điểm muốn hiện đại vũ khí hạt nhân, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và xây dựng lực lượng vũ trang của Mỹ thành đội quân mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ. Rõ ràng, đúng như báo cáo của SIPRI vừa chỉ ra, thế giới đang đối mặt với mối nguy an ninh lớn hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều hành động như nước Mỹ, hiểm họa đang chờ đợi thế giới khi nó kích động một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại hơn trên thế giới.

Rõ ràng, cách nghĩ, cách làm mới mà nước Mỹ đang đề ra và thực hiện đang khiến cuộc đua hiện đại hóa vũ khí hạt nhân lại có xu thế ngày càng quyết liệt hơn, như Michael Krepon thuộc Trung tâm Stimson đã viết gần đây, “trật tự hạt nhân toàn cầu đang chao đảo.

Mạng lưới an toàn hạt nhân, được thêu dệt dày đặc các hiệp ước nhằm giảm các nguy cơ hạt nhân và ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như các mức độ sức mạnh suy giảm của Mỹ và Nga, đang bong rời ra”, làm cho các vấn đề tồi tệ hơn.

Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thù địch đối với 2 thỏa thuận hạt nhân cốt lõi mà Tổng thống Barack Obama đã đàm phán: Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) 2010 với Nga và thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran. Ông cũng đang tìm cách tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Và quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẵn sàng thông qua đạo luật mà sẽ giáng một đòn mạnh, nếu không muốn nói là chí tử, vào cơ chế kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga.

Không quá chút nào khi nói rằng vào lúc kết thúc nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, thế giới sẽ đối mặt với một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga, một chương trình hạt nhân không bị kiềm chế của Iran có khả năng tạo ra đủ nguyên liệu hạt nhân để chế tạo vài đầu đạn hạt nhân chỉ trong vài tuần.

Nếu tương lai này trở thành hiện thực, nó có nghĩa là các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tăng cao, khả năng ngày càng tăng của cuộc cạnh tranh hạt nhân toàn cầu. Mối quan hệ hạt nhân Mỹ-Nga bị phá vỡ. Các trụ cột chủ chốt trong cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân như Mỹ-Nga, như mối quan hệ song phương rộng lớn hơn, đang bị bao vây và tương lai của chúng đang bị hoài nghi.

Mối đe dọa lớn nhất là cái được cho là sự vi phạm của Nga đối với Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận nền tảng giúp ngừng và thay đổi hoàn toàn cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân Chiến tranh Lạnh và loại bỏ một mối đe dọa đáng kể đối với châu Âu. Mỹ đã buộc tội Nga thử và triển khai các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất là vi phạm hiệp ước, mà loại bỏ tất cả các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga trong phạm vi 500-5.550 km.

Moskva đã không thừa nhận mình vi phạm hiệp ước và thay vào đó buộc tội Washington vi phạm hiệp ước. Những cái vòng luẩn quẩn, sau mỗi lần tranh cãi lại khiến kho vũ khí hạt nhân phình ra to hơn, như Báo cáo của SIPRI đã chỉ rõ.

Trong khi đó, cả hai phía tiếp tục duy trì các tư thế lực lượng hạt nhân mà sẽ cho phép mỗi nước phóng hàng trăm vũ khí trong vài phút kể từ khi quyết định làm vậy. Nói cách khác, số phận của thế giới phần lớn phụ thuộc vào sự đánh giá thiện chí của một vài nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, Nga và Mỹ đang tiếp tục đổ ra hàng trăm tỷ USD để duy trì và thay thế kho vũ khí hạt nhân của họ ở các mức vượt quá bất cứ yêu cầu phòng thủ hợp lí nào. Theo các chuyên gia của SIPRI, việc tăng cường và mở rộng theo “chiều sâu” các kho vũ khí hạt nhân đang làm tăng các nguy cơ cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga, hai cường quốc lớn nhất sỡ hữu hầu hết số vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, việc gắn sự gia hạn START mới với việc tuân thủ hiệp ước INF là phản tác dụng.

Bằng việc “trừng phạt” sự vi phạm INF của Nga theo cách này, Mỹ đơn giản để Nga tự do tăng số lượng các vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm vào Mỹ sau khi START mới hết hiệu lực vào năm 2021. Nếu hiệp ước INF kết thúc hoàn toàn và START mới được phép hết hạn vào năm 2021, lần đầu tiên sẽ không có những giới hạn về các lực lượng hạt nhân của Mỹ và Nga kể từ đầu những năm 1970.

Trật tự thay đổi

Trong nhiều thập niên, giới lãnh đạo Mỹ hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân, giảm đáng kể tổng số vũ khí hạt nhân toàn cầu, ngừng hoạt động thử vũ khí hạt nhân của tất cả các nước và đã tạo ra một điều cấm không chính thức đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng hiện nay, trật tự hạt nhân toàn cầu đang chịu sự căng thẳng ngày càng tăng do các mỗi mối đe dọa tiềm ẩn chính từ cách “hành xử” của các cường quốc, khiến nhiều quốc gia quyết phát triển vũ khí hạt nhân theo hướng ngày càng hiện đại hơn để tự vệ.

Giải trừ vũ trang toàn cầu bị trì hoãn, những căng thẳng gia tăng giữa các nhà nước trang bị vũ khí hạt nhân và những tiến bộ về công nghệ toàn cầu trong các lĩnh vực phòng thủ tên lửa, mạng và không gian đang đặt ra các áp lực mới lên sự ổn định hạt nhân.

Theo nhận định của SIPRI, để có một thế giới ổn định, tuân thủ trật tự trong “thế giới hạt nhân”, cần duy trì và củng cố các biện pháp kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện tại. Việc này bao gồm việc tìm cách duy trì mạng lưới các thỏa thuận tạo nên cấu trúc kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga song phương, các trụ cột then chốt của nó bắt nguồn từ tầm nhìn của Tổng thống Ronald Reagan và các nhà lãnh đạo Nga cùng thực hiện.

Mỹ đang hướng tới hiện đại hóa các loại vũ khí hạt nhân với tiêu chí ngày càng nhỏ gọn, sử dụng linh hoạt cho nhiều trường hợp. Ảnh: Daily Express.

Được thực hiện cùng nhau, các thỏa thuận này tiếp tục kiềm chế các lực lượng hạt nhân của Nga, mang lại sự ổn định, tính có thể dự đoán được và sự minh bạch trong mối quan hệ song phương và chỉ tăng giá trị khi mối quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Tổng thống Trump nên chấp nhận đề nghị của Nga về các cuộc đàm phán gia hạn START mới cho đến năm 2026.

Nó sẽ giúp tránh được một cuộc cạnh tranh hạt nhân không kiềm chế, củng cố an ninh của Mỹ và toàn cầu, tái đảm bảo với các đồng minh đang bị Tổng thống Trump và Tổng thống Nga V.Putin làm lo lắng và chuẩn bị cho những sự giảm vũ khí hạt nhân hơn nữa trong tương lai.

Tiến sĩ Tilman Ruff, đồng Chủ tịch hiệp hội Y sĩ Quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân, cho rằng: "Ai cũng có thể nhận thấy hậu quả kinh khủng của vũ khí hạt nhân. Chính điều này đã vô hiệu hóa tất cả những nỗ lực nhằm duy trì loại vũ khí này. Do mối hiểm họa mà nó có thể mang tới, vũ khí hạt nhân cần bị cấm và loại bỏ".  Cũng chính vì lý do này mà Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đại diện cho sự thay đổi đáng kể trong kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Khó kiểm soát khi sức mạnh thuộc về người có nhiều vũ khí

Việc hiện đại vũ khí hạt nhân đang tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt toàn thế giới. Người đứng đầu SIPRI Jan Eliasson, khẳng định, để an toàn, thế giới cần những cam kết rõ ràng từ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đối với một tiến trình hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý hướng đến giải giáp hạt nhân.

Cách đây 48 năm, ngày 5-3-1970, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực. Đây là dấu mốc đánh dấu những nỗ lực của thế giới nhằm hướng tới một thế giới không có hạt nhân. Sự ra đời của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) là một cột mốc quan trọng góp phần vào việc kiểm soát các quốc gia thử hạt nhân và cùng với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hy vọng trong tương lai, thế giới sẽ không còn vũ khí hạt nhân.

Trong thông điệp nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân 29-8-2016, Liên Hiệp Quốc đã tiếp tục kêu gọi các quốc gia ký kết và phê chuẩn CTBT, mở đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Hiện vẫn còn 8 quốc gia trong Phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước, đó là Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ.

Cuối năm 2016 Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Nội dung nghị quyết này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5/2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân trên đã mang một ý nghĩa lịch sử lớn trong cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên qua vì một thế giới không hạt nhân. Hiệp ước này sẽ không ngay lập tức loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, nhưng giúp tạo ra những chuẩn mực pháp lý mới có sức mạnh buộc các nước phải có hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định quyết tâm loại trừ hạt nhân của cộng đồng quốc tế.

Hoa Huyền
.
.