Vụ "máy bay Nga bị bắn rơi": Cú “đâm sau lưng” có chủ đích

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:10
Dư luận thế giới đang bị hút mạnh vào vụ việc một máy bay ném bom Su-24 của Nga trên đường quay trở về căn cứ Không quân Nga ở tỉnh Latakia, Syria, bị 2 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi đang bay trên không phận Syria hôm 24-11 vừa qua.

Nhiều ý kiến bình luận theo chiều hướng Nga sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không tấn công bằng quân sự để tránh leo thang chiến tranh với khối NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu.

Đòn hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ

Nga đã có phản ứng khá gay gắt ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tổng thống Nga Vladimir Putin giận dữ gọi hành động bắn rơi máy bay Su-24 là cú "đâm sau lưng của kẻ đồng lõa khủng bố", và tuyên bố sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" cho hành động vô trách nhiệm đó. Tại Moscow, hàng ngàn người dân đã biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, ném trứng thối và gạch đá làm vỡ cửa kính tòa nhà.

Có thể hiểu được cơn giận của người dân Nga, vì hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bị xem là "hèn nhát", tiếp tay cho khủng bố IS, trong khi Nga triển khai quân đội ở Syria là để tiêu diệt IS, mang lại hòa bình, an ninh không chỉ cho Syria mà cả châu Âu, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, Liên Hiệp Quốc và khối NATO đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi Nga "bình tĩnh" nhằm tránh trường hợp Nga có thể phản ứng mạnh tay sẽ càng làm cho tình hình căng thẳng leo thang thêm. Sau khi tham vấn với các đồng minh khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lời giải thích trơ trẽn rằng máy bay ném bom Nga đã bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ lâu đến… 17 giây và  chiến đấu cơ F-16 đã đưa ra 10 lần cảnh báo(!?), và rằng "Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận của mình".

Trên thực tế, hoa tiêu chiếc Su-24 còn sống sót, đại úy Konstantin V. Murakhtin, đã báo cáo lại tình hình khi đó, chiếc Su-24 đang bay ở chế độ bình thường, tức là không phải bay ném bom, và đang trên đường trở về căn cứ, không hề nghe bất kỳ lời cảnh báo nào, vì máy bay đang ở trên không phận Syria. Đây không phải lần đầu các máy bay ném bom Nga bay nhầm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin.

Hồi đầu tháng 10, Nga đã gửi thư xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ vì máy bay bay nhầm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ do lỗi hoa tiêu. Nhìn trên bản đồ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với tỉnh Latakia, Syria, nơi Nga có căn cứ không quân Khmeimim, lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ có một khúc giống cái "ruột thừa" thòng sâu vào lãnh thổ Syria. Sơ đồ bay do phía Nga cung cấp cho thấy, chiếc Su-24 bay hoàn toàn bên trong lãnh thổ Syria, nhưng khi bay qua khu vực này thì không thể lách kịp nên đã "xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ" là vậy.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ "đâm sau lưng" Nga được dư luận thế giới nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau. Ở một góc độ, đó là đòn thù có tính toán chặt chẽ của Ankara nhằm "dằn mặt" Nga vì chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria đã nhằm trúng 2 mục tiêu khiến Ankara "đau điếng”: Thành phần phiến quân chống Tổng thống đa phần là người Hồi giáo Sunni, trong đó một bộ phận không nhỏ là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được Ankara ủng hộ ngay từ đầu. Các nhóm phiến quân Hồi giáo đối lập chống Tổng thống Assad là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, phân bố rộng khắp từ các tỉnh miền Bắc như Latakia, Idlib, Raqqa, dọc xuống phía tây thuộc tỉnh Latakia và một phần miền Trung (Hama, Homs), thậm chí ngay tại Damascus.

Mục tiêu thứ hai bị đánh trúng là IS. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không xem IS là mối đe dọa, mà chính người Kurd mới là mối đe dọa nguy hiểm, vì người Kurd đang đấu tranh cho việc thành lập Nhà nước Kurdistan, phần lớn lãnh thổ nằm ở vùng Đông và Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, IS đang là "mối làm ăn" lớn, mang lại nguồn lợi béo bở cho các quan chức cấp cao ở Ankara. Mối quan hệ làm ăn này đổ bể từ khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ giết chết Abu Sayyaf - kẻ phụ trách việc buôn bán dầu hỏa cho IS.

Để tiêu diệt IS một cách hiệu quả, Nga đã áp dụng chiến thuật tấn công vào các kho chứa vũ khí, lương thực, các mỏ dầu, đánh chặn và phá hủy hàng ngàn chiếc xe tải của IS chở dầu lậu đi bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, chiến dịch không kích của Nga đã làm giảm đáng kể nguồn dầu lậu bán qua Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nguồn lợi béo bở của giới chức chóp bu ở Ankara từ việc mua dầu giá rẻ của IS bỗng dưng tụt giảm nghiêm trọng, và sắp tới có nguy cơ bị cắt hoàn toàn nếu Nga tiếp tục chiến thuật đánh chặn đoàn xe chở dầu.

Nếu Nga trả đũa về quân sự là rơi vào bẫy của Ankara

Ở một góc độ khác, "cú đâm" cũng có thể được xem là bài thử thách gay go đối với chính sách quân sự của Nga ở Syria. Đồng thời đây cũng là đòn khiêu khích mạnh thách thức tính kiên nhẫn, sự tỉnh táo, sáng suốt của Điện Kremlin khi tính toán các bước trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong phát biểu hôm 25-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trấn an dư luận, tuyên bố "nước Nga không có kế hoạch chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ". Nếu tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ rơi vào cái bẫy do Ankara giăng ra, động vào thành viên NATO là gây chiến với NATO, khi đó nhiều khả năng xảy ra chiến tranh lan rộng giữa Nga với NATO tại khu vực Trung Đông, và có thể lan sang các khu vực khác.

Cũng có thể hiểu rằng, với "cú đâm" của Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo Nga lún sâu hơn vào Syria và rất khó rút ra. Những đòn trả đũa qua lại giữa hai phe phái "chốt thí" tại Syria và Trung Đông nói chung sẽ làm cho xung đột mở rộng thêm nhiều thành phần, khiến Nga phải tăng cường sức mạnh quân sự vào đây. Một hậu quả khó tránh khỏi là kinh tế Nga sẽ kiệt quệ vì chi tiêu cho chiến tranh quá lớn, trong khi giá dầu mỏ lại đang bị ghìm ở mức thấp. Đây là điều hoàn toàn nằm trong toan tính của Mỹ và phương Tây.

Ngay sau phát biểu gay gắt của Tổng thống Putin - ám chỉ mối quan hệ ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm khủng bố ở Syria, đặc biệt là với IS - truyền thông quốc tế đã đặt ngay câu hỏi: "Ông Putin gọi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng lõa của khủng bố có đúng không?".

Hình ảnh chiếc Su-24 bị bắn cháy và rơi tại tỉnh Latakia, tây bắc Syria.

Tờ the Guardian của Anh đã có bài bình luận để gián tiếp trả lời câu hỏi này, và câu trả lời là "Đúng". Tờ báo này nói rằng, ngay từ khi cuộc nội chiến ở Syria mới chớm hình thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia trực tiếp bằng cách này hay cách khác, và sự tham gia đó càng sâu hơn khi một số quốc gia kình chống Syria trong khu vực lên tiếng ủng hộ phiến quân đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Này nhé, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria là cửa ngõ chủ yếu để các tay súng thánh chiến từ khắp nơi xâm nhập vào Syria để chiến đấu cùng các nhóm phiến quân, và sau này là gia nhập IS. Bọn này đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiều cách, trong đó đa phần đi bằng đường không, đáp máy bay xuống các sân bay quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ rồi theo đường bộ tiến vào Syria thông qua 2 giáp biên giới là tỉnh Hatay và Gaziantep.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “hại đơn, thiệt kép”?

Dư luận đang tiếp tục theo dõi xem Nga sẽ làm gì để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ? Trước mắt, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố cắt liên lạc quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Nga cũng đã tuyên bố sẽ điều thêm tàu chiến vào quân cảng Tartus để hỗ trợ chiến đấu, điều thêm một số hệ thống phòng thủ chống tên lửa tối tân S-400 (bán kính phòng thủ 250 km) đến căn cứ không quân Khmeimim - cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30km và tuyên bố "sẽ bắn bất kỳ máy bay nào bén mảng trong phạm vi phòng thủ”.

Về kinh tế, ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lâu nay, Nga chiếm vị trí số 1 về số lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ tham quan, nghỉ mát, với khoảng 3,2 triệu người mỗi năm. Theo tính toán của giới chuyên môn, sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga rất có thể sẽ kéo giảm mạnh lượng du khách Nga đến Thổ. Trước mắt, Nga đang xem xét phương án cấm máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và cấm một số tuyến bay từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp trả đũa. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành Nga cũng đã bắt đầu hủy một số tour du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ vì tình hình căng thẳng do vụ bắn máy bay Su-24 gây ra.

Kế đến, Nga cũng dọa sẽ hủy dự án đường ống dẫn khí đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Nếu điều này được thực thi, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ cũng bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng như Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu năng lượng hoàn toàn, trong đó 57% là nhập khẩu từ Nga, bao gồm khí đốt và các nguồn năng lượng khác. Ngoài ra, nhiều ngành kinh tế khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những hợp đồng làm ăn lớn ở Nga, một khi quan hệ giữa hai nước xấu đi, không thể phục hồi trong thời gian dài, thì các ngành kinh tế này cũng sẽ chịu chung số phận.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.