Vụ nổ ga tàu điện ngầm ở St. Petersburg: Dấu vết của khủng bố
Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang có mặt tại thành phố này để gặp gỡ nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, cho biết các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp điều tra xác định nguyên nhân của vụ nổ, xem xét các giả thiết kỹ thuật, tội phạm hình sự và biểu hiện của tính chất khủng bố.
Thành viên Hội đồng Tư vấn về an ninh của Ủy ban Duma Moscow, ông Dmitry Efimov nêu nhận định cá nhân: "Tôi nghĩ vì hiện giờ tổng thống của chúng ta đang ở St. Petersburg nên việc thực hiện hành động khủng bố ở đó và vào thời điểm này là trực tiếp thách thức tổng thống. Tôi cho rằng, giả thiết cơ bản về nguyên nhân sẽ gắn với hoạt động của bọn IS".
Cảnh sát Nga phong tỏa lối vào ga metro. |
Điều tra viên cao cấp Svetlana Petrenko nói với truyền thông Nga rằng, việc người lái tàu quyết định tiếp tục đi về ga sau khi có vụ nổ đã giúp cứu sống được nhiều người, bởi nó cho phép việc cứu hộ diễn ra nhanh chóng hơn. 2 tiếng sau, một thiết bị nổ tự chế tại ga tàu điện ngầm ở quảng trường Vosstaniya được phát hiện và được cảnh sát vô hiệu hóa ngay lập tức, theo kênh truyền hình Russia Today, ngay sau khi xảy ra vụ nổ, tất cả các ga xe điện ngầm (metro) của St Petersburg đều đóng cửa.
Nhà ga Đại học Công nghệ St. Petersburg nằm trên hai tuyến metro số 1 và 2, được khai trương làm hai giai đoạn vào các năm 1955 và 1961. Ga Quảng trường Sennaya là ga tiếp theo trên tuyến số 2, khai trương năm 1963. Tổng cộng có 5 tuyến metro ở thành phố lớn thứ hai này của Nga, phục vụ 2 triệu lượt hành khách mỗi ngày.
Nguồn tin của tờ Rossiskaya Gazeta cho biết khối chất nổ có sức mạnh tương đối nhỏ. Tuy nhiên, bên trong nó được nhồi đầy những mảnh kim loại và được kích nổ trong toa tàu chật hẹp đã xé toạc cửa toa xe và làm gia tăng số thương vong. Ngày 4-4, tờ báo này tiếp tục đưa tin: Cơ quan điều tra thành phố St. Petersburg đã xác định được nghi phạm gây vụ nổ tàu là một người gốc Kyrgyzstan mang quốc tịch Nga, được cho là có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế.
Hệ thống camera an ninh của nhà ga ghi lại được hình ảnh nghi phạm trước khi xảy ra vụ nổ. Hắn xuất hiện ở ga Sennaya với một chiếc ba lô. Nghi phạm tỏ ra rất sốt ruột, liên tục nắm chặt hai bàn tay. Hãng Interfax dẫn nguồn tin riêng cho biết, thi thể một thanh niên gốc Trung Á khoảng 22-23 tuổi được tìm thấy tại trung tâm vụ nổ. Tuy nhiên, "vẫn còn quá sớm để khẳng định đây là kẻ đánh bom tự sát".
Kể từ năm 1999 trở lại đây, nhiều nhất là vào năm 2004, nước Nga liên tiếp phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra ở nhiều khu vực và thời điểm khác nhau, nhiều vụ tấn công khủng bố đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội:
Tháng 9-1999: Các quả bom phát nổ đã phá hủy nhiều tòa nhà ở Moscow, Buynaksk và Volgodonsk, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Ngày 26-10-2002: 129 con tin và 49 tay súng người Chechen đã thiệt mạng khi binh lính Nga ập vào nhà hát Moscow, nơi các tay súng đã bắt giữ 700 người làm con tin trong 3 ngày trước đó.
Ngày 5-12-2003: Một vụ nổ đã phá tan chuyến tàu ở bên ngoài nhà ga Yessentuki, phía nam nước Nga, khiến 46 người chết và 160 người bị thương.
Ngày 6-2-2004: Một vụ đánh bom liều chết đã khiến 39 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 100 người trên một đoàn tàu điện ngầm ở Moscow.
Ngày 24-8-2004: Hai chiếc máy bay chở khách của Nga đã phát nổ liên tiếp, khiến 90 người thiệt mạng. Trong đó, chiếc Tu-134 trên hành trình tới Volgograd đã gặp nạn ở phía nam Moscow. Còn chiếc Tu-154 tới Sochi đã bị rơi xuống vùng Rostov-on-Don.
Từ ngày 1 đến 3-9-2004: Hơn 300 người đã bị bắt làm con tin trong đó có một nửa là trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công tại ngôi trường số 1 ở Beslan khi các tay súng yêu cầu Chính phủ Nga công nhận nền độc lập ở Chechen và chấm dứt giao tranh.
Ngày 21-8-2006: Một quả bom phát nổ cướp đi sinh mạng của 10 người và khiến 50 người khác bị thương ở một khu chợ ngoại ô Moscow.
Ngày 27-11-2009: Một quả bom phát nổ trên chuyến tàu nhanh Nevsky giữa thành phố Moscow và St. Petersburg trong khi đang chở khoảng 700 người. Ít nhất 26 người đã thiệt mạng và 100 người bị thương. Các tay súng Chechen đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công.
Ngày 29-3-2010: 2 vụ nổ đã xảy ra ở các nhà ga tàu điện ngầm ở Moscow vào đúng giờ cao điểm, khiến 40 người tử vong.
Ngày 21-1-2011: Hơn 30 người đã thiệt mạng và khoảng 130 người bị thương sau vụ đánh bom liều chết ở sân bay Domodedovo của thủ đô Moscow.
Ngày 29 và 30-12-2013: Hai kẻ đánh bom liều chết đã cướp đi sinh mạng của 34 người trong các vụ tấn công nhằm vào nhà ga tàu điện ngầm và tàu điện ở thành phố Volgograd của Nga. Vụ việc này chỉ cách thời điểm diễn ra Thế vận hội Sochi 2014 chưa đầy 2 tháng.
Ngày 31-10-2015: Phân nhánh của tổ chức IS đã cài bom lên chuyến bay của một hãng hàng không Nga và cho nổ tung chiếc máy bay khi đang chở 224 người ngay trên không phận bán đảo Sinai của Ai Cập.
Ngày 19-8-2016: Hai người đàn ông tuyên bố trung thành với thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Bakr al-Baghdadi, đã mang súng và rìu tấn công một chốt kiểm tra của cảnh sát trên đường gần thủ đô Moscow. Cảnh sát Nga đã bắn chết hai kẻ tấn công. Song hai sĩ quan cảnh sát cũng đã bị thương. Đây được xem là vụ tấn công đầu tiên của IS trên lãnh thổ Nga.
Thanh niên được cho là nghi phạm vụ đánh bom. Ảnh: RT. |
Vụ nổ bom lần này khiến người ta nhớ lại khuyến cáo của nhóm theo dõi khủng bố SITE Intelligence Group đưa ra vào ngày 12-11, theo đó tổ chức IS vừa tung một đoạn video đe doạ sẽ tấn công Nga trong thời gian tới, để trả thù cho các đợt không kích của nước này tại Syria. Đoạn video do trung tâm truyền thông Al-Hayat, nhánh truyền thông nước ngoài của IS, công bố với phụ đề tiếng Nga: "Sớm thôi, máu sẽ chảy thành đại dương!".
Trước đó không lâu, IS cũng đã lên tiếng kêu gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Nga và Mỹ để trả thù cho việc máy bay của 2 nước này đang hoạt động tại Syria. Kể từ cuối tháng 9-2016, khi công khai tham chiến trên chiến trường Syria, các máy bay Nga đã tiêu diệt gần 3.000 mục tiêu của khủng bố trên lãnh thổ Syria và giúp quân đội nước này chiếm lại nhiều căn cứ chiến lược.
Ngoài ra, trên lãnh thổ Liên bang Nga, Chechnya là nơi xảy ra hai cuộc chiến ly khai vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, tuy nhiên, phần lớn trị an khu vực này vẫn đảm bảo dưới sự lãnh đạo cứng rắn của ông Ramzan Kadyrov. Tháng 12-2016, phiến quân đã tấn công cảnh sát tại thủ phủ Grozny của Cộng hòa Chechnya. Sau một ngày dài đấu súng ác liệt ở trung tâm Grozny, cảnh sát đã tiêu diệt toàn bộ 7 kẻ tấn công.
Việc phiến quân tấn công căn cứ Nga ở Chechnya vào thời điểm đó được coi là lời cảnh báo của IS đối với Moscow khi thời gian qua Nga điều động lực lượng từ khu vực này đến Syria làm nhiệm vụ. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chống phiến quân khủng bố ngày càng khốc liệt hơn, việc 20.000 đặc nhiệm Chechmnya sẵn sàng tuân lệnh Tổng thống Nga Putin trở thành mối lo của IS. Vì vậy lực lượng này đang muốn đe dọa và ngăn cản kế hoạch trên của Moscow.
Các nhà quan sát còn ghi nhận: Nước cộng hòa Dagestan trực thuộc Nga, một điểm nóng của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực Bắc Caucasus, hiện là nơi cung cấp hàng trăm chiến binh cho IS tại Syria. Không ít phần tử có kinh nghiệm chiến đấu trong số đó đang quay trở lại "quê nhà".
Các phần tử Hồi giáo cực đoan nổi lên ở khu vực Bắc Caucasus của Nga sau hai cuộc chiến của phần tử ly khai tại Chechnya. Những kẻ này có một mục tiêu rõ ràng là thành lập một quốc gia độc lập được điều hành theo luật Hồi giáo. "Tiểu vương quốc Caucasus", một nhóm bao gồm các phần tử nổi dậy tại vài tỉnh của Caucasus, đã tuyên bố trung thành với IS.
Tổng thống Putin khẳng định: mối đe dọa mà IS đặt ra với nước Nga là một nhân tố chính đằng sau quyết định Nga phải tham gia không kích phiến quân tại Syria. Ông cho biết, khoảng 5.000 - 7.000 người Nga và các nước Liên Xô cũ đang chiến đấu trong hàng ngũ IS. Trong khi đó, chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã khiến Moscow nhận được nhiều lời đe dọa trả đũa từ các phần tử tại đây, làm dấy lên nguy cơ xảy ra các hành động khủng bố do IS kích động trên đất Nga.