Vụ tai nạn kinh hoàng ở Beirut: Hiểm họa từ “quả bom nổi”

Thứ Hai, 10/08/2020, 19:35
Ngày 6-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành nguyên thủ thế giới đầu tiên đến hiện trường vụ nổ ở Beirut để kiểm tra và vận động hỗ trợ Lebanon giải quyết những khó khăn kinh tế sau vụ tai nạn nổ tàu chở hàng ở cảng Beirut.

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại khu cảng của thủ đô Beirut, Lebanon vào chiều 4-8 khiến hơn 140 người chết, 5.000 người bị thương, khoảng 300.000 người mất nhà cửa do hàng ngàn ngôi nhà hư hỏng không thể ở và đến nay vẫn còn nhiều người mất tích. Chấn động của vụ nổ lan khắp thành phố Beirut, tạo ra một hiện trường thảm họa tương tự như một vụ ném bom hạt nhân thời chiến tranh.

Vụ nổ được cho là xuất phát từ con tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova, neo đậu trong cảng Beirut. Theo lời cựu thuyền trưởng người Nga Boris Prokoshev, tàu Rhosus thuộc sở hữu của doanh nhân người Nga Igor Grechushkin chở 2.570 tấn amonium nitrate rời cảng Batumi, Gruzia, vào tháng 9-2013, lên đường đến Mozambique để giao hàng.

Tàu cập cảng Beirut vào tháng 11-2013. Do những vấn đề về tài chính, tàu không thể tiếp tục hành trình mà neo đậu ở cảng Beirut cho đến nay. Mối hiểm họa nằm ở số hàng hóa trên tàu Rhosus.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Beirut thị sát hiện trường vụ nổ.

Theo giới chuyên gia, amonium nitrate là hóa chất được sử dụng để chế tạo phân bón và chất nổ trong công nghiệp. Với khối lượng 2.570 tấn amonium nitrate, con tàu Rhosus được ví như một “quả bom nổi”. Và sức tàn phá của vụ nổ ở Beirut được cho là mạnh gấp ngàn lần vụ đánh bom kinh hoàng ở thành phố Oklahoma, Mỹ năm 1995.

Làn sóng phẫn nộ trong dân chúng Lebanon ngày càng gia tăng do những thông tin tiết lộ trên báo chí về vai trò, trách nhiệm của chính quyền trong việc để xảy ra vụ nổ. Từ nhiều năm qua, giới chức giám sát con tàu đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn do hóa chất nguy hiểm chở trên con tàu.

Người ta cho rằng, hệ thống chính trị của Lebanon phải chịu trách nhiệm do đã bỏ qua những lời cảnh báo đó. 2 ngày sau vụ nổ, hàng ngàn người dân ở Beirut đã xuống đường biểu tình để phản đối giới chức ở Lebanon. Họ phản đối bất cứ chính khách nào mà họ xem là “tham nhũng” và đã góp phần gây ra thảm họa, trong đó có cả cựu Thủ tướng Saad Hariri.

Trong chuyến thăm hiện trường vụ nổ ở Beirut ngày 6-8, Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi phải có sự thay đổi, cải cách trong hệ thống chính trị ở Lebanon. Ông Macron tuyên bố chuyến thăm của ông là “một cơ hội để có sự đối thoại chân thành và thẳng thắn” với giới chính trị để tìm kiếm một giải pháp giúp nước này giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng tài chính. Ông tuyên bố Pháp sẽ điều phối vận động quốc tế gây quỹ hỗ trợ Lebanon nhưng với điều kiện cải cách phải được thực thi trong hệ thống chính trị nước này.

Cùng với chuyến thăm của Tổng thống Pháp, một loạt quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Chương trình Lương thực Liên Hợp quốc đã đưa máy bay chở hàng cứu trợ đến Beirut.

Chính phủ Lebanon đã mở một cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong vụ nổ. Cho đến nay, đã có một số quan chức nước này bị truy cứu trách nhiệm liên quan vụ nổ. Thông tin báo chí cho biết, đến ngày 6-8, một số quan chức quản lý cảng Beirut và nhiều người liên quan đã bị bắt để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, nhiều người ở Lebanon cũng như các tổ chức quốc tế kêu gọi cần phải tổ chức điều tra độc lập nhằm đảm bảo truy cứu đúng người, đúng tội.

Cuộc điều tra cần phải làm rõ những gì đã diễn ra trong suốt quá trình con tàu Rhosus cập cảng Beirut cho đến nay, những vấn đề gì đã gây cản trở việc giải quyết các vấn đề tài chính và ai là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết những vấn đề đó.

Vụ nổ ở Beirut không chỉ đặt ra những vấn đề về cải cách chính trị hay truy cứu trách nhiệm giới chức liên quan ở Lebanon, mà nó còn là một bài học rõ ràng cho nhiều người, nhiều nước trong việc quản lý hàng hóa nguy hiểm trên tuyến hàng hải. Vấn đề gây cản trở hành trình của tàu Rhosus được cho là chuyện nợ tiền phí cập cảng của con tàu, khoảng 100.000 USD.

Badri Daher, cục trưởng Hải quan Beirut cho báo chí biết, từ nhiều năm qua, văn phòng hải quan của ông đã gửi nhiều thư khuyến nghị đến hệ thống tòa án ở Beirut để cảnh báo, yêu cầu xử lý dứt điểm việc neo đậu của con tàu nguy hiểm Rhosus tại cảng Beirut nhưng đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào. Ông Daher cho rằng, trách nhiệm giải quyết vấn đề này một phần thuộc về chính quyền thành phố, phần khác cũng có trách nhiệm của hệ thống tư pháp vì đã không tích cực can thiệp để cho vấn đề được giải quyết sớm.

Daher cho rằng, nếu vấn đề tài chính được giải quyết sớm, có lẽ thảm họa nổ tàu Rhosus đã có thể tránh được. Dù sao thì tai nạn cũng đã xảy ra và việc truy cứu trách nhiệm những người liên quan sẽ do cơ quan điều tra làm rõ.

Từ vụ nổ ở Beirut hôm 4-8, người ta lại nhắc đến một vụ nổ khác xảy ra tại Beirut cách đây 15 năm. Cái khác là vụ nổ đó là một hành động khủng bố có chủ ý, nhắm vào đối tượng là cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Ông Hariri bị sát hại trong vụ nổ đó, và Tòa án La Hay đã buộc tội, tuyên án đối với 4 người có liên quan. Trong vụ nổ lần này, Tòa án La Hay cho đến nay chưa đưa ra lời tuyên bố nào.

Chưa có cáo buộc nào đối với giới chính trị Liban hoặc những quốc gia liên quan. Đại diện của Tòa án nói rằng việc hoãn đưa ra tuyên bố là một cử chỉ của Tòa án nhằm tôn trọng những nạn nhân của vụ nổ, trong đó có những người hiện vẫn còn đang mất tích.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.