Vụ tai nạn xe khách thảm khốc ở Lào Cai: Nguy cơ thấy trước

Thứ Hai, 15/09/2014, 20:15

12 con người trẻ trung đã ra đi, 8 người khác đang trong cơn thập tử nhất sinh trên giường cấp cứu, có những đôi lứa hạnh phúc bỗng chốc phải xa nhau vĩnh viễn, đó là hậu quả khủng khiếp từ vụ tai nạn xe khách tối 1/9 vừa qua. Từ vụ tai nạn này, nhiều vấn đề đang được đưa ra mổ xẻ, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, là chất lượng hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải hành khách…

Những giấc mơ hạnh phúc dang dở

Đã gần 1 tuần trôi qua nhưng vợ chồng ông Trần Văn Sáng ở phường Cửa Đông vẫn không thể tin được đứa con trai Trần Anh Tài (công tác tại Ban quân sự phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ra đi vĩnh viễn. Suốt từ hôm nhận tin con mất, bà Kiều Thị Út cứ nhìn ảnh con mà khóc. Ngày 28/8, anh Tài (25 tuổi) cùng người yêu là chị Nguyễn Hải Ly (24 tuổi) và một số người bạn hẹn nhau lên Sa Pa du lịch.

Ông Sáng kể rằng trước hôm con đi, thấy trời mưa suốt, ông đã ngăn, nhưng rồi con năn nỉ xin đi với người yêu và bạn nên lại đồng ý. "Hai đứa dự định cuối năm nay làm đám cưới, vậy mà tất cả đã dở dang”.

Sau vụ tai nạn, anh Tài đã ra đi, còn chị Ly giờ đang thập tử nhất sinh trên giường cấp cứu vì đa chấn thương sọ não, gãy xương đùi, vỡ xương chậu và sây sát khắp người.

Trên facebook của Trần Anh Tài vẫn còn nhiều ảnh chụp hai người ở Sa Pa, trong đó có bức ảnh Tài, Hải Ly và hai người bạn chụp tối 1/9 trước khi lên xe về Hà Nội. Vậy mà chẳng ngờ đó là bức ảnh cuối cùng.

Đã có rất nhiều lời chia buồn, xót thương cho hạnh phúc dở dang của đôi bạn trẻ xấu số:  "Thương anh chị quá! Mong anh yên nghỉ và anh hãy phù hộ cho chị ấy sớm qua khỏi anh nhé". "Anh chàng bộ đội hay cười và cô gái đanh đá nhà tôi đâu rồi, em nhớ hôm tết bên nhà chị còn nói cuối năm 2 đứa cưới, vậy mà em đi đâu rồi, e ở đó sương xuống lạnh lắm em à, bây giờ người thân sống không bằng chết đây này…". "Mong bạn an nghỉ, phù hộ cho vợ bạn mau hồi phục, rất thương hai bạn". 

Chiếc xe khách nát bét dưới vực sâu.

Nhưng, trong vụ tai nạn thảm khốc này, đây không phải trường hợp duy nhất. May mắn thoát nạn, nhưng giờ đây anh Nguyễn Văn Luân, 33 tuổi, ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng vĩnh viễn mất đi người vợ. Đã gần một tuần trôi qua, nhưng anh Luân vẫn nhớ cuộc điện thoại cuối cùng vợ anh là chị Phạm Thị Hương Giang gọi về cho con gái lớn rồi bảo chồng "sang năm, nhà mình cố thu xếp để cho 3 đứa nhỏ đi cùng". Nào ngờ, ước mong ấy vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực.

Nhắc lại cái buổi tối định mệnh ấy, anh Luân kể rằng vợ chồng anh ra bến lúc 17 giờ 30 phút, trước đó cô nhân viên nhà xe cho biết đã hết vé về Hà Nội. Nhưng có một hai hành khách nào đó đã đặt vé trước trên chuyến xe này lại hủy nên vợ chồng anh được xếp thay vào. "Xe khởi hành lúc 18 giờ, khoảng 40 phút sau, khi đang lơ mơ ngủ, tôi nghe loáng thoáng phía trên đầu xe tiếng kêu thất thanh của ai đó rằng, xe mất phanh. Thế rồi ầm một tiếng, tôi thấy mình bắn lên trần xe rồi bắn ra ngoài, lăn nhiều vòng trên triền dốc".

Sau khi tỉnh lại, anh Luân thấy phía trên những ánh đèn loang loáng, tiếng người lao xao, cố hết sức anh cất tiếng kêu cứu và được kéo lên mặt đường. Khi được đưa về Bệnh viện Lào Cai, mặc dù chân trái bầm tím và sưng tấy, toàn thân băng bó vì những vết thương nhưng anh Luân nhất định không chịu thực hiện ca mổ mà đòi đi tìm vợ. Sau cơn chấn động mạnh, phải cố lắm anh mới nhớ ra số điện thoại của cô em gái và mượn điện thoại gọi về nhà thông báo.

Nghe con báo tin, ông Nguyễn Văn Tuy vội vàng gọi người nhà tức tốc thuê xe chạy lên Lào Cai ngay trong đêm. Ông bảo sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảnh chạy khắp bệnh viện tìm con. Tìm được con trai, ông tiếp tục đi tìm con dâu. Đi khắp nơi không thấy, có một cán bộ y tế khuyên ông thử vào nhà xác của Bệnh viện đa khoa Lào Cai hỏi. Và khi mở đến chiếc cáng thứ 4 thì ông bàng hoàng khi thấy con dâu nằm như đang ngủ, dưới chân là mảnh giấy ghi: "Tử vong vì đa chấn thương".

Anh Luân bên bàn thờ vợ.

Chị Giang ra đi để lại cho chồng 3 đứa đứa con thơ dại, đứa bé mới hơn 2 tuổi. Giờ đây, mỗi lần nhìn 3 đứa cháu, ông Tuy lại lo lắng không biết tương lai lũ trẻ sẽ thế nào.

Xe khách giường nằm, "tội đồ" gây ra tai nạn giao thông?

Trong những ngày qua, một vấn đề được đưa ra "mổ xẻ" khá nhiều là một trong những nguyên nhân của vụ tai nạn này là đường đồi núi không phù hợp để xe khách giường nằm hoạt động. 

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2007, xe khách giường nằm được nhiều hành khách lựa chọn, đặc biệt là với những cung đường dài trên 200km như các tuyến Hà Nội đi Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh…Vì vậy các doanh nghiệp vận tải cũng đua nhau đầu tư loại xe này.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có 4.553 xe chở khách giường nằm hai tầng, trong đó có 859 xe được hoán cải từ xe chở khách ghế ngồi thông thường, 80 xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, còn lại 3.606 xe sản xuất, lắp ráp mới. Ngoài ra còn có khoảng 80 xe chở khách giường nằm một tầng. Từ tháng 4/2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam  đã cấm chuyển đổi xe khách ghế ngồi thông thường thành xe giường nằm.

Cũng theo thống kê của Cục Đăng kiểm, từ tháng 1/2013 đến nay, cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông xe khách hai tầng điển hình và 86,4% trong số đó xảy ra vào ban đêm và sáng sớm (từ 22 giờ đến 7 giờ), khoảng 30% số vụ xảy ra trên các đoạn đường đèo núi hẹp, dốc, tầm nhìn hạn chế.

Cuối năm 2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo nghiên cứu, phân tích về điều kiện an toàn của xe khách giường nằm, trong đó khẳng định về mặt kết cấu, xe khách giường nằm hai tầng có đặc tính, thông số kỹ thuật thỏa mãn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo ổn định khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm, để đảm bảo an toàn cho loại xe này, các nước đã ra các biện pháp quản lý chặt chẽ về quản lý lái xe, thời gian lái xe, yêu cầu hành khách sử dụng dây đai an toàn khi đi xe. Ngoài ra còn khuyến nghị hạn chế vận hành xe vào ban đêm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 giờ sáng để hạn chế khả năng lái xe buồn ngủ hoặc phản ứng chậm  

Còn theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, có 4 nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có xe khách giường nằm:

Thứ nhất, do ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nhiều hành vi, lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định; chở quá tải, quá số người quy định…

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều đoạn, tuyến chưa phù hợp với loại xe khách giường nằm: Đối với các tuyến đường hẹp, đường cong, đường dốc cần phải nghiên cứu xem có nên cho phép xe giường nằm lưu thông không bởi xe giường nằm khi gặp khúc cua đường cong, dốc rất dễ bị nghiêng lật; bên cạnh đó đường đưa vào sử dụng tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là đường đồng cấp, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông trên một làn đường dễ gây mất trật tự an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông.

Thứ ba, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách giường nằm do lợi nhuận thường tăng ca, tăng kíp đặc biệt là vào các ngày lễ, ngày nghỉ, tết… nên buộc lái xe phải chạy nhanh, chạy ẩu để đảm bảo chuyến cho doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thứ tư, là doanh nghiệp mua xe cũ 47 chỗ ngồi rồi hoán cải thành xe giường nằm. Các loại xe "hoán cải" này, đều có những khác biệt rất lớn so với xe giường nằm "nguyên bản". Những "khác biệt" này rất dễ nhận thấy như: Không có cửa thoát hiểm thiết kế theo kiểu đóng mở; không có nhà vệ sinh trên xe… và tất nhiên là không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Tại hội nghị khách hàng của Công ty Hoàng Long, doanh nghiệp đang khai thác loại xe khách giường nằm, tổ chức đầu năm 2014, ông Võ Kim Hưng, quản lý xưởng sửa chữa của Công ty Hoàng Long, đã đưa ra nhiều ý kiến về chất lượng loại xe khách này. Theo ông Hưng, trên xe khách giường nằm, một bộ phận quan trọng là hệ thống phanh điện từ trường. Hệ thống phanh điện từ trường phát huy được hiệu quả tối đa trong khai thác, vận hành, giảm hao mòn má phanh, nổ lốp giảm nguy cơ tai nạn do hệ thống phanh chính của xe có thể có hư hỏng trong vận hành.

Tuy nhiên, chi phí lắp đặt ban đầu loại phanh này không rẻ (khoảng 100 triệu đồng/ xe), đặc biệt vận hành liên tục bộ phanh này sẽ khiến ắc quy nhanh hỏng vì tiêu thụ dòng điện lớn. Vì vậy, từ góc độ kỹ thuật, ông Hưng cho rằng bắt buộc các xe lắp ráp mới phải có bộ phanh từ trường thì chắc chắn tai nạn do xe giường nằm gây ra sẽ giảm đáng kể. Bởi việc sản xuất xe giường nằm sẽ cần phải tốn nhiều vật tư hơn, do xe cao hơn, nhiều phụ kiện cho việc làm khung xương nội thất nên tự trọng sẽ tăng lên không phù hợp với một số hệ thống phanh nguyên bản của xe nền.

Đặc biệt với các xe hoán cải từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm hầu hết phải cắt rời khoang hành khách để nâng chiều cao nóc mui và hạ sàn thì mới lắp thành 2 tầng được, do vậy tự trọng sẽ tăng lên nhưng toàn bộ kết cấu sát - xi và hệ thống gầm, phanh giữ nguyên do vậy lực phanh sẽ kém hiệu quả.

Từ thực tế nghiên cứu của mình, ông Hưng cho rằng xe giường nằm phải lắp loại có cầu sau 13 tấn, cầu trước 7 tấn và cỡ lốp 12R22.5 và phải có hệ thống phanh từ trường thì mới đảm bảo xe không bị nổ lốp, mất phanh và đảm bảo an toàn khi vận hành.   

Dù đây mới chỉ là quan điểm cá nhân, tuy nhiên, từ thực tế đang xảy ra, các cơ quan quản lý cũng cần có nghiên cứu nghiêm túc về đề xuất này. Đặc biệt, đã đến lúc Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng khảo sát các tuyến đường trên toàn quốc không bảo đảm trật tự an toàn giao thông để tham mưu Bộ, Ban ngành chủ quản kiến nghị, khuyến cáo, cắm biển… những tuyến, đoạn đường không phù hợp với xe khách giường nằm.

Những người đầu tiên cứu giúp nạn nhân

Những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, không ngại nguy hiểm đã xuống vực cứu các nạn nhân là 18 thanh niên trong nhóm phượt Phong Vân. Tối 1/9, khi trên một vài trang mạng xuất hiện tin tức ban đầu về vụ tai nạn, tôi gọi cho Phong Vân. Bên kia đầu dây tiếng người lao xao, chỉ nghe Phong Vân nói đúng một câu: "Bọn em đang xuống vực cứu người đây" rồi tắt máy.

Tôi đã gặp lại cả nhóm khi họ vừa về đến Hà Nội, nhắc lại cái đêm kinh hoàng ấy, Phong Vân kể rằng chiếc xe bị nạn xảy ra ngay trước mắt. Lập tức, tất cả dừng lại dùng các phương tiện hỗ trợ "phượt" để bò xuống vực sâu, nơi phát ra những tiếng kêu cứu thảng thốt. "Tan hoang anh ạ, như một chiếc máy bay rơi, chỉ không thấy có lửa, tất cả vương vãi hành lý và người bị thương rất nặng, mặt đầy máu…".

Những tay mê du lịch đầy sức sống tuổi đôi mươi dùng hết sức lực để tháo ghế nằm xe khách làm cáng cứu thương đưa người bị thương lên mặt đường. Hơn một giờ đồng hồ liên tục lên và xuống vực, khéo léo nhấc người bị thương nhẹ nhàng, sơ cứu nạn nhân bằng những kiến thức họ học hỏi được trong những chuyến đi đầy trải nghiệm… Các tay "phượt" nữ đảm nhận việc nhẹ hơn là chăm sóc và cùng các nạn nhân đã được đưa lên xe khách vội vã đổ về bệnh viện tỉnh. Họ ở lại hỗ trợ cùng lực lượng cứu hộ chuyên trách suốt cả đêm đó cho đến ngày hôm sau.

Theo lịch trình của nhóm thì sẽ tiếp tục di chuyển thưởng ngoạn thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc rồi về Hà Nội. Nhưng tất cả đã quay lại Bệnh viện Lào Cai bên các nạn nhân. Một thành viên nữ của nhóm chia sẻ rằng tất cả đều cảm thấy hạnh phúc khi đã làm được việc ý nghĩa: "Nhiều người bàn tay còn yếu nhưng lại siết chặt lấy tay của em trong bệnh viện thật sự đã làm chúng em thấy hạnh phúc".

Minh Trí

Nguyễn Thiêm
.
.