Vụ tấn công các trụ sở ngoại giao Mỹ: Ngày 11/9 đen tối
Ngày 11/9 đúng 11 năm trước, nước Mỹ phủ một màu đen tang tóc với hơn 3.000 người chết vì bom khủng bố. Đó cũng là xuất phát điểm cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, gây ra thêm bao đau thương, tang tóc cho nhiều nước khác. Rồi ngày 11/9 năm nay tiếp tục trở thành ngày đen tối của nước Mỹ khi Lãnh sự quán tại Benghazi, Libya, bị tấn công, Đại sứ thiệt mạng, sau đó là hàng loạt cuộc tấn công các đại sứ quán Mỹ tại nhiều nước. Tất cả chỉ vì một bộ phim.
Có thể xem vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi hôm 11/9 là một cú đánh trực diện vào nước Mỹ, mà thủ phạm bị nghi là thành phần Hồi giáo cực đoan. Theo các nhân chứng, khoảng 1 giờ trước khi cuộc tấn công xảy ra, một đoàn xe chở các chiến binh Hồi giáo cực đoan chạy về phía Lãnh sự quán Mỹ. Khoảng chiều tối, 50 tay súng đã nhập vào dòng người biểu tình phản đối bên ngoài Lãnh sự quán.
Bọn này không mang khẩu hiệu như người biểu tình mà tuyên bố lạnh lùng: "Chúng tôi là người Hồi giáo bảo vệ nhà tiên tri. Chúng tôi bảo vệ Hồi giáo". Ngay sau đó, chúng bắt đầu nổ súng, phá hàng rào vào Lãnh sự quán tấn công các nhân viên lãnh sự, châm lửa đốt tòa nhà. Trong phút chốc, cả tòa lãnh sự Mỹ chìm trong lửa và dòng người đập phá. Kết quả là 4 người Mỹ bị giết, trong đó có Đại sứ J. Christopher Stevens và Sean Smith, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau Benghazi, hàng loạt đại sứ quán Mỹ tại khu vực Trung Đông cũng bị tấn công. Tại Cairo, Ai Cập, người biểu tình phản đối, trèo rào phá tường tòa nhà Đại sứ quán và đốt cờ Mỹ, đụng độ với cảnh sát làm gần 30 người bị thương. Cuộc biểu tình phản đối tại Cairo kéo dài 3 ngày trước khi bị cảnh sát chống bạo động Ai Cập đẩy lùi. Tại Yemen, cảnh tượng tương tự cũng tái diễn, với màn gỡ bảng hiệu Đại sứ quán, đốt cờ Mỹ và ném đá, đập phá cửa kính tòa nhà. Tại nhiều nơi khác, như Tunisia, Iraq, Iran, Pakistan,… hàng ngàn người Hồi giáo xuống đường biểu tình phản đối nước Mỹ.
Biểu tình phản đối Mỹ ở Tunisia. |
Ngòi nổ gây nên làn sóng biểu tình phản đối nước Mỹ đồng loạt tại các quốc gia Hồi giáo chính là một đoạn phim ngắn nhan đề "Innocence of Muslims" (Sự vô tội của người Hồi giáo). Thông tin ban đầu cho biết, người sản xuất bộ phim, và cả diễn viên tham gia trong đó, đều cư ngụ ở California. Tác giả sản xuất phim là một nhà làm phim vô danh, bí ẩn, chỉ được biết với cái tên Sam Bacile. Điều khiến người Hồi giáo nổi giận chính là việc nhà làm phim Sam Bacile đã vi phạm quy tắc của đạo Hồi bằng việc mô tả trực tiếp nhà tiên tri Mohammed trong phim bằng ngôn từ, lời lẽ thô tục, bối cảnh không phù hợp và nội dung dung tục, phỉ báng nhà tiên tri. Chưa thôi, trước khi bỏ trốn, Sam Bacile còn phát biểu "với" lại một câu trên AP xem đạo Hồi là "khối u ung thư".
Tuy nhiên, một số chi tiết bất thường liên quan tới bộ phim và cách thức lưu hành bộ phim đã khiến các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ có bàn tay phá rối của Al-Qaeda hay các thế lực chống Mỹ ở Trung Đông. Nhận định chung là các cuộc biểu tình phản đối và tấn công các cơ sở ngoại giao Mỹ đều mang tính chất bộc phát, không có sự sắp xếp hay phối hợp với những kẻ có âm mưu tấn công nước Mỹ, họ chỉ là những người "vô tội" thực hiện âm mưu của những kẻ đứng đằng sau.
Tuy cho rằng phim được sản xuất tại Mỹ và do người Mỹ thực hiện, và phim được sản xuất từ năm 2011, nhưng mãi đến năm nay mới mang ra trình chiếu vào đúng dịp 11 năm sự kiện 11-9. Một sự trùng hợp hay cố ý? Nhưng có điều lạ nữa là, phim được phổ biến trên mạng Internet thông qua trang web YouTube, vì thế mà lan truyền với tốc độ cực nhanh, lại chủ yếu nhắm vào các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi vì thế đã tạo nên một sự kiện 11/9 khác. Rất có thể, Al-Qaeda hay những phiến quân Hồi giáo cực đoan đã lợi dụng bộ phim báng bổ này để "châm lửa" tấn công nước Mỹ.
Ngay sau các vụ tấn công tại Libya, Ai Cập và Yemen, các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại nhiều nước châu Á đều được đặt trong tình trạng báo động cao, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt suốt 24/24 giờ, đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia Hồi giáo phải hết sức cảnh giác.
Tại Philippines, an ninh được siết chặt tại khu vực Đại sứ quán Mỹ, ngay cả cánh báo chí cũng bị hạn chế chụp ảnh. Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, và nước này đã lên tiếng chính thức phản đối bộ phim "Innocence of Muslims", nhưng kêu gọi dân chúng kiềm chế, không manh động, đồng thời yêu cầu trang YouTube tạm thời chặn truy cập bộ phim "Innocence of Muslims" ở Indonesia.
Người biểu tình trèo rào tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Yemen. |
Điều cay đắng nhất đối với chính quyền của Tổng thống Obama là việc Đại sứ Mỹ bị sát hại tại một quốc gia do chính nước Mỹ giúp "giải phóng" cách đây chưa lâu - một sự bẽ mặt không thể giải thích, một mất mát về thể diện quốc gia không thể bù đắp.
Ngoại trưởng Hillary Clinton than: "Làm sao điều này lại xảy ra tại một quốc gia chúng tôi vừa giúp giải phóng, ở một thành phố mà chúng tôi đã giải cứu khỏi bị hủy diệt?". Nghiêm trọng hơn, các vụ tấn công ở Trung Đông còn đặt ra cho Tổng thống Mỹ Barack Obama một thách thức lớn trong chính sách đối ngoại và những nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực.
Trung Đông sau làn sóng "Mùa xuân Arập" tưởng đâu có lợi hơn cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ sau khi đã đẩy đi một loạt lãnh đạo "cứng đầu", thế nhưng sự kiện "11-9 thứ hai" đã bộc lộ mặt trái dữ dội của "Mùa xuân Arập", khi nó đã bị thành phần Hồi giáo cực đoan thâm nhập, lợi dụng để biến thành công cụ tấn công trở lại các lợi ích của nước Mỹ.
Giờ đây, ông Obama sẽ phải điều chỉnh lại các tính toán cho khu vực này. Xây dựng lại quan hệ với thế giới Hồi giáo không chỉ trong các nước cờ chính trị với các đối tác trong khu vực Trung Đông, mà quan trọng hơn là phải tôn trọng đạo Hồi, chấm dứt những hành động chống Hồi giáo, phỉ báng, xúc phạm Hồi giáo như đốt kinh Koran, vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, cấm các biểu tượng đạo Hồi…