Vụ tấn công khủng bố ở Istanbul: Thổ Nhĩ Kỳ đang trả giá?

Thứ Ba, 05/07/2016, 17:35
Ngày 30-6, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với báo chí: lực lượng an ninh của nước này đã bắt giữ 22 đối tượng tình nghi có liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại sân bay Ataturk, Istanbul hôm 28-6 làm chết 41 người, hơn 200 người bị thương. Các quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có nhiều bằng chứng cho thấy Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng sau vụ tấn công này.

Vụ tấn công đã khiến dư luận chú ý đến một thực tế: Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố. Các con số thống kê từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu đến 8 vụ tấn công khủng bố làm chết 120 người. An ninh bất ổn đang ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của nước này và vụ khủng bố mới nhất đang khiến cho dư luận hoang mang lo lắng thật sự.

Trong lễ quốc tang các nạn nhân vụ khủng bố vào ngày 29-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải lên tiếng trấn an dư luận, bảo đảm đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông "sẽ không tan rã" và sẽ sớm vượt qua khó khăn này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng trấn an dư luận sau vụ tấn công Istanbul.

Giới phân tích đánh giá, IS bị xem là thủ phạm số 1 của vụ tấn công sân bay Ataturk vì các dấu hiệu tại hiện trường vụ tấn công và cách thức bọn khủng bố tiến hành rất giống với các vụ tấn công khác của IS trên thế giới, như vụ tấn công ở Paris tháng 11-2015. Và IS có đủ lý do để xem Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu.

Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả giá cho việc tham gia cùng liên quân quốc tế chống IS ở Iraq và Syria. Nhưng trên hết, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ nhất định với IS ngay từ khi nhóm này bắt đầu trỗi dậy. Đầu tiên, đây là địa bàn tập kết của các tay súng thánh chiến từ khắp nơi trên thế giới xâm nhập vào Syria và Iraq tham gia IS.

Khi kiểm tra xác chết của các tay súng IS, người ta đều thấy hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các tay súng gọi điện thoại cho người thân ở nước ngoài cũng thường xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, và khi cần tiền mặt, chúng cũng đến các dịch vụ chuyển tiền ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hồ sơ tình báo, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã từng bắt giữ hàng chục thanh niên nam nữ tình nguyện gia nhập IS khi chúng vừa mua vé máy bay để đi Istanbul, và sân bay Ataturk đã mặc nhiên được xem là đầu mối tiếp nhận các tay súng thánh chiến khắp thế giới đến Thổ Nhĩ Kỳ, để sau đó vào Syria gia nhập IS. Còn hồ sơ điều tra của tình báo Pháp thì cho thấy gần như tất cả các chiến binh gia nhập IS bị bắt tại châu Âu đều đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Syria chiến đấu hoặc trên đường trở về quê.

Mối quan hệ "trăng mật" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS bắt đầu từ khi nước này trực tiếp hỗ trợ các nhóm phiến quân chống chính phủ ở Syria. Thoạt đầu, IS cũng tham gia vào trong số các nhóm phiến quân như thế. Về sau, IS bắt đầu quay sang chống lại các nhóm khác để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Syria. 

Hiện trường vụ tấn công tại sân bay Ataturk, Istanbul.

Trong số các nhóm bị IS tấn công có thành phần người Kurd, vốn bị Ankara xem là "khủng bố" và muốn tiêu diệt từ lâu. Đây chính là lý do làm nảy sinh mối quan hệ đầy tai tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ với IS, trong đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp IS tiêu thụ dầu mỏ, đồng thời cung cấp vũ khí và tiền bạc cho IS.

Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh từ các đồng minh phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động thiết thực để chống IS. Đầu tiên là việc Ankara ra lệnh đóng cửa biên giới, bắt giữ và trục xuất nhiều tay súng tham gia IS. Mùa hè năm 2015, Ankara quyết định cho phép Mỹ sử dụng Căn cứ Không quân Incirlik để thực hiện các chuyến bay ném bom các mục tiêu IS ở Syria và Iraq.

Không lâu sau đó, IS bắt đầu đưa tên Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách mục tiêu tấn công. Theo các nhà điều tra, IS thường tuyên truyền mạnh nhằm vào đối tượng mà chúng đang nhắm làm mục tiêu. Trong vụ tấn công Paris tháng 11-2015, cỗ máy tuyên truyền của IS đã tập trung mạnh vào nước Pháp. Với Thổ Nhĩ Kỳ cũng thế. Từ khi "trở mặt" với IS, Ankara thường xuyên xuất hiện trong thông tin tuyên truyền của chúng.

Mùa thu năm ngoái, trang bìa của tạp chí Dabiq của IS còn đăng hình ảnh của Tổng thống Erdogan bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama, dụng ý đây là những mục tiêu ám sát của chúng.

Các cuộc tấn công của IS nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Trong số đó có những vụ nghiêm trọng, như vụ đánh bom ở thành phố Suruc ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2015 và một vụ tại thủ đô Ankara vào tháng 10-2015. Từ đầu năm 2016, đã có 8 vụ tấn công do IS thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ (không kể các vụ tấn công do thành phần người Kurd gây ra), trong đó có ít nhất 2 vụ nhắm vào du khách ở Istanbul. Giới chức an ninh quy trách nhiệm cho IS trong các vụ tấn công này mặc dù chưa lần nào nhóm này lên tiếng nhận trách nhiệm.

Các nhà phân tích xem đây như là một chiến thuật của IS: vừa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì tội "phản bội", vừa tạo ra một sự mập mờ, không rõ ràng về trách nhiệm để không ai biết chắc IS có phải là thủ phạm thật sự hay không nhằm tránh tình huống đối đầu toàn diện với một đất nước có giá trị lợi dụng trong các hoạt động của chúng.

An Châu (tổng hợp)
.
.