Bangladesh:

Xã hội xáo trộn vì những vụ tấn công “kiểu Paris”

Thứ Tư, 21/10/2015, 17:30
Mọi người lo sợ những vụ khủng bố quy mô giết người hàng loạt, nhưng những vụ tấn công nhỏ ngày càng phổ biến và gieo rắc kinh hoàng không kém trong xã hội. 2 vụ giết người nước ngoài gần đây ở Bangladesh đang làm lan rộng nỗi sợ hãi đồng thời làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của người dân.

Tối 28/9/2015, nhân viên cứu trợ người Italia 50 tuổi Cesare Tavella đang tập chạy bộ trên con đường trong khu thượng lưu Gulshan - nơi đặt nhiều đại sứ quán, khách sạn và nhà hàng sang trọng - ở thủ đô Dhaka của Bangladesh thì bất ngờ có 3 người đàn ông cưỡi môtô xuất hiện. Tavella bị bắn 3 phát đạn từ sau lưng ở cự ly gần và đã chết sau đó vì vết thương quá nặng.

5 ngày sau, một người nước ngoài khác trở thành nạn nhân tiếp theo. Công dân Nhật Bản Kunio Hoshi, người điều hành một dự án nông nghiệp ở vùng Rangpur miền Bắc Bangladesh, đang di chuyển trên chiếc xe ba bánh thì bất ngờ bị bắn chết bởi vài người đàn ông bịt mặt cưỡi môtô. Người ta cho rằng chính tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện những vụ tấn công nhỏ lẻ như thế mặc dù không có bằng chứng thuyết phục.

Người dân Bangladesh tưởng nhớ blogger phi tôn giáo Avijit Roy bị sát hại dã man.

Từ đầu năm đến nay ở Bangladesh đã xảy ra 4 vụ blogger phi tôn giáo bị giết chết trong những vụ tấn công man rợ. Những vụ giết người xảy ra đã tác động xấu đến nền kinh tế Bangladesh. Bởi vì các mục tiêu thường là người nước ngoài được bọn khủng bố chọn ngẫu nhiên - có nghĩa là bất cứ du khách nào đến Bangladesh đều có thể trở thành nạn nhân của chúng!

Sau khi Tavella bị bắn chết, các đại sứ quán nước ngoài được đặt trong tình trạng báo động cao đồng thời chính quyền cũng phát đi các cảnh báo du lịch đến Bangladesh. Sau những vụ giết người không rõ động cơ, khoảng 60% lượng đăng ký đặt chỗ trước đến Bangladesh đã bị hủy bỏ.

Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng hạn chế sự đi lại của nhân viên. Một đội bóng cricket Australia cũng hủy chuyến du đấu tại Bangladesh. Tình trạng mua bán ở các chợ Bangladesh cũng thất thu nhiều vì vắng bóng khách nước ngoài.

Nỗi lo sợ càng tăng cao vào ngày 5/10 khi có thông tin 3 người đàn ông suýt giết chết mục sư Luke Sarker ngay tại nhà riêng  quận Pabna thủ đô Dhaka. Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ một thành viên nhóm Jamaat-e-Islami liên quan đến vụ tấn công mục sư. Những vụ giết người nhỏ lẻ ở Bangladesh có lẽ là bằng chứng cho thấy xu hướng khủng bố mới trên thế giới hiện nay - từ những vụ tấn công lớn có kịch bản chi tiết chuyển sang những vụ giết người lẻ tẻ nhưng gây hoang mang tột độ trong xã hội.

Dường như các nhóm Hồi giáo cực đoan quay sang kiểu khủng bố giống như vụ tấn công vào trụ sở tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo ở Paris hay vụ sát hại binh sĩ Anh Drummer Lee Rigby ở vùng ngoại ô Woolwich của London. Đây chắc chắn là sự thách thức không nhỏ cho các chính quyền trên thế giới. Do không có kịch bản cụ thể cũng như sự chuẩn bị rầm rộ cho nên giới chức cầm quyền khó mà phát hiện và ngăn chặn những vụ tấn công.

Sau vụ Charlie Hebdo, Cơ quan Mật vụ Anh MI-5 lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng những vụ tấn công mà họ mô tả là "kiểu Paris". Lee Rigby bị tấn công bằng dao thay vì sử dụng súng và thậm chí hung thủ không chính thức liên quan đến một tổ chức cực đoan nào.

An ninh được thắt chặt ở thủ đô Dhaka sau vụ sát hại 2 người Italia và Nhật Bản.

Trước năm 2015, Bangladesh có tiếng là không có bạo lực kiểu khủng bố song bây giờ đất nước này đang bắt đầu có dấu hiệu hỗn loạn giống như Pakistan và Afghanistan. Các chuyên gia cho rằng có lẽ đó chính là kết quả của nền kinh tế tăng trưởng. Mặc dù còn hoài nghi về sự hiện diện của IS ở Bangladesh, song lực lượng an ninh nước này vẫn tin các nhóm Hồi giáo cực đoan đứng sau những vụ giết người.

Cựu tướng quân đội Bangladesh Shakhawat Hossain phát biểu với báo giới: "Các nhóm Hồi giáo hoạt động ngầm đều có mối liên kết với nhau bởi vì bọn chúng có cùng hệ tư tưởng, nhưng tôi không chắc IS có liên quan đến những vụ sát hại người nước ngoài hay không".

Trong khi đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - lãnh đạo đảng Liên đoàn Awami - quy trách nhiệm giết chết Tavella và Hoshi cho đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đối lập. Về phía mình, BNP bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Hasina và tuyên bố phát biểu của ông chỉ nhằm gây cản trở một cuộc điều tra độc lập.

Giới chuyên gia phân tích nhận định sự đối chọi giữa hai đảng phái càng tiếp sức cho bọn cực đoan hoạt động mạnh và có thể tác động tiêu cực đến cuộc điều tra. Mặc dù, các nạn nhân thuộc những thành phần khác nhau - người nước ngoài, người Bangladesh, người Thiên Chúa giáo - song cảnh sát cho rằng những vụ giết người đều có liên quan với nhau và có thể là hành động của một nhóm nào đó.

Không có con số cụ thể chính thức về các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Bangladesh song một nguồn an ninh đánh giá có khoảng từ 10 đến 15 nhóm như thế đang hoạt động ở nước này.

Diên San (tổng hợp)
.
.