Xa hơn nỗi lo hạt nhân

Thứ Hai, 15/10/2018, 14:25
Đã 50 năm kể từ khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết với mục tiêu giúp nhân loại được sống trong hòa bình và tránh được những hậu quả thảm khốc do vũ khí hạt nhân gây ra. Nỗi lo hạt nhân được phần nào hạn chế, dù đâu đó câu chuyện phi hạt nhân vẫn còn râm ran nhức nhối.

Nhưng giờ đây, thế giới có một nỗi lo mới, xa hơn nỗi lo hạt nhân, bởi nó có sức mạnh lan tỏa toàn cầu. Đó chính là các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống hạt nhân.

Cũng là tấn công mạng, và những cuộc tấn công kiểu này rất có thể là nguồn cơn dẫn đến tư tưởng chủ quan để xảy ra những cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống hạt nhân. Chuyện là chỉ còn ít thời gian nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Look Out - một công ty an ninh mạng có trụ sở tại San Francisco - thông báo công ty này đã phá vỡ một âm mưu tấn công hệ thống điện toán của đảng Dân chủ, trong đó có dữ liệu liên quan đến hàng chục triệu cử tri. Tin tặc dựng lên một trang chủ giả của đảng Dân chủ để đánh lừa người sử dụng Internet, chiếm mật mã và tên người sử dụng.

Có thể nói giờ đây, tin tặc ngày càng đông, ngày càng nguy hiểm và những công ty như Facebook, Twitter không có thời gian suy nghĩ, dự đoán thủ đoạn tấn công của tin tặc. Giáo sư Jennifer Grygiel, làm việc tại Đại học Syracus, nhận định thẳng thắn: "Mô hình kinh tế của các mạng xã hội đã phạm sai lầm ngay từ lúc hình thành, đó là không được tổ chức đầy đủ để quản lý nội dung. Đó là điều bất hạnh cho xã hội và nền dân chủ".

Theo giới chuyên gia, nhiều nước, trong đó có Mỹ đã khiến thế giới nghĩ rằng họ không coi vấn đề tin tặc là nghiêm trọng và mọi thủ phạm - nếu bị bắt quả tang - thì cũng chỉ bị trừng phạt một cách "nương tay". Và từ đó, tin tặc hạt nhân được đà phát triển.

Mối đe dọa từ “mắt xích yếu”

Mối lo sợ mới, lớn hơn đang dần hiện hữu. Các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống hạt nhân của đối thủ đã xuất hiện. Các tin tặc ngày càng có nhiều cách thức hết sức tinh vi để vượt qua các bức tường an ninh. Nếu tin tặc có thể xuyên thủng các bức tường bảo vệ kho vũ khí hạt nhân thì điều đó sẽ là một thảm họa.

Nếu cho phép trí tưởng tượng bay cao thì chúng ta có thể thấy một cuộc tấn công mạng vào hệ thống vũ khí hạt nhân sẽ bỗng dưng cho phép một thế lực bên ngoài phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào một nước khác hoặc một phần của kho vũ khí tại một quốc gia khác. Điều này có thể do một thế lực bên ngoài, hoạt động độc lập hoặc cấu kết với một quốc gia khác, xâm nhập và kích hoạt mã phóng tên lửa hạt nhân được tạo lập cho kho vũ khí hạt nhân của quốc gia đó.

Liệu chúng ta có thể đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra đối với 9 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân hiện nay hay không? Câu trả lời là “Không”. Điều đó sẽ tạo ra một mối đe dọa thường trực đối với các quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân luôn trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng bắn ngay sau khi nhận được lệnh.

Gần đây, Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia ở Anh đã công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó lưu ý: “Một ví dụ cho thấy điều đó có thể xảy ra, truyền thông Mỹ đưa tin Mỹ đã thâm nhập các bộ phận của hệ thống tên lửa Triều Tiên và khiến cho việc thử nghiệm của nước này bị thất bại.

Một vụ phóng thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Nhưng các vụ tấn công mạng gần đây cho thấy rằng hệ thống vũ khí hạt nhân cũng có thể là mục tiêu can thiệp, xâm nhập và phá hoại bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp hoặc các loại virus có thể lây nhiễm cho các bộ phận kỹ thuật số của hệ thống vũ khí hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào. Ví dụ, các cấu trúc silo được cho là dễ bị tổn thương trước các vụ tấn công mạng”.

Ngay cả khi 8 trong 9 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân có hệ thống an ninh mạng chắc chắn thì mắt xích yếu nhất có thể dễ bị tổn thương trước một vụ tấn công mạng. Trong khi đó, những phương tiện mới thâm nhập hệ thống an ninh mạng sẽ được phát triển trong tương lai.

Hãy tưởng tượng rằng các nhóm khủng bố có thể có những kỹ năng cho phép chúng chọc thủng hệ thống an ninh mạng của một hoặc hai quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân, cài đặt lệnh phát động tấn công hạt nhân với nguy cơ đe dọa cao và tạo ra những hậu quả khủng khiếp.

Thay đổi vì lợi ích của nhân loại

Khoảng cách trong lý thuyết răn đe hạt nhân không thể lấp đầy bằng cách đổ tiền vào hoạt động răn đe hạt nhân hoặc phát triển thêm những loại tên lửa mới với đầu đạn hạt nhân lớn nhỏ. Vấn đề là ở chỗ răn đe hạt nhân có thể không đem lại hiệu quả và khả năng phá vỡ hệ thống an ninh mạng để xâm nhập kho vũ khí hạt nhân chỉ có thể làm gia tăng mối đe dọa về tình trạng dễ bị tấn công mạng để kích hoạt tấn công hạt nhân.

Biện pháp đối phó có ý nghĩa đối với vũ khí hạt nhân là phải tuyên truyền tác hại của nó, làm cho nó mất tính hợp pháp và cấm sử dụng. Đây chính xác là điều mà hiệp ước mới về ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân muốn thực hiện. Hiệp ước này xứng đáng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của cộng đồng thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay nó mới chỉ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và những nước núp bóng chiếc ô hạt nhân của Mỹ vẫn phản đối. Đây cũng là một mắt xích yếu và điều này phải thay đổi vì lợi ích của nhân dân thế giới và đặc biệt là công dân của những nước trang bị vũ khí hạt nhân, những người có thể là nạn nhân đầu tiên của một cuộc tấn công hạt nhân chết chóc.

Dương Vũ (tổng hợp)
.
.