Xe "chính chủ": Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Thứ Ba, 29/11/2016, 11:05
Thông tin về việc Lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) sẽ tiến hành xử phạt "xe không chính chủ" đối với xe môtô và xe gắn máy, kể từ ngày 1-1-2017, khiến nhiều người dân hoang mang. Rất nhiều người thắc mắc khi nào thì bị phạt, mức phạt bao nhiêu, các thủ tục sang tên đổi chủ như thế nào?


Khi nào phạt xe không "chính chủ"?

Chị Loan hiện có hộ khẩu thường trú tại quận Bình Thạnh. Năm 2004 chị có mua của người quen chiếc xe Mio Clasio, Yamaha, đăng ký biển số tại Biên Hòa, Đồng Nai, bằng giấy tờ tay.

Từ đó đến nay chị chưa sang tên, chuyển quyền sở hữu và đương nhiên vẫn để nguyên biển số cũ. Có điều biên nhận sang nhượng sau hơn 10 năm giờ chị không biết nó nằm ở đâu và cũng rất khó để gặp chủ nhân cũ của chiếc xe. Giờ xe đã cũ, biên nhận không còn, lại khó gặp người sang nhượng, chị không biết phải làm thế nào, nhất là trước thông tin ngày 1-1-2017, người sử dụng xe không chính chủ sẽ bị phạt?

Anh Hải, thường trú tại phường 15, quận Tân Bình, nhưng CMND của anh lại do Công an Đồng Nai cấp. Hiện anh đang sử dụng chiếc xe Honda Air Blade, đứng tên  chủ sở hữu là một người bà con bên vợ anh. Anh Hải thắc mắc liệu việc sang tên chiếc xe của anh có gặp rắc rối gì không.

Rất đông người tới làm thủ tục đăng ký xe.

Còn  trường hợp của anh Tú, ngụ Bình Thạnh, làm nghề sửa xe lại có suy nghĩ hết sức tiêu cực khi cho rằng chiếc xe anh đang sử dụng có giá trị không lớn, khoảng 5 triệu đồng. Đành rằng xe của anh không phải xe gian, nhưng đến anh có lẽ là đời thứ tư sở hữu nó. Vậy muốn sang tên, anh phải tìm lần lượt qua 3 chủ trước, tất nhiên là có đầy đủ biên nhận sang nhượng, hầu hết là giấy tay. Cho dù có đầy đủ giấy tờ thì chi phí cho việc sang tên cũng khiến anh lo lắng.

"Chiếc xe trị giá 5 triệu, nghe nói làm thủ tục chuyển đổi hết 3 triệu. Thà rằng bị phạt còn hơn liền lúc bỏ ra mấy triệu bạc để chuyển nhượng. Với lại tiền đâu ra nhiều như vậy trong khi ngày chỉ kiếm được chút tiền… còm?", anh Tú phân trần. Một gia đình có 4 người (đều đủ điều kiện điều khiển xe môtô, xe gắn máy) nhưng chỉ có một chiếc xe đứng tên người mẹ, như vậy những người còn lại có được quyền sử dụng mỗi khi ra đường? Hay như cho nhau mượn xe, khi lưu thông có phải chứng minh xe "chính chủ" lỡ có chuyện? v.v…

Cán bộ của Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP Hồ Chí Minh giải thích, Thông tư 15/2014/TT-BCA nêu rõ quy định về đăng ký xe có quy định trách nhiệm của chủ xe trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe nhưng rất nhiều người đã bỏ qua Thông tư trên.

Như vậy, những trường hợp chưa đến cơ quan CSGT để làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe… sẽ bị xử phạt căn cứ theo Điều 30, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, số tiền phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy… (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định. Tuy nhiên Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe.

 Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định chỉ thực hiện qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT để thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ TNGT gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.

Đồng thời căn cứ quy định của Nghị định 46 và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT Công an khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe. Do đó cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân… sẽ không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong Giấy đăng ký xe.

Tóm lại, cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân… sẽ không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký xe mỗi khi tham gia giao thông, trừ khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng buộc cơ quan chức năng phải truy xuất nguồn gốc để giải quyết vụ việc.

Thủ tục chuyển đổi như thế nào?

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính Tư pháp (Bộ Công an) cho truyền thông biết, quy định xử phạt không sang tên đổi chủ đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện vì phải điều chỉnh. Đến nay, công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ được đơn giản hóa mà người dân vẫn cố tình không chấp hành nên cần thiết phải thực hiện mốc thời gian cụ thể và ngày 31-12-2016 là hợp lý.

Chiếc xe của chị Loan.

Việc xử phạt nhằm tác động tới ý thức của chủ phương tiện về việc đảm bảo tài sản của mình, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có khi không sang tên. Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra. Hơn nữa, khi áp dụng việc xử phạt nguội cũng rất dễ dàng.

Sang tên đổi chủ là bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tài sản. Để đảm bảo quyền lợi của mình, đề nghị người dân liên hệ với Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an quận, huyện để nộp hồ sơ theo quy định, hạn cuối đến hết ngày 31-12-2016. Kể từ ngày 1-1-2017, cơ quan đăng ký xe sẽ không giải quyết đăng ký đối với trường hợp xe chuyển nhượng qua nhiều người nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ.

Cán bộ Phòng CSGT ĐB-ĐS còn lưu ý người dân khi đến các cơ quan đăng ký xe tại quận, huyện nơi mình cư trú để làm thủ tục sang tên đổi chủ cho phương tiện cần mang theo đầy đủ hồ sơ, chứng từ.

Trong trường hợp hồ sơ chứng từ bị thiếu, mất, hoặc qua nhiều người sử dụng… thì phải giải thích rõ lý do, phải có xác nhận của địa phương nơi đăng ký thường trú và phải có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký.

Trong quá trình làm thủ tục, sang tên đổi chủ, chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, phải nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan thuế, nộp hồ sơ đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe.

Trường hợp xe đã đăng ký tại tỉnh khác thì phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để nộp hồ sơ; sau khi rút hồ sơ gốc thì đến cơ quan đăng ký xe, nơi mình đăng ký thường trú để nộp hồ sơ đăng ký xe. Thuế trước bạ, lệ phí hồ sơ tùy theo giá trị của xe, ví dụ chiếc xe của anh Tú trị giá 5 triệu đồng, nếu giấy tờ hợp lệ chỉ mất có… vài chục ngàn. Mọi thắc mắc bà con đến nơi làm thủ tục nhờ tư vấn.

Đặc biệt, trong khi làm thủ tục người dân cẩn thận không nghe theo "cò" kẻo "mắc bẫy", lúc đó tiền mất mà thủ tục vẫn không xong.

Đức Hà
.
.