Xét xử Lê Công Định và đồng phạm

Thứ Năm, 21/01/2010, 16:45
Theo dự kiến, ngày 20/1/2010, Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM sẽ bắt đầu tiến hành phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", quy định tại Điều 79 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm bởi lẽ những hành vi của những bị cáo vừa nêu, đã đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của toàn dân tộc...
>> Những lời thú tội muộn màng

Vài nét về những kẻ mưu toan “đội đá vá trời”

Năm nay 42 tuổi, Lê Công Định còn có những tên khác như Nguyên Kha, Paul. Tốt nghiệp THPT, Định theo học nghề luật tại Đại học Pháp lý, Phân hiệu TP HCM. Sau đó, anh ta là nhân viên Phòng Công chứng Nhà nước tại TP HCM, rồi là nhân viên của Đoàn Luật sư TP. Năm 1993, Định chuyển sang Phòng Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Định theo học nghề luật tại Đại học Pháp lý, Phân hiệu TP HCM. Đến năm 1994, anh ta là nhân viên Văn phòng Luật sư Nguyễn Mạnh Bách. Tiếp theo, Định là luật sư tập sự trong Công ty Luật Coudert Brothers tại TP HCM.

Lê Công Định.

Năm 1999, Lê Công Định sang Pháp - rồi sang Mỹ học cao học luật và làm việc cho Văn phòng Luật sư Thắng cùng cộng sự. Tháng 12/2000, Định là trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư YKVN, rồi từ tháng 12/2005 đến ngày bị bắt, là Giám đốc Công ty Luật hợp doanh DC, Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định.

Cũng được học hành bài bản như Lê Công Định là Nguyễn Tiến Trung (còn có tên khác là Nguyễn Trọng Nghĩa). Năm nay 27 tuổi, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa TP HCM, Trung sang Pháp học tiếp tại Đại học Rennes. Tháng 2/2007, Trung thực tập tốt nghiệp ở Mỹ rồi làm việc cho 2 công ty Pháp là Gameloft, Rhodia tại TP HCM. Tháng 3/2008, Trung đi nghĩa vụ quân sự. Ngày 6/7/2009, Trung đoàn Gia Định ra quyết định thi hành kỷ luật, tước danh hiệu quân nhân với Nguyễn Tiến Trung.

Nhân vật thứ ba trong vụ án "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" là Trần Huỳnh Duy Thức, 44 tuổi. Từ một nhân viên của Công ty Chuyển giao công nghệ - Sở Công nghiệp TP HCM, Thức xin nghỉ rồi mở một xưởng sản xuất các sản phẩm cao su tại nhà. Năm 1993, Thức cho ra đời cửa hàng máy tính EIS. Sau đó, thành lập Công ty TNHH Tin học Duy Việt. Tháng 6/2000, Duy Việt chuyển thành Công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS. Cuối năm 2001, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Công ty cổ phần Internet Một kết nối (OCI).

Nhân vật thứ tư trong vụ án phải ra trước vành móng ngựa là Lê Thăng Long. Sinh năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, Long đi làm cho Công ty Vận tải biển VietFracht. Năm 1994, Long chuyển sang Công ty Oscan. Tiếp theo, anh ta được đề bạt làm Giám đốc Chi nhánh Oscan tại Hà Nội. Khi Trần Huỳnh Duy Thức lập Công ty EIS, Long về đầu quân cho Thức. Ngày bị bắt, Lê Thăng Long là Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ Innotech.

Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức.

Tại phiên tòa này, Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM. Bào chữa cho Trần Huỳnh Duy Thức là Luật sư Triệu Quốc Mạnh, bào chữa cho Lê Thăng Long là Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Nguyễn Tiến Trung là Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải. Riêng Lê Công Định không nhờ luật sư mà tự bào chữa cho mình.

Và những hành vi phạm tội

Ngày 26/1/2001, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Công ty EIS, hoạt động  trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ điện thoại nhưng khi cấp phép, Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ cho EIS kinh doanh Internet và điện thoại “internet to phone”, chứ không cho kinh doanh “phone to phone”. Với sự nhìn nhận một chiều, chủ quan về một số những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, Thức nảy sinh tư tưởng bất mãn và cho rằng phải thay đổi cơ chế chính trị, kinh tế Việt Nam.

Cuối năm 2005, Thức cho ra đời một tổ chức mang tên "nhóm nghiên cứu Chấn", rồi lôi kéo 4 nhân viên của công ty tham gia, trong đó có Lê Thăng Long. Nhóm này tổ chức khảo sát, phân tích tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam rồi đưa ra nhận định: Việt Nam sẽ bị khủng hoảng vào cuối năm 2010. Thức gọi thời điểm này là "lúc phất cờ" và khi "cờ" đến, Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tham gia "chính phủ mới", điều hành đất nước.

Để tuyên truyền cho luận điểm của mình, Trần Huỳnh Duy Thức tạo website "chanlachong", phổ biến "Tuyên ngôn Lạc Hồng", trong đó, Thức: "Tuyên thệ trước bản tuyên ngôn này, tôi sẽ lãnh đạo nhóm Lạc Hồng giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân trong năm Canh Dần 2010".

Bên cạnh đó, "nhóm nghiên cứu Chấn" còn tìm cách tiếp cận, mở rộng mối quan hệ với những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng, gây chia rẽ nội bộ, đồng thời tuyên truyền lôi kéo giới trí thức - chủ yếu là nhà báo, luật sư, kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ có tư tưởng chống Việt Nam, ủng hộ cho "nhóm nghiên cứu Chấn".

Cho đến ngày bị bắt, Trần Huỳnh Duy Thức đã nhận và viết nhiều tài liệu, nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền rồi tung lên các blog như Trần Đông Chấn, Psokhanh, Change We Need. Vốn có nghiên cứu đôi chút về Kinh dịch, Thức "sờ mu rùa" phán rằng "năm 2010 là năm vong, và năm 2020 là năm tận của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Với chiến lược - gọi là "Chấn kế" - dùng người Cộng sản đánh người Cộng sản, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long tự ra ứng cử Quốc hội khóa XII. Trong tài liệu "Kế hoạch hành động Media cho Chấn kế", Thức nêu rõ: "Việc tham gia vào Quốc hội của Chấn chuẩn bị cho lúc phất cờ trên nền tảng chính danh... Mục tiêu của Chấn vận động vào Quốc hội để tạo nền tảng cho thành công của lúc phất cờ".

Tháng 4/2007, Lê Thăng Long tách ra khỏi "nhóm nghiên cứu Chấn". Tháng 11/2007, Long thành lập "Phong trào chấn hưng nước Việt", lập website "chanhungnuocviet" cùng các câu lạc bộ như "Câu lạc bộ người cao tuổi chấn hưng nước Việt", "Câu lạc bộ nhà báo chấn hưng nước Việt" mà mục đích vẫn không ngoài việc kích động chống Nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân. Khi Lê Thăng Long bị bắt, Cơ quan An ninh Việt Nam đã thu giữ hàng chục tài liệu có nội dung vạch đường lối, phương hướng, kế hoạch hành động... trong đó có cả cương lĩnh của cái gọi là "Đảng dân chủ Việt Nam".

"Đảng dân chủ Việt Nam" được thành lập bởi ông Hoàng Minh Chính (đã chết) với sự trợ giúp và chi phối của Nguyễn Sĩ Bình. Bình cũng chính là  kẻ cầm đầu tổ chức phản động "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ. Trong tài liệu có tên gọi "Cương lĩnh" của "Đảng dân chủ Việt Nam" đã khẳng định: "Xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới, Hiến pháp mới...", đồng thời không giấu giếm ý đồ lật đổ chính quyền nhân dân thông qua một tài liệu khác, mang tên "Lời kêu gọi".--PageBreak--

Nói đến "Đảng dân chủ Việt Nam" thì không thể không nói đến Nguyễn Tiến Trung. Tháng 7/2002, Trung sang Pháp du học tự túc. Trong thời gian ở Pháp, Trung đã bị một số đối tượng cầm đầu các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam tuyên truyền, lôi kéo nên tháng 5/2006, Nguyễn Tiến Trung đã chủ động rủ rê một số du học sinh như Nguyễn Thị Hường, Việt Quốc, Trần Chiêu Việt, Đỗ Thế Kỷ... thành lập một tổ chức phản động, gọi là "Tập hợp thanh niên dân chủ". Tổ chức này thực chất chỉ là tay sai cho "Đảng dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình.

Nguyễn Tiến Trung.

Tháng 3/2008, Trung giới thiệu Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định với Nguyễn Sĩ Bình để thống nhất kế hoạch hành động lật đổ chính quyền nhân dân, đồng thời tham gia lập website cho "đảng", chỉnh sửa "cương lĩnh của "đảng". Theo sự phân công, Nguyễn Sĩ Bình giữ vai trò "Trưởng ban thường vụ trung ương đảng", Nguyễn Tiến Trung là thành viên "Ban thường vụ", đồng thời là Phó ban báo chí hải ngoại kiêm Trưởng ban thanh niên", Lê Công Định là thành viên "Ban thường vụ", phụ trách viết bài tuyên truyền. Trong 2 năm - từ 2006 đến 2008, Nguyễn Tiến Trung đã nhận và viết 64 tài liệu gồm hàng trăm trang, trong đó 50 tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, được các website của các tổ chức phản động đăng tải.

Tháng 1/2009, Trần Huỳnh Duy Thức đi Mỹ gặp Nguyễn Sĩ Bình, được Bình giao cho tài liệu có tên "Thông tri" của "Đảng dân chủ Việt Nam". Đến tháng 3, Thức cùng Lê Công Định sang Phuket, Thái Lan gặp Bình để đánh giá về quá trình hoạt động, đồng thời đề ra phương hướng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong lần gặp gỡ ấy, các "chính trị gia" vừa kể đã hí hửng cho rằng năm 2010 là thời điểm chín muồi để thực hiện kế hoạch "lúc phất cờ". Cả bọn phân công nhau, hoàn thành sớm tài liệu "Con đường Việt Nam", trong đó Nguyễn Sĩ Bình viết phần "chính sách của nước ngoài đối với Việt Nam", Trần Huỳnh Duy Thức chịu trách nhiệm chung và viết phần kinh tế. Lê Công Định viết phần pháp luật.

Trong những bài viết của mình, Trần Huỳnh Duy Thức đề ra kế hoạch "5 người", phụ trách 5 lĩnh vực là kinh tế, cải cách pháp luật, giáo dục, biển Đông và Tây Nguyên nhưng do Nguyễn Sĩ Bình đã từng bị chính quyền Việt Nam bắt,  trục xuất vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" nên cả bọn thống nhất là trước mắt, Nguyễn Sĩ Bình chưa nên tham gia nhóm "5 người", mà chỉ ở ngoài, tìm cách vận động các tổ chức người Việt chống Cộng lưu vong, ủng hộ cho "đảng".

Thống nhất xong việc viết tài liệu "Con đường Việt Nam", Bình, Thức, Định lập hộp thư "chihaichibachitu" để cùng sử dụng. "Chihai" là Nguyễn Sĩ Bình, "chiba" là Trần Huỳnh Duy Thức còn "chitu" là Lê Công Định. Họ tự cho rằng họ là "nhóm hạt nhân" trong việc vạch ra, điều hành các hoạt động chống Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Nguyễn Sĩ Bình, Lê Công Định còn lập thêm 2 tổ chức nữa, gọi là "Đảng lao động Việt Nam", "Đảng dân chủ Việt Nam", Trần Huỳnh Duy Thức lập "Đảng xã hội Việt Nam" để cùng tập hợp lực lượng.

Có thể nói, sau khi Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, và qua những tang vật là hàng trăm trang tài liệu thu giữ được, chẳng hạn như "Căn bệnh ung thư xã hội", "Chủ nghĩa dân tộc và ngọn cờ dân chủ", "Con đường Việt Nam", đã chứng tỏ rất rõ, rằng mục đích của "nhóm nghiên cứu Chấn" là câu kết với những thế lực phản động ở nước ngoài, tập hợp những thành phần bất mãn, cơ hội trong nước, lợi dụng những khó khăn về kinh tế, những bất cập trong quản lý, điều hành ở một vài phương diện để kích động quần chúng, tiến đến bạo loạn, lật đổ.

Ý đồ này được thể hiện rất rõ qua những gì mà họ đã trao đổi với nhau, cũng như bản "Tân hiến pháp" gồm 112 trang, 9 chương, 106 điều do Nguyễn Sĩ Bình và bọn phản động người Việt lưu vong soạn thảo, rồi gửi về cho Lê Công Định tham gia chỉnh sửa, để khi lật đổ được chính quyền, thì "hiến pháp" này sẽ thay thế Hiến pháp Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 1/3/2009, Lê Công Định sang Pattaya, Thái Lan để dự một khóa huấn luyện do Việt Tân tổ chức. Sau này, khi bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ, Định khai biết rõ Việt Tân là tổ chức khủng bố nhưng vẫn nhận lời tham gia.

Ngày 24/5/2009, Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt. Ngày 4/6, Lê Thăng Long lên xe vào trại giam. Ngày 13/6, đến lượt Lê Công Định và ngày 7/7/2009 là Nguyễn Tiến Trung. Trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, ngoài việc thừa nhận hành vi phạm tội của mình, Trần Huỳnh Duy Thức, viết: "Tôi thực sự ân hận về việc làm của mình, tôi xin Nhà nước rộng lượng khoan hồng, miễn giảm hình phạt cho tôi để sớm được về với gia đình...".

Nguyễn Tiến Trung, viết: "Tôi đã thấy được các hành vi của tôi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng... nay tôi xin được hưởng sự khoan hồng". Lê Công Định: "Tôi đã tham gia tổ chức Đảng dân chủ Việt Nam nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân... Tôi nhận thức những việc làm nói trên đã vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự... Tôi mong các cơ quan pháp luật xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để cho tôi được hưởng sự khoan hồng".

Về những diễn tiến tại phiên tòa, Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo tới

PV
.
.