Bầu cử QH Thổ Nhĩ Kỳ: Xuất hiện “Obama của người Kurd"

Thứ Ba, 16/06/2015, 20:25
Đúng như dự báo của giới truyền thông, cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/6 vừa qua đã có kết quả gây bất lợi cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi đảng của ông đã đánh mất thế đa số trước sự vươn lên mạnh mẽ của các đảng phái và chính khách vốn bị ông xem thường. Gây ấn tượng nhất là đảng Dân chủ các dân tộc (HDP) của người Kurd.

Người Kurd vùng lên

Với việc lần đầu tiên tham gia tranh cử vào Quốc hội và xếp thứ tư, đạt tỉ lệ 13% số ghế (tương đương 79/550 ghế Quốc hội), vượt qua ngưỡng 10% theo quy định nghiệt ngã của Ankara, đảng HDP đã làm nên lịch sử, tạo ra cơ hội vàng cho người Kurd có tiếng nói trong Quốc hội.

Đây là điều mà chính quyền ở Ankara đã cố ngăn ngừa trước bằng quy định ngưỡng tỉ lệ 10% ghế nêu trên. Và với tỉ lệ phiếu bầu này, đảng HDP đang đứng trước cơ hội cực tốt để đối chọi trực tiếp với đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan.

Tại các thành phố có đa số người Kurd sinh sống ở miền Đông và Nam Thổ Nhĩ Kỳ, không khí ăn mừng nổ ra tưng bừng khắp nơi. Đây là thời khắc trọng đại của người Kurd, cộng đồng dân tộc chiếm đến 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sẽ có được một chỗ đứng chính trị quan trọng trên bình diện quốc gia.

Người đã dẫn dắt đảng HDP đến thành công ngày hôm nay, từ một đảng vô danh trở thành một đảng chính thống trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, là một chính khách người Kurd 42 tuổi tên là Selahattin Demirtas, người được mệnh danh là "Obama của người Kurd" bởi tính cách năng nổ, ăn nói hoạt bát, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám nói và dám làm.

Demirtas đang được giới bình luận đánh giá là chính khách Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất có thể đối đầu với Tổng thống Erdogan mà không lo ngại gì. Quả thật vậy, Demirtas và đảng HDP của ông đã trở thành mục tiêu công kích của Tổng thống Erdogan trong chiến dịch tranh cử.

Lãnh đạo người Kurd Selahattin Demirtas.

Tổng thống Erdogan đã không ngần ngại gọi đích danh Demirtas là "kẻ không trung thực" vì Demirtas tuyên bố sẽ tìm cách xóa bỏ Ủy ban Tôn giáo của chính phủ. Ông khinh thường gọi Demirtas là "cậu bé" và gọi Demirtas là "bình phong" cho đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đang bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Demirtas cũng chẳng phải dạng vừa, đáp trả: "Chúng tôi, đảng HDP, sẽ biến con sư tử trong tim ông thành con mèo ngoan".

Sinh ra tại thành phố người Kurd Elazig, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Demirtas đã bắt đầu ý thức được bản sắc Kurd của mình vào năm 15 tuổi khi ông tham dự đám tang của một chính khách Kurd được cho là đã bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ sát hại ở thành phố Diyarbakir, thành phố lớn nhất của người Kurd. Rồi ngay trong đám tang đó, những tay súng lạ mặt đã xuất hiện và xả súng vào đám đông đưa tang giết chết thêm 8 người nữa. Khi đó, Demirtas bắt đầu hiểu được làm người Kurd sẽ mang thân phận như thế nào.

Tuy nhiên, càng lớn lên, Demirtas càng hiểu được giá trị của sự tự do và cái giá phải trả cho việc tiến hành những hành vi trả thù. Đó là sự đánh mất lòng tin, oán thù ngày càng sâu đậm thêm. Điều này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử. Hai ngày trước bầu cử, ngày 5/6, xảy ra một vụ đánh bom tại thành phố Diyarbakir, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, làm chết 2 người.

Demirtas đã kêu gọi người dân thành phố này không xuống đường biểu tình để giữ an ninh cho ngày bầu cử. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: "Hòa bình sẽ thắng" (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là Bariskazanacak). Lập tức, thông điệp "Hòa bình sẽ thắng" lan nhanh trên mạng xã hội, trở thành khẩu hiệu ưa thích của cộng đồng mạng Thổ Nhĩ Kỳ. Đó cũng là một điểm nhấn tạo nên sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ cử tri không phải người Kurd dành cho đảng HDP.

Kịch bản nào cho ông Erdogan?

Kết quả kiểm 99,9% phiếu bầu cho thấy đảng AKP của Tổng thống Erdogan đã đánh mất thế đa số khi chỉ đạt 41% số ghế, về nhì là đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) với 25% phiếu, thứ ba với 16,5% phiếu là đảng dân tộc hữu khuynh Phong trào Dân tộc (MHP) và HDP về thứ tư, 13%. Như vậy, không có đảng nào giành được đa số ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ khiến cho cục diện chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sau bầu cử trở nên bấp bênh.

Phát biểu trên báo chí ngày 8/6, Tổng thống Erdogan đã phải thừa nhận sự thất thế của AKP do để mất thế đa số, và tương lai nắm quyền của đảng này sẽ tùy thuộc vào khả năng vận động liên minh chính trị với các đảng khác để giành đủ đa số. Đây là lần đầu tiên sau 13 năm cầm quyền, đảng AKP của ông Erdogan mất thế kiểm soát Quốc hội và đành phải tính đến chuyện liên minh.

Người Kurd tại các thành phố Đông và Nam Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng thành tích của đảng HDP trong bầu cử.

Trước mắt, một số ý kiến tính đến khả năng liên minh giữa AKP với các đảng CHP và HDP của người Kurd. Còn đảng MHP dứt khoát không liên minh với AKP. Lãnh đạo đảng này, ông Devlet Bahceli tuyên bố sẵn sàng đứng ở phía đối lập cho dù AKP có thuyết phục được HDP và CHP vào liên minh. Tuy nhiên, hiện chưa có gì bảo đảm đảng thiên tả CHP và HDP sẽ chấp nhập liên minh với AKP, và Demirtas đã bác bỏ khả năng liên minh này.

Người Kurd đang có thế "dựng vua" và họ có quyền đưa ra các điều kiện để mặc cả. Và trong trường hợp không có liên minh nào được thành lập trong thời gian theo luật định, một cuộc bầu cử khác có thể sẽ được tổ chức. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử khác để tránh tình trạng khủng hoảng có thể kéo dài sau cuộc bầu cử này.

Đối với Tổng thống Erdogan, đây không chỉ là một sự tụt hậu mà còn là một đòn mạnh có thể làm hỏng kế hoạch quyền lực tương lai của ông. Ngay sau khi có kết quả bầu cử không chính thức, ông Demirtas đã tuyên bố ông sẽ cùng với các đảng khác chặn đứng tham vọng của Erdogan bằng cách ngăn việc sửa đổi hiến pháp nhằm chuyển chế độ Nghị viện sang Tổng thống chế.

An Châu (tổng h­ợp)
.
.