Xung đột Nagorno-Karabakh: Không chỉ là câu chuyện Caucasus

Thứ Hai, 11/04/2016, 15:35
Xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh nằm giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra trong những ngày qua khiến an ninh khu vực Caucasus, vùng đất nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á, vốn tồn tại nhiều bất ổn trong những thập kỷ qua trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Sau 22 năm tạm lắng dịu, vùng đất vốn thuộc Azerbaijan nhưng có đông người Armenia sinh sống này bùng phát chiến sự đã đẩy châu Âu vào tình trạng lo lắng, thậm chí giới phân tích cho rằng cuộc chiến lan rộng có thể trở thành một vấn đề lớn cho “lục địa già”.

Bản chất của xung đột

Nhìn lại lịch sử, các cuộc giao tranh xảy ra tại Nagorno-Karabakh về bản chất là cuộc xung đột sắc tộc giữa Azerbaijan và Armenia. Đỉnh điểm của xung đột này diễn ra vào những năm cuối của thời kỳ Liên Xô cũ và đã bùng phát thành một cuộc chiến tranh giữa hai nước trong giai đoạn 1991-1994. Azerbaijan và Armenia giao tranh với nhau để giành quyền kiểm soát một vùng đất vốn thuộc về Azerbaijan nhưng cư dân của nó lại chủ yếu lại là người Armenia.

Trong cuộc chiến 1991-1994 khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng, Armenia là bên chiến thắng và Nagorno-Karabakh đã thành lập nước cộng hòa tự trị với sự hậu thuẫn của Armenia.

Trong lịch sử Nagorno-Karabakh vốn là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa. Tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan là kết quả của sự bất bình kéo dài từ phía cộng đồng người Armenia ở Nagorno-Karabakh do sự cấm đoán tự do tôn giáo và văn hóa bởi Azerbaijan.

Azerbaijan vốn là quốc gia Hồi giáo trong khi đa phần dân chúng ở Armenia theo đạo Thiên chúa. Dân ở vùng Nagorno-Karabakh cũng theo đạo Thiên chúa và gắn bó với Armenia nhiều hơn.

Các cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau đó. Việc Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 đã dỡ bỏ những rào cản cuối cùng ngăn cản hai phía Armenia và Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Một tháng trước đó, Quốc hội Azerbaijan bãi bỏ hiện trạng của Karabakh là một tỉnh tự trị, đổi tên thủ phủ của thành Xankandi

Ngược lại, một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở Karabakh, với người Armenia bỏ phiếu áp đảo ủng hộ độc lập. Ngày 6 tháng 1 năm 1992, vùng này tuyên bố độc lập từ Azerbaijan.

Sau 6 năm chiến tranh ác liệt, cả hai phía đều đã sẵn sàng ký lệnh ngưng bắn và trả lại hiện trạng cũ cho Nagorno-Karabakh. Ngày 15/5/94, lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga gặp mặt tại Moscow để ký hiệp định ngưng bắn. Các cuộc giao tranh lẻ tẻ tiếp tục tại một số nơi, nhưng tất cả các phe đều xác nhận họ quyết tâm tôn trọng lệnh ngưng chiến.

Nga khi đó đóng vai trò khá rối rắm trong cuộc chiến lần này. Các thành viên thuộc phe cứng rắn của chính quyền Xô viết ban đầu ủng hộ Azerbaijan trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Về mặt chính thức, Nga đứng trung lập trong cuộc chiến, nhưng cả hai phe tham chiến đều cáo buộc Nga thiên vị phe kia.

Ngược với những gì giới truyền thông đưa tin về khía cạnh tôn giáo đã gây ra cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, tôn giáo chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như một nguyên nhân gây ra chiến tranh, và nguyên nhân chính vẫn là vấn đề lãnh thổ và quyền con người của người Armenia tại Karabakh.

Kể từ năm 1995, đồng chủ tịch của nhóm Minsk tiếp tục đàm phám với Chính phủ Armeni và Azerbaija để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Nhiều đề nghị được đưa ra, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục mỗi bên nhân nhượng trong một số điểm. Tuy nhiên cho đến nay cả hai bên vẫn cứng rắn với quyết định của mình.

Những người lính Armenia chụp ảnh gần một điểm giao tranh ở Nagorno-Karabakh ngày 6-4-2016.

Rắc rối mới cho châu Âu

Cuộc giao tranh giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh trong vài ngày qua cho thấy khả năng cuộc chiến có thể không chỉ dừng lại ở khu vực Caucasus, mà sẽ lan rộng hơn và trở thành một vấn đề lớn cho châu Âu.

Theo các nhà phân tích, những diễn biến chính trị vừa qua đã khiến cơ hội xoa dịu sự thù địch trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh cả hai nước đều thiếu vắng nền dân chủ mang tính hợp pháp, những người nắm quyền đã biến Nagorno-Karabakh thành tâm điểm cho những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa xung đột với nhau và hoàn toàn không thỏa hiệp.

Giới lãnh đạo của Armenia sống chết cũng ra sức giữ phần lãnh thổ này và do đó rất muốn duy trì hiện trạng. Mặt khác, Chính phủ Azerbaijan, dưới áp lực phải “giải phóng” khu vực này, đã không còn ảo tưởng với những cuộc đàm phán bế tắc, trong khi sự sụt giá dầu mỏ hiện nay đã tác động lớn tình hình kinh tế Azerbaijan. Bởi sự ổn định của chính quyền Tổng thống Ilham Alieyv dựa vào nguồn thu dầu mỏ, nên việc khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa chắc chắn là phương tiện để bù đắp. Khi Armenia gần đây có động thái quân sự quyết đoán hơn, nhiều khả năng xung đột tiếp tục leo thang.

Mặc dù đây vẫn là cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa các nước thuộc Liên Xô cũ, các lực lượng ở Nam Caucasus không còn đơn thuần là các nhóm tay súng người Azerbaijan và Armenia được tập hợp vội vàng nữa. Cả hai bên đã đổ rất nhiều tiền vào quân sự, nhất là Azerbaijan giàu dầu mỏ luôn tìm kiếm các loại vũ khí công nghệ cao. Cả hai bên giờ trang bị tới tận răng các hệ thống vũ khí tối tân có thể nhằm vào các mục tiêu hạ tầng và đô thị nằm cách xa biên giới: cả thủ đô Baku và Yerevan đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo của các bên tham chiến.

Hệ quả của việc leo thang đối với khu vực có thể sẽ lớn hơn nhiều so với trước. Hiện tại đang có những lợi ích và liên minh xung khắc nguy hiểm hơn rất nhiều so với những năm 1990, khi Caucasus vẫn là một khu vực tách biệt thời hậu Xôviết. Ngày nay, Liên minh châu Âu coi “Hành lang khí đốt phía Nam” và đường ống dẫn khí Baku-Tbilisi-Ceyhan có vai trò quan trọng sống còn đối với an ninh năng lượng của mình.

Trong trường hợp cuộc chiến Nagorny Karabakh kéo dài, cả hai tuyến vận tải năng lượng triển vọng này sẽ bị phá hủy nghiêm trọng. Đồng minh của EU là Gruzia cũng sẽ phải đối mặt với những lựa chọn gần như không thể giữa quan hệ đối tác chiến lược với EU và Azerbaijan, mối quan hệ cho tới nay vẫn thân thiết với Armenia, và mối liên minh của Armenia với Nga.

Đáng lo ngại hơn, những cường quốc lớn và các nước trong khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị lôi cuốn vào cuộc xung đột do các mối quan hệ của các nước này với Armenia hay Azerbaijan. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể có thể có cuộc thử thách uy tín nghiêm túc đầu tiên trong trường hợp cuộc chiến vượt ra ngoài Karabakh và đi sâu vào lãnh thổ Armenia. Moscow sẽ đối mặt với một lựa chọn khó chịu giữa việc phải giữ uy tín cho những cam kết liên minh của mình đang dần trở nên không thích hợp với việc phải can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy mình dính líu vào cuộc tranh chấp nếu sự thù địch lan rộng tới khu vực Nakhichevan của Azerbaijan, vốn bị ngăn cách với Azerbaijan bởi Armenia và có một phần nhỏ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các vụ đụng độ năm 1992 đã dẫn tới cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Moscow và Ankara.

Tất cả các khả năng trên xem ra chưa chắc đã xảy ra, song các yếu tố chính trị đang cho thấy khả năng cuộc xung đột Nagorno-Karabakh sẽ nhanh chóng chuyển từ vấn đề phụ sang thành vấn đề khu vực quan trọng. Nhìn qua lăng kính cuộc xung đột ở Ukraine, một nỗ lực phối hợp để tìm ra một giải pháp ngoại giao hiện có vẻ khó thực hiện hơn bao giờ hết.

Tổng thống Armenia đã đe dọa sẽ công nhận sự độc lập cho khu vực này trong trường hợp xung đột tiếp tục leo thang, trong khi Azerbaijan đã đưa ra khả năng một cuộc chiến tổng lực để đáp trả “nếu những khiêu khích được tiếp tục”. Khu vực Nam Caucasus có thể là rắc rối tiếp theo đối với an ninh của châu Âu, là yếu tố bất ổn nữa bổ sung vào tình trạng lộn xộn đang ngày càng gia tăng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.