Xung đột tại Đông Nam Ukraina: Cuộc chiến thông tin Nga – phương Tây

Thứ Sáu, 09/05/2014, 21:30

Cuộc chiến thông tin giữa Nga và phương Tây đang gia tăng tốc độ cùng với những cuộc xung đột tại miền đông nam Ukraina. Trong khi Nga đang tìm cách hạ nhiệt những căng thẳng ở Ukraina thì Mỹ lại muốn “thêm dầu vào lửa”.

Hai cách mô tả về tình hình Ukraina

Nếu cứ nghe theo các hãng truyền thông phương Tây thì Nga phải chịu mọi trách nhiệm về những lộn xộn đang diễn ra tại Ukraina, còn theo các hãng tin Nga thì phương Tây đang dung túng chính quyền Kiev trong việc đàn áp người dân Ukraina.

Đơn cử là vào ngày 2/5, một cuộc đụng độ giữa người biểu tình đòi ly khai với những người ủng hộ chính quyền Kiev đã diễn ra ở trung tâm thành phố Odessa. Người biểu tình phản đối chính quyền Kiev sau đó bị dồn vào Tòa nhà Công đoàn ở trung tâm Odessa và tòa nhà này bị phóng hỏa khiến 42 người trong đó bị chết cháy.

Hầu hết các hãng thông tấn và báo chí phương Tây đều cho rằng người khởi xướng cho chuyện này chính là giới ly khai thân Nga và tuyệt nhiên không nói gì đến trách nhiệm của chính quyền Kiev.

Hãng tin Pháp AFP đưa tin: "Vào trưa 2/5, khoảng 1.500 người Ukraina, đa số là ủng hộ viên bóng đá, biểu tình ôn hòa chống bạo lực và chia cắt lãnh thổ. Bất ngờ họ bị mấy trăm người thân Nga, đội nón bảo hiểm, trang bị súng lục và gậy tấn công gây tử vong cho bốn người. Nhóm thân Nga sau đó tiến chiếm trụ sở của Công đoàn và lập rào cản, nhưng không rõ vì lý do gì, đã xảy ra hỏa hoạn làm 42 người của họ chết ngạt".

Hãng tin Anh BBCNews và Reutres ngày 2/5 cho biết: "Vụ cháy xảy ra tại Tòa nhà Công đoàn ở Odessa không biết bắt đầu do đâu. Nhiều người ly khai được cho là đã trấn thủ bên trong tòa nhà và cả hai bên đã ném bom xăng vào nhau"…

Đi xa hơn trường hợp ở Odessa, các phương tiện truyền thông phương Tây đều cáo buộc Nga chủ mưu mọi cuộc bạo động tại Ukraina. AP ngày 3-5 viết: "Chính phủ Ukraina và phương Tây tin là điện Kremlin đang hậu thuẫn những phần tử ly khai gây bất ổn đất nước trước cuộc bầu cử được dự trù tổ chức vào ngày 25/5".

Còn tờ Le Monde, nhật báo có ảnh hưởng lớn tại Pháp, trong bài xã luận hôm 3/5 nhận định: "Vladimir Putin đã thực hiện được kế hoạch chia cắt lãnh thổ Ukraina". Theo tờ báo này, sau khi chiếm lại Crimea không một tiếng súng, ông Putin tiến thêm một bước khuyến khích phe theo Nga ở miền Đông Ukraina nổi dậy chiếm chính quyền địa phương bằng bạo lực, đặt chính quyền lâm thời ở Kiev vào thế lúng túng: đàn áp phe thân Nga thì Nga lấy cớ xâm lăng, mà không phản ứng thì đất nước sẽ tan rã”.

Cảnh sát Odessa và phe ly khai thân Nga đụng độ.

Theo cách thức tuyên truyền của các hãng thông tấn và báo chí truyền thông phương Tây thì rõ ràng Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm tại Ukraina. Tuy nhiên, nếu lật qua các trang mạng của Nga những ngày này ta lại thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Đưa tin về vụ Odessa, Hãng tin Itar-Tass ngày 2/5, cho biết, các chiến binh Khu vực Cánh hữu Ukraina đã thiêu sống 42 người tại Tòa nhà Công đoàn Odessa. RIA Novosti thì cho rằng, sự kiện xảy ra ở Odessa có thể đi vào lịch sử hiện đại Ukraina như một tội ác chưa từng có và là một bi kịch lớn. Thực tế, các chiến binh Khu vực Cánh hữu đã dùng rượu Molotov đốt sống hàng chục người dân bị mắc kẹt trong Tòa nhà Công đoàn.

Nói đến trách nhiệm của chính quyền Kiev, hãng tin này viết: "Tuy cố gắng chia tách các bên đối đầu, nhưng Cảnh sát Ukraina tỏ ra hành động thụ động và không cương quyết. Kết quả là các phần tử cực đoan thuộc Khu vực Cánh hữu đã đốt cháy trại lều và tiếp đến là Tòa nhà Công đoàn, nơi những người không đồng ý với chính sách của chính phủ hiện nay đang ẩn náu. Theo các nhân chứng, phải  nửa giờ sau khi bắt đầu lửa bốc lên, các nhân viên cứu hỏa mới có mặt tại hiện trường".

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Moskva cho rằng thảm kịch ở Odessa là biểu hiện sự thiếu trách nhiệm một cách tội phạm của quan chức Kiev, của sự "dung túng các thành phần dân tộc cực đoan càn quấy, dựng lên chiến dịch chống những người ủng hộ liên bang hóa và những thay đổi hiến pháp thực sự trong xã hội Ukraina".

Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 2/5, Đại sứ Nga Vitaly Churkin đã tố cáo phương Tây về việc áp dụng hai tiêu chuẩn trong cuộc khủng hoảng này bằng cách dung thứ cuộc tấn công hiện nay của Ukraina. Ông Churkin nói, Nga đã bị sốc trước thái độ khoan dung của phương Tây đối với các hành động của chính quyền Kiev.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Putin gọi cuộc tấn công của Ukraina là một "tội ác". Ông cũng nói rằng, cuộc tấn công này "đã phá hủy hy vọng cuối cùng" của việc thi hành thỏa hiệp Geneve.

Độc giả thế giới hiện đứng giữa nhiều luồng thông tin khác nhau. Ai không có cái nhìn thấu đáo rất dễ bị lôi kéo. Vậy đâu mới là sự thật? Hiện không thể kết luận ai đúng ai sai, chỉ biết rằng hằng ngày có đến hàng trăm người dân Ukraina ngã xuống trong cảnh huynh đệ tương tàn, đất nước Ukraina thì rối loạn, kinh tế bên bờ vực phá sản …

Ai sẽ hưởng lợi nếu Ukraina rơi vào nội chiến?

Tính đến ngày 5/5, về mặt quân sự, phe nổi dậy dường như tạm ngưng các vụ xung đột vũ trang, cho dù các vụ chạm súng lẻ tẻ vẫn xảy ra ở nhiều nơi trong vùng. Quân đội Ukraina vẫn tiếp tục chiến thuật bao vây các thành phố Slaviansk và Krarmatorsk.

Theo Moskva, tất cả các chiến dịch đang do Kiev tiến hành đều đã được chính quyền Ukraina thảo luận trước với Washington, thậm chí là đều do Mỹ giật dây. Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc điện đàm với ông John Kerry đã thẳng thắn yêu cầu Mỹ dùng tất cả ảnh hưởng của Washington đối với chính quyền Kiev để thuyết phục Ukraina chấm dứt ngay lập tức các chiến dịch quân sự ở các vùng Đông Nam nước này.

Một người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bị chết cháy trong tòa nhà công đoàn ở Odessa.

Bằng chứng cho thấy sự xúi giục của Mỹ với các hoạt động bạo lực của chính quyền Kiev hiện nay đã được tờ báo Đức Bild chỉ rõ. Trong số báo ra ngày 4/5, Bild cho biết, hàng chục nhân viên của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang hoạt động ở Ukraina. Theo tờ báo, các chuyên gia hỗ trợ Kiev trong việc hình thành các cơ cấu an ninh và tư vấn về việc tiến hành chiến dịch đặc biệt ở khu vực phía đông Ukraina.

Theo các nguồn tin riêng của Bild, người Mỹ ở Ukraina không trực tiếp tham gia vào các cuộc đụng độ với lực lượng dân quân tự vệ - lĩnh vực hoạt động của họ được giới hạn ở Kiev. Ngoài ra, FBI còn giúp đỡ chính quyền Kiev đấu tranh chống tội phạm có tổ chức; các điều tra viên và các nhà phân tích của các cơ quan tình báo chuyên về tội phạm tài chính thì giúp tìm tài sản của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Quân đội Ukraina phong tỏa thành phố Slaviansk.

Tối ngày 4/5, Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với nhau. Theo điện Kremlin, nguyên thủ Nga đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thiết lập đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev hiện nay và đại diện các vùng phía Đông Nam Ukraina, nơi đang xảy ra nhiều vụ bạo động.

Ngày 7/5 này, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ tới Moskva và hội đàm với Tổng thống Nga Putin, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Về phần mình, ngày 4/5, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng cần phải tổ chức một hội nghị Geneve thứ hai về Ukraina.

Trong khi Nga tìm mọi cách để giảm căng thẳng tại Ukraina thì Mỹ lại đang muốn “đổ dầu vào lửa”. Nhà báo - chuyên gia phân tích người Mỹ Mike Whitney trong một bài viết đăng trên trang Veracity Voice ngày 4/5, cho rằng, Mỹ có ý định phớt lờ mọi nỗ lực của Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina, đồng thời đang lôi kéo Moskva vào những cuộc khiêu khích liên miên và chiến tranh bằng những hành động của mình.

Liệu Nga có sập bẫy của Mỹ? Philippe Migault, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) cho biết, cần phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ lợi ích của Nga. Liệu một cuộc xâm lược Ukraina có lợi cho Nga hay không?

Ông Migault nhận định: "Miền Đông Ukraina đang trên đà cao chạy xa bay, và nước này khó có thể khôi phục được sự thống nhất trong những tuần và tháng tới đây. Như vậy là Nga có cần phải can thiệp quân sự hay không, trong khi mà trong thực tế miền Đông Ukraina đã hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của Kiev? Tôi tin chắc là không cần".

Vẫn theo chuyên gia này, trên bình diện ngoại giao cũng vậy, nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraina, điều đó sẽ hoàn toàn phản tác dụng vì có nghĩa là họ từ bỏ chủ thuyết không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia. Dĩ nhiên, học thuyết quốc phòng Nga cũng có dự trù khả năng can thiệp quân sự để cứu kiều dân Nga bị đe dọa tại các lân bang, thế nhưng trên bình diện ngoại giao, nếu tấn công Ukraina, Nga sẽ cho thấy rõ ràng là họ từ bỏ chủ thuyết không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác.

Điều này sẽ tạo tiền đề cho Mỹ và phương Tây thẳng thắn đáp trả Nga một cách mạnh tay hơn. Đây không phải là kịch bản mà Moskva trông đợi. Sự phân tâm của Nga về tình hình an ninh ngay sát sườn sẽ ảnh hưởng tới những dự định lớn khác trên thế giới. Điều này hẳn làm lợi cho các đối thủ lớn khác như Mỹ và châu Âu. Ai được hưởng lợi từ cuộc nội chiến ở Ukraina hẳn đã rõ ràng

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.