Xung đột vũ trang Hamas – Israel: Vì sao không thể có hòa bình?

Thứ Tư, 03/09/2014, 15:55

Điệp khúc ngừng bắn rồi lại tiếp tục đánh giữa quân đội Israel và cánh quân sự của Hamas tại Dải Gaza bắt đầu từ lệnh ngừng bắn ngày 27/7, sau 3 tuần Israel triển khai chiến dịch quân sự mang tên Protective Edge (ngày 8/7/2014). Lệnh ngừng bắn 24 giờ đã nhanh chóng bị phá hỏng chỉ sau vài giờ, rồi lại tiếp tục được gia hạn thêm 24 giờ nữa. Ngày 1/8, với nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ.

Điệp khúc ngừng bắn

Điệp khúc ngừng bắn rồi lại tiếp tục đánh giữa quân đội Israel và cánh quân sự của Hamas tại Dải Gaza bắt đầu từ lệnh ngừng bắn ngày 27/7, sau 3 tuần Israel triển khai chiến dịch quân sự mang tên Protective Edge (ngày 8/7/2014). Lệnh ngừng bắn 24 giờ đã nhanh chóng bị phá hỏng chỉ sau vài giờ, rồi lại tiếp tục được gia hạn thêm 24 giờ nữa. Ngày 1/8, với nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ.

Tuy nhiên, ngay chính lệnh ngừng bắn nhằm phục vụ cho công tác cứu trợ nhân đạo này cũng trầy trật, phải hoãn lại 3 ngày do hai bên đang "say máu" đánh nhau. Ngày 4/8, ngừng bắn mới bắt đầu được thi hành. Đồng thời cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Hamas và Israel khởi sự tại Cairo, do nước chủ nhà Ai Cập khởi xướng và làm trung gian. Thêm vài lần ngừng bắn bất thành, ngày 19/8, Israel chấp nhận ngừng bắn 24 giờ với Hamas. Tuy nhiên, khi ngừng bắn còn vài giờ nữa hết hiệu lực thì pháo, tên lửa lại cấp tập bay qua biên giới Israel-Gaza vào sáng sớm ngày 8/8, và như thường lệ, số người Palestines chết lại tăng lên.

Sau những lần "ngừng bắn" như thế, số thương vong người Palestine liên tục tăng, đồng thời, các cơ sở vật chất nhà cửa, nhà máy, thánh đường bị Israel phá hủy đều tăng lên, chưa kể các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Tính từ sau lệnh ngừng bắn ngày 19/8 đến nay, Israel đã thực hiện 350 cuộc không kích vào Dải Gaza, còn Hamas cũng bắn đến 650 quả tên lửa sang các thành phố lớn của Israel, khoảng 20% số đó bị hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome bắn hạ.

Cũng từ ngày 19/8, 112 người Palestine chết do tên lửa của Israel. Tính từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự, hơn 2.100 người Palestine đã chết, 10.890 người bị thương. Phía Israel có 68 người chết, đa số là binh sĩ.

Các tòa nhà cao tầng và thánh đường Hồi giáo đang trở thành mục tiêu mới của tên lửa Israel.

Khoảng 100.000 người Palestine bị mất nhà cửa do 17.000 ngôi nhà, chung cư của họ đã bị phá hủy. Trường học, bệnh viện, các cơ sở y tế, và hàng trăm nhà máy sản xuất công nghiệp bị Israel cố tình đánh phá, khiến cho hàng ngàn công nhân thất nghiệp, gây khó khăn cho kinh tế Gaza. Những tòa nhà cao tầng và thánh đường Hồi giáo ở Dải Gaza đang là mục tiêu mới nhất trong hoạt động quân sự của Israel tại đây.

Thông tin báo chí hôm 25/8 cho biết, liên tiếp trong 2 ngày thứ bảy (23/8) và Chủ nhật (24/8), tên lửa Israel đã đánh sập 2 tòa nhà cao tầng, gồm một tòa nhà chung cư 12 tầng ở Gaza City và một tòa nhà văn phòng 7 tầng ở thành phố Rafah làm 9 người chết và bị thương hàng chục người. Israel nói, họ tấn công một "phòng tác chiến" của Hamas bên trong tòa nhà này.

Theo Cơ quan Quản lý tôn giáo ở Dải Gaza, hôm 24/8, Israel lại đánh sập thêm 4 tòa thánh đường Hồi giáo, nâng tổng số thánh đường bị đánh sập lên con số 71. Đây có thể được xem là đợt tàn phá thánh đường Hồi giáo lớn nhất ở Trung Đông trong vài thập niên trở lại đây.

Trong khi đó, một quan chức Palestine nói với Hãng tin AFP của Pháp ngày 25/8 rằng, Ai Cập đang chuẩn bị mời các phái đoàn Hamas và Israel sang Cairo để tiếp tục tiến trình đàm phán đang dở dang. Tuy nhiên, khả năng đàm phán thỏa thuận ngừng bắn mới này đang rất mong manh do Hamas hiện vẫn chưa nguôi cơn giận dữ sau vụ việc 3 chỉ huy quân sự cao cấp bị giết chết.

Ngày 21/8, tên lửa Israel đã đánh trúng một ngôi nhà ở thành phố Rafah, giết chết 3 chỉ huy quân sự cao cấp của Hamas gồm Mohammed Abu Shamlah, Raed Attar và Mohammed Barhoum. Còn vị chỉ huy cao nhất là Mohammed Deif vẫn chưa rõ sống hay chết sau khi ngôi nhà của ông bị trúng tên lửa Israel trước đó 2 hôm làm vợ và con trai của ông thiệt mạng. Hamas ngay lập tức mở cuộc truy lùng và bắt, hành quyết tổng cộng 25 kẻ được cho là chỉ điểm cho Israel, và cuộc truy lùng vẫn đang tiếp diễn.

Công nghiệp quốc phòng Israel sống khỏe

Một hình ảnh tương phản đến bất nhẫn đang hiện diện ở Israel là trong khi đạn pháo, tên lửa Israel gây ra đau thương, tang tóc cho người Palestine ở Dải Gaza, thì chính những kẻ chế tạo, sản xuất ra các loại vũ khí đó lại ung dung "sống khỏe".

Tờ Haaretz đã điểm danh 3 nhà thầu vũ khí lớn nhất của Israel là Elbit Systems, Israel Aerospace Industries và Rafael Advanced Defense Systems là những đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các loại vũ khí hiện đại nhất cho quân đội Israel (IDF). Trong 3 nhà thầu nói trên thì Elbit Systems chủ yếu chuyên về máy bay không người lái do thám và tấn công mục tiêu; Israel Aerospace Industries (IAI) và Rafael Advanced Defense Systems (RADS) là những đối tác lớn cung cấp tên lửa và các thiết bị kỹ thuật cho hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Cả 3 công ty này đều có mối quan hệ "làm ăn" rất mật thiết với IDF, và trong thành phần lãnh đạo các công ty này đều hiện diện các cựu sĩ quan, quan chức quốc phòng Israel.

Giới chuyên môn ở Israel cho biết, các nhà thầu lớn này được đặc cách đối xử như những cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ Israel, được mời tham gia các cuộc họp hoạch định chính sách an ninh - quốc phòng, có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến việc mua sắm trang bị cấp cho quân đội Israel. Và nhiều người đang đặt vấn đề "xung đột lợi ích" trong các quyết sách an ninh, quân sự của Chính phủ Israel.

Tờ Haaretz đưa ra nhận định: Hễ trong khu vực có "hòa bình" thì ngành công nghiệp quốc phòng Israel bị giảm doanh thu. Haaretz phân tích: Trong giai đoạn từ năm 2000, khi người Palestine làm cuộc "intifadeh" lần thứ hai, xuất hiện một mô hình hoạt động quân sự nhất định giữa Israel với người Palestine hay Hezbollah ở Liban: Chiến dịch Dfensive Shield của Israel ở khu Bờ Tây năm 2002; Cuộc chiến Liban 34 ngày giữa Israel với Hezbollah vào năm 2006; Chiến dịch Cast Lead của Israel ở Dải Gaza cuối năm 2008 đầu năm 2009; và Chiến dịch Pillar of Defense của Israel tại Gaza tháng 11/2012.

Hầu như mỗi lần chiến tranh như thế, Israel đều mang ra thử nghiệm công nghệ quân sự hay vũ khí mới. Trong Chiến dịch Protective Edge hiện nay, Israel đang sử dụng công nghệ phòng thủ tên lửa kỹ thuật cao Iron Dome.

Các tòa nhà cao tầng và thánh đường Hồi giáo đang trở thành mục tiêu mới của tên lửa Israel.

Các con số về doanh thu xuất khẩu vũ khí sau mỗi đợt chiến tranh như vậy đều gia tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây đã gia tăng liên tục do tình hình an ninh trong khu vực liên tục bất ổn. Cụ thể, doanh số xuất khẩu vũ khí của Israel sau Chiến dịch Dfensive Shield của Israel ở khu Bờ Tây năm 2002 đạt 2 tỉ USD, đến năm 2006 (cuộc chiến 34 ngày với Hezbollah) đã tăng lên 3,4 tỉ USD và lên 6 tỉ USD vào năm 2012 (Chiến dịch Pillar of Defense ở Gaza).

Năm 2013, chỉ 3 nhà thầu lớn (Elbit Systems, IAI, RADS) đã đạt doanh thu lần lượt là 3 tỉ USD, 2,65 tỉ USD và 2 tỉ USD. Tổng cộng, ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Israel có đến 1.000 công ty, với 150.000 công nhân, trong đó 680 công ty có giấy phép xuất khẩu và một mạng lưới 320 nhà tiếp thị khắp thế giới đăng ký hợp tác làm ăn với Bộ Quốc phòng Israel. Thị trường xuất khẩu vũ khí của Israel cũng rất đa dạng, lớn nhất là châu Á (3,83 tỉ USD), kế đến là châu Âu (1,7 tỉ USD) và Bắc Mỹ (1,1 tỉ USD) rồi đến Mỹ Latinh (604 triệu USD), châu Phi (107 triệu USD).

Giới chuyên gia ở Israel nhận định, sau Chiến dịch Protective Edge ở Dải Gaza lần này, chắc chắn công nghiệp vũ khí Israel sẽ tiến thêm một bước nữa. Israel đang hy vọng “cú chào hàng” tại Dải Gaza lần này sẽ giúp nước này bán được hệ thống Iron Dome cho nhiều nước trên thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan.

Mức độ thành cộng của Iron Dome tại Dải Gaza năm 2014 sẽ tạo tên tuổi cho các nhà thầu vũ khí Israel. Từ đó, các công ty này đang chuẩn bị xuất khẩu thêm những loại tên lửa mới vừa được mang ra thử nghiệm tại Dải Gaza, như Spike, Tamuz

Văn Trương (tổng hợp)
.
.