Xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc dân đảng Ngô Bá Hùng

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:15
Hôm 28/5/2008, cuộc hội kiến giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào với Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Ngô Bá Hùng được giới truyền thông Trung Quốc đưa tin khá đậm. Tại đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã cảm ơn Đài Loan về những chia sẻ, hỗ trợ trong trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 12/5/2008.

Mặc dù chỉ cách nhau khoảng 100 dặm, nhưng người dân ở 2 bờ eo biển Đài Loan muốn thăm viếng nhau đều phải quá cảnh ở Hong kong hoặc tại một sân bay nào đó của một nước khác, chứ không thể bay thẳng từ Trung Quốc tới Đài Loan hoặc ngược lại.

Tình hình này sẽ sớm được thay đổi sau chuyến công du lịch sử tới Trung Quốc của Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Ngô Bá Hùng (từ 26/5/2008). Được biết, lãnh đạo của Hiệp hội Quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan của Trung Quốc sẽ hội đàm với Tổ chức Trao đổi 2 bờ eo biển Đài Loan của Đài Loan vào ngày 11/6 tới để đàm phán về việc mở các chuyến bay giữa 2 bờ eo biển Đài Loan. Đây cũng được coi là thành công đầu tiên của chuyến công du kéo dài 1 tuần của ông Ngô Bá Hùng.

Từ “Ngoại giao động đất”...

Hôm 28/5/2008, cuộc hội kiến giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào với Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Ngô Bá Hùng được giới truyền thông Trung Quốc đưa tin khá đậm.

Tại đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã cảm ơn Đài Loan về những chia sẻ, hỗ trợ trong trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 12/5/2008 khiến gần 70.000 người chết, trên 365.000 người bị thương và 19.500 người hiện vẫn đang bị mất tích.

Cho đến nay, chính quyền Đài Loan đã ủng hộ 26 triệu USD, còn các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp và người dân Đài Loan ủng hộ 78 triệu USD cho các nạn nhân của trận động đất mạnh 8 độ richter.

Chuyến công du của ông Ngô Bá Hùng diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc đang khắc phục hậu quả của trận động đất nên dư luận coi đây là cử chỉ “ngoại giao động đất”. Đồng thời hy vọng, “ngoại giao động đất” sẽ khai thông những bế tắc kéo dài trong suốt 9 năm qua, kể từ khi ông Trần Thủy Biển trở thành người đứng đầu chính quyền Đài Loan.

Theo giới truyền thông Pháp, trận động đất hôm 12/5 tuy gây thiệt hại nặng nề về người và của cho Trung Quốc, nhưng nó đã và đang tạo điều kiện để thắt chặt thêm tình đoàn kết của đất nước hơn 1,3 tỉ dân. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào coi chuyến công du của ông Ngô Bá Hùng là một sự kiện lớn trong quan hệ giữa 2 đảng, cũng như quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan.

Dư luận đánh giá rất cao cuộc gặp giữa ông Ngô Bá Hùng với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bởi đây là lần đầu tiên một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc có cuộc tiếp xúc, hội kiến với Chủ tịch Quốc dân đảng sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Trước chuyến công du của ông Ngô Bá Hùng, ông Hồ Cẩm Đào cũng đã có cuộc gặp với ông Tiêu Vạn Trường, “Phó tướng” của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu (11/4/2008) bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao.

Và cách đây hơn 3 năm (26/4/2005), Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng Liên Chiến cũng đã tới Trung Quốc (8 ngày, bắt đầu từ 26/4/2005) theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

 Trước và sau cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Trung Quốc với ông Ngô Bá Hùng và ông Tiêu Vạn Trường, dư luận chung đều cho rằng, quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan sẽ có những bước tiến triển tốt và những khác biệt giữa hai bên sẽ sớm được giải quyết thông qua đàm phán.

Ông Ngô Bá Hùng cho rằng, chuyến công du lần này sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới giải hòa, hòa thuận và cùng phấn đấu vì hòa bình bởi những luồng dư luận chính ở Đài Loan đều mong chờ mối quan hệ này trở nên thiện chí và tương tác nhiều hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Giới quan sát cho rằng, chính sách “tam thông” của Trung Quốc, thay cho chính sách “tam không” trước đây của Đài Loan sẽ ngày càng phát triển. Trước đây nếu người Đài Loan nào đi thăm Trung Quốc vì bất cứ lý do gì đều có thể bị phạt tù bởi khi đó chính quyền Đài Loan áp dụng chính sách “tam không” - không thông đường bay, không thông đường bưu điện, không thăm viếng lẫn nhau. --PageBreak--

Nhờ những chính sách thông thoáng, cởi mở nên chỉ trong vòng 20 năm qua, đã có hơn 75.000 doanh nhân Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc với tổng số tiền lên tới hơn 100 tỉ USD. Doanh nhân Đài Loan chủ yếu đầu tư vào những lĩnh vực như điện quang, máy tính, tin học, cơ khí, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ... Giới kinh tế nhận định, đầu tư của doanh nhân Đài Loan vào Trung Quốc sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới sau khi quan hệ 2 bờ được cải thiện hơn, nhất là khi những chuyến bay trực tiếp được thiết lập.

...Đến những vấn đề còn tồn tại

Kể từ khi được thành lập (1991) đến nay, Hiệp hội Quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan của Trung Quốc và Tổ chức Trao đổi 2 bờ eo biển Đài Loan của Đài Loan đã có nhiều cuộc tiếp xúc công khai, cũng như bí mật nhằm khai thông những bế tắc.

Trong đó đáng quan tâm nhất là cuộc gặp bí mật cách đây 15 năm (1993-2008) giữa ông Uông Đạo Hàm, cựu Thị trưởng Thượng Hải, Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan của Trung Quốc với ông Cố Chấn Phủ, Ủy viên Thường vụ Quốc dân đảng, một trong những nhà kinh doanh có thế lực nhất ở Đài Loan, Chủ tịch Tổ chức Trao đổi 2 bờ eo biển Đài Loan của Đài Loan tại Singapore.

Cách đây hơn 50 năm (1956), Chính phủ Trung Quốc đã thành lập “Tổ lãnh đạo công tác về Đài Loan” do Bộ trưởng Công an Lý Khắc Nông và tướng La Thụy Khanh phụ trách. Ngay sau khi biết tin này, Quốc dân đảng đã cử Tống Tuyên Sơn, anh ruột của Tống Hy Liên tới Bắc Kinh để tìm hiểu thực hư. Khi đó, cả Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đều mong chờ cuộc gặp này.

Và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra kiến nghị, theo đó hai đảng đàm phán bình đẳng để thực hiện hòa bình, thống nhất. Sau khi thống nhất, Đài Loan trở thành khu tự trị đặt dưới quyền quản lý của Chính phủ Trung Quốc, mọi công việc của Đài Loan do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Nhưng thiện chí này của Chính phủ Trung Quốc đã bị Mỹ ngăn cản, thậm chí họ còn xúi giục Tưởng Giới Thạch gây nên “sự kiện Kim Môn, Mã Tổ” cách đây 50 năm.

Nhưng sau đó (1965), Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng vẫn có một cuộc hội đàm bí mật và “thỏa  thuận 6 điểm” đã được đưa ra, nhưng không được Tưởng Giới Thạch chấp thuận. 10 năm sau (20/12/1975), mặc dù thập tử nhất sinh, nhưng Thủ tướng Chu Ân Lai vẫn mời La Thanh Trường tới để bàn về vấn đề Đài Loan.

Theo giới truyền thông, kể từ khi Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển tiến hành những chính sách thù địch với Trung Quốc, quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng trong một thời gian khá dài. Nhưng trong tuyên bố mới nhậm chức hôm 20/5/2008, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã kêu gọi mở ra “một chương hòa bình mới” giữa 2 đảng, cũng như nhân dân 2 bờ eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, ông Mã Anh Cửu cũng sẽ cho phép thiết lập tỉ giá hối đoái giữa đồng NDT của Trung Quốc với Đài tệ (tiền Đài Loan), cũng như cho phép người Trung Quốc đại lục mua bất động sản tại Đài Loan và thúc đẩy việc thiết lập một thị trường chung...

Giới bình luận nhận định, với sự phát triển của tình hình hiện nay phương châm của Đặng Tiểu Bình “nhất quốc lưỡng chế” - một quốc gia hai chế độ sẽ sớm được áp dụng với Đài Loan.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, cả hai bên đều phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới. Người dân hy vọng, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ 2 bờ, thay vì những chính sách không hợp lòng dân mà người tiền nhiệm Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển từng tiến hành trước đây

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.