Xung quanh loạt vụ tấn công ở Đức

Thứ Tư, 27/07/2016, 19:15
Vụ tấn công xảy ra gần nhất vào đêm Chủ nhật 24-7 là vụ tấn công thứ 3 liên tiếp trong 7 ngày tại bang Bavaria, Đức. Theo Bộ Nội vụ bang này, một thanh niên 27 tuổi người Syria nhập cư đã kích nổ thiết bị được cho là bom tự chế tại một lễ hội âm nhạc ngoài trời với sự tham dự của 2.500 người ở thành phố Ansbach, bang Bavaria. 15 người bị thương, hung thủ đánh bom cũng tử vong.

Theo cơ quan điều tra, hung thủ tên là Mohammad Daleel nhập cư vào Đức được 2 năm và hiện đang xin tị nạn nhưng đơn xin tị nạn của y đã bị từ chối. Tuy vậy, y vẫn được phép ở lại Đức, vì chính sách của nước Đức là không cho phép người bị bác đơn tị nạn quay trở về vùng có chiến tranh. Hồ sơ cảnh sát bang Bavaria cho biết, hung thủ có nhiều tiền sự, từ tội trộm cắp vặt cho đến buôn bán ma túy.

Ban đầu, cảnh sát bang Bavaria cho rằng vụ tấn công không có dấu hiệu khủng bố, chỉ mang tính trả thù cá nhân, vì cơ quan chức năng Đức đang chuẩn bị trục xuất y sang Bulgaria. Sau khi lục soát nơi ở của hung thủ tại một khu dành cho người tị nạn, ngày 25-7, cơ quan điều tra cho biết đã thu thập được một video clip do Daleel thực hiện trước khi gây ra vụ nổ bom, trong đó có nội dung tuyên bố ủng hộ IS.

Cảnh sát phong tỏa khu vực nơi hung thủ đánh bom tự sát Mohammad Daleel sinh sống.

Loạt tấn công khủng bố ở Đức bắt đầu bằng vụ một thiếu niên nhập cư 17 tuổi dùng dao và rìu tấn công làm một số hành khách bị thương trên một chuyến tàu ở thành phố Wurzburg, cách Ansbach khoảng 70 km. Thiếu niên này gốc Afghanistan, cư ngụ tại thị trấn Ochsenfurt, bang Bavaria, cũng xin tị nạn như hung thủ vụ đánh bom ở Ansbach, và tên này cũng bị cực đoan hóa. Nhân chứng cho biết, khi tấn công hành khách, thiếu niên 17 tuổi này đã hô to “Allahu Akbar”, chứng tỏ y có quan hệ với IS.

Tiếp sau vụ trên, ngày 22-7, một thanh niên 18 tuổi mang 2 quốc tịch Đức và Iran đã gây ra vụ nổ súng kinh hoàng tại một siêu thị ở Munich, cũng thuộc bang Bavaria. Vụ tấn công làm chết 9 người, trong đó có nhiều trẻ em, và chính hung thủ. Theo cảnh sát địa phương, hung thủ không liên quan đến nhóm khủng bố nào cả, và có dấu hiệu tinh thần không ổn, bị ám ảnh bởi các vụ bắn giết hàng loạt.

Vài giờ trước khi xảy ra vụ Ansbach, một thanh niên 21 tuổi, cũng là người Syria nhập cư và xin tị nạn, đã dùng rìu tấn công giết chết một phụ nữ 45 tuổi ở Reutlingen, ở bang lân cận Baden-Wurttemberg.

Loạt vụ tấn công kể trên tuy không gây số thương vong lớn nhưng các hung thủ gây án đều là người nhập cư từ Trung Đông, chủ yếu là đến từ Syria, đang đặt ra một thách thức lớn cho bà Merkel và chính sách nhập cư của bà. Không đợi đến loạt vụ tấn công mới này, mà từ khi xảy ra các vụ việc nhỏ gây mất an ninh ở nhiều thành phố tiếp nhận người nhập cư, dư luận Đức đã chỉ trích mạnh mẽ bà Merkel về chính sách “chào đón” người nhập cư của bà.

Vấn đề khó khăn nhất của bà Merkel hiện nay là trong khi không thể đẩy những kẻ nhập cư đó trở về vùng đất họ đã ra đi, vì lý do ngăn chặn họ rơi vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan, rơi vào tay IS, nhưng đồng thời nước Đức cũng không thể ngăn họ bị cực đoan hóa ngay trong lòng nước Đức mà không cần phải tiếp xúc với IS. Năm ngoái, nước Đức đã chấp nhận hơn 1 triệu người tị nạn, và một số người Đức đã bày tỏ lo ngại rằng bọn khủng bố có thể trà trộn vào dòng người tị nạn này để xâm nhập vào nước Đức.

Đó là chưa kể trong thành phần người tị nạn, những thanh niên mặc cảm, bị đối xử rẻ rúng vì có hành vi phạm tội, họ thất vọng vì bị từ chối đơn xin tị nạn, cũng có thể tự mình cực đoan hóa hoặc được IS hoặc các nhóm cực đoan khác chiêu mộ thông qua mạng xã hội.

Dù có dấu hiệu cực đoan hóa ở các hung thủ, nước Đức vẫn cho rằng đó chỉ là những vụ việc bạo lực mang tính chất trả thù cá nhân của những thanh niên nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière tuyên bố nước Đức sẽ phải tăng cường an ninh tại các sân bay, ga xe lửa, tàu điện nhằm đảm bảo kịp thời ngăn chặn những hành động bạo lực tương tự.

Ông de Maizière cũng biện hộ giúp cho bà Merkel rằng, tất cả những hung thủ trong các vụ tấn công nói trên đều đã nhập cư vào nước Đức từ lâu và không có liên quan đến những người nhập cư theo chính sách “chào đón” của bà Merkel. Điều này chứng tỏ những vụ việc vừa xảy ra không phải là hậu quả từ chính sách nhập cư của bà. Tuy nhiên, dư luận chung thì không quan tâm vấn đề có liên quan hay không, mà chỉ cần biết rằng, đó là do “những kẻ nhập cư” gây ra.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.