Xung quanh sự cố giữa tàu Trung Quốc và chiến hạm Mỹ ở biển Đông

Thứ Hai, 23/03/2009, 10:15
Có hai luồng thông tin hoàn toàn trái ngược về sự kiện một chiến hạm Mỹ bị vài chiếc tàu của Trung Quốc "ve vãn" tại biển Đông ngày 8/3 vừa qua. Bên nào cũng nói bên kia phạm luật. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, đây chỉ là một sự cố nhỏ, cái ẩn chứa đằng sau sự kiện này mới là quan trọng hơn cả.

Sự cố gây tranh cãi

Ngày 9/3 vừa qua, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra tuyên bố cho rằng, khi tàu giám sát mang tên USNS Impeccable của Mỹ tiến hành đo trắc tư liệu âm thanh dưới biển Đông vào ngày 8/3 đã vấp phải sự cố với 5 chiếc tàu lần lượt thuộc về Cục Hải dương, Bộ ngành Ngư chính và Hải quân Trung Quốc. Mỹ đã bày tỏ phản kháng với Trung Quốc về việc này.

Chi tiết vụ việc được Bộ Quốc phòng Mỹ miêu tả như sau: Tàu không vũ trang của Hải quân Mỹ USNS Impeccable đang hoạt động tại vùng lãnh hải quốc tế (cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, 120km về hướng nam) thì bị 5 tàu Trung Quốc trong đó có 1 tàu quân sự bao vây.

Sự việc không có gì đáng nói khi tàu Mỹ dùng vòi rồng  phun nước vào tàu Trung Quốc đang tới gần. Nhưng thủy thủ Trung Quốc ném gỗ ngăn mũi tàu Mỹ và 2 chiếc xông tới cản đường làm cho tàu Mỹ phải có động thái khẩn cấp tránh va chạm. Cũng trong thông báo, Lầu Năm Góc còn nói, tàu giám sát nói trên của Mỹ từng vấp phải sự cố của Trung Quốc vào ngày 5 và 7/3.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu trong cuộc họp báo  ngày 10/3 cho biết: Chiếc tàu USNS Impeccable của Mỹ "đã vi phạm luật quốc tế và luật Trung Quốc trong vùng biển Đông mà cụ thể là đã xâm nhập hải phận đặc quyền kinh tế Trung Quốc ở biển Đông trong tình hình chưa được phép".

Một điều gây tranh cãi khác giữa hai nước liên quan tới chức năng và nhiệm vụ của chiến hạm USNS Impeccable. Giới quốc phòng Mỹ cho biết tàu Impeccable được thiết kế và trang bị cho mục đích dò tìm tàu ngầm và là một phần trong chương trình thăm dò của Mỹ trên biển Đông.

Tàu USNS Impeccable hoàn toàn không phải là tàu do thám. Nhiệm vụ của nó xác định địa hình đáy biển bằng hệ thống định vị siêu âm, thu thập thông tin cho Hải quân Mỹ sử dụng để điều khiển tàu ngầm nước mình hoặc xác định vị trí của các tàu ngầm nước khác, cũng như phát hiện mìn và thủy lôi.

Hệ thống phát hiện tàu ngầm LFA có thể được tàu Impeccable kéo theo phía sau.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng tàu giám sát USNS Impeccable trên thực tế là tàu gián điệp của Hải quân Mỹ. Giới phân tích Trung Quốc còn chỉ rõ trang web hải quân Mỹ viết rất rõ: tàu USNS Impeccable là 1 trong 5 tàu giám sát biển của Hải quân Mỹ. Cơ quan truyền thông Mỹ cũng công khai đưa tin, là tàu gián điệp trực thuộc Hải quân Mỹ, trên tàu USNS Impeccable lắp ráp hệ thống thu âm thanh tần số thấp chủ động và thụ động, đặc biệt dùng để trinh sát hoạt động tàu ngầm.

Do đó, Bắc Kinh cho rằng tàu này chủ yếu là hỗ trợ Hải quân Mỹ triển khai hành động chống tàu ngầm, hoàn toàn mang tính chất quân sự. Như vậy thì tính chất tàu gián điệp của hải quân Mỹ cũng không sao thay đổi được.

Thể theo Công ước Luật Hải dương Liên Hiệp Quốc, cũng như căn cứ Luật Hải phận đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc và Quy định quản lý việc nghiên cứu khoa học hải dương của Trung Quốc, tàu mang tính chất quân sự có thể đi qua hải phận đặc quyền kinh tế của một nước nào đó, nếu được sự đồng ý và phê chuẩn của nước hữu quan. Bắc Kinh cho rằng tàu giám sát của Mỹ đã làm trái với hai điều này, nên đã vi phạm hàng loạt điều luật của Liên Hiệp Quốc và Trung Quốc.

Sự cố nhỏ giữa hai nước lớn?

Tình trạng căng thẳng giữa quân đội hai bên từng xảy ra vào năm 2001 (sau thời điểm ông Bush nhậm chức Tổng thống Mỹ ít ngày) khi 1 máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ và 1 máy bay chiến đấu Trung Quốc đâm nhau trên không phận quốc tế ngoài khơi đảo Hải Nam, làm thiệt mạng phi công Trung Quốc và buộc chiếc máy bay Mỹ phải đáp xuống một sân bay quân sự trên đảo.

Giới quan sát nhận định, tính chất của vụ việc vừa qua chẳng khác là bao so với vụ việc xảy ra cách đây 8 năm. Mỗi khi nước Mỹ có tân tổng thống, Trung Quốc và Mỹ lại có chút thăm dò tiềm năng quân sự của nhau. Sở dĩ hai vụ việc đều xảy ra ở khu vực gần đảo Hải Nam vì đây là nơi có căn cứ tàu ngầm bí mật của Trung Quốc.

Sự cố này xảy ra chỉ ít lâu sau khi Trung Quốc và Mỹ quyết định nối lại việc hợp tác quân sự cấp cao vốn bị gián đoạn hồi năm ngoái sau khi Bắc Kinh phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố luôn sẵn sàng mở rộng đối thoại với Trung Quốc trên các lĩnh vực như khủng hoảng kinh tế và sự ấm lên của trái đất. Thông điệp này đã được Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton nhắc lại trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2 vừa qua.

Theo đúng dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm và làm việc tại Washington để thống nhất một số chủ đề sẽ được công bố vào hội nghị nhóm G20 diễn ra sắp tới và cũng để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Hồ Cẩm Đào. Chuyến thăm này diễn ra ít ngày sau khi xảy ra vụ việc trên biển Đông giữa các tàu của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, không vì thế mà quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng.

Giới quan sát nhận định, trong tình hình khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay, Trung Quốc và Mỹ triển khai càng nhiều giao lưu hợp tác không những phù hợp với lợi ích của hai nước mà còn phù hợp với lợi ích của cả thế giới. Cho nên xét về ý nghĩa này, sự kiện vừa qua sẽ không ảnh hưởng tới đại cục và xu hướng phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.