Xung quanh sự kiện CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân

Thứ Ba, 17/10/2006, 08:45

Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ thử nghiệm hạt nhân được CHDCND Triều Tiên tuyên bố  đã thực hiện thành công. Cục diện chiến lược vũ khí hạt nhân của thế giới đã thay đổi. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có nguy cơ trở thành sự thật nguy hiểm ở châu Á và trên phạm vi toàn cầu...

Một tuần lễ sau khi phát đi lời tuyên bố gây sốc cho dư luận quốc tế, CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên. Theo tin của Hãng thông tấn của CHDCND Triều Tiên (KCNA) ngày 9/10/2006, nước này tuyên bố đã “thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân” và nói rằng "vụ thử nghiệm hạt nhân là một sự kiện lịch sử đem lại sự vui mừng cho quân đội và nhân dân Triều Tiên".

Có tin nói rằng, Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân trong lòng đất ở một mỏ than để hoang, sâu khoảng 2.000 mét. Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm hạt nhân, thị trường cổ phiếu châu Á lập tức xáo trộn lớn. Đồng yên Nhật, đồng won Hàn Quốc trượt giá mạnh.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cũng cho biết, vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên diễn ra lúc 10 giờ 36 phút (tức 8 giờ 36 phút giờ Hà Nội) ngày 8/10/2006 tại Hwaideri gần thành phố Kilju. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện ra sóng rung chấn ở một địa điểm nghi ngờ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiêny. Như vậy, quốc gia trên miền Bắc bán đảo Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân tiếp theo Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và hai nước khác cũng công khai nhận là đã có loại vũ khí này (Ấn Độ, Pakistan). Ngoài ra, Israel cũng được cho là đã sở hữu loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm này.

Khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên bùng phát từ năm 2002 khi Mỹ cáo buộc quốc gia này bí mật tiến hành chương trình hạt nhân vi phạm thỏa thuận năm 1994. Sự kiện CHDCND Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngày 8/10 không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích tình báo và an ninh quốc tế. Nhưng nó đã xảy ra vào thời điểm mà không ít người vẫn hy vọng về một sự trì hoãn có nhiều khả năng. Trong khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Trung Quốc và chuẩn bị bay sang thăm Hàn Quốc, rồi cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thư ký LHQ mới mà ông Ban Ki-moon, ứng cử viên cũng là một người Triều Tiên ở Hàn Quốc, sắp diễn ra ở New York. Những tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc hay những động thái can ngăn của Liên bang Nga cũng không làm nhụt chí Bình Nhưỡng.

Từ nhiều năm nay, CHDCND Triều Tiên tuyên bố úp mở rằng có vũ khí hạt nhân song chưa bao giờ tiến hành một vụ thử nào để chứng minh điều họ nói là sự thật. Mỹ, Nhật rất chú ý theo dõi để phát hiện hoạt động hạt nhân của Triều Tiên. Nhật hiện có hai vệ tinh tình báo và vừa phóng chiếc thứ 3 vào tháng 9 mới đây để giám sát chương trình vũ khí và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Máy bay quân sự Mỹ có khả năng phát hiện bức xạ đã cất cánh từ Okinawa, để đi giám sát, đề phòng trường hợp CHDCND Triều Tiên thử nghiệm tên lửa.

Dường như Bình Nhưỡng đã có những sự tính toán khá kỹ cho quyết định thử vũ khí hạt nhân. Bất chấp sự trừng phạt, cấm vận mà nước này khó tránh khỏi, nếu quay trở lại bàn đàm phán 6 bên, CHDCND Triều Tiên đã có một vị thế mới - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân dù cho là vẫn còn khiêm tốn. Có lẽ Bình Nhưỡng đã sử dụng chính sách ngoại giao “đòn bẩy” hạt nhân để phá thế cô lập. Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng  muốn chuyển "kho vũ khí nhỏ" trở thành "xung lực" ngoại giao lớn.

Việc CHDCND Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân còn cho thấy những hoạt động ngoại giao trong nhiều năm qua mà nhóm 6 nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên thực hiện là không đủ lực cần thiết. Mặt khác, vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng đặt ra hàng loạt thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Bush. Đặc biệt, nó còn gây ra sự xáo trộn lớn trong chính sách ngoại giao của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Yu Myung-hwan bình luận rằng vụ thử vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể tạo tiền đề cho Nhật Bản trang bị vũ khí hạt nhân, và điều này sẽ châm ngòi cho một loạt nước láng giềng của Nhật Bản chạy đua vũ trang. Đó thực sự là cơn ác mộng đối với nỗ lực không phổ biến hạt nhân toàn cầu.

Châu Á, mà nạn nhân trực tiếp là Nhật Bản không bao giờ quên sự khủng khiếp về sức hủy diệt của vũ khí nguyên tử do Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagazaki vào tháng 8/1945. Tuy nhiên, mới tháng trước, một viện nghiên cứu do cựu Thủ tướng Nhật Yasuhiro Nakasone đứng đầu đã đề xuất một chính sách mà trong đó Nhật Bản cần “cân nhắc đến hạt nhân”. Tokyo từng cân nhắc vấn đề này năm 1995 nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên. Nếu Nhật quyết định trang bị vũ khí hạt nhân, sẽ không khó bởi họ có nhiều thanh nhiên liệu đã sử dụng, lấy từ các lò phản ứng hạt nhân ở các nhà máy điện nguyên tử.

Vài giờ sau khi Hãng thông tấn KCNA thông báo nước này thử thành công vũ khí hạt nhân, Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích động thái này là “khiêu khích” và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) có hành động ngay lập tức. Cùng ngày 9/10, HĐBA LHQ họp bàn khẩn cấp về vụ thử vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Mỹ và Nhật đề cập tới việc áp dụng thêm biện pháp cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn phản đối việc thử vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên tuân thủ cam kết phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ngừng bất kể hành động nào có thể làm tổn hại đến tình hình khu vực và quay lại bàn đàm phán 6 bên.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Roh Moo-hyun chủ trì cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này. Nước Anh coi việc CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân "là hành động khiêu khích nghiêm trọng, sẽ gây ra hậu quả lớn cho Bình Nhưỡng". Pháp kêu gọi Bình Nhưỡng "ngay lập tức từ bỏ dự án vì những hành động như vậy sẽ tạo nên bất ổn cho an ninh khu vực và quốc tế". Singapore cảnh báo động thái trên "sẽ gây bất ổn cho toàn khu vực chứ không chỉ ảnh hưởng riêng tới lợi ích của CHDCND Triều Tiên". Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về kế hoạch thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngày 9/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố Việt Nam hết sức lo ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân và nhấn mạnh việc làm này của CHDCND Triều Tiên sẽ gây thêm căng thẳng, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Việt  Nam mong các bên liên quan hết sức kiềm chế, sớm trở lại đàm phán 6 bên, thu hẹp bất đồng và sớm đạt giải pháp thỏa đáng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phản ứng chung của nhiều nước trên thế giới là lo ngại sự kiện này gây tổn hại cho hòa bình, an ninh thế giới và kêu gọi các bên liên quan nên bình tĩnh, kiềm chế.  Ưu tiên hàng đầu hiện nay của cộng đồng quốc tế, mà trước hết là các cường quốc và các nước liên quan là kiểm soát những hậu quả ban đầu nhằm đảm bảo cuộc khủng hoảng không leo thang và quan trọng hơn để hình thành một cơ cấu phản ứng ngoại giao có đủ sức ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Thanh Đàm
.
.