Xung quanh tiến trình điều tra vụ tai nạn máy bay MH17: “Ông nói gà, bà nói vịt”

Thứ Năm, 14/08/2014, 04:25

Sau khi thảm họa MH17 xảy ra vào ngày 17/7, các quan chức tình báo Mỹ bao gồm nhiều chuyên gia về quân sự đã liên tục trưng ra nhiều "bằng chứng” ám chỉ Nga "tạo điều kiện tuyệt đối" cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraina bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia, làm 298 người thiệt mạng.

Mỹ - Nga đều có "bằng chứng tình báo xác thực"

Tướng William Shelton Tổng tư lệnh Không quân Mỹ tỏ ra rất tự hào về công nghệ tình báo - quân sự: "Vệ tinh quân sự Mỹ bao phủ khắp trái đất đã chụp được những bức không ảnh "rất nhạy và rất chính xác" cho thấy một quả tên lửa SA-11 đã rời  bệ phóng BUK từ khu vực do quân ly khai kiểm soát và gây ra thảm họa cho MH17.

Bà Marie Harf, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu khá tự tin trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi đã xem các đoạn băng video, xem các bức ảnh chụp lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn khoe  đã bắn hạ được một chiếc máy bay mà sau đó họ biết là máy bay  chở khách".

Để bác bỏ những lời cáo buộc từ Washington, Moskva tuyên bố hệ thống kiểm soát không lưu của Nga đã phát hiện ra một chiếc máy bay quân sự Ukraina - được cho là loại Su-25 rượt theo và ép chiếc Boeing 777 phải hạ thấp độ cao. Chiếc Su-25 được trang bị tên lửa không đối không R-60 có tầm bắn khoảng 12 km.

Phía Nga đã đặt ra một câu hỏi mà đến nay chính quyền Kiev vẫn "cứng họng", chưa có bất kỳ phản ứng nào: "Tại sao máy bay chiến đấu cất cánh và bay theo máy bay dân dụng?”.

Thiếu tướng A. Kartapolov, Phó tham mưu trưởng - Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga cho biết, Moskva đã "bắt quả tang" một vệ tinh của Mỹ bay dọc khu vực biên giới Ukraina - Nga vào đúng thời điểm xảy ra thảm họa đối với chiếc máy bay MH17.

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17.

Ông A. Kartapolov thẳng thắn tuyên bố hành động này có mục đích tạo "chứng cớ giả" cáo buộc máy bay dân dụng của Malaysia  bị tên lửa bắn hạ từ khu vực do lực lượng ly khai miền Đông kiểm soát.

Ông này nói: "Nếu Mỹ thực sự có ảnh vệ tinh, chúng tôi đề nghị bàn giao những hình ảnh đó cho cộng đồng quốc tế để nghiên cứu chi tiết”.

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" và vố đau của Mỹ nhận từ BBC

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại tuyên bố: "Nga không chỉ hỗ trợ, trang bị vũ khí và huấn luyện các phần tử ly khai mà còn cung cấp hệ thống tên lửa BUK đã sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay chở khách MH17”.

Nhưng thật đáng tiếc cho ông Kerry, khi ông "đánh trống xuôi", Tổng thống Obama đã "thổi ngược kèn" vì có lời "thừa nhận" vào hôm 25/7 rằng, ông không biết ai bắn rơi chiếc máy bay MH17 hoặc lý do vì sao, đồng thời cho biết hãy còn quá sớm để đưa ra kết luận nhất là trong điều kiện xác minh đối tượng hay nhóm đối tượng gây ra cái chết oan ức cho gần 300 sinh mạng vô tội. Không có bằng chứng cho thấy Nga có bất kỳ mối liên quan nào đến vụ “bắn nhầm" MH17. Tình báo Mỹ không hề thấy hệ thống tên lửa BUK được kéo dọc biên giới Ukraina - Nga trước khi xảy ra vụ rơi chiếc máy bay dân dụng Malaysia.

Các chuyên gia nhận dạng giọng nói của CIA và NSA đã xác thực chặn được cuộc trao đổi của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina (đã được đăng lên Youtube), tuy nhiên, chính cộng đồng mạng quốc tế, trong đó có người dân Mỹ đã làm bẽ mặt ngành tình báo Mỹ khi "chộp" được bản hội thoại gốc rồi  bằng những phân tích chi tiết bóc mẽ nghiệp vụ của  CIA: đoạn băng ghi âm đó đã được cắt ghép. Sau khi chiến thuật "tung hỏa mù" thông tin tình báo bất thành, Mỹ tiếp tục nhận thêm một vố đau, lần này đến từ "đồng minh" thông tin BBC (Anh).

Ngoại trưởng John Kerry và Tổng thống Mỹ đã không "ăn ý nhau" khi phát biểu về Nga có hay không có "liên quan" đến vụ thảm nạn MH17.

Câu chuyện khiến Nhà Trắng phải "ngậm quả đắng" diễn ra như sau: Ngay sau khi chiếc máy bay MH17 bị rơi ở khu vực do lực lượng ly khai miền Đông Ukraina kiểm soát, tình báo Mỹ, Ukraina liên tục công bố thông tin, hình ảnh tố cáo Nga đứng đằng sau hỗ trợ “lực lượng ly khai”.

Để xác thực thông tin Cơ quan An ninh Phản gián Ukraina đã chụp những bức ảnh hệ thống tên lửa BUK và một đoạn băng video hiện trường quay cảnh quân ly khai khoe "chiến tích" bên đống đổ nát của một chiếc máy bay, nhà báo Olga đã trực tiếp gặp người dân quanh khu vực máy bay rơi để hỏi chuyện gì đã xảy ra với một chiếc máy bay dân sự. Hầu hết người dân sống quanh hiện trường đều  khẳng định họ thấy có một chiến đấu cơ Ukraina áp sát  MH17 và "một vụ nổ trên không đã xảy ra".

Để đưa tin "nóng" nhằm lên án lực lượng quân sự miền Đông Ukraina đòi ly khai khỏi chính quyền Kiev, BBC đã nhanh chóng đưa bài kèm theo một đoạn video do phóng viên Olga thực hiện lên trang BBC online. Nhưng sau đó biết "bị hớ", BBC đã vội vàng thay bằng "tin mới" với những chi tiết trái ngược hoàn toàn.

Cụ thể: "Cơ quan An ninh Ukraina đã phát hành ảnh cùng một đoạn video mà theo quan điểm của họ đã chứng minh chiếc Boeing bị một quả tên lửa BUK bắn rơi. Chúng tôi (BBC) - phóng viên Olga nói trước ống kính máy quay - đã cố gắng xác minh hình ảnh cùng thông tin này ngay tại hiện trường. Một trong những bức ảnh cho thấy có khói bốc lên từ địa điểm phóng tên lửa như đã từng giả định. Chúng tôi cố gắng tìm ra khu vực này.

Chúng tôi hiện đang đứng ở ngoại ô thành phố Torez. Đằng sau tôi, cách chừng 5km là thành phố Snezhnoye. Và cảnh quan nơi đây phù hợp với hình ảnh mà chúng tôi từng nhìn thấy trên ảnh do Cơ quan An ninh Ukraina công bố".

Tuy nhiên, thật không may cho BBC vì họ đã quên Google có lệnh cache (giấu/lưu trữ tin hoặc tệp tin, đặc biệt tin báo điện tử) nên dù đã nhanh tay xóa lỗi, nhiều người vẫn biết bản tin gốc do phóng viên Olga thực hiện đều ngược lại mọi thông tin từ Cơ quan An ninh Ukraina cho rằng: có một quả tên lửa BUK hạ "nhầm" máy bay dân dụng MH17 từ khu vực do lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina kiểm soát.

Vậy là, một lần nữa cỗ máy truyền thông phương Tây cùng tình báo Mỹ đã để xảy ra "sơ suất" trong quá trình "tác nghiệp" khiến dư luận càng thêm hoang mang không hiểu những gì đang xảy ra đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraina nói chung và thảm họa MH17 nói riêng.

Vì sao điều tra vụ MH17 cực kỳ phức tạp?

Theo tờ Daily Beast, vì chiếc MH17 gặp nạn và rơi xuống một "vùng đất vô luật pháp, vô chính phủ", nên công tác điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt việc giải mã hộp đen chỉ như một bước khởi đầu, quan trọng không kém là làm thế nào để "đọc" chính xác "mật mã" từ đống đổ nát đầy tang thương tại hiện trường.

Malaysia tuyên bố Ukraina phải có trách nhiệm về thảm họa MH17

Theo một bài báo đăng trên tờ Lianhe Zaobao (Singapore) số ra ngày 25/7 vừa qua, Malaysia đã có tuyên bố đầu tiên nêu rõ Chính phủ Ukraina phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Liow Tiong Lai  tuyên bố quy trách nhiệm cho Ukraina với giọng gay gắt và đầy xót thương các nạn nhân: "Chính phủ Ukraina cần có trách nhiệm với thảm họa này vì hệ thống kiểm soát không lưu Ukraina đã để MH17 bay qua không phận (đang xảy ra giao tranh) của nước này và bị bắn rơi vào ngày 17/7 khi đang trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia), sát hại toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn”.

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.