Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran: Một bước lùi… ba bước tiến?

Thứ Năm, 29/10/2009, 21:40
Hôm 25/10 vừa qua, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đặt chân tới Tehran để tham gia chương trình kiểm tra nhà máy làm giàu uranium thứ hai của Iran tại Qom, từ trước vẫn bị chính quyền nước này che giấu.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Tehran vẫn chưa đưa ra câu trả lời dứt khoát với đề xuất mới của IAEA (có sự tham gia của Nga, Mỹ và Pháp) về việc giúp đỡ làm giàu uranium ở nước ngoài với lý do "nghi ngờ vào tính chân thực" của đề xuất. Nhiều người đang hy vọng về một bước đột phá mới trong thời gian sắp tới...

Đề xuất của IAEA liệu có được chấp thuận?

Theo kế hoạch dự kiến, các thanh sát viên của IAEA sẽ tác nghiệp tại Iran trong vài ngày. Nhiệm vụ chính của họ là trực tiếp tới nhà máy làm giàu uranium nói trên, kiểm tra mức độ chân thực về các số liệu đã được Tehran cung cấp trước đó, cũng như xác định khả năng những mẫu uranium tại đây liệu có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự hay không.

Trước đó, Hãng tin Reuters khẳng định, Iran đã che giấu sự hiện diện của nhà máy làm giàu uranium thứ hai này trong suốt 3 năm, và họ chỉ chịu đồng ý cho hoạt động thanh sát nơi này trong cuộc đàm phán 6 bên vào ngày 1/10 vừa qua tại Geneve để tránh gây căng thẳng hơn nữa trong quan hệ với phương Tây.

Còn theo lời của các quan chức Iran, nhà máy nằm cách Tehran 160 km về phía nam này chỉ làm giàu uranium để sử dụng cho các mục đích hòa bình. Tuy nhiên khẳng định trên vẫn khiến các chuyên gia phương Tây nghi ngờ vì nhiều lý do. Theo họ, nhà máy này không hiểu vì lý do gì được xây dựng ngay trên khu vực một căn cứ quân sự, nằm sâu trong một địa hình đồi núi dày đặc. Hơn nữa, công suất của nhà máy thứ hai này không đủ để đảm bảo nhiên liệu dù chỉ cho một nhà máy điện hạt nhân, trong khi đủ để chế tạo từ 1 đến 2 đầu đạn hạt nhân mỗi năm. 

Trong khi đó, người ta vẫn chưa thể rõ tương lai của đề xuất được Nga, Mỹ và Pháp chuẩn bị dưới sự bảo trợ của IAEA đã được nêu ra trong cuộc đàm phán vừa qua với Iran. Theo kế hoạch này, Iran sẽ gửi khoảng 70 đến 80% lượng uranium nguyên liệu của mình tới Nga để làm giàu tới mức 20% trước khi chuyển sang Pháp. Paris về phần mình sẽ đảm trách giai đoạn cuối cùng của việc chế tạo uranium làm giàu đủ để sử dụng cho mục đích hòa bình của Iran.

Tuy nhiên hôm 23/10, người đứng đầu phái đoàn Iran là Ali Ashgar Soltanieh thông báo với IAEA rằng, Iran dự định sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn đề xuất trên trước khi đưa ra câu trả lời. Quan chức này viện cớ rằng, Tổng giám đốc IAEA Mohamed El-Baradei không xác định thời hạn cụ thể để các bên đưa ra câu trả lời. Theo lời của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tehran trước sau cũng sẽ chấp nhận đề xuất của IAEA.

Nhưng theo Hãng tin Associated Press, đang có nhiều quan chức cao cấp của Iran công khai phản đối về kế hoạch làm giàu uranium ở nước ngoài. Như Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani công khai tuyên bố: phương Tây đang cố gắng "đánh lừa" Iran thông qua kế hoạch làm giàu uranium ở nước ngoài dưới sự bảo trợ của IAEA.

Theo lời quan chức này, Iran đơn giản nên mua uranium làm giàu ở nước ngoài, thay vì ký kết thỏa thuận đưa tới 80% lượng uranium nghèo của mình sang Nga.  Dù sao, công luận quốc tế vẫn đang hy vọng Tehran sẽ sớm có câu trả lời đối với đề xuất trên.

Đàm phán bí mật Iran - Israel

Trong lúc này, báo chí phương Tây bất ngờ đưa ra những thông tin khẳng định về các cuộc đàm phán bí mật giữa IranIsrael lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua. Cụ thể theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, đã có một cuộc gặp bí mật giữa các quan chức cao cấp của Israel và Iran tại Cairo (Ai Cập) để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông với sự có mặt của các đại diện EU, Mỹ, Liên đoàn Arập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn theo tờ Haaretz của chính Israel, Giám đốc bộ phận trang bị và giám sát thuộc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Israel là Meirav Safari-Odiz và đại diện Iran tại IAEA Ali Ashgar Soltanieh đã có một loạt những cuộc gặp bí mật vào cuối tháng 9 trong khuôn khổ Ủy ban Quốc tế về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tờ báo này còn kể rằng, Safari-Odiz đã né tránh câu hỏi của Soltanieh về việc, liệu Israel đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hiện chưa thể khẳng định những tiết lộ bất ngờ trên là chuyện tình cờ hay cố tình, nhất là nó được đưa ra vào thời điểm Tehran rất có thể sẽ chấp nhận đề xuất làm giàu uranium ở nước ngoài.

Nhưng theo đánh giá của giới quan sát, một thỏa thuận trên nguyên tắc của Iran với các cường quốc đang gây ra mối lo ngại đặc biệt của Israel, đơn giản là nó sẽ làm giảm đáng kể cơ hội siết chặt các biện pháp cấm vận chống Iran, kèm theo đó là khả năng không kích của quân đội Israel vào các cơ sở hạt nhân của nước này.

Còn có một nguyên nhân hết sức quan trọng khác, khi Tel-Aviv lo ngại một thỏa thuận tương tự giữa Iran và phương Tây sẽ buộc Israel phải từ bỏ "chính sách hai mặt" về vấn đề hạt nhân, buộc họ phải mở cửa các cơ sở hạt nhân của chính mình cho IAEA thanh sát.

Tờ La Republica của Italia khi đưa ra thông tin về cuộc gặp bí mật trên - được đánh giá là "Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của Iran và Israel trong bầu không khí cuộc chiến tranh lạnh 30 năm" - còn cho biết thêm, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh khá căng thẳng và có nhiều lời buộc tội lẫn nhau, tuy cả hai bên đều có dịp bày tỏ hết quan điểm của mình.

Một trong những chủ đề của cuộc gặp đáng chú ý này có bàn đến khả năng biến Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Trước mắt, trong khi đại diện Israel thừa nhận có những cuộc gặp trên, thì Tehran vẫn cương quyết phủ nhận về thông tin này, đồng thời chỉ khẳng định rằng, họ đang tập trung để đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán công khai tại Geneve và Vienna

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.