Xung quanh việc hiện đại hóa quân đội của Thái Lan

Thứ Tư, 31/10/2018, 14:52
Việc Thái Lan quyết định mua trang thiết bị của Trung Quốc để hoàn thành một phần kế hoạch hiện đại hóa lục quân và hải quân Hoàng gia Thái Lan, làm hao tổn giấy mực của giới truyền thông, là một ví dụ cụ thể.

Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua Luật Chống đối thủ của Mỹ bằng trừng phạt (CAATSA) để trừng phạt Nga. Luật mới áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào thực thể hay các quốc gia ký hợp đồng vũ khí với doanh nghiệp Nga. Đã có nhiều câu hỏi về việc chính sách mới này sẽ tác động như thế nào tới các đồng minh và đối tác đang tìm cách mua vũ khí từ Nga?

Và việc Thái Lan quyết định mua trang thiết bị của Trung Quốc để hoàn thành một phần kế hoạch hiện đại hóa lục quân và hải quân Hoàng gia Thái Lan, làm hao tổn giấy mực của giới truyền thông, là một ví dụ cụ thể.

Những chiếc xe tăng phía trước tòa nhà Quốc hội Thái Lan.

Thực dụng và phù hợp

Gần đây, Ấn Độ đã trở thành tâm điểm chú ý vì kế hoạch mua tên lửa đất đối không S-400 từ Nga. New Delhi đã và đang tìm cách để hợp đồng mua sắm này của họ được miễn trừ đặc biệt khỏi các biện pháp trừng phạt. Indonesia cũng đang trong tiến trình mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35S từ Moscow và được cho là đã có được sự bảo đảm từ phía Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng nước này sẽ không phải chịu các biện pháp trừng phạt vì hành động này.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang là một thị trường vũ khí tự do cho tất cả các bên - đặc biệt kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Việc Ấn Độ lo lắng về CAATSA là điều có thể hiểu được vì nước này vẫn phụ thuộc vào nhiều hạng mục tốn kém có xuất xứ từ Nga với tư cách một khách hàng truyền thống. Mặc dù trong những năm gần đây, tỷ lệ vũ khí có xuất xứ ngoài Nga mà nước này mua đã gia tăng. Tuy nhiên, Đông Nam Á đã và đang là một sân chơi thực sự đối với các nhà buôn vũ khí quốc tế, những bên trung gian chuyên thiết lập các thỏa thuận.

Nếu gạt tình trạng liên kết hay không liên kết địa chính trị sang một bên, thì các chính phủ luôn để mắt tới những khả năng nâng cấp quân sự vừa túi tiền và tốt nhất là không kèm theo sự ràng buộc nào về chính trị. Bởi thế, suy nghĩ thực dụng thúc đẩy chí ít là một phần tính toán đằng sau chương trình mua sắm vũ khí cho quân đội của nhiều nước Đông Nam Á vốn đang phải đối mặt với tình trạng trang thiết bị lỗi thời hàng loạt và cần tới những giải pháp mang tính hiệu quả về chi phí để thay thế.

Tàu 511 lớp Pattani của Hải quân Hoàng gia Thái Lan làm nhiệm vụ tuần tra ngoài khơi vùng biển quốc tế ASEAN.

Đối với thiết bị quân sự, giữa chất lượng và số lượng luôn diễn ra một sự giằng co. Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các bên tham gia mới trên thị trường vũ khí đã đem lại nhiều lựa chọn hơn. Trường hợp của Trung Quốc là một ví dụ. Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tỏ ra bị ám ảnh bởi CAATSA và việc họ có thể đối phó với Nga như thế nào, thì Trung Quốc bắt đầu thể hiện vai trò trong việc lấp đầy khoảng trống ấy.

Trên thực tế, trong tất cả các bên, Bắc Kinh sẽ là bên nhiệt tình nhất đối với việc đảm nhận vai trò của Nga nếu một ngày nào đó Nga nhận thấy mình bị gạt ra ngoài lề trên thị trường vũ khí toàn cầu. Kịch bản này dường như không có khả năng diễn ra trong hiện tại, tuy nhiên, khi xét tới những hệ quả chiến lược của sự gia tăng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế và quân sự của Trung Quốc, thì không thể không tính đến khả năng người khổng lồ châu Á này rơi vào tầm ngắm của một cái gì đó tương đương với CAATSA trong tương lai.

Chẳng thế mà mới đây, khi ông Donald Trunp tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF (về loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung) với Nga, đã có không ít luồng dư luận cho rằng đó là vì nước Mỹ đang muốn “rảnh tay” để hướng về phía Đông mà mục tiêu chính không phải nước nào khác: Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu tình huống khó xảy ra nói trên thành sự thật, câu hỏi chắc chắn sẽ là về cách đối phó với các quốc gia mua vũ khí không chỉ của Nga mà còn của Trung Quốc. Điều này thường được coi là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn và là một bằng chứng nữa về sự suy yếu của Mỹ trong vai trò bên cung cấp an ninh chính trong khu vực.

Một vài quốc gia Đông Nam Á quả thực có mua trang thiết bị của Trung Quốc với số lượng khác nhau. Và quốc gia nổi bật trong khu vực đã làm như vậy trong thời gian dài nhất là Thái Lan.

Nâng cấp Lục quân

Trong kế hoạch mua sắm xe tăng chủ lực (MBT) hiện đại để thay thế trang thiết bị do Mỹ chế tạo đã có tuổi đời nhiều thập niên, lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA) đã đưa ra con số 200 xe tăng. Việc tiếp tục mua của Mỹ là một phương án bất khả thi bởi nó quá tốn kém, không thể chi trả nổi. Hơn nữa, sau cuộc chính biến tháng 5/2014, các biện pháp trừng phạt đã tước đi của Bangkok khả năng tiếp cận nhiều nhà sản xuất vũ khí phương Tây.

Trong hoàn cảnh việc tiếp cận các nhà sản xuất trang thiết bị nguyên bản (OEM) phương Tây bị giới hạn nghiêm ngặt, Bangkok đã tìm kiếm những lựa chọn thay thế đáng tin cậy là Nga và Ukraine. Năm 2011, RTA đã đặt hàng 49 MTB Oplot-T T84 do Ukraine chế tạo, trị giá 240 triệu USD để thay thế cho những chiếc xe tăng hạng nhẹ cũ kỹ do Mỹ chế tạo.

Tuy nhiên, đến năm 2015, RTA chỉ nhận được 10 chiếc Oplot-T và do nhà sản xuất Ukraine tiếp tục gặp phải những khó khăn trong việc hoàn tất hợp đồng, Thái Lan đã quyết định ngừng nhận hàng vào tháng 4/2017.

RTA khi đó buộc phải một lần nữa tìm kiếm nơi khác để đáp ứng những yêu cầu hiện đại hóa của họ. Khi lục quân Thái Lan mở thầu một lần nữa, NORINCO của Trung Quốc đã đưa ra đề nghị về một lựa chọn thay thế đáng tin cậy là chiếc VT4. Rốt cuộc, giá cả và tính sẵn có của trang thiết bị đã dẫn tới quyết định cuối cùng của Bangkok.

Dù xe tăng Nga có hấp dẫn về mặt tính năng nhưng cái giá thì lại quá sức của Bangkok. Chiếc VT4 đã nổi lên như là một lựa chọn thay thế có tính hiệu quả chi phí cao nhất và được cho là có yêu cầu tính năng chấp nhận được.

Sau khi hợp đồng được thông qua vào đầu năm 2016, lô MBT đầu tiên gồm 28 chiếc VT4 trị giá 150 triệu USD đã đến Thái Lan và được trang bị cho Sư đoàn Kỵ binh thứ 3 đóng tại Prem Tinsulanonda ở Khon Kaen. Sau khi nhận hàng, RTA đã được chính phủ bật đèn xanh để mua thêm lô thứ hai gồm 10 chiếc VT4 với giá 58 triệu USD. Lô hàng thứ ba, dự kiến sẽ trang bị cho một tiểu đoàn đầy đủ gồm 49 chiếc vẫn đang đợi chính phủ phê duyệt.

VT4 của NORINCO đem lại cho RTA khả năng cần thiết với mức giá hấp dẫn và quan trọng là ngoài những cân nhắc về hiệu quả chi phí, người mua hầu như không phải kèm theo sự ràng buộc nào.

Tàu chở trực thăng Chakri Naruebet của Hải quân Hoàng gia Thái Lan do Tây Ban Nha chế tạo.

Thậm chí để giải quyết những mối quan ngại về chất lượng liên quan đến vũ khí hạng nặng của mình bán ra, Bắc Kinh đã đề xuất xây dựng một cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) ngay ở Khon Kaen. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề trải nghiệm trước đây của Thái Lan về chất lượng và hỗ trợ hậu mãi, MRO này cam kết tăng cường đáng kể năng lực các MRO độc lập của RTA, đảm bảo khả năng sẵn sàng vận hành và cung cấp linh kiện dự phòng, dần không phụ thuộc vào các OEM của Trung Quốc.

Thái Lan có lịch sử lâu dài vận hành và sử dụng trang thiết bị quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, những vấn đề về chất lượng, việc thiếu hỗ trợ hậu mãi và linh kiện dự phòng của các OEM Trung Quốc đã làm giảm tính hữu dụng và lòng tin của người Thái. Năm 2010, RTA đã loại bỏ các MBT Type-69II của Trung Quốc trước khi hết hạn sử dụng bằng cách thả chìm chúng ở Vịnh Thái Lan để làm đá ngầm nhân tạo.

Và bài toán nâng cấp Hải quân

Không như lục quân vốn ngang hàng nhưng có ưu thế hơn, hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) có tương đối ít kinh nghiệm trong việc vận hành trang thiết bị Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi phần lớn sự chú ý đầu những năm 1990 tập trung vào tàu sân bay trực thăng Chakri Naruebet do Tây Ban Nha chế tạo thì Thái Lan cũng đã mua các tàu chiến mặt nước chủ lực do Trung Quốc chế tạo. Tàu lớp Chao Phraya, một phiên bản sửa đổi của loại khinh hạm có trang bị tên lửa hành trình lớp Giang Hỗ đời đầu, đi kèm với những tên lửa hành trình chống tàu hiện đại, cụ thể là C-801, là phiên bản xuất khẩu của YJ-81, mà đến lượt nó lại là bản sao của Exocet MM-38 của Pháp.

Similan, một tàu tiếp dầu cho hạm đội, cũng được mua từ Trung Quốc. Cùng với các khinh hạm lớp Knox của Mỹ đã qua sử dụng, còn rất tốt, nhưng khả năng chống máy bay (AAW) và tàu ngầm (ASW) lại yếu. Các tàu lớp Knox tuy có trang bị ASW mạnh nhưng lại cũ. Bên cạnh đó, RTN không thực sự hài lòng với khinh hạm của Trung Quốc do các hệ thống hoạt động dưới mức tối ưu và thường xuyên hỏng hóc.

Và cũng giống như lục quân, điều mà RTN phải đối mặt là vấn đề dai dẳng về ngân sách, buộc họ phải tìm đến những giải pháp sẵn có với hiệu quả chi phí cao nhất. Một lần nữa, RTN lại phải tìm đến Trung Quốc cho các dự án tàu chiến mặt nước chủ lực - tàu lớp Naresuan, cũng trên nền tảng lớp Giang Hỗ. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ Chao Phraya, Naresuan dự kiến sẽ sở hữu thân tàu Trung Quốc được lắp đặt hỗn hợp các hệ thống của cả Trung Quốc và phương Tây.

Trên thực tế, phần lớn các thiết bị cảm biến và hệ thống chiến đấu chính có xuất xứ từ phương Tây. Việc kết hợp như vậy đã khiến RTN cảm thấy hài lòng và quan trọng nhất là đạt được tính hiệu quả về chi phí.

Phấn chấn với thành công của dự án Naresuan, RTN đã tiếp tục với chương trình tàu tuần tra ngoài khơi lớp Pattani với công thức tương tự. Các quan chức cấp cao RTN cho rằng, mặc dù các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất vẫn mờ nhạt so với các trang thiết bị cùng thời của phương Tây về độ tinh vi của công nghệ nói chung và về chất lượng nhưng chúng vẫn đáp ứng được những yêu cầu vận hành của RTN với mức giá cạnh tranh hơn.

Chính trị quả thực đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua sắm vũ khí của một quốc gia. Tuy nhiên, người ta cũng có thể không chú ý hoặc bỏ qua các phương diện thực dụng của việc xây dựng và duy trì năng lực quân sự cho một mục đích nhất định. Trải nghiệm của Thái Lan về vũ khí quân dụng hạng nặng của Trung Quốc không phải không có những thử thách và khó khăn. Chỉ có điều, việc tiếp xúc với chúng, với mức độ tinh vi và chất lượng dần được cải thiện, sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo thế cân bằng giữa những giới hạn về ngân sách quốc phòng và nhu cầu hoạt động tác chiến của nước này.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh bị áp đặt các lệnh trừng phạt, thì các vụ mua sắm quân sự tốn kém của Thái Lan khi đặt vào các yếu tố như tính thực dụng, tính sẵn có của trang thiết bị, chi phí và tính bền vững độc lập của vũ khí hạng nặng, trong đó có tính đến chuyển giao công nghệ đáng kể cho ngành công nghiệp quốc phòng địa phương sẽ là những tiêu chí quan trọng nhất trong việc ra quyết định mua sắm quốc phòng của nước này.

Mai Khuê (theo The National Interest)
.
.