Xung quanh việc tái đắc cử chức Tổng Bí thư của Chủ tịch Kim Jong-il

Thứ Ba, 05/10/2010, 19:45
Những thông tin của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) và nhiều hãng tin trên thế giới xung quanh Đại hội toàn quốc đảng Lao động Triều Tiên (WPK, khai mạc từ ngày 28/9) đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài bán đảo Triều Tiên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên của WPK trong 44 năm qua và cũng là sự kiện lịch sử của CHDCND Triều Tiên bởi ngày 10/10 tới, WPK sẽ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập.

Chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, ngày 30/9, tờ Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên đã cho công bố bức ảnh tân Đại tướng Kim Jong-un và đây là hình ảnh đầu tiên của ông kể từ khi trưởng thành đến nay. Ngay tại phiên khai mạc (28/9), Chủ tịch Kim Jong-il đã được WPK bầu làm Tổng bí thư. KCNA nhấn mạnh, việc tiếp tục được bầu làm người đứng đầu WPK đã chứng minh sự ủng hộ và niềm tin tuyệt đối của nhân dân CHDCND Triều Tiên đối với Chủ tịch Kim Jong-il. WPK đã bầu các thành viên thuộc Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị và dự khuyết Bộ Chính trị. Trong số này đáng quan tâm nhất là ông Ri Yong-ho, bà Kim Kyong-hui (em gái Chủ tịch Kim Jong-il) và ông Chang Song-taek.

WPK cũng bầu Ủy ban Quân sự Trung ương (Ủy ban Quốc phòng Trung ương) gồm 16 người do Chủ tịch Kim Jong-il đứng đầu, tân Đại tướng Kim Jong-un và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Ri Yong-ho làm Phó chủ tịch.

Cùng được phong hàm cấp tướng lần này (28/9) với tân Đại tướng Kim Jong-un còn có bà Kim Kyong-hui, ông Chang Song-taek, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nhà nước, ông Choe Ryong-hae, trợ lý lâu năm của Chủ tịch Kim Jong-il và một số người khác (6 Thượng tướng và Trung tướng, cùng 27 Thiếu tướng). Cho tới nay, bà Kim Kyong-hui là người phụ nữ đầu tiên ở CHDCND Triều Tiên đeo quân hàm tướng cao như vậy trong quân đội. Giới phân tích cho rằng, tuy rất gần gũi và thân cận với Chủ tịch Kim Jong-il, nhưng dư luận hiếm khi nghe và nhìn thấy bà Kim Kyong-hui trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo giới truyền thông, Chủ tịch Kim Jong-il từng thừa nhận: “Khi em gái nổi giận, ngay cả tôi cũng không thể làm gì”. Bà Kim Kyong-hui là người duy nhất ở CHDCND Triều Tiên dám nói thẳng thắn với Chủ tịch Kim Jong-il và thể hiện cảm xúc trước mặt ông. Còn chồng bà, ông Chang Song-taek cũng từng trải qua khá nhiều thăng trầm và chính thức tái xuất hiện trên chính trường sau đợt đột quị hồi tháng 8/2008.

Ông Chang Song-taek (Jang Song-taek) vừa là chồng bà Kim Kyong-hui, vừa là nhân vật có quyền lực tại CHCDND Triều Tiên. Ngoài những nhân vật kể trên, dư luận còn đặc biệt quan tâm tới ông Ri Yong-ho, người vừa được thăng cấp hàm Phó nguyên soái, người có thực quyền hơn Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-chun. Phó nguyên soái Ri Yong-ho đồng niên với Chủ tịch Kim Jong-il, là người có uy tín cao trong quân đội - gia nhập quân đội từ năm 16 tuổi và đã lập nhiều công trạng lớn.

Ông Kim Jong-il (giữa) và bà Kim Kyong-hui.

Giới quân sự cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-il muốn thông qua việc phong hàm Phó nguyên soái để ông Ri Yong-ho dốc sức phò trợ ông Kim Jong-un. Chuyên gia về CHDCND Triều Tiên của Viện Sejong tại Seoul, Hàn Quốc Cheong Seong-chang nhận định: phong hàm Phó nguyên soái cho ông Ri Yong-ho đồng nghĩa với việc Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân trở thành cánh tay phải của tân Đại tướng Kim Jong-un khi giải quyết các vấn đề của quân đội.

Ông Kim Jong-Un sinh ngày 8/1/1983 (có tài liệu nói 1984, thậm chí năm 1982), cao 1,75m, nặng trên 90kg, hiện đang mắc chứng tiểu đường, huyết áp cao và là con trai út của Chủ tịch Kim Jong-il. Dư luận và những người từng gần gũi với tân Đại tướng đều cho rằng, ông Kim Jong-un rất được lòng Chủ tịch Kim Jong-il bởi ông giống bố từ diện mạo đến tính cách. Giới truyền thông đưa tin, vì sớm nhận ra "năng khiếu chính trị: bạo dạn, quyết đoán và có tham vọng chính trị" của con út nên ngay từ năm 1992 - trước khi được đưa sang Thụy Sỹ du học - Chủ tịch Kim Jong-il đã huấn thị và ông Kim Jong-un thực hiện rất nghiêm túc điều này. Theo đó ông Kim Jong-un không tham gia bất cứ hoạt động ngoại khóa nào bởi không muốn chủ nghĩa tư bản tiêm nhiễm vào mình.

Ngoài ra, Chủ tịch Kim Jong-il cũng giữ bí mật tuyệt đối về sự chuẩn bị này - hầu như không có thông tin hay bức ảnh nào về ông Kim Jong-un lọt ra ngoài. Khi học tại Trường Quốc tế Gumlingen, ông Kim Jong-un được biết tới dưới cái tên Pak Chol, con của một tài xế trong Đại sứ quán. Khi học ở Trường Liebefeld, bạn học gọi Kim Jong-un là Pak-un. Đương nhiên, trong thời gian học ở Thụy Sỹ, ông Kim Jong-un được nhân viên Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên chăm sóc cẩn trọng.

Ông Kim Jong-un có thể nói tiếng Đức, tiếng Anh khá tốt và thích trượt tuyết, chơi bóng rổ với thần tượng là ngôi sao Michael Jordan, diễn viên cơ bắp Jean-Claude Van Damme. Có người nói rằng, ông Kim Jong-un thích lái xe Mercedez, ăn món Trung Quốc, Nhật Bản và hút thuốc lá bạc hà.

Chuyên gia nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên tại Trường đại học Yonsei ở Seoul Park Myung-lim nhận định, Chủ tịch Kim Jong-il vừa thiết kế xong một ban lãnh đạo mới - những người được ông tin tưởng nhằm tạo môi trường tốt nhất để có thể chuyển giao quyền lực cho con trai Kim Jong-un.

Những thách thức không nhỏ

Giới bình luận cho rằng, vấn đề sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-il là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tiến trình đưa ông Kim Jong-un vào vị trí hiện nay. Cách đây hơn 2 năm, Chủ tịch Kim Jong-il đã bị đột quị và từ đó đến nay ông ít xuất hiện trước công chúng. Có người nói, ông Kim Jong-il đang bị ung thư tuyến tụy. Tuy mới 27 tuổi, nhưng ông Kim Jong-un đã được phong hàm Đại tướng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy chưa được bầu vào Bộ Chính trị, nhưng với 3 chức vụ kể trên, người ta cho rằng, ông Kim Jong-un rất có thể trở thành người thay thế Chủ tịch Kim Jong-il thời gian tới. Nhưng vì chưa tới tuổi "tam thập nhi lập" nên nhiều người coi việc đeo quân hàm Đại tướng là một thách thức lớn đối với ông Kim Jong-un. Mặc dù từng theo học ở Thụy Sỹ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tân Đại tướng sẽ lãnh đạo tốt một lực lượng quốc phòng với hơn 1,2 triệu người.

Giới truyền thông đưa tin, để chuẩn bị cho việc nắm quân đội, cách đây 8 năm ông Kim Jong-un đã theo học tại Trường đại học Quân sự Kim Il-sung (từ năm 2002 đến tháng 4/2007). Đây được coi là bước đệm quan trọng để bồi dưỡng tân Đại tướng trở thành người kế vị Chủ tịch Kim Jong-il thời gian sau này bởi lãnh đạo đất nước đều là người đứng đầu quân đội. Giới chuyên môn nhận định, trong thời gian trước mắt, ông Kim Jong-un sẽ đảm trách phần chính trị quân sự.

Bức ảnh vừa công bố, ông Kim Jong-Un (bên trái).

Thách thức hiện nay của tân Đại tướng Kim Jong-un là nhanh chóng tạo mối quan hệ tốt với những tướng lĩnh và chỉ huy của các binh chủng trong quân đội bởi đây là lực lượng đóng vai trò trọng yếu trên chính trường CHDCND Triều Tiên. Có người nói rằng, ông Kim Jong-un giỏi phân tích tình hình, tạo dựng quan hệ và là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Theo tin của tờ JoongAng Llbo, Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vừa thành lập một đội vệ sĩ đặc biệt để bảo vệ tân Đại tướng Kim Jong-un.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới đại hội lần này của WPK bởi điều đó có ảnh hưởng quan trọng đối với tương lai của đất nước. Trước, trong và sau khi WPK tổ chức đại hội, giới truyền thông thế giới đã có nhiều tin, bài bình luận xung quanh việc cất nhắc ông Kim Jong-un tại hội nghị lần này bởi nó khiến giới chuyên môn nhớ lại câu chuyện cách đây 30 năm. Khi đó, tại phiên họp tổng kết của WPK (năm 1980), ông Kim Jong-il đã được xác nhận là người kế vị cuối cùng của Chủ tịch Kim Il-sung cho dù 14 năm sau (1994) ông mới tạ thế. Khi mới được chấm trở thành người kế vị, nhiều người cho rằng, ông Kim Jong-il sẽ không thể lãnh đạo đất nước sau khi Chủ tịch Kim Il-sung qua đời, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.

Cho tới nay, Mỹ và Hàn Quốc vẫn luôn theo dõi sát và thận trọng mọi di biến động trên chính trường Bình Nhưỡng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell vừa tuyên bố: Washington đang hợp tác với các nước hữu quan trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc để đánh giá ý nghĩa của động thái này

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.