Xung quanh vụ tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein

Thứ Ba, 09/01/2007, 15:00

Ông S.Hussein đã bị treo cổ theo một kỹ thuật mà Ủy ban phụ trách tử hình của Hoàng gia Anh đưa ra từ giữa thế kỷ trước, nhằm tạo ra cái chết không gây đau đớn cho tử tù bằng cách làm gãy các đốt sống cổ.

Khoảng 6 giờ ngày 30/12/2006 (theo giờ địa phương), bản án tử hình cựu Tổng thống S.Hussein đã được thi hành.  Cái chết của ông S.Hussein đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau ở một số nước trên thế giới và ngay tại Iraq.

Ngay từ trước đó, tờ báo tiếng Arập Al-Hyatt dựa trên nguồn tin từ các quan chức cao cấp Iraq giấu tên đã khẳng định, chính phủ nước này muốn tử hình ông Saddam “càng nhanh càng tốt”, và nhất là “phải trước thời điểm năm mới”. Nguyên nhân là đúng vào dịp này, thế giới Hồi giáo kỷ niệm ngày lễ hiến sinh Id al-Adha. Việc tử hình cựu Tổng thống Iraq vào đúng dịp hay thậm chí sau ngày lễ này rất có thể sẽ khiến người Hồi giáo nhìn nhận Saddam như với vai trò một “người tử vì đạo”, đúng như lời ông ta đã tuyên bố chỉ vài ngày trước khi phải lên giá treo cổ.

Những giờ phút cuối cùng

Toàn bộ thủ tục của buổi hành hình ông S. Hussein đã được tiến hành tại căn cứ quân sự ở Khadimiya với sự tham gia của các quan chức và quan tòa Iraq. Đồng thời tất cả quá trình này đều đã được ghi hình lại. Theo lời những người chứng kiến, ông Saddam xuất hiện trong những chiếc cùm vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Ông không hề run rẩy hay có hành động chống đối.

Cần nhớ là vào ngày 5/11, ông S.Hussein đã từng hét lên khi nghe thấy bản án tử hình của mình, khẳng định mình phải bị xử bắn với tư cách là thống soái chứ không phải bị treo cổ như một tội phạm. Lời đề nghị duy nhất của ông Saddam là nhờ trao lại cuốn Kinh Koran trên tay mình cho một người nào đó. Ông cũng khước từ việc đội mũ trùm đầu trước khi thi hành án.

Người dân cầu nguyện cho cựu Tổng thống S.Hussein.

Các nhân viên thi hành án khoác lên cổ của ông Saddam một tấm khăn màu đen và sau đó là vòng dây thòng lọng. Khi một nhân viên kéo chiếc cần gạt, ông S.Hussein sụt xuống khoảng nửa mét trên miệng cánh cửa sập. Cái chết đến với cựu Tổng thống Iraq gần như ngay tức khắc. Sau khi bị treo ở tư thế trên trong khoảng 10 phút và được bác sĩ khẳng định đã chết, thi thể của ông Saddam được gỡ xuống và được bọc vào một cái bao màu trắng.

Ngay sau khi vụ hành quyết hoàn tất, cố vấn của đương kim Tổng thống Iraq đã tuyên bố, thi thể của ông S.Hussein được chuyển cho quân đội Mỹ bảo quản và trong tương lai có thể được chuyển giao cho họ hàng ông này. Được biết là cô con gái Ragad của S.Hussein (đang sống lưu vong tại Yemen) đã đề nghị Tổng thống nước này chuyển thi thể của cha mình để chôn cất tạm thời trên lãnh thổ Yemen. Ragad hy vọng khi tình hình sau này đã ổn định, có thể đem hài cốt của S.Hussein về chôn tại thành phố Tikrit ruột thịt của ông.

Nhưng theo một số thông tin, Chính phủ Iraq đã khước từ đề nghị này của Ragad. Các luật sư của ông S.Hussein còn lo ngại rằng, thi thể ông có thể bị đưa đi chôn cất bí mật tại một ngôi mộ vô danh nào đó, do chính quyền không muốn địa điểm này trở thành một nơi tôn thờ của những người ủng hộ ông Saddam.

Cuối cùng, S.Hussein đã được chôn vào hôm chủ nhật (31/12/2006) ở Tikrit, ngay tại nghĩa trang có mộ hai con trai Uday và Qusay của ông (bị quân Mỹ tiêu diệt hồi năm 2003).

Những phản ứng về vụ hành quyết

Phản ứng của thế giới về cái chết của cựu Tổng thống S.Hussein có thể nói là rất khác biệt. Tổng thống W.Bush đã tuyên bố, việc hành quyết S.Hussein chính là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới nền dân chủ của quốc gia này. Tuy nhiên, chính W.Bush cũng cảnh báo, cái chết của ông Saddam không thể đặt dấu chấm hết cho tình trạng bạo lực tại Iraq. Còn Bộ Ngoại giao Anh thì khẳng định, Hussein đã phải đền tội vì những tội ác chống lại nhân dân Iraq. Nước Pháp tỏ ra kiềm chế hơn khi kêu gọi người dân Iraq “nên nhìn về tương lai”, mặc dù vẫn ủng hộ cho việc bãi bỏ hoàn toàn bản án tử hình. Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Terry Davis đã lên án việc hành quyết S.Hussein, mặc dù vẫn đánh giá cựu Tổng thống Iraq là một tội phạm trong quá khứ.

Ngay trong hàng ngũ các quốc gia Trung Đông cũng có những phản ứng rất trái ngược. Phía Iran bày tỏ sự hoan nghênh về vụ hành quyết Saddam, nhưng đồng thời cũng không quên công kích Mỹ. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, Mỹ không có bất cứ liên quan nào đối với việc tử hình S.Hussein, sự kiện được đánh giá là một chiến thắng của nhân dân Iraq. Các nhà ngoại giao nước này còn khẳng định, Mỹ không nên “ghi công” chiến thắng này cho mình. Kuwait tuyên bố việc treo cổ ông S.Hussein là công việc nội bộ của Iraq và người dân nước này, bày tỏ mong muốn Iraq trong tương lai sẽ trở nên an toàn và ổn định hơn. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp lại hy vọng rằng, vụ tử hình Saddam sẽ là bi kịch cuối cùng trong lịch sử Iraq. Trong khi đó, Chính phủ Libya lại không cho Hussein là một tội phạm đáng nhận án tử hình mà là “một tù binh”, đồng thời tuyên bố để tang 3 ngày.--PageBreak--

Nước Nga cho rằng, việc tử hình S.Hussein chỉ có tác dụng làm căng thẳng thêm tình hình tại Iraq, cụ thể là làm gia tăng những mâu thuẫn sắc tộc tại quốc gia này. Ấn Độ tỏ ý thất vọng về vụ hành quyết này, khi trước đó đã hy vọng là bản án trên sẽ không được thi hành. Phía Trung Quốc phản ứng về vụ việc này hết sức ngắn gọn khi nhận định: “Vấn đề của Iraq cần phải do chính nhân dân Iraq giải quyết”. Tòa thánh Vatican thì coi việc hành quyết này là một bi kịch thực sự, có thể dẫn tới một làn sóng xung đột và trả thù mới.

Cuối cùng, chính người đứng đầu Chính phủ Iraq Nuri al-Maliki lên tiếng chúc mừng người dân nhân vụ “tử hình tên tội phạm Saddam”. Ông này còn tuyên bố, công lý đã được thực hiện, đề nghị người dân nước này hòa giải để bắt đầu xây dựng một nước Iraq mới. Có điều là chỉ vài giờ ngay sau vụ hành quyết, tại Iraq đã diễn ra một loạt 4 vụ đánh bom khủng bố khác nhau tại các thành phố Baghdad và Kufa khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương.

Con đường giành quyền lực và những thăng trầm của ông S.Hussein

S.Hussein sinh ngày 28/4/1937 tại Tikrit. Ông gia nhập đảng Baath vào năm 1957 và nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị của đảng này. Đáng chú ý là vào năm 1959, Saddam đã tham gia vào một kế hoạch được người Mỹ hậu thuẫn nhằm ám sát Thủ tướng Abdul Karim Qassim. Sau thất bại trong vụ này, Saddam đã phải nhận một viên đạn vào chân, rồi trốn ra nước ngoài. Thời gian sống lưu vong này cũng là thời gian Saddam có mối quan hệ cộng tác rất chặt chẽ với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Cũng nhờ sự ủng hộ rất nhiệt tình của Mỹ, đảng Baath do Abdul Salam Arif đã thực hiện cuộc đảo chính thành công vào tháng 4/1963. Saddam quay trở về Iraq nhưng rồi lại nhanh chóng bị bắt giam, khi Arif quay trở lại đàn áp ngay chính các thành viên chủ chốt của đảng Baath. Saddam vượt ngục thành công vào năm 1967, và chỉ một năm sau tham gia vào cuộc đảo chính thứ hai của đảng này lật đổ chính quyền của Abdul Salam Arif. Giữ chiếc ghế Phó tổng thống trong chính quyền mới (Tổng thống là tướng Ahmad Hassan al-Bakr, một người cũng có quan hệ họ hàng với Hussein), nhưng Saddam đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực để trên thực tế trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất tại Iraq.

Saddam cho triển khai nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, ông ta cho xây dựng một bộ máy an ninh hùng mạnh, cũng như tìm cách đưa họ hàng hay người cùng bộ tộc lên nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền. Về kinh tế, Saddam cho quốc hữu hóa công ty dầu mỏ (được thành lập dưới thời thực dân Anh, phục vụ mục đích khai thác dầu giá rẻ cho phương Tây). Quyết định quan trọng trên đã giúp cho chính quyền Iraq có được những khoản tiền lớn để đầu tư vào kinh tế cũng như xây dựng quân đội. Nhờ đó, Iraq đã nổi lên thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế cũng như quân sự hàng đầu trong hàng ngũ các nước Arập vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Khi đã có đủ quyền lực vững chắc, Saddam chính thức thay thế Ahmad Hassan al-Bakr trên chiếc ghế Tổng thống Iraq. Ông ta mở đầu giai đoạn  nắm quyền của mình bằng cuộc chiến tranh với Iran kéo dài trong suốt 8 năm sau đó, cướp đi sinh mạng hàng triệu người của cả hai bên. Cuộc chiến Iran - Iraq đã đưa Iraq lâm vào tình cảnh khó khăn cả về chính trị và kinh tế. Hơn nữa, thời điểm này đã bắt đầu sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa chính quyền Saddam với Mỹ. Washington công khai lên tiếng chỉ trích Saddam về nhiều vấn đề, đặc biệt là những hành vi đàn áp người Kurd và người Shiite.

Vì những mâu thuẫn trong việc khai thác dầu cũng như vấn đề xóa nợ, Saddam đã cho quân tràn vào nước láng giềng Kuwait, mở đầu cho cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Nhưng chỉ vài tháng sau, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tham chiến khiến Saddam phải nhận lấy thất bại và rút quân khỏi nước này. Từ mốc thời điểm này, Iraq đã phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt và o ép từ phương Tây do Mỹ đứng đầu. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Saddam Hussein vẫn duy trì được quyền lực vững chắc của mình ngay tại Iraq, khiến Washington phải tìm mọi cách để gạt bỏ ông ta.

Với lý do chính phủ của Saddam có dính líu với các tổ chức khủng bố, cũng như âm mưu chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt, tháng 4/2003, Mỹ đã đổ quân vào Iraq, lật đổ chế độ của S.Hussein. Sau một thời gian lẩn trốn, ông Saddam đã bị quân Mỹ bắt giữ tại một căn hầm gần Tikrit vào ngày 13/12/2003.

Phiên tòa xét xử S.Hussein cùng với một số quan chức trong chính phủ ông ta đã kéo dài trong suốt 2 năm sau đó. Đến ngày 5/11/2006, Tòa sơ thẩm Iraq đã chính thức phán quyết án tử hình cựu Tổng thống S.Hussein vì những hành động đàn áp và thảm sát dân thường trước đó. Sau khi Tòa phúc thẩm chính thức bác đơn kháng cáo của Saddam, ông đã bị treo cổ vào ngày 30/12 vừa qua

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.